Con người cô đơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 58 - 66)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Con người cô đơn

2.2.2.1. Con người cô đơn vì lạc thời trong truyện ngắn Bảo Ninh

Con người trong chiến đấu mất mát, đau khổ là vậy những tưởng khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ được hạnh phúc nhưng trớ trêu thay ngay trong cuộc sống hòa bình, bi kịch vẫn bám riết lấy từng số phận tội nghiệp. Và một trong những bi kịch lớn nhất của con người thời hậu chiến được Bảo Ninh khắc họa trong truyện ngắn của mình chính là sự cô đơn, lạc lõng đến tột độ.

Chiến tranh kết thúc từ lâu nhưng Mộc trong Trại “Bảy chú lùn” vẫn âm thầm với nỗi đau của hơn hai mươi năm trước. Mộc đã cống hiến cả quãng đời trai trẻ cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính hậu cần. Vậy mà, hoà bình từ lâu nhưng anh không hề ý thức được điều đó. Anh vẫn làm bạn với rừng già và không bao giờ ra khỏi nơi đã gắn bó với anh một thời lửa đạn. Bởi với anh, “đây là chiến địa, là mồ mả anh em, là đất sống mãi mãi của đời tôi” [60; tr.139]. Anh sống một cuộc sống cô đơn, cô độc giữa bốn bề vắng lặng. Chiến tranh kết thúc, người thân chẳng còn ai, không gia đình, anh không thể thích nghi được với cuộc sống ngoài khu rừng ấy. Mộc lựa chọn cuộc sống ở khu rừng già như một cách để lẩn tránh thực tại, anh tách mình ra khỏi cộng đồng. Đó là một bi kịch, không chỉ chịu đựng nỗi cô đơn, nỗi đau đớn khi lần lượt mất đi tất cả những người đồng đội thân yêu nhất, Mộc còn có một nỗi đau, nỗi cô đơn khác, nó luôn chảy trong tâm thức của anh, đó là nỗi đau của một tình yêu không bao giờ thành hiện thực. Suốt đời anh chỉ mang trong mình một tình yêu trọn vẹn dành cho Nga. Anh yêu nhưng không dám thổ lộ, không dám

tiến tới. Anh đau khổ nhìn người mình yêu dành tình cảm cho người khác, sinh con cho người khác và rồi người con gái ấy cũng bỏ anh ra đi, để lại anh với khu rừng già và đứa con của cô với người khác. Mộc như bao người lính đã hy sinh tất cả tuổi trẻ, hạnh phúc cho dân tộc, cho bao người nhưng cái mà họ nhận lại là những mất mát, đau thương.

Nếu như Mộc trong Trại “Bảy chú lùn” cô đơn trong tình yêu thì nhân vật người cha trong truyện ngắn Ba lẻ một lại cô đơn sống trong những mặc cảm về thân phận. Bảo Ninh phác họa ông là một con người không tham gia chiến tranh, trốn tránh những người lính cộng sản trong ngày cuối cùng của chiến tranh. Đây là những suy nghĩ trong lòng cô gái về cha mình: “Thật tình cô không sao hiểu nổi nguyên do của nỗi ghê khiếp cộng sản đã ám ảnh và chế ngự cuộc sống của cha cô cũng như bao người khác nữa ở thị trấn này” [60; tr.477]. Để rồi khi hòa bình lập lại, quê hương đổi thay người cha ấy đã bỏ xứ mà đi, chạy trốn khỏi quá khứ, chạy trốn khỏi quê hương vì mối mặc cảm về quá khứ. Bảo Ninh cho người đọc thấy một trong muôn vàn con người khác mang trong mình bi kịch “lạc lõng”, “lạc thời” khi họ là những con người thiếu niềm tin đối với Tổ quốc, đối với quê hương. Hay trong truyện ngắn Thời tiết của kí ức, Bảo Ninh thể hiện nhân vật ông Phúc - một người không tham gia chiến tranh, hòa bình gặp những chấn động tinh thần. Suốt năm tháng còn lại của cuộc đời, ông Phúc luôn sống trong day dứt, trăn trở. Trước đây, trong thời chiến ông không tin vào Định – người bạn học của mình, vì thế trong những lần hỏi cung của Định với ông, ông luôn nhìn Định với cái nhìn dò xét, thiếu niềm tin.

Điểm dễ nhận thấy trong văn xuôi Bảo Ninh khi viết về con người thời hậu chiến mà đặc biệt là người lính luôn được nhìn dưới góc nhìn con người cá nhân cho nên đằng sau những chiến công vang dội, những tấm huy chương lấp lánh là cả một câu chuyện dài về hành trình kiếm tìm chính bản ngã của

mình trong cuộc sống. Bom đạn không hề làm ý chí họ nao úng nhưng dường như họ lại bị khiếp sợ trước cuộc sống đầy biến động của thời buổi kinh tế thị trường. Những giá trị đạo đức thay đổi làm cho họ trở nên cô đơn và lạc lõng hơn bao giờ hết. Và con người cô đơn cũng là một trong những kiểu nhân vật của các nhà văn sau 1975. Lý giải về hiện tượng này, Lê Thị Hường cho rằng: “Trong xã hội bề bộn, đen trắng, tốt xấu lẫn lộn hôm nay - đâu người tri âm, tri kỷ, đâu là tình người, đâu là sự đồng cảm, đâu là niềm tin? Cô đơn vì thế trở thành điểm xoáy thu hút của nhiều cây bút truyện ngắn hôm nay” [38]. Con người ấy sống bên cạnh những người thân yêu, gia đình, vợ con, bạn bè nhưng họ cảm thấy vô cùng cô đơn, lạc lõng, cuộc sống của họ cứ lặng lẽ trôi qua, không vui, không buồn, không mơ ước. Nhân vật bị một cú sốc trước sự thay đổi của hiện tại. Họ chưa thích ứng được cuộc sống mới và nhiều khi là không chấp nhận cuộc sống mới đang đổi thay.

Trong Ngôi sao vô danh, nhân vật ông lão gác ghi vẫn cứ làm nhiệm vụ của một người lính dù không còn con tàu nào đi qua đó. Nhân vật Tư trong

Hữu khuynh trở về sau chiến tranh nhưng lạc lõng, cô đơn khi không còn người thân, không cảm thấy gắn kết với làng quê nơi mình đang sinh sống. Họ trở về sống giữa cộng đồng, giữa nơi thân thuộc nhất nhưng bao trùm họ chỉ là sự cô đơn, trống trải. Họ lạc lõng trong thế giới hiện tại. Tìm về quá khứ, với những kỉ niệm, những hồi ức như là một cứu cánh giúp họ thoát khỏi hiện tại. Tìm về quá khứ cũng chính là về với yêu thương, về với những kỉ niệm êm đềm, đẹp đẽ nhất của đời người. Tuổi thanh xuân qua đi, quãng đời đẹp nhất của con người đã trôi qua. Các nhân vật của Bảo Ninh hầu hết đã bước qua thời thanh xuân, thời tuổi trẻ để hồi tưởng về quá khứ. Họ tìm về quá khứ để nhận chân thực tại, lý giải cho hoàn cảnh thực tại, cho những gì họ đang trải qua. Thời đại của họ là thời đại đã qua, quãng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người, của tuổi trẻ, của yêu thương và khát vọng đã qua, đã lùi lại

trong dĩ vãng. Giờ đây trong thời đại này họ lạc lõng, bơ vơ trong thời đại mới, cảm thấy cô đơn giữa đồng loại. Nhân vật không thể hòa nhập với cuộc sống hiện tại còn bởi những ám ảnh của quá khứ, đó còn là những di chứng của chiến tranh. Nhân vật tôi trong Đêm cuối cùng ngày đầu tiên: “Vào ra Sài Gòn đã bao lần. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp non nửa sống trong đây. Nhưng, thú thực là chưa khi nào tôi có thể hòa mình, có thể nhập thân được vào với không gian, với nhịp sống đương thời hằng ngày của Thành phố vĩ đại này. Không phải chỉ vì đã không sinh ra và lớn lên ở đây, mà vì còn chưa bao giờ tầm nhìn của tôi vượt ra được khỏi những kí ức, những ấn tượng về Sài Gòn trong hai ngày 29 và 30 tháng Tư của năm 1975” [60; tr.515].

Đến đây, chúng tôi chợt nhớ về ông Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, một nhân vật tiêu biểu cho người lính cô đơn, lạc lõng trở về sau chiến tranh. Ông Thuấn chỉ quen với cách nghĩ giản đơn, rạch ròi của người lính do đó khi trở về trong cuộc sống đời thường ông vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Khi một vị tướng đã kinh qua trận mạc trở về sống giữa con cháu, giữa gia đình phải thốt lên câu nói: “Sao tôi cứ như lạc loài”, đủ để nhận thấy bị kịch cô đơn của người lính trở về sau chiến tranh.

Vấn đề Bảo Ninh đặt ra để chúng ta suy ngẫm là tại sao người lính trong chiến tranh là những người anh hùng, họ tha thiết, mong mỏi được sống một cuộc sống hòa bình, vậy mà khi họ đạt được ước nguyện lại không hạnh phúc? Họ bị lạc lõng giữa đồng đội mình, anh em mình, giữa làng xóm quê hương. Và rồi cũng chính ông phần nào lý giải câu hỏi đó. Nếu như con người thời chiến được sống vì mục đích, lý tưởng vì nền độc lập dân tộc thì trong thời bình họ phải đối diện với biết bao mục đích khác nhau. Người lính hậu chiến không theo kịp với nhịp sống hối hả thời hiện tại nên họ trở nên cô đơn, lạc lõng. Sự cô đơn đến tột độ của những người lính chính là hệ quả của sự “lạc điệu” giữa hai thế hệ hôm qua, hôm nay. Và Bảo Ninh đã dành hẳn một

truyện ngắn - Chuyện xưa kết đi, được chưa? để luận giải cái kết đau lòng nhưng tất yếu này.

Tác phẩm xoay quanh việc “tôi” chuẩn bị đón tiếp bố vợ tương lai lần đầu tiên đến ăn cơm. Vấn đề ở chỗ, bác Lân – đồng đội cũ của cha “tôi” hứa chăm sóc gia đình tôi khi cha hi sinh là người rất thích kể những câu chuyện chiến tranh, luôn tự hào về một thời oanh liệt, trong khi ông thân sinh của Loan lại là người ở bên kia chiến tuyến. “Tôi” sợ bác Lân lại tiếp tục điệp khúc “cứ động nói tới vinh quang thời các ông ấy đánh nhau là lại ta lại nó, lại chúng lại thằng, thằng Mĩ, thằng Ngụy”[40;159], trong bữa cơm gặp mặt sẽ làm hỏng hòa khí hai bên. Thái độ của “tôi” đối với bác Lân khiến cho mẹ anh “lạnh hết cả tim”. Những điều bác Lân coi đó là hào khí, là anh hùng, đáng tự hào của một thuở thì nay đối với nhân vật “tôi” lại trở nên chán ngấy vô cùng. Đối với lớp trẻ ngày nay, đó là chuyện xưa nên cần phải kết lại. Đối với người lính bước ra từ chiến tranh thì liệu quá khứ có thể có bao giờ có sự kết. Bởi quá khứ ấy là những kỉ niệm có thể êm đềm, có thể ác hại nhưng đều để lại những vết thương mà tới bây giờ một năm đã qua, hay mười năm… đi chăng nữa thì vẫn còn đau, đau mãi.

Có thể nói, truyện ngắn Bảo Ninh đã đề cập đến một thực tế trong cuộc sống người lính thời hậu chiến. Người lính trở về luôn bị quá khứ ám ảnh. Họ luôn luôn sống với quá khứ, đắm chìm trong những kỉ niệm một thời oanh liệt nên họ cô đơn, lạc lõng trong hiện tại. Họ không có niềm tin vào cuộc sống và con người nên người lính không thể mở rộng lòng mình, không tự thay đổi mình để hòa nhập với cuộc sống đương thời. Một sự cô đơn, lạc lõng triền miên, kéo dài theo năm tháng còn lại của người lính.

Như vậy, với cái nhìn đa chiều và thẳng thắn, Bảo Ninh đã xây dựng hết sức chân thật và cảm động về chân dung những bước ra từ cuộc chiến. Mỗi nhân vật là một cuộc đời, một thân phận đầy những bi kịch. Đặc biệt,

nhân vật của Bảo Ninh được khắc hoạ từ điểm nhìn hiện tại về quá khứ cho nên nóng hổi tính thời sự. Đây cũng là một trong những yêu cầu quan trọng đối với người cầm bút khi xây dựng nhân vật mang tâm thức thời hậu chiến.

2.2.2.2. Con người cô đơn vì khủng hoảng tinh thần trong truyện ngắn Heinrich Böll

Sự biến động của xã hội tư bản phương Tây đầu thế kỷ XX khiến “trí năng dường như bất lực trước đời sống”. Nhiều lý thuyết triết học ra đời giúp con người nhận ra bên cạnh “cái nói ra được” còn có cái không nói ra được, bên cạnh con người ngoại hiện còn tồn tại “con người tồn tại bên trong con người”. Hiện thực còn ẩn giấu cái gì đằng sau nó được lưu giữ nơi vô thức. Và sự ra đời của triết học hiện sinh đối với tinh thần người dân châu Âu thời bấy giờ được xem như “một tiếng sấm vang động cả trời đất, lay động xã hội phương Tây một cách mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử”. Nếu như triết học truyền thống coi vũ trụ là đối tượng để khám phá và con người chỉ là một trong hàng ngàn vạn vật, khuyến khích con người quên mình để tìm hiểu về những lẽ huyền vi của tạo hóa thì triết học hiện sinh lại hướng con người biết suy nghĩ về thân phận làm người của mình. Do đó, con người cô đơn xuất hiện như một sự tất yếu. Bởi khi con người càng trăn trở về chính mình, về lý do tồn tại của mình trên cõi đời, về nỗi sợ hãi bị lãng quên thì càng bế tắc, tuyệt vọng, khủng hoảng. Và đây cũng chính là kiểu con người được Heinrich Böll chắp bút trong từng trang viết của mình về số phận nhân dân Đức sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ở đó không chỉ có nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi cô đơn, trống vắng khi họ thấy mình lạc lõng giữa cuộc đời.

Truyện ngắn Nàng Anna xanh xao mở đầu bằng sự giới thiệu về nhân vật tôi: “Đến đầu năm 1950, tôi mới hồi hương từ cuộc chiến tranh và không còn gặp ai quen ở thành phố nữa. Thật may là có tiền cha mẹ tôi để lại. Tôi thuê một phòng trong thành phố, nằm trên giường hút thuốc và chờ đợi” [35;

tr.127]. Sự cô đơn của nhân vật thể hiện ở chỗ anh ta chờ đợi nhưng “không biết chờ đợi điều gì”. Rồi đối diện với mọi người xung quanh, anh ta cảm thấy vô cùng lạc lõng. Với nhân vật bà chủ nhà, anh thấy mặc cảm vì mối quan hệ trước kia của anh với vị hôn thê con trai bà. Còn với Anna, anh ta cảm thấy vừa xót thương vừa tội lỗi vừa căm ghét vì bị phản bội nhưng cũng đầy hậm hực với suy nghĩ chiếm đoạt. Sở dĩ như vậy là bởi anh ta đã lừa dối cô khi anh còn ở chiến trường: “khi tôi được nghỉ phép, tôi không cho cô ta biết mà đi chơi với con gái ông bán thuốc lá ở cùng một nhà với chúng tôi. Tôi tặng cô này xà phòng nhận được từ hàng của tôi và cô ta tặng tôi thuốc lá rồi chúng tôi đi xi nê với nhau, và một ba lần má cô ta vắng nhà, cô ta dẫn tôi vào phòng mình” [35; tr.132]. Rõ ràng nhân vật của Heinrich Böll sống rất hiện sinh. Và nhân vật tôi là một điển hình tính cách cho lớp thanh niên Đức quốc xã tìm kiếm niềm vui giữa cuộc chiến và hậu quả là họ bị ám ảnh trong một thời gian dài. Điều đó giải thích tại sao, khi trở về “cả ngày tôi nghĩ tới điều tôi muốn quên đi: chiến tranh”.

Ngoài nhân vật tôi, Anna cũng là một con người cô đơn trên hành trình tìm kiếm tình yêu. Cô là hiện thân sống động cho sự hủy hoại của chiến tranh lên thể xác và tâm hồn con người. Tác giả viết rằng: “Chúng tôi luôn gọi cô là Anna xanh xao vì mặt cô quá trắng. Mặt cô ta bị hủy hoại hoàn toàn, đầy vết sẹo – cô bị áp suất một vụ nổ hất vào một cửa kính bày hàng” [35; tr.131]. Anna là vị hôn thê của con trai bà chủ - nơi nhân vật tôi thuê trọ. Sự ám ảnh được tạo ra bởi sự tương phản giữa một gương mặt đẹp đẽ và một gương mặt bị phá hủy. Nếu lúc trước nó lung linh như thế nào thì giờ đây nó bị biến dạng khủng khiếp chừng đó. Trong thâm tâm của nhân vật tôi, anh vẫn cứ nhớ về một cô gái “nàng rất xinh, da trắng xanh với đôi mắt hình lá liễu và luôn luôn lên xe ở trạm cuối tuyến” [35; tr.139]. Nhưng giờ đây, trước mắt anh là một Anna xanh xao đúng như tên gọi của nó. Nhân vật tôi không thể tin vào mắt

mình bởi thế mà “Tôi thường phải vào bếp của bà và bà cũng hay vào phòng tôi”, chủ ý cả hai chỉ muốn ngắm lại những khoảng khắc tươi đẹp trước chiến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 58 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)