Bảo Ninh với tâm lý ám ảnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 35 - 39)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Bảo Ninh với tâm lý ám ảnh

Lâu nay, nhắc đến truyện ngắn Bảo Ninh, nhiều người mặc nhiên coi đó là những truyện ngắn chiến tranh. Với họ, chiến tranh là một đối tượng phản ánh chuyên biệt và ổn định trong mạch cảm hứng sáng tạo của ông. Bởi vì từ tiểu thuyết cho đến truyện ngắn, chiến tranh vẫn luôn là đề tài xuyên suốt và nhất quán. Như vậy, vô hình chung người đọc cũng bị ám ảnh. Về hình thức, điều này có thể đúng. Nhưng dường như không chỉ có người đọc mà Bảo Ninh cũng bị ám ảnh, ám ảnh bởi chính thế giới mà ông tạo dựng nên.

Nhìn lại chặng đường sáng tác của Bảo Ninh từ Trại bảy chú lùn

(1987) đến Truyện ngắn Bảo Ninh (2002), rồi Chuyện xưa, kết lại được chưa?, dễ thấy ông viết không nhiều, khoảng hơn bốn mươi truyện ngắn. Trong đó, số lượng những tác phẩm chỉ thuần viết về chiến tranh còn khiêm

tốn, nhưng số lượng tác phẩm có yếu tố liên quan đến chiến tranh hoặc hậu chiến thì lại chiếm số lượng áp đảo. Ví như trong tập Truyện ngắn Bảo Ninh

gồm 16 truyện ngắn thì có đến 13 truyện viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ. Trong 13 truyện ngắn đó, chỉ có một truyện mô tả cuộc chiến ở thời điểm nó diễn ra (Bên lề cuộc tấn công) còn lại là truyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Trong các truyện ngắn chiến tranh ấy có đến 9 nhân vật chính là người lính, thì đã có đến 8 nhân vật là người lính trở về. Trong tập Chuyện xưa, kết đi, được chưa? có 14 truyện, thì 12 truyện có yếu tố liên quan đến chiến tranh, nhưng không có truyện nào kể về chiến tranh ở thời điểm quá khứ… Thống kê như vậy để thấy rằng, dường như tác giả đang đặt lại nghi vấn: phải chăng sự tàn bạo nhất của chiến tranh đâu phải chỉ là sinh mệnh con người?

Chuyện xưa, kết đi, được chưa? là một tập truyện đặc biệt. Nó chỉ đơn giản là những kỉ niệm thời đi học – cái thời đẹp nhất, trong trẻo và hồn nhiên nhất của mỗi con người, nó vừa thực vừa mơ hồ: những quyển sách giấu nhẹm dưới hộc bạn, cái nắm tay đầu đời, cái nhìn lướt vội, cả cái lần hoảng loạn chen chúc nhau dưới một nắp hầm khi chỉ mình “tôi” với chín đứa con gái... Những kỉ niệm này không phải là nguyên nhân của những chấn thương tâm lý nhưng lại không thể phủ nhận những ký ức đó được hình thành từ trong chiến tranh, như một hệ lụy nảy sinh từ việc nếm trải chiến tranh, ám ảnh nhân vật đến suốt cuộc đời, đúng là: Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên.

Với tâm lý tình yêu bị ám ảnh bởi chiến tranh, thấp thoáng đâu đó trong tác phẩm là những cuộc gặp gỡ tình cờ, mơ hồ như một cái chợp mắt: Người đàn bà trong Khắc dấu mạn thuyền; cô thiếu nữ tên Giang trong truyện ngắn cùng tên, Hiền trong Cái búng, Thủy trong Sách cấm, Duyên trong Thách đấu, Hiền trong Tình thư… Đó là những cuộc gặp gỡ duy nhất rồi vĩnh viễn lùi xa vào vùng sương mù kí ức. Mảnh đất cọc cằn, bỏng rát vì bom đạn của

chiến tranh không cho phép những hạt giống non nớt của tình yêu, cái đẹp được đâm chồi. Tình yêu mang thông điệp của cái thẩm mĩ hòng có thể cứu vãn thực tại tàn khốc song ác nỗi, nó lại mỏng mảnh dễ vỡ vô cùng. Bảo Ninh có cách diễn tả thật ấn tượng, “cái búng”, Vâng! Chỉ một cái búng nhẹ, là cái đẹp đã vỡ tan như bọt nước.

Viết về chiến tranh với tâm lý ám ảnh đâu chỉ có tình yêu mà còn là tình anh em, tình đồng chí. Thời còn chiến đấu trên chiến trường, Bảo Ninh từng lội qua thung lũng máu tìm xác đồng đội, có lẽ hơn ai hết, ông trải nghiệm nhiều lần cảm giác đau đớn và sợ hãi khi sinh mạng bị hăm dọa. Nhưng hình như vượt qua cảm giác này, nhà văn muốn nhắc nhở mọi người về những di hại hậu chiến còn kinh hãi hơn nhiều. Đó là một thứ độc chất ngấm thẳng vào thùy não, rồi trở đi, trở lại giày vò, hành hạ nạn nhân mãi không thôi. Khảo sát trường hợp những người lính trở về trong truyện ngắn Bảo Ninh cho thấy, họ đều là những con người cô đơn, hụt hẫng vô cùng. Đó có thể là những người đàn ông tình nguyện ở lại núi rừng, lập trại mưu sinh chứ không trở lại với cộng đồng (Trại bảy chú lùn) hoặc có thể họ vẫn trở về, vẫn hòa nhập. Nhưng trong muôn mặt đời thường của những cựu binh ấy, các vết thương tâm lý vĩnh viễn không thể liền sẹo. Họ bị giày vò bởi ký ức thương đau, đầy ám ảnh, chua xót thay cho những phận người đến giấc ngủ vẫn mơ thấy tiếng bom.

Truyện ngắn Bảo Ninh không đặt trọng tâm trong sắp đặt kết cấu cầu kì rắc rối hay sự làm duyên câu chữ mà là ở cảm xúc ăm ắp trên từng con chữ, khiến cho câu chuyện được ướp trong mùi hương say đắm có tên là kỉ niệm. Những cốt truyện của ông khá độc đáo, kết quả của một vốn sống phong phú. Tất cả những điều này tạo nên cảm giác nghiêm cẩn, mực thước trong văn ông. Khó có thể trả lời câu hỏi: Liệu Bảo Ninh có còn tiếp tục viết về đề tài chiến tranh? Bởi hình như có lúc chính tác giả cũng bực bội thốt lên: “Chuyện

xưa, kết đi, được chưa?!”. Song lẫn trong không khí ngột ngạt, bế tắc của cuộc sống hậu chiến cũng mơ hồ văng vẳng một câu trả lời mà nhà văn đã biết trước: Chuyện xưa kết được chưa ư? – Còn lâu! Cho nên dù là “tôi” trong

Khắc dấu mạn thuyền hay Mộc trong Trại bảy chú lùn, Quang trong Rửa tay gác kiếm rồi Tư trong Hữu khuynh, Vinh trong Quay lưng... đều giống nhau ở kết cục, luôn là những lữ hành “lỡ làng với chuyến đò hạnh phúc. Cách “lỡ đò” của họ cũng thật khác nhau, người thì vô tình đến muộn, kẻ có vé nhưng chẳng thể bước lên, người lại cam tâm tình nguyện nhường vé cho kẻ khác. Tuyệt chẳng có ai có thể sang nổi bờ bên kia. Tất cả qui chiếu vào một thủ phạm: chiến tranh. Sự hủy hoại của chiến tranh quả thật không thể nghi ngờ. Song, nếu vậy thì dường như chúng ta mới tiếp cận thế giới nghệ thuật của Bảo Ninh từ đối tượng chứ chưa phải mục đích. Phải luận giải sao về cặp vợ chồng bị mắc cạn trong hoàn cảnh vô cùng trớ trêu, trong truyện ngắn cùng tên của ông. Thoạt trông, sẽ tưởng họ chẳng qua cũng chỉ là nạn nhân của số phận, nhưng nếu liếc qua sơ đồ tình sử hợp-tan-hợp của họ, mới thấy không có bóng dáng của rung động tình yêu, nếu không nương vào những sắp đặt ngẫu nhiên, thì cũng là những bài toán hạnh phúc thuần lý. Ngay cả trong các câu chuyện có yếu tố chiến tranh cũng vậy, những nhân vật trong các truyện ngắn: Sách cấm, Cái búng, Thách đấu... đều đang độ tuổi hồng, vì đâu những tình cảm tuổi học trò, thuần khiết vô tư, lại dễ dàng chết yểu? Tình trạng ấy đã khiến cho cô bé Thủy “len lén xách cặp đi qua mà không dám nhìn tôi” (Sách cấm); làm cho cô gái đáng thương như Thảo của cô gái tên Thảo trong truyện ngắn Bội phản phải tức tưởi ra đi. Cuộc ra đi của cô như gửi đến chúng ta một thông điệp: khi nền đạo đức được định dạng theo khuôn mẫu và khước từ sự tồn tại của những tình cảm cá nhân, thì nó chỉ là một nền đạo đức giả. Còn tác giả sau những tác phẩm viết về chiến tranh và không về chiến tranh của ông dường như cũng tri cảm về một nỗi buồn không mang tên chiến tranh đầy ám ảnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)