Những ký ức chất chứa suy tư trong truyện ngắn Bảo Ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 43 - 46)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Những ký ức chất chứa suy tư trong truyện ngắn Bảo Ninh

Nói đến chiến tranh là chúng ta nói đến sự chết chóc, hủy diệt. Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống nên phải nói đúng sự thật ấy. Với việc tái hiện chiến tranh như đang diễn ra, Bảo Ninh đã hé mở cho chúng ta thấy những sự thật khác nhau về cuộc chiến tranh chống Mĩ. Tác giả cho thấy cuộc chiến tranh ấy diễn ra không chỉ trong hoàn cảnh chiến tranh mà diễn ra cả trong khi đất nước đã hòa bình. Đó là chiến tranh trong cảm nhận của người lính.

Viết về chiến tranh, Bảo Ninh không nhằm thể hiện những cảm nhận, những nhận thức thuần túy bằng trực giác để đưa ra những nhận xét, những khái quát vội vã và cảm tính, mà bằng một độ lùi cần thiết của thời gian ông nhìn chiến tranh như một hiện tượng xã hội tổng thể, từ đó có đủ thời gian, tâm thế để kiểm chứng những hậu quả xã hội của nó. Tư duy nhận thức lại về chiến tranh vốn nằm trong quy luật phổ biến và vận hành chặt chẽ của nhân loại. Các nhà văn cũng vậy, khi cuộc chiến đã đi qua là lúc họ nhìn nhận lại, đo lại những chấn động về mọi mặt xã hội do chiến tranh để lại cho dân tộc mình. Điều này dẫn đến một kết quả tất yếu là những tác phẩm viết về chiến tranh và cuộc sống thời hậu chiến có cái nhìn bình tĩnh hơn, khách quan hơn và vì thế mà đọc nó ta thấy thấm thía hơn những gì được viết nhanh, viết vội ngay trong chiến hào và khói lửa. Và với Bảo Ninh cuộc sống hôm nay chính là những ký ức chất chứa đầy suy tư.

Trước hết, đó là những ký ức đẹp. Nó đẹp đến nỗi nhân vật nhớ như in từng mốc thời gian, từng cử chỉ, hoạt động diễn ra trong quá khứ. Trong

truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ, tuy sống trong hoàn cảnh lịch sử mới nhưng nhân vật vẫn khôn nguôi nhớ về quá khứ do đó “nhà thì mới mà người như cũ hẳn” [60; tr.531]. Khung cảnh về một Hà Nội xưa luôn đau đáu trong tâm thức của nhân vật: “Phố dài, nhiều cây, nhưng ngày trước từ cuối phố vẫn có thể nghe thấy tiếng leng keng và thấy được thoáng bóng tầu điện chạy ngang qua ngã tư đầu phố. Bây giờ, đứng trên tum nhà ba tầng mà chịu không thể nhìn với qua được tường nhà bên cạnh. Ngày trước, đoạn cuối phố này chẳng nhà cửa gì, đất rộng phó mặc cho cỏ dại và ma trơi. Nay đất chẳng còn, chỉ những nhà lầu và nhà lầu, bề bề bê tông, tôn, thép, nhôm, kính. Cũng là tất nhiên thôi, đã ba mươi tư năm rồi còn gì, ngày ấy với bây giờ” [60; tr.532].

Và bên cạnh đó, Bảo Ninh cũng làm sáng lên tinh thần sẵn sàng xông pha trận mạc của một lớp thanh niên Hà thành. Ai cũng háo hức, vui sướng bởi được góp sức mình đuổi quân xâm lăng: “Mọi người ầm ĩ gọi nhau, hồ hởi vỗ vai nhau: “A! Mày đấy à, cũng đợt này à, hay quá! Mày này, tao này, thằng Cung, thằng Bình “mắt lươn”, thằng Mão “nhọ nồi”, thằng Toàn “min tu”, thằng Vũ… thằng con đầu nhà bà giáo Son, thằng con thứ nhà ông Tâm y tá, thằng cháu đích tôn nhà cụ Doãn vẽ truyền thần, nhà Phúc béo gia công mỳ sợi, nhà Vạn Toét chữa xe đạp, nhà Minh điếc bán nước sôi… Đông đảo người đi thế này làm sao mà biết hết nhau được. Không khéo sau đợt nghĩa vụ này, phố tụi mình chỉ còn lại bọn lãi con và con gái” [60; tr.550]. Như vậy, rõ ràng chiến tranh trong ký ức của nhân vật đâu chỉ có nỗi buồn mà còn có niềm vui, vinh dự thực sự khi được cống hiến, được sống hết mình vì tổ quốc, vì nhân dân. Đây là một cái nhìn hết sức chân thật, cũng là niềm vui nhưng niềm vui trong truyện ngắn Bảo Ninh khác hẳn về bản chất so với các tác phẩm phục vụ cho nền văn học minh họa xuất hiện trước đó vốn chỉ có ý nghĩa tuyên truyền.

Thứ hai, điểm chung của các nhân vật xuất hiện trong truyện ngắn Bảo Ninh khi viết về chiến tranh là hầu hết họ đều bước qua ngưỡng cửa của tuổi trẻ nên khi bước vào tuổi trung niên, cuộc sống với họ là bộn bề những suy tư, chiêm nghiệm của con người từng trải trong chiến tranh. Trong đó, có cả những người một thời lầm lỡ như nhân vật ông già trong Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng hối hận vì đã một thời theo Pháp. Ông hối hận vì đã che chở cho người Pháp, làm bạn với người Pháp. Những tưởng văn minh Pháp sẽ trị được thói hung tàn của bọn Nhật, nào ngờ sau chiến tranh không phải là hòa bình mà là một cuộc xâm lăng tàn bạo. Điều đó khiến ông già vô cùng đau đớn, xót xa. Đây là đặc điểm thể hiện nét nhân văn rất mới trong truyện ngắn của Bảo Ninh khi quan tâm đến cả số phận của những con người từng phân vân ở giữa ngã ba cuộc đời hay ở bên kia chiến tuyến. Đó là khát vọng khám phá đến tận cùng số phận cá nhân trong cái nhìn đa diện về con người. Những nhân vật của Bảo Ninh luôn có ý thức tự nhận thức, suy tư nên có khả năng tự phanh phui, mổ xẻ chính mình. Dù họ đang chìm trong đau khổ, dằn vặt nhưng điều đáng quý là hành vi phản tỉnh, vươn lên khỏi những xấu xa, ích kỉ, sai lầm.

Nếu như ở tác phẩm trên sự suy tư diễn ra ngay trong bản thân nhân vật thì trong truyện ngắn Vô cùng xưa cũ, cái nhìn ấy lại chuyển từ thế hệ sau đối với thế hệ trước mà ở đây là Tâm đối với cha mình. Trong Tiếng hát sang xuân, Tố Hữu đã dành những vần thơ rất hay để nói về sự nối tiếp giữa hai thế hệ: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”, nhưng đó là trong kháng chiến, còn trong thời bình, dường như sợi dây ấy là vô cùng mong manh. Là vì Tâm chưa hiểu bố hay vì bố Tâm lúc nào cũng nén cảm xúc cho riêng mình hay vì họ đại diện cho hai thế hệ không còn chung lý tưởng? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra nhưng tác giả không trả lời. Cả câu chuyện là những suy nghĩ, trăn trở của Tâm về những ký ức với gia đình, với mẹ Tâm, với Loan – người bạn gái cùng lớp và đặc biệt là với cha Tâm –

người cha vốn ít nói, kiệm lời. Tâm luôn cảm nhận được hình như cha có điều gì cần nói với mình: “Là Tâm đoán thế, chẳng chắc lắm” [60; tr.5]. Dường như có một khoảng cách vô hình, ngăn cách tình cảm giữa hai cha con. Từ khi biết nghĩ và biết nhớ, Tâm nhớ là chưa lần nào được cha gần gũi. Ngược lại, cha lặng lẽ bộc lộ sự yêu thương chiều chuộng cho hai đứa em gái của Tâm. Người kể chuyện đặt mình vào vị trí của nhân vật Tâm để cảm nhận và thuật kể. Nhiều từ ngữ chỉ cảm giác và suy nghĩ của Tâm như: Tâm nhớ, càng lớn lên Tâm càng nặng mặc cảm, anh không thể hiểu, anh ngồi, lặng thinh, dửng dưng, lãnh đạm một cách tồi tàn… góp phần soi rọi thế giới nội tâm của nhân vật như yêu, ghét, hờ hững, xót xa. Những trạng thái cảm xúc của Tâm bộc lộ một cách hết sức tự nhiên. Tâm nhìn vào chính mình và anh cảm thấy xót xa với “tình cha con nhiều đau đớn một thời”. Các nhân vật của Bảo Ninh thường buồn là vì vậy, dù tỏ ra mạnh mẽ thế nào họ vẫn không thể thoát ra khỏi sự ám ảnh một thời đã in sâu vào tâm thức.

Như vậy, dù là con người bước ra khỏi cuộc chiến tranh hay con người với bao sự bồn bề trong cuộc sống hiện tại, với hàng loạt các nhân vật khác nhau, Bảo Ninh đã thể hiện được cuộc sống sau chiến tranh một cách chân thật và sâu sắc. Qua hệ thống nhân vật của mình, ông thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới mẻ về con người. Theo đó, con người được nhà văn nhìn ở góc độ đời tư với tất cả cái tốt đẹp, xấu xa của loài người. Quan tâm đến vấn đề đạo đức thế sự đời thường, văn học sau 1975 nói chung và Bảo Ninh nói riêng đã làm nên một bức tranh đa dạng về cuộc sống, qua đó khẳng định giá trị nhân văn to lớn của mình trong việc khám phá, đi sâu vào bản chất phức tạp bên trong của con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)