Con người tha hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 66 - 74)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Con người tha hóa

2.2.3.1. Con người tha hóa vì đánh mất mình trong truyện ngắn Bảo Ninh

Tha hóa là một phạm trù của triết học chỉ quá trình phát triển biện chứng, tước bỏ và bảo tồn, quá trình phủ định của phủ định và là thuộc tính phổ biến, là quá trình phổ biến của tự nhiên, của xã hội và của tư duy. Theo đó, con người tha hóa có thể hiểu là con người đã biến đổi thành người khác. Nổi bật trong truyện ngắn Bảo Ninh là những con người tha hóa vì đánh mất mình.

Đọc truyện ngắn Bảo Ninh, người ta thấy rằng ông không hề có ý định miêu tả những tội ác do Mỹ ngụy gây ra. Thế nhưng, qua sự hồi tưởng của các nhân vật, gương mặt chiến tranh vẫn hiện lên với đầy đủ góc cạnh. Chiến tranh đã gây ra hậu quả khôn lường đối với vạn vật và con người: Mộc, Tư,

hoạ sĩ Năm Tín… mất hết người thân, Diệu Nương “thân tàn ma dại”; biến làng Diêm thành “cái làng cô hồn”; người chết la liệt các nội cỏ, nổi lềnh phềnh trên mặt sông; người sống ngắc ngoải “người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm”… Phải chăng chính cái sự ghê rợn và dã man ấy đôi lúc cũng chiến thắng lý tưởng, nhen nhóm lên trong lòng người lính những cảm xúc tiêu cực vốn đã ngủ sâu: sự bi quan chán nản, sự sợ hãi trước sức tàn phá của bom đạn kẻ thù… Đây cũng chính là cái nhìn đổi mới, thẳng thắn và quyết liệt của Bảo Ninh với chiến tranh bởi lâu nay những mặt trái khuất lấp trong tâm hồn con người vốn không được các nhà văn đề cập đến. Đó là hiện tượng người lính đào ngũ như Nhu, Hành trong Đêm trừ tịch. Khi được phiên chế ở sư đoàn bộ binh, nhiều anh lính “sợ vãi linh hồn”. Nhiều người đào ngũ trong đó có Nhu “mắt lươn”. Nhu và một người nữa đã nhanh chân rút ngay trước hôm đơn vị hành quân. Còn Hành, anh đã hai lần trốn chạy. Hành đi lính lần này không phải vì mục đích lớn lao như người ta vẫn thường nói mà chỉ đơn giản là để hai em gái của Hành không phải xấu hổ vì có người anh đào ngũ mà thôi. Nhưng không chỉ có thế, Bảo Ninh còn dám đề cập đến những cảm xúc chân xác nhất trong tâm hồn mỗi người lính. Đó có thể là nỗi sợ hãi, là sự bi quan, chán chường, mệt mỏi. Chứng kiến cảnh đồng đội bị thương, “tôi” (Đêm trừ tịch) cảm thấy “kinh hãi và ghê sợ”; trải qua một đợt bom của địch, “tâm hồn tôi đã quá phờ phạc”; hành quân vào ngày ba mươi Tết, trải qua vài trận bom khiến tôi nản chí, “toàn thân rã rời, hoàn toàn suy kiệt, không còn nổi lấy một gờ ram tinh thần, tôi vật mình nằm xuống mặt cỏ khô cứng đã ướt rượt trong sương giá, người co quắp, ngủ thiếp đi, bại hoại cả cõi lòng trong một niềm thương thân hèn mọn” [60; tr.182]. Và cũng có lúc họ chỉ hứa suông chỉ để nhằm thoả mãn dục vọng của mình như những người lính đến với Diệu Nương trong Gió dại)… Với những nốt trầm như thế này, Bảo Ninh đã mang đến những khoảng lặng thực sự quý giá để người đọc có thể hiểu một cách trọn vẹn về hình tượng người lính trong kháng chiến và hơn hết đó là tội ác

không kể xiết của hai chữ “chiến tranh”, và tha hóa là một sự thật nghiệt ngã phải chấp nhận.

Con người tha hóa trong truyện ngắn Bảo Ninh biểu hiện rõ nhất ở nhân vật Diệu Nương trong Gió dại. Cô là một cô gái khao khát yêu và được yêu. Ngay việc Bảo Ninh miêu tả vẻ đẹp hình thể đã cho thấy điều đó: “trong màn ban mai, ảo mộng và thực tại lẫn lộn, âm thanh và hình ảnh nhòa nhập. Một thân hình thon thả, một dáng đi uyển chuyển. Suối tóc xõa trên lưng. Song đó có thể chỉ là hư ảnh của một bài ca, một ảo giác lồng trong tiếng hát. Một bóng ma. Một bóng ma tha thiết và quyến rũ, mềm mại và sống động nhưng có thể bỗng chốc tan biến trong huyền bí” [60; tr.55]. Cái đẹp ấy chính là dự cảm cho một tương lai bất định. Bởi cô vốn xuất thân là một ca sĩ Ngụy nên bị khinh rẻ hay bởi tài năng của cô làm người ta ghê sợ bị mê hoặc nên lảng tránh, không ai nói ra nhưng sự thật mà Diệu Nương nhận lại là sự cười nhạo: “Họ chế giễu và thương hại thay cho cái giống đàn bà gốc Ngụy chẳng khác chi” người giấy, quen thói lười nhác, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, bây giờ đây mới được biết thế nào là mồ hôi nước mắt một kiếp người” [60; tr.78]. Nhưng dần dần tình cảnh khổ sở của cô nhói vào lòng những người lính nỗi thương cảm. Họ tới bên cô, an ủi và đề nghị được giúp đỡ. Cây tình yêu được bắt rễ từ chính những khoảng khắc ác liệt nhất của chiến tranh. Nhưng điều đáng nói ở đây là môi trường độc tính của nó lại không cho phép tồn tại sự sống của tình yêu: “Hồi ấy lệnh trên gần như cấm tiệt bộ đội không được tiếp xúc với đám dân còn chưa được giác ngộ, còn nửa ngụy của vùng mới giải phóng. Không có nhiệm vụ tuyệt đối không được láng cháng vào làng. Kiêng kỵ như vậy thật kỳ quặc nhưng quân lệnh như sơn, lơ mơ bị bắt quả tang đang vi phạm thì tha hồ mà kiểm thảo lên kiểm thảo xuống, rồi kỷ luật Đảng kỷ luật Đoàn đủ vành đủ vẻ tai vạ chuốc vào thân” [60; tr.65]. Nhưng giữa thời buổi loạn lạc, đến sự tôn nghiêm của nhà thờ cũng bị xâm phạm, “chẳng điều răn nào là còn hiệu lực, chẳng lề luật nào mà không bị nới lỏng” [60; tr.75] thì liệu rằng cái quân lệnh kia có ngăn nổi những trái tim yêu đang căng lên những nhịp đập sôi nổi của

tình yêu, tuổi trẻ. Các tay lính pháo thủ cao xạ Bắc Việt đã đến cho Diệu Nương yêu thương, cho cô hy vọng cả những hứa hẹn nhưng tuyệt nhiên không ai đủ dũng cảm dám quay trở lại, “lời hứa gió bay”. Chỉ có một người giữ chữ Tín với Diệu Nương, đó là Tuấn, “không hiểu xoay sở thế nào, cách năm ngày, cách mười ngày, từ chốt vùng ranh ven thị xã, Tuấn băng đồng cỏ về làng thăm Diệu Nương” [60; tr.79]. Tình yêu cứ thế đơm đầy giá như không có chiến tranh. Cũng như bao đôi trẻ yêu nhau khác, Diệu Nương và Tuấn đã phải trả giá bằng chính cái chết của mình. Cuối tác phẩm, nhà văn viết: “sau bụi cây bị băm đạn, hai con người ấy quấn lấy nhau. Những vết đạn như càng vặn xiết hai cơ thể vào nhau. Vào chớp mắt cuối cùng, người đàn ông dường như đã cố dùng thân mình đỡ đạn cho người đàn bà” [60; tr.86]. Nếu như trong Trại “bảy chú lùn”, Nga chọn cách ra đi thì trong tác phẩm này, Diệu Nương lại chọn cách quay lại lán trại dù biết rằng hành động của mình chẳng khác gì đi tìm thần chết nhưng phải chăng chỉ cái chết mới đủ sức mạnh để bảo vệ tình yêu, chỉ có cái chết mới không thể chia lìa được tình cảm của cô với người mình yêu. Khắc họa những tình yêu vì chiến tranh mà lụi tàn, phải trả giá bằng chính mạng sống, Bảo Ninh đã lên tiếng ủng hộ tình yêu, qua đó thể hiện sự xót thương đối với những người phụ nữ chịu nhiều tổn thương bởi chiến tranh.

Nhưng không chỉ là sự xót thương, tình cảm trân trọng mà Bảo Ninh dành cho những nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của mình còn là sự thông cảm đến cao thượng. Truyện ngắn Rửa tay gác kiếm là nỗi xót xa của Quang bị vợ phụ bạc, nhưng bản thân người vợ cũng không có lỗi. Sự phụ bạc và tha hóa về nhân cách của cô chỉ do hoàn cảnh chiến tranh đưa đẩy, đúng như lời minh oan của anh cho vợ mình: “Lấy nhau mới được bảy ngày là tớ lên đường đi Bê. Như vậy là cô ấy đã phải vò võ chịu đựng những năm trời có lẽ chứ nào ít ỏi gì đâu, thế mà sức người thì có hạn (...). Thôi thì sự đã vậy thì đành vậy, tớ chẳng thiết” [60; tr.274]. Đúng là không phải ai cũng suy nghĩ tích cực và cao thượng được như nhân vật của Bảo Ninh.

2.2.3.2. Con người tha hóa vì sự sáo rỗng trong truyện ngắn Heinrich Böll

Trong thế kỷ XX tại châu Âu, triết học hiện sinh đã ghi dấu ấn đậm nét bằng việc thổi một luồng gió mới lạ vào không khí triết học lúc bấy giờ với những trang tiểu thuyết, kịch, những bài thơ, truyện ngắn của các nhà tư tưởng lớn như M.Heidegger, J.Sartre, Marcel, K.Jaspers... về chủ đề con người với các giá trị đặc trưng như tự do, vươn lên, giải phóng... Xu hướng tiếp cận này thêm lần nữa khẳng định vấn đề con người luôn là chủ đề trung tâm của văn học nói riêng và triết học nói chung. Heidegger – nhà triết học hiện sinh người Đức khẳng định: “Con người là hữu thể duy nhất có đặc tính là biểu lộ bản chất của mình và bản chất vạn vật”. Việc nghiên cứu con người như đối tượng nhận thức về chính mình giúp nhận ra sự tha hóa của chính con người do xã hội tạo nên. Và một trong những hình thức tha hóa chiếm ưu thế trong xã hội phương Tây chính là sự tha hóa về tinh thần mà xã hội Đức không phải là một ngoại lệ. Với khát vọng vực dậy ý chí kiên cường của người Đức sau chiến tranh, Heinrich Böll đã dùng ngòi bút của mình xây dựng những con người tha hóa vì sự sáo rỗng và cùng với việc chỉ ra sự tha hóa là tìm ra cách thức, con đường khắc phục nó.

Trong truyện ngắn Đêm thánh vô cùng, nhà văn người Đức đã thẳng thắn chỉ ra sự tha hóa tinh thần biểu hiện trước hết ở “hiện tượng suy đồi” trong họ hàng của nhân vật tôi trong chiến tranh mà theo tôi “hiện tượng suy đồi đã hiện rõ nhưng theo một thỏa thuận ngầm, người ta cố làm ngơ trong một thời gian, cho đến bây giờ mới quyết định nhìn thẳng vào mối nguy trước mắt” [35; tr.69]. Qua thái độ đó của cả gia đình, chúng ta hiểu rằng, dường như tất cả mọi người đều né tránh sự thật hay nói khác hơn là không muốn tin vào sự thật bởi nó quá ư là khủng khiếp: “Tôi chưa dám dùng từ sụp đổ, nhưng nhiều sự kiện đáng lo ngại tích tụ tới mức nguy hiểm khiến tôi phải thuật lại những điều tuy lạ tai với người đồng thời nhưng lại là sự thật không thể chối cãi. Nấm mốc

hủy hoại đã ăn sâu dưới lớp vỏ vừa dày, vừa cứng, những tập đoàn ký sinh báo hiệu sự mất thanh danh của cả một dòng họ” [35; tr.69]. Nối tiếp sự lo sợ, nhân vật tôi đóng luôn vai trò của người kể chuyện, lần về quá khứ, dẫn người đọc vào chính không gian gia đình của mình. Vì câu chuyện được tường thuật bởi nhân vật tôi nên mang đậm tính chất chủ quan của người kể. Một khi anh ta là người trong cuộc kể lại thì mức độ tin cậy lại tăng lên bội phần. Người ta tin rằng, nỗi đau đó là hoàn toàn có thật. Nhân vật được tôi nhắc đến nhiều nhất trong dòng hồi tưởng của mình có lẽ là người mợ Milla. Mợ Milla đặc biệt thích trang trí cây thông Noel. Với mợ, cây thông là biểu tượng của hạnh phúc, của hòa bình, ấm no và sum họp. Thế nhưng chẳng ai có thể tồn tại được trước sự hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh, cây thông của mợ vì thế cũng nhanh chóng hoang tàn. Và mợ bắt đầu có vấn đề về thần kinh, sự gào thét điên dại là triệu chứng của một người không bình thường. Bằng sự cố gắng của bác sĩ khoa thần kinh, bác sĩ tâm thần và của cả gia đình, mợ cũng dần ổn định. Có thể nói, nhân vật mợ Milla chính là một điển hình tính cách cho con người Đức hoang mang, bế tắc và sợ hãi sau chiến tranh. Viết Đêm thánh vô cùng, Heinrich Böll mong muốn tìm ra một phương thức chữa bệnh hữu hiệu nhất để vực dậy tinh thần lạc quan của người Đức sau chiến tranh. Khát vọng có được cây thông Noel chính là khát vọng có được hòa bình, nó không chỉ là mơ ước của nhân vật mà cũng chính là mong muốn của Heinrich Böll về một nước Đức bình yên, hạnh phúc sau chiến tranh.

Sự sáo rỗng, khô cằn về nghệ thuật cũng là một biểu hiện của con người tha hóa về tinh thần. Trong truyện ngắn Đi tìm độc giả, nhân vật tôi có một người bạn, “bạn tôi làm một nghề lạ: anh không ngại xưng mình là nhà văn chỉ vì có vài hiểu biết tiềm tàng về chính tả và giờ đây, anh đánh máy những bài tập văn phong, cứ được một xấp thì gọi là bản thảo” [35; tr.63]. Cứ như thế, mấy năm trời anh ta mới tìm được một nhà xuất bản và tuyệt vọng thay anh ta chỉ bán được 13 bản – 5 mác 46 xu. Nhưng vấn đề là ở chỗ, anh được ứng trước 800

mác, vậy nếu lượng sách bán ra không đổi thì khoảng 150 năm, anh mới trả hết nợ. Không nản lòng, anh viết tiếp cuốn sách thứ hai. Sách được xuất bản và được giới chuyên môn hoan nghênh, “số bản dành cho việc bình luận vượt quá 400, số bán được sau nửa năm là 29” [35; tr.64]. Anh được phong danh hiệu là “Witt trong sáng”. Và lúc đã có gần 100 bài phê bình tốt về anh, cả hai cuốn sách bán được hơn 90 bản thì chủ nhà xuất bản mở chiến dịch được bạn nhân vật tôi gọi là “cuộc đi tìm độc giả” nhằm tạo mối liên hệ giữa tác giả và người đọc. Sau khi khởi sự được bốn tuần, ở tận miền Bắc xa xôi, có một ông xuất đầu lộ diện hỏi mua sách của anh ta và phần thưởng cho vị độc giả “may mắn” này là một chuyến du lịch miễn phí đến miền Nam nước Đức. Ông ta là giáo viên trung cấp, đang trong kỳ nghỉ nên chẳng dại gì từ chối một lời mời hấp dẫn như thế. Và câu chuyện chỉ đến hồi bi kịch khi nhà văn và độc giả gặp nhau.

Đầu tiên, họ tranh cãi về cái gọi là thiên tài. Anh nhà văn bảo với độc giả rằng: “Ông thật là một thiên tài, một thiên tài cỡ lớn”. Bằng tất cả sự ngưỡng mộ, độc giả lại nhỏ nhẹ đáp lời nhà văn: “Không đâu, tôi nghĩ chính ông là thiên tài mới phải”. Tất cả sự phủ nhận của độc giả trở nên vô ích trước lập luận “sắc sảo” của nhà văn: “Ông lầm rồi, đặc điểm chính của thiên tài là sự hiếm có và ông thuộc hạng người hiếm có hơn tôi”. Dù ông độc giả cố đưa ra những lý lẽ để bác bỏ nhưng lại được nhà văn giải thích một cách thô thiển: “chẳng gì cả, viết một cuốn sách không khó bằng làm ra nó. Tìm nhà xuất bản dễ như chơi, nhưng mua sách – tôi gọi đó là hành động phi thường”. Vậy rốt cuộc ai là thiên tài đây? Là người sáng tạo tác phẩm hay là người mua sách? Tình huống tranh cãi này khiến người đọc buồn cười bởi nó chả ăn nhập gì với mục đích chính của cuộc trò chuyện. Họ gặp nhau chỉ vì muốn khiêm tốn gọi người kia là thiên tài hay sao.

Thứ hai, họ bất hòa trong mối quan hệ giữa một bên là lợi ích vật chất và một bên là khát khao cống hiến cho nghệ thuật. Và càng tranh cãi, cả hai dường như càng tô thêm sự hào nhoáng cho tác phẩm của mình. Anh nhà văn cầu xin

ông độc giả từ bỏ mong muốn gửi xấp giấy đánh máy đến nhà xuất bản nếu muốn được trả lộ phí và ăn bánh kem. Vị độc giả càng bướng bỉnh, anh nhà văn càng hết lòng cứu giúp, thậm chí đưa ra cả giấy tờ thanh toán tiền nong của nhà xuất bản để ông ấy xem. Nhưng tất cả những điều ấy đều không được Schlegel – tên của vị độc giả, lưu ý tới. Kết thúc truyện ngắn, anh nhà văn ngừng kể cho nhân vật tôi, nhưng với tình thế ấy, ai cũng đoán họ chỉ còn nước cãi nhau mà thôi. Và

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 66 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)