7. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Heinrich Böll với những mối phức cảm riêng tư
Cũng giống như Bảo Ninh, ký ức về chiến tranh với Heinrich Böll cũng là những mảng màu không thể phai nhòa. Tuy cách xa về địa lý, lối sống và nếp nghĩ nhưng đều là con người, không ai là không biết đau? Nếu như ở Việt Nam, nói về dòng văn học hậu chiến, chúng ta nhắc ngay đến Bảo Ninh thì ở Đức người ta nghĩ ngay đến Heinrich Böll. Những tác phẩm ông để lại cho đời là những bằng chứng xót xa nhất cho nỗi đau mà dân tộc Đức phải chịu đựng sau chiến tranh. Trong những truyện ngắn, Heinrich Böll đã không miêu tả trực tiếp chiến tranh, mà chậm rãi quét ống kính qua các mảng hiện thực rạn vỡ của nước Đức hậu chiến. Suốt các tập truyện, chúng ta thấy thấp thoáng nhân dáng những người lính hồi hương, đã thấy, ngửi, chạm vào cái chết ở chiến trường, tê dại nhìn mảnh mảng xối bám chênh vênh trên góc mái ngôi nhà cũ; phảng phất tiếc nuối về ký ức sống yên bình, với một người con gái, hay bên dòng Rhein tăm tối, u buồn vẳng tiếng còi báo mù sương; và đây đó là những tâm thế hoang mang trước sự suy đồi của con người trong cuộc sống mưu sinh... Chính sự đa dạng về mặt cảm xúc mà chúng ta thấy lắm lúc Böll tự mâu thuẫn với chính mình. Một mặt, ông tỏ ra hờ hững, chán ghét sự vô nghĩa lý của chiến tranh nhưng mặt khác nhà văn lại cố gắng nhen nhóm niềm tin và cái Đẹp vào trong từng đối tượng cụ thể. Do vậy, chiến tranh hiện lên trong tâm thức của Böll chằng chịt những mối phức cảm riêng tư.
Phức cảm (complex) vốn là một thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái tâm lý của con người. Cốt lõi của hiện tượng này là một khát vọng mang tính “lưỡng diện”, đó là nguồn cội mọi sự chênh vênh của nhân vật trong tác phẩm. Người đọc như bị mê hồ giữa một mê lộ thời gian, quá khứ - hiện tại – tương lai đan xen, nối tiếp. Với cách tiếp cận này, Heinrich Böll đã vận dụng thành công thủ pháp của nghệ thuật thứ 7. Những trang viết của ông hệt như những thước phim quay chậm xã hội Đức thời hậu chiến. Theo đó, con người trong tác
phẩm cũng nửa tỉnh nửa mơ như khoảng khắc của một cái nháy mắt. Mở mắt anh ta thấy đó là biển cả rộng lớn, nhắm lại là anh ta mơ đến những thương vụ khổng lồ hứa hẹn sẽ cho anh ta thật nhiều tiền trong tương lai (Giai thoại làm suy giảm đạo đức lao động), trước mắt là một khuôn mặt bị phá hủy nhưng hồi tưởng kéo đến cho phép anh mường tượng ra một gương mặt thật xinh đẹp (Nàng Anna xanh xao) hay thậm chí nhân vật tuy đang thăm một viện bảo tàng cổ nhưng hồi ức kéo về mang cho nhân vật sự hào nhoáng, quyền uy của bậc đế vướng (Hồi tưởng của một vị vua trẻ)... Có thể thấy, nhà văn nói đến sự đổ vỡ trong hiện tại là nhắm đến khẳng định sự huy hoàng trong quá khứ khi chưa có bước chân của hung thần chiến tranh. Nói cách khác quá khứ tươi đẹp và tương lai rực rỡ chính là niềm ao ước trở về và đi đến của Heinrich Böll, thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Đây cũng chính là điểm gặp gỡ của nhà văn Việt Nam với nhà văn Đức trong đề tài tâm thức thời hậu chiến. Nếu như với tâm lý ám ảnh, Bảo Ninh chủ trương xoáy sâu vào những vết thương thường trực nơi tâm hồn người lính bằng cách lặp lại những cái chết ghê rợn, những chuyến xe lỡ bước, những lần gặp gỡ rồi chia ly vĩnh viễn thì Heinrich Böll với sự bộn bề trong những mối phức cảm riêng tư cũng tỏ ra hết sức khách quan, lạnh lùng khi miêu tả từng phận người sau cuộc chiến. Nhưng dù tiếp cập dưới góc độ nào, ta thấy các nhà văn vẫn dành hết tấm huyết cho nhân vật mà mình yêu thương. Cái Đẹp tự thân vẫn có một sức sống tiềm tàng.
Không chỉ nhà văn băn khoăn, trăn trở mà những yếu tố tâm lý đó cũng theo ngòi bút anh ta in đậm vào trong tác phẩm. Tiêu biểu cho kiểu tâm lý đó trong truyện ngắn Heinrich Böll không thể không nhắc đến truyện ngắn Thiên đường đã mất. Đây cũng chính là tác phẩm mở đầu cho cả tập truyện, được ông hoàn thành vào năm 1949. Ở đó, Böll kể về câu chuyện của một người lính trở về quê nhà sau khi chiến tranh kết thúc. Và rồi từ những hoang tàn
của mảnh đất hôm nay, từng bước chân đều dẫn đưa anh về với những ký ức xa xưa, giờ đã hóa thành những mảnh tàn tro, chỉ còn phập phồng mỏng manh. Không ai trong Thiên đường đã mất kêu gào về chiến tranh, mọi thứ đều hiện ra một cách vô cùng nhẹ nhàng. Đó là một sự ý nhị sầu muộn. Không chỉ con người, mà cỏ cây hoa lá xung quanh, hay ngay chính những đồ vật được đặt trong không gian ấy cũng cất lên lời buồn, nhưng ấy chỉ là lời âm thầm vô cùng mà thôi. Người đàn ông trong Thiên đàng đã mất với những mối phức cảm riêng tư như thế, đã được Böll miêu tả bằng sự giản dị, tinh tế của ngôn từ, và sự thấu hiểu sâu sắc của một tâm hồn đầy sự yêu thương. Một biểu hiện thứ hai của tâm lý “phức cảm” trong truyện ngắn Böll là sự đa thanh, đa giọng điệu trong tác phẩm. Dù viết về bất kỳ nhân vật nào, ngòi bút của Böll luôn hết sức uyển chuyển, vẫn thâm trầm, sâu sắc mà cũng không kém phần hóm hỉnh, sắc sảo, thậm chí đôi khi bỡn cợt. Những truyện ngắn như Sưu tập im lặng của tiến sĩ Murke”, Khách… quý, hay Chuyện như đùa
đều thể hiện rõ bút pháp đối lập nhưng vô cùng nhuần nhuyễn của Böll. Sau tất cả, những câu chuyện của Böll vẫn hiện lên một vẻ đẹp muộn sầu của hoang tàn, nó giống như một bài hát rất buồn nhưng khiến con người run lên vì đồng cảm.
Ngoài ra, bằng giọng văn lững thững, điềm đạm và đầy ấm áp, Heinrich Böll còn đề cập đến những vấn đề thường thấy của con người trong quá trình quay về cuộc sống mới sau chiến tranh như sự trống rỗng, sự tráo trở hay thậm chí bán rẻ căn tính để thấy cuộc đời thực chất là những vở diễn rất dài, khi người này bước xuống sân khấu thì ngay lập tức lại có một người bước lên thế chỗ. Ở đây, ông thể hiện bản thân là người ít nhiều hoài nghi về giao tiếp giữa con người với con người. Tâm lý phức cảm giúp ông xem xét vấn đề trên tất cả các phương diện đời sống nhưng khi sự cực đoan, nghi ngại lên đến đỉnh điểm, ông chẳng còn tin vào bất kì điều gì nữa. Và ông đặt niềm tin
mãnh liệt vào sự lặng im. Sự lặng im được xem như điều chia sẻ đẹp đẽ nhất mà con người có thể làm cho nhau giữa những rã tan và vô nghĩa. Dấu ấn này cũng được đặc biệt thể hiện trong truyện ngắn Sưu tập im lặng của tiến sĩ Murke. Heinrich Böll được đánh giá là một nhà văn viết về hậu chiến xuất sắc. Ông viết về cái đói nghèo, tha hóa, cái tàn tạ, hủy hoại bằng một thứ văn chương thơ mộng như sương khói. Böll chính là người cần mẫn gieo nên những hạt mầm quý, để con người từ ấy mà vun trồng lại những điều tốt đẹp đã từng vì chiến tranh mà bị tàn lụi. Ông nhận được sự vinh danh của giải thưởng Nobel cao quý năm 1972 cũng bởi những ý nhị sâu sắc và vô cùng nhân văn ấy.
CHƯƠNG 2
CUỘC SỐNG VÀ CON NGƯỜI MANG TÂM THỨC THỜI HẬU CHIẾN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA BẢO NINH VÀ HEINRICH BÖLL