7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Bảo Ninh Không gian tù túng, chật hẹp
Khảo sát hơn 40 truyện ngắn Bảo Ninh, chúng tôi nhận thấy có thể chia không gian nghệ thuật thành hai loại chính là không gian chiến trường và
không gian đời thường gắn với hai phạm vi hiện thực được phản ánh chủ yếu trong tác phẩm. Nếu như không gian chiến trường gắn liền với hình tượng người lính anh hùng, dũng cảm trong chiến đấu thì không gian đời thường lại gắn với người lính bước ra từ cuộc chiến với bao suy tư, trăn trở. Tất cả đều có chung tính chất là tù túng, chật hẹp, sự dồn nén đến đỉnh điểm làm cho người đọc cảm nhận được tất cả sự ngột ngạt mà nhân vật nếm trải, càng chật hẹp con người càng cảm thấy bí bách, bế tắc, không lối thoát qua đó khắc họa sâu sắc nỗi đau của những mảnh đời trong cuộc chiến.
Thứ nhất là không gian chiến trường. Đây là một trong những không gian chủ yếu nhất trong truyện ngắn Bảo Ninh bởi các truyện của ông tập trung khai thác con người và cuộc sống của người lính.
Một trong những truyện ngắn tái hiện không gian chiến trường một cách đậm đặc là Loan. Ở đó một bên là trung đoàn đặc công 198, một bên là lính Ngụy hiếu chiến, hai bên đều muốn chiếm giữ phi trường. Trên không, máy bay quần đảo ném bom, bắn phá giữ dội, dưới đất hai bên chiến đấu tranh giành từng tất đất. Cái không khí ác liệt hiện lên: “đột nhiên không khí rung chuyển, lá cây, cát sỏi tung mù mịt. Bỗng một chiếc trực thăng lướt vụt trên mặt đất. Tiếng cánh quạt nền sầm sầm và những loạt rốc két nổ gần sạt, chát tai. Chớp giật đỏ lòe. Khói đen đặc, khét đắng. Phía bên kia bể bơi, một khẩu trọng liên tức khắc gầm lên bắn trả” [57; tr.163]. Đó còn là sự vận động
hàng binh, những chiếc loa inh tai, là sự mạnh mẽ của xe tăng, thiết giáp... tiếng đại bác không ngừng gầm lên. Súng trường, súng máy, lựu đạn, DK, cối lớn, cối nhỏ... mọi vũ khí chiến tranh được huy động nhằm đánh bại quân đối phương. Không khí chiến trường ngày càng ác liệt, dữ dội đến mức điên cuồng. Không khí nóng hập, sự hòa trộn của mùi đạn, mùi gỗ cháy, mùi xác chết... Trong cái không khí ác liệt đó con người buộc phải cầm súng để tồn tại. Qua đó, nói lên sự tàn phá khủng khiếp, ghê sợ của chiến tranh.
Cũng là khủng cảnh chiến trường ác liệt nhưng trong truyện ngắn Khắc dấu mạn thuyền là “một cái gì kinh khủng, một cái gì đó choáng hồn, như một nhát chém xả, đột ngột xé toạc sự tĩnh lặng ra làm đôi. Chiếc phản lực trinh sát, chỉ một chiếc thôi, bất thần cắt ngọt một đường bay sấm sét, khoan thủng thinh không, là sát sàn sạt mái ngói những ngôi nhà, tuốt dọc sống lưng thành phố. Trong phòng cả đến ánh đèn dầu cũng như chết lặng đi, nín thở…” [60; tr.164-165]. Đáp lại, lực lượng phòng không bắn trả quyết liệt, các trận địa pháo 100 mi li mét đồng loạt cất tiếng, tên lửa từng cặp rẽ trời mây ầm ầm lao lên. Rồi bom, bom như mưa từ những con khủng long trời sầu đất thảm. Nó đi qua nơi đâu đất trời rung chuyển, nhà cửa tan hoang, người chết rất nhiều… Một cảnh tượng thảm thương diễn ra trước mắt. Ở đây, có không gian cao rộng của đất trời nhưng đồng thời nó cũng chật hẹp bởi sự bủa vây của quân thù. Tác phẩm đã đề cập đến những mất mát đau thương mà Hà Nội đã phải gánh chịu trong năm 1972 ác liệt.
Hàng loạt các tác phẩm cũng đã miêu tả cảnh chiến trường ác liệt, trong
Âm vang những người mất tích là cảnh chiến đấu dũng cảm của Thùy Liên cô gái xinh đẹp với đám tàn quân Ngụy, là cảnh tượng chiến đấu được hồi tưởng lại trong Rửa tay gác kiếm, là cảnh phi trường Tân Sơn Nhất, thành phố Sài Gòn sáng ngày 30 tháng 4 hỗn loạn trước sự tấn công của quân giải phóng trong Đêm cuối cùng ngày đầu tiên… Kiểu không gian chiến trường cho
chúng ta thấy sự ác liệt của chiến tranh, sự hi sinh, gian khổ của người lính, sự mất mát, nỗi đau chung của cả dân tộc khi phải trải qua chiến tranh. Từ đó, ta có sự đồng cảm sâu sắc, hiểu hơn về số phận con người trong cuộc chiến tương tàn.
Khác với sự bức bối, ngột ngạt của không gian chiến trường, không gian không gian đời thường trong truyện ngắn Bảo Ninh lại mô tả nhân vật trong trạng thái ngưng đọng nhiều hơn. Đó là hình ảnh con người trong cuộc sống hiện tại, với sự cô đơn, không lối thoát của con người hôm nay.
Trong Trại “bảy chú lùn” là sự ngưng đọng của Mộc quanh trại suốt từ những năm kháng chiến. Những năm chiến tranh tình yêu “tay ba” của Mộc, Huy và Nga diễn ra lặng lẽ, cuộc chiến nội tâm giằng xé hai người, có lúc Mộc tự vấn “giữa tôi và Huy ai buồn hơn, khó mà biết được. Nhưng có lẽ tôi thì cứng rắn hơn một chút, còn Huy thì mềm yếu hơn” [60; tr.128-129]. Nga đến làm thay đổi không khí nơi đây nhưng cả Mộc và Huy đều không bước qua được khoảng cách để đến với Nga. Huy dường như trốn tránh, có lẽ cái tình yêu đơn phương nó vậy chăng? Còn Mộc và Nga cũng chỉ là tình cảm “tự nén mình trong những đêm dài thao thức”. Giữa họ khoảng cách địa lí rất gần nhưng khoảng cách tình cảm lại vời vợi xa xăm. Họ một trai – một gái trở nên lầm lì, ít nói nhưng họ không có cách nào để thoát ra hoàn cảnh đó. Chỉ khi có hình bóng của người thứ ba xuất hiện thì người đó đã độc chiếm tất cả những tình cảm ở Nga mà lòng Mộc bấy lâu mòn mỏi, chờ mong. Nga đã yêu người khác, sinh con với người khác. Tuy rằng Mộc vẫn yêu, quan tâm đến Nga nhưng đó là một hoàn cảnh trớ trêu. Cả đến khi hòa bình anh vẫn ở lại trại như một lời nguyền.
Khác với Trại “bảy chú lùn”, truyện Mắc cạn lại là cuộc sống của hai con người trí thức sống dưới thời bao cấp khó khăn. Túc và Hảo từng có những ngày tháng đẹp yêu nhau bên trời Tây, khi về nước với đỉnh cao là hôn
lễ được tổ chức cũng đồng nghĩa với việc tình yêu giảm cường độ. Họ phải lao vào cuộc sống mưu sinh ngày qua ngày. Chuyện cùng nhau đâm đơn ra tòa cũng thật đồng lòng, cùng nguyên do, cùng “bôi trơn” để mọi chuyện được diễn ra. Nhưng sau phiên tòa khi về tới nhà, trời đất thế nào mưa và mưa, mất điện… như một xúc tác, hai con người vừa đâm đơn ra tòa hòa vào nhau như chưa từng được hòa vào nhau. Trời sáng, điện có, mọi thứ lại trở về như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng sau đó Hảo sinh em bé. Đứa bé thiếu tháng, ốm gầy… nhờ vậy mà Túc sang chăm nom mẹ con thường xuyên. Mọi thứ có giá trong nhà của Túc và Hảo đều cho ra chợ trời, ý chí tiến thủ bị dập tắt… có lẽ anh đã bị ghì mình với cái gia đình “không chính chủ” này. Nhưng đứa bé lại mang họ mẹ, kể cả mọi quyết định cô không mảy may, để ý tới Túc. Mọi chuyện dường như bế tắc không lối thoát. Rồi sau đó thêm hai đứa bé nữa ra đời. Con số vẫn lẻ để chia đều cho cả hai. Cuộc sống riêng tư của Túc hoàn toàn bị bế tắc, cái không gian nhỏ hẹp đó chứa đựng những dồn nén, nó không thể nổ tung nhưng nó cũng không thể xẹp đi. Nó cứ giữ mãi trạng thái nén chặt như vậy. Thiên hạ nói Túc đã hoàn toàn mắc cạn “không thể từ bỏ khu tập thể để đến với miền xa đất mới, mà lùi lại năm tháng xưa cũng không thể được. Bức tường xây ngăn đôi căn hộ, ai nấy đều biết chắc là Hảo không đời nào cho dỡ bỏ” [60; tr.389]. Dường như họ có đủ cái văn hóa để tránh những cuộc cãi cọ, nhưng họ cũng lặng lẽ chịu đựng, họ có đủ cái “dửng dưng” để lạnh nhạt. Mắc cạn là tác phẩm tiêu biểu nhất cho kiểu không gian tù túng, chật hẹp trong truyện ngắn Bảo Ninh. Tác phẩm đã đề cập đến sự bế tắc của những tháng ngày bao cấp khó khăn. Nó biến tình yêu đẹp của một đôi tri thức có văn hóa thành cuộc sống tù đọng không lối thoát. Khi dựng nên một không gian tù túng, chật hẹp trong tác phẩm của mình, Bảo Ninh đã cho chúng ta thấy được sự bế tắc, sự cô đơn trong cuộc sống của những người lính, nhất là người lính ở vùng hậu cứ. Cho chúng ta thấy được
sự ngột ngạt của cuộc sống những năm bao cấp với những bộn bề của cuộc sống mưu sinh.