Con người công dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 51 - 58)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Con người công dân

2.2.1.1. Con người anh dũng và lãng mạn trong truyện ngắn Bảo Ninh

Sự nghiệp văn học của Bảo Ninh có tới 22 trên 42 truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, trong đó có 15 nhân vật chính là người lính bao gồm các truyện: Trại bảy chú lùn, Ba lẻ một, Lá thư từ Quí Sửu, Ngôi sao vô danh, Rửa tay gác kiếm, Khắc dấu mạn thuyền, Bên lề cuộc tấn công, Hữu khuynh, Hà Nội lúc không giờ, Giang, Đêm trừ tịch, Hoả điểm cuối cùng, Tình thư, Thách đấu và Nỗi buồn chiến tranh (trong đó có 12 nhân vật chính là người lính trở về). Thống kê như vậy cho thấy, trong những truyện viết về đề tài chiến tranh thì người lính vẫn luôn là nhân vật trung tâm trong tác phẩm, thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người và cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Người lính chính là hình tượng con người công dân với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tổ quốc. Họ hiện lên dưới ngòi bút của Bảo Ninh là những con người anh dũng trong chiến đấu, hy sinh tuổi trẻ, tình yêu, thậm chí là cả bản thân mình để giữ gìn nền độc lập, hòa bình cho dân tộc và cũng không kém phần hào hoa, lãng mạn vốn là khí chất của những thanh niên Hà thành hun đúc tự bao đời: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Và tiêu biểu trong số đó phải kể đến anh lính hậu cần tên Mộc trong truyện ngắn Trại “bảy chú lùn”. Trong chiến tranh, Mộc không phải là người

lính trực tiếp cầm súng. Mới chớm chân qua biên giới, anh đã bị sốt rét ác tính, đơn vị gửi anh về lán anh Nua - một trong những cơ sở hậu cần đầu tiên ở chiến trường B3. Cùng với năm đồng chí khác, Mộc đã được anh Nua nuôi dưỡng. Thế nhưng như một định mệnh được định sẵn: “đúng buổi chiều trước hôm chúng tôi rời trạm thì Y Nua chết ngoài nương. Một thân cây lớn vật xuống ngược chiều giằn lên anh ấy. Chôn Nua xong, không ai bảo ai chúng tôi đồng lòng ở lại cánh rừng này tiếp tục vụ rẫy mà Y Nua đang làm dở, cứ hết mùa rẫy này rồi đến mùa rẫy khác. Và cứ thế, cứ thế mãi...” [60; tr.123]. Miêu tả cái chết của anh Nua, sự thủy chung tình nguyện ở lại của anh em, Bảo Ninh đã làm sáng lên nhân cách của người lính hậu cần. Một nhân cách cao đẹp được định hình từ trong chiến tranh.

Nhưng không chỉ hiện lên với vẻ đẹp lý tưởng, con người công dân trong truyện ngắn Bảo Ninh còn được tác giả khắc họa mộc mạc, chân thực đến nỗi sự khiếm khuyết chỗ này hay không trọn vẹn chỗ kia cũng làm cho người đọc thấy cảm phục bởi vượt lên tất cả là tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuấn “bột” trong Bằng chứng là một ví dụ.

Anh đã vượt lên nỗi sợ hãi của bản thân mình để lập công. Bình thường Tuấn là người “nhát như cáy, sợ tiếng nổ, sợ máu, sợ chuột, sợ rắn, sợ đủ thứ từ gớm ghê đến vớ vẩn nhất” [60; tr.293]. Thế nhưng, khi xung trận, “Tuấn đã thể hiện sự vượt bậc của mình về tài chiến trận và năng lực chỉ huy. Bình tĩnh, cứng rắn, phán đoán giỏi, quyết đoán nhanh, khôn ngoan, tỉnh táo...” [60; tr.294]. Mọi người đều mến phục Tuấn bởi sự “thông minh tháo vát, xông xáo, năng nổ và đặc biệt là sự kiên cường, lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì đồng đội” [60; tr.293]. Tuy nhiên, ẩn sau đó Tuấn “vẫn kín đáo sợ, vẫn âm thầm nhát, vẫn một mình triền miên chống chọi với cái bẩm sinh yếu đuối trong bản thân mình” [60; tr.294]. Có khi một trái cối giáng xuống chỉ

khiến cho lính tráng cùng lắm là giật mình nhưng lại khiến cho Tuấn “căng thẳng tột cùng, gân cốt đờ cứng”. Phải chăng, thông qua Tuấn “bột”, Bảo Ninh muốn gửi đến người đọc một thông điệp: Con người có thể có những khiếm khuyết, không hoàn thiện nhưng họ đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và bản thân mình để cống hiến và sống có ích. Tinh thần đó càng khiến chúng ta tin yêu và mến phục.

Nếu như trong Bằng chứng, hình ảnh chàng trai Hà thành hiện lên qua lời kể trực tiếp của nhân vật tôi thì trong Ba lẻ một, tuy các anh chỉ thoáng xuất hiện trong suy nghĩ của nhân vật cô gái - người đã giữ bức ảnh hơn hai mươi năm nhưng người chiến sĩ cách mạng vẫn vẹn nguyên những dáng vẻ đầy tự hào. Các anh đã xóa tan đi những ác cảm về người lính bấy lâu nay trong lòng cô gái: “Cô thấy họ rất lành. Không sục sạo, không ngó nghiêng và không mảy may lỗ mãng. Lấy đầy can nước rồi, tuy rất vội, họ không xồng xộc bỏ đi ngay mà tế nhị, ngồi nán lại vài phút bên bàn, từ tốn nhấp tách trà mời, ân cần hỏi han, trò chuyện. Chỉ là theo phép lịch sự nhưng rất mực thân tình” [60; tr.475].

Và chân dung con người công dân anh dũng và lãng mạn trong truyện ngắn Bảo Ninh còn được điểm tô bởi sự gan dạ, hết mình vì đồng đội của những cô gái như Hà trong Tiếng vọng. Hà là một thiếu nữ Hà thành xinh đẹp trên con phố Nguyễn Trường Tộ, cô được phân công ở C15 Đội công tác vũ trang Gia Lai. Trong lần đi về đơn vị mới ở đồng bằng cô gặp Dần – một anh lính bị lạc đường. Hà là một người con gái nhiều kinh nghiệm ở cái vùng ven nhiều bất trắc này. Trong điều kiện mưa gió và sự rình rập của giặc mà cô vẫn dựng chốt và lấy lửa, nấu cháo bình thường như thể chẳng có gì trở ngại. Cô là người cẩn thận chăm sóc chu đáo cho Dần qua cơn sốt nguy hiểm, khi vượt qua lộ bằng kinh nghiệm của mình, cô dặn Dần: “Tí nữa khi anh ra tới gần mặt lộ thì phải nhớ bỏ ni lông ra, gấp lại. Thứ này bắt sáng ghê lắm, không

bỏ ra là từ các ổ kích chúng thấy mình ngay” [57; tr.123]. Ngay cả khi Dần - người lính B3 bật khóc thì cô vẫn bình tĩnh vuốt tóc và khẽ thủ thỉ với Dần: “Ngồi sát vào đây với em. Chúng mình cùng che chung tấm chăn này, chờ cho đỡ mưa rồi em sẽ đưa anh qua bên đó”[57; tr.124].

Qua đó, ta thấy Hà là một cô gái rất bản lĩnh, khéo léo trong xử lí vấn đề nhất là tâm lí của con người đang rơi vào tụt cùng sợ hãi. Ngay cả khi đối diện trực tiếp với quân thù cô luôn khôn khéo xử lí. Nhờ vậy mà chuyến vượt lộ của Dần thành công. Trong tâm tưởng và cách suy nghĩ của Dần cô gái hiện lên thật đẹp mang dư vị của người con gái Hà thành “thật mềm mại, thật êm mượt và thoang thoảng hương thơm của một loài hoa mà đời tôi cho đến tận bây giờ chưa từng được biết”[57; tr.124]. Nhưng chiến tranh quá ác liệt, dù muốn đến thế nào đi chăng nữa thì cả hai vẫn không thể liên lạc được với nhau nữa. Cuộc đời Hà như tiếng vọng của đời Dần với ngày 28 tháng 8 định mệnh. Cái ngày mãi không bao giờ quên, nó trở thành ngày sinh của anh những năm sau đó. Qua những hành động của Hà ta nhận ra một ý chí kiên cường, một sự khôn khéo trong xử lí vấn đề và hơn thế là lòng quả cảm, sẵn sàng chấp nhận hi sinh vì đồng đội của một cô gái giao liên xinh đẹp vùng ven.

Và đó còn là lòng quả cảm của cô gái Việt Minh trong Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng, trước cận kề cái chết vẫn lớn tiếng đòi quân thù đối xử nhân đạo với đồng đội mình “các ngươi không được phép đối xử vô nhân đạo với tù binh bị thương” [58; tr.235]. Cô gái còn nhanh tay vùng ra khỏi gọng bàn tay của tên cai, lao vào chém Philip – một tên sát nhân. Cô ngã xuống nhưng tấm gương của cô còn mãi với núi sông này…

Viết về những con người anh dũng nhưng truyện ngắn Bảo Ninh không vang vọng âm hưởng sử thi hoành tráng mà tập trung vào những lát cắt nhạy cảm, thâm trầm từ đó làm bật lên phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của những con người đã làm nên dáng đứng Việt Nam.

2.2.1.2. Con người lặng lẽ trong truyện ngắn Heinrich Böll

Trong 17 truyện ngắn của Heinrich Böll tuyển chọn và in trong tập

Nàng Anna xanh xao có 4 truyện ngắn nhà văn tập trung xây dựng hình tượng con người công dân đó là: Thiên đàng đã mất, Bên cầu, Nàng Anna xanh xao

Người cha hùng của nữ thủy thần Undine. Điều này hoàn toàn trái ngược với Bảo Ninh khi nhà văn Việt Nam dường như dồn hết bút lực vào việc miêu tả họ trong và sau chiến tranh. Nói như vậy không có nghĩa là Heinrich Böll không trân trọng quá khứ, bởi thời gian Böll vào quân đội Đức và bị quân Mỹ bắt làm tù binh không phải là ít song nếu Bảo Ninh cầm súng vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc mình thì Böll lại chiến đấu vì lợi ích của một nhóm thế lực, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Ký ức khác nhau nên hình dung nhân vật trong tâm thức của mỗi nhà văn sẽ không hề giống nhau. Viết về hình tượng con người với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà cầm quyền, nhà văn Đức chỉ vẻn vẹn dành vài trang xây dựng chân dung người lính trở về, ở đó không hề có sự náo nhiệt, không hề có vinh quanh, chiến thắng mà chỉ là sự lặng lẽ đến hiu quạnh.

Cũng như bao người lính khác trở về từ mặt trận, hành trang duy nhất theo suốt cuộc đời của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Thiên đàng đã mất có lẽ là những ký ức thương đau không bao giờ quên: “tôi đã đi rất xa, tôi đã bao lần thấy, ngửi, cảm nhận cái chết, tôi từng có thức ăn ê hề, tôi cũng từng chịu đói, đói đến tột cùng, đến mức người ta bắt đầu mơ thấy những ổ bánh mì thơm tho... Họ đã bắn tôi, hàng ngàn lần như thế, bằng súng trường, súng cối, đại bác, pháo hạm và máy bay, bom và lựu đạn, họ đã bắn trúng tôi và tôi đã nếm mùi máu của chính mình chảy từ đầu xuống, ngọt và béo, nhơm nhớp và chóng đông” [35; tr.11-12]. Nhưng bên cạnh nỗi đau về mặt thể xác, nhân vật của nhà văn Đức cũng phải chịu nỗi đau về tinh thần rất lớn khi quay về đối diện với mọi người mà đặc biệt là người cha của đồng đội. Cái làm nên sự

đặc sắc trong văn phong Heinrich Böll chính là lối viết kiệm lời. Trong tác phẩm này, Heinrich Böll không tả nhiều nhưng thông qua cuộc gặp gỡ giữa họ, ông đã làm bật lên sự đau khổ của người cha cũng như sự day dứt của nhân vật chính. “Người nhỏ con, gầy ốm và mặc dù ông đội mũ thuyền trưởng đã mòn nhẵn, tôi thấy hai bên màng tang và những phần đầu lộ ra không còn tóc nên chắc hẳn ông phải sói đầu. Khuôn mặt thuôn dài của ông hơi sạm nắng, đôi mắt thật nhỏ dường như vô sắc nhìn tôi dò hỏi một cách thân thiện” [35; tr.14]. Đây là bức chân dung Heinrich Böll miêu tả dáng vẻ của người cha thông qua cái nhìn của nhân vật tôi trong buổi trở về khu vườn. Dấu ấn thời gian đã in đậm trên khuôn mặt già nua tội nghiệp. Người đọc ấn tượng về nhân vật này ngay khi nhà văn miêu tả đôi mắt. Người ta thường nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, muốn biết người ấy vui buồn thế nào, hay cứ nhìn vào đôi mắt của họ. Với nhân vật của Heinrich Böll cũng thế, ông miêu tả nó “thật nhỏ dường như vô sắc nhìn tôi dò hỏi một cách thân thiện”. Đôi mắt vô sắc nghĩa là một đôi mắt thiếu biểu cảm, thiếu ánh nhìn nhưng lại với thái độ dò hỏi “thân thiện”. Liệu điều đó có mâu thuẫn? Ta hiểu rằng, sự chờ đợi nào cũng có hạn định và sức chịu đựng con người cũng giới hạn mà thôi. Con trai ông – hạ sĩ quan Grittne Hubert từng tham gia ở mặt trận phía tây nước Đức, cụ thể là Pháp mà quân Đức có một thời gian chiếm đóng, trong chiến tranh, nơi đây từng giam giữ rất nhiều tù binh Đức. Sự chờ đợi quá lâu khiến đôi mắt ông không còn tinh anh nữa nhưng từ bên trọng, vẫn còn chút hy vọng, dù mong manh. Cái nhìn thân thiện biểu thị một sự lạc quan đáng trân trọng. Người cha già thấy anh lính trở về như mang theo bóng hình người con trai của ông, ông hy vọng anh này sẽ biết Grittne Hubert, hy vọng Grittne Hubert của ông cũng sẽ trở về như anh vậy. Chiều sâu tư tưởng của tác phẩm cũng là chỗ đó. Các nhân vật của Heinrich Böll luôn bị ám ảnh bởi quá khứ đau thương nhưng không vì thế mà họ gục ngã, trong sâu thẳm trái tim vẫn có một niềm tin mãnh

liệt vào sự sống, vào khả năng diệu kì của cuộc sống như cái mảng xối kiên cường kia, suốt bảy năm mưa bom bão đạn vẫn còn “treo lủng lẳng”.

Nếu như trong Thiên đàng đã mất là những chân dung cụ thể, rõ nét thể hiện sự tàn phá của chiến tranh lên thân xác con người thì trong truyện ngắn

Bên cầu dấu ấn của sự tàn phá còn khủng khiếp hơn nhiều, nó hằn lên tâm hồn, nó chi phối cách nghĩ, cách cảm của họ trong hiện tại, gây nên cảm giác ám ảnh cho người đọc. Vất vưởng khắp nơi là những mảnh tâm hồn cần được yêu thương, chăm sóc, chở che, đồng cảm. Ấn tượng về nhân vật lúc này không phải ở ngoại hình được miêu tả rõ nét, có điểm nhấn mà ở sự nhạt nhòa, thiếu tỉ mỉ. Chính lối viết này khiến người đọc cảm giác những nhân vật mà Heinrich Böll xây dựng như những con người vô hồn, những bóng ma vất vưởng đâu đó trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Người đọc hiếm khi tìm được vài dòng về miêu tả ngoại hình. Cực tả đi nữa cũng chỉ vẻn vẹn một câu tác giả đặt đầu tác phẩm, đã thế câu này chủ đích thông báo chứ cũng không hề mang chức năng miêu tả: “Họ may những vết thương trên chân tôi lại và cho tôi một việc làm mà tôi có thể ngồi được: tôi đếm số người đi qua cây cầu mới” [35; tr.55].

Như vậy, người đọc hiểu rằng anh ta đang bị thương. Hình dung tiếp nữa về nhân vật chính là cái công việc mà nhân vật đang làm: “tôi đếm số người đi qua cây cầu mới”, phải là người kiên nhẫn anh ta mới có thể đảm nhiệm được một công việc tỉ mỉ, buồn tẻ như thế. Và một điều đặc biệt ở nhân vật tôi nữa là cách anh ta ngắm nhìn người yêu bé nhỏ của mình: “Khi người yêu bé nhỏ của tôi qua cầu – mỗi ngày hai lần – trái tim tôi ngừng đập hoàn toàn. Tiếng đều đều thình thịch của tim tôi im bặt cho tới khi nàng rẽ vào con đường viền cây rồi biến mất” [35; tr.56]. Thông qua cảm xúc của nhân vật tôi, ta hiểu tình cảm anh ta dành cô gái nhiều đến dường nào, vốn được xem là một cái “máy đếm” nhưng anh ta bất chấp, chỉ mong thỏa được nhu cầu nhìn

ngắm tình yêu của mình. Qua nhân vật này, Heinrich Böll đã khắc họa được nỗi đau của người lính hậu chiến, nỗi đau về sự bất lực, đổ vỡ cả dáng vẻ bề ngoài và tinh thần bên trong, phải tìm đến một điểm tựa, cho dù mong manh, giữa cõi đời này, để tìm lại ý nghĩa cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 51 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)