Heinrich Böll Tình huống bi kịch và tượng trưng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 79 - 85)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Heinrich Böll Tình huống bi kịch và tượng trưng

Thực tế sáng tác truyện ngắn cho thấy, truyện có tình huống bi kịch và tượng trưng trong tập Nàng Anna xanh xao nói riêng và nhiều tập truyện khác nói chung xuất hiện khá nhiều. Xây dựng tình huống đặc biệt, điều quan trọng đối với Heinrich Böll là đã lựa chọn được cái tình thế bộc lộ ra nét chủ yếu của tính cách và số phận nhân vật, biểu hiện cho một hiện tượng xã hội và thể hiện chủ đề. Có nhiều cách tạo tình huống cho truyện ngắn. Người viết nhận thấy có thể phân loại tình huống trong truyện ngắn của Heinrich Böll thành hai loại cơ bản là: tình huống bi kịch tình huống tượng trưng. Dĩ nhiên, sự phân loại này chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì rõ ràng, có sự gặp gỡ, giao thoa trong các kiểu loại tình huống trên. (Xem Phụ lục 2: Bảng thống kê các kiểu tình huống truyện nổi bật trong truyện ngắn Heinrich Böll).

Tình huống bi kịch xuất hiện trong rất nhiều truyện ngắn của Heinrich Böll, tiêu biểu nhất phải kể đến truyện ngắn Thiên đàng đã mất. Tác phẩm là nỗi đau khắc khoải, thầm lặng của người lính trở về sau chiến tranh. Anh thấy ái ngại như người có lỗi trước ánh mắt của một người cha có con đi lính chưa

trở về. Người con đó là một chàng trai bằng tuổi anh, từng chiến đấu ở vùng đất mà anh đóng quân. Chỉ khác một điều, giờ anh bình an trở về còn chàng trai vẫn bặt vô âm tín. Trái tim già nua của ông đau xót khôn nguôi. Nhưng người trở về bình an cũng không thể sống một cách thanh thản, tâm hồn nhân vật tôi bị giằng xé dữ dội và chất đầy bi kịch, trong căn nhà giờ đây chỉ là một đống hoang tàn, ký ức về những ngày sống hạnh phúc bên người con gái anh yêu cứ thế hiện về, rõ dần, rõ dần.

Đặt tên cho truyện ngắn này là Thiên đàng đã mất phải chăng là một mơ ước của tác giả về một “thiên đàng” hạnh phúc ngay giữa cõi trần? Nhưng khi nói “đã mất” nghĩa là chỉ có trong trí nhớ, nó thuộc về quá vãng, hoài niệm, lúc trước có nhưng bây giờ không còn nữa, nó đã một đi không trở lại. Tất cả các nhân vật trong truyện đều ở trong tình trạng chênh vênh giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai. Tác giả để nhân vật hành động một cách hoàn toàn vô thức, chẳng hề có chủ định, ngay cả cái cách đi đứng, cũng chẳng có gì là theo lề lối, “thiên hạ tàn nhẫn giẫm đạp lên cỏ cây, tạo nên nhiều lối đi mới không theo một ý định nào, mà chỉ để thuận tiện cho việc đi lại thôi” [35; tr.7]. Và trong thế giới nội tâm, lại càng chằng chịt hơn thế, Heinrich Böll đã để nhân vật tôi sau khi tiến sâu vào khu vườn, trước những hình ảnh quen thuộc, tự mình bộc lộ suy nghĩ: “Người ta đau đớn nhận thấy những thay đổi trong tâm hồn ở ngưỡng cửa trưởng thành. Hết sức đau buồn, người ta giã từ đồ chơi, sân chơi trẻ thơ để vừa sợ hãi, buồn rầu vừa hứng thú bổ nhào vào cái cảnh nhốn nháo mà người trưởng thành luôn gọi là đời sống, còn buồn hơn nữa khi người ta giã từ ngôi nhà thời niên thiếu, vùng đất mơ mộng, có lẽ vì dự cảm rằng kỷ niệm chỉ là kỷ niệm về những giấc mơ, và ngay lúc này, người ta đã nếm trải nỗi đau khôn tả, khi không còn tuổi trung niên nữa mà đã già lão và ngay cả cái khoảnh khắc chắc chắn duy nhất, khi người ta bước qua thềm của cái chết để vào một đời sống khác” [35; tr.10].

Hay như sau khi bước qua cửa sau, “cái cổng sắt nhỏ gỉ sét kêu kèn kẹt ấy” [35; tr.25]. qua năm tháng nó đã trở nên khó mở và phát ra thứ thanh âm dị thường, anh ta biết là mình sẽ không bao giờ sợ chết nhưng lúc nào cũng sợ cuộc sống. Vậy điều gì ở cuộc sống lại khiến anh ta sợ hãi đến vậy, nó thậm chí còn đáng sợ hơn lửa đạn chiến tranh ư? Phải chăng đó chính là sự khó hòa nhập hay nói khác hơn là không thể hòa nhập được với cuộc sống hiện tại, sau những ký ức và nỗi đau chiến tranh, cảnh vẫn cũ nhưng người xưa liệu còn? Và rồi nhân vật của Heinrich Böll lâm vào bi kịch, đứng trước người yêu nhưng anh ta rơi vào nỗi hoang mang mơ hồ, “đồng thời một cái gì khó hiểu, xa lạ khiến anh ta có một thứ ghen tuông mà anh ta chưa hề biết đến. Trong khoảnh khắc ấy, khi cái mơ hồ, tầm phào nhưng hết sức thật ấy làm anh ta xúc động thì nỗi đau dữ dội và hoang dại của lòng ghen tuông như đâm sâu vào tim anh ta, và anh ta hiểu vấn đề không phải là nỗi sợ trước sự chiếm lại nàng, nhưng anh ta hiểu rằng mình sẽ phải đấu tranh để chiếm được nàng” [35; tr.26-27]. Khát khao tìm lại người yêu cũng chính là tìm lại cuộc sống đích thực của mình, nhưng dường như anh ta vẫn bơ vơ, lạc lõng và càng lâm vào bi kịch. Rõ ràng, chỉ có đặt nhân vật tôi trước chiếc gương của hiện thực nghiệt ngã, anh ta mới có thể bộc lộ những suy nghĩ chân thật như thế.

Thành công của Heinrich Böll ở Thiên đàng đã mất chính là sự chông chênh của nhân vật trước những đổi thay của cuộc sống thời hậu chiến. Trước mặt ông già, nhân vật tôi mang mặc cảm tội lỗi; trước người yêu, anh ta thấy xa lạ; trước cảnh vật, anh ta thấy đổ nát... và rồi chính gương mặt mình, anh ta thấy bi kịch của sự bất lực. Kết thúc truyện ngắn, Heinrich Böll không nói tận cùng nhưng bạn đọc cũng hiểu, nhân vật tôi vẫn rơi vào bi kịch “không bao giờ đạt tới nó”, tìm lại được niềm hạnh phúc đã mất. Nhân vật tôi sẽ mãi là người lữ khách cô đơn trên con đường kiếm tìm hạnh phúc mà chiến tranh và nỗi đau đã dần vùi lấp theo thời gian.

Nỗi ám ảnh của con người cũng là một dạng của bi kịch. Trong truyện ngắn Bên cầu, nhân vật tôi bị ánh ảnh bởi những gương mặt: gương mặt rạng rỡ của những vị thống kê, gương mặt thiện cảm của anh bạn đồng nghiệp ngồi phía bên kia cầu và đặc biệt là gương mặt “người yêu bé nhỏ” của nhân vật tôi. Nhân vật tôi là một thương binh trở về từ chiến trường, anh ta bị thương ở chân và được bố trí một việc làm mà anh ta có thể ngồi được: “tôi đếm số người đi qua cây cầu mới” [35; tr.55]. Hàng ngày anh tiếp xúc với vô số khuôn mặt, hàng ngàn người là hàng ngàn khuôn mặt khác nhau, duy chỉ có ba gương mặt được tác giả khắc họa đậm nét. Thứ nhất là gương mặt của những vị thống kê. Đó là gương mặt thích thú với việc chứng tỏ khả năng của mình bằng những con số, gương mặt say mê vài chữ số vô nghĩa và thỏa mãn khi đi ngủ vì thấy hàng ngày có ngàn người đi qua cây cầu mới của họ. Thứ hai là gương mặt đầy cảm mến của anh bạn đồng nghiệp sớm cảnh báo cho anh ta khi có người kiểm tra sự chính xác trong công việc của anh ta. Và thứ ba, gương mặt người yêu bé nhỏ là làm anh ta nhớ nhất. Mỗi ngày nàng qua lại hai lần, trái tim anh ta như ngừng đập hoàn toàn, “tiếng thình thịch đều đều của tim tôi im bặt cho tới khi nàng rẽ vào con đường viền cây rồi biến mất” [35; tr.56]. Sự xuất hiện của nàng làm gián đoạn công việc của nhân vật tôi

mặc dù anh ta nổi tiếng là một người cực kỳ nghiêm túc, “một đồng hồ đo ki lô mét cũng không thể đếm hơn tôi” [35; tr.57]. Anh ta thổ lộ: miệng thì câm nín, tim tôi ngừng đập và “tôi chỉ bắt đầu đếm trở lại khi không còn thấy nàng nữa. Và tất cả những ai may mắn diễu qua cặp mắt mù của tôi trong hai phút đó đều không phải vào cõi vô tận của ngành thống kê” [35; tr.57]. Vì sao trong tình huống này, anh ta lại lơ đễnh như thế ? Điều đó anh cũng tự trả lời: vì anh yêu nàng, nhưng nàng không biết gì cả và nhân vật tôi cũng không muốn nàng biết điều đó. Nàng không cần cảm thấy mình đã làm đảo lộn mọi tính toán bằng cách khủng khiếp như thế nào. Nhân vật tôi yêu cô gái nhưng

lại không dám thổ lộ vì mang mặc cảm về sự không trọn vẹn của hình thức bề ngoài ư? Bằng cách xây dựng tình huống bị ám ảnh, liên tục để nhân vật tôi chạy trốn tình yêu, Heinrich Böll đã khắc họa đậm nét nỗi đau của những lính trở về từ sau cuộc chiến, họ đau đớn về thể xác đã đành nhưng đến một tình yêu cũng không dám chạm vào, họ đánh mất khả năng yêu thương. Họ tìm cách giải thoát bằng cách lao vào công việc nhưng ai đảm bảo họ sẽ không thôi bị ám ảnh bởi quá khứ đớn đau.

Bên cạnh tình huống bi kịch là kiểu tình huống tượng trưng.

Theo chúng tôi, Khách...quý là truyện ngắn được xây dựng dựa trên một

tình huống có ý nghĩa tượng trưng. Truyện kể về một gia đình rất mến khách. Họ sẵn sàng cho bất kì vị khách đáng yêu nào trú ngụ trong căn nhà nhỏ bé của mình. Nhân vật tôi thích cào nhẹ lông con chó trong khi con mèo đang ngồi trong lòng. Trong một góc phòng khách là chú rùa, con hà mã nhỏ thì ở trong buồng tắm. Mấy chú thỏ nhảy tự do giữa nhà là điều hoàn toàn bình thường, cậu gà con kêu chíp chíp, thím rùa đang thanh thản nhấm mấy lá xà lách, một chú chó Bello ngáp dài vì đói như chính chủ nó. Và thậm chí là cả những con thú vốn không phải là vật nuôi trong nhà như: hải âu, chồn, heo, lạc đà và loài động vật có kích thước không hề nhỏ là voi. Wollo là tên một con voi được ông chủ gánh xiếc gửi nhờ vì vỡ nợ nhưng không muốn bị mất nó. Đáp lại tấm chân tình của vị chủ mới, Wollo thu mình lại như một quả cầu và trượt xuống hầm nhà một cách dễ dàng. Nhưng trong căn nhà của vợ chồng nhân vật tôi đâu chỉ có thế, họ là những người tốt bụng, không nỡ xua đuổi ai, kể cả bọn chào hàng và bán rong, thế nên căn nhà dần chật hẹp bởi những đồ vật mà nhân vật tôi

cho là thừa thãi: xà phòng, dao cạo, bàn chải, len mạng, hộc tủ thì giấy tờ ngổn ngang... Chính điều này mang đến một sự phồn vinh giả tạo cho người vợ. Và để cứu vớt nền kinh tế gia đình, nhân vật tôi lại cải trang, đêm đêm tới những vùng ngoại thành xa xôi để bán bớt chúng đi với giá rẻ mạt.

Cốt truyện chỉ có thế, sự tồn tại của nhiều loài động vật và thế giới đồ vật là một tín hiệu thẩm mỹ quan trọng trong tác phẩm. Mỗi con vật, mỗi đồ vật phải chăng là một số phận bé nhỏ bị bão táp cuộc đời hất tung ra khỏi cuộc sống yên bình vốn có và tìm nơi trú ngụ ở tình thương, lòng tốt bụng. Tình huống cùng đoàn tụ trong căn nhà bé nhỏ của nhân vật tôi là một tình huống giả tạo nhưng có ý nghĩa xã hội phổ quát. Tình huống nhỏ nhưng có ý nghĩa tượng trưng lớn. Chúng là những cá thể may mắn được tồn tại trong ngôi nhà, nhưng chúng hạnh phúc hay bất hạnh vẫn còn là một câu hỏi giàu gợi mở. Tạo tình huống này, Heinrich Böll một lần nữa thể hiện khát vọng muốn xây dựng một xã hội đầy tình thương, nơi người với người có thể nương tựa vào nhau cùng vượt qua khó khăn, mang đến hạnh phúc. Đây cũng đồng thời là giá trị nhân đạo nổi bật trong nhiều truyện ngắn của Heinrich Böll về đề tài hậu chiến.

Cũng như Khách...quý, Giai thoại làm suy giảm đạo đức lao động là một truyện ngắn được xây dựng bởi một tình huống có ý nghĩa tượng trưng. Chuyện kể về một bến cảng nọ bên bờ biển phía tây châu Âu, “một người đánh cá quần áo tồi tàn đang thiu thiu ngủ trong chiếc ghe của mình. Một du khách ăn mặc lịch sự vừa lắp cuộn phim mới vào máy ảnh để chụp cái cảnh thanh bình ấy” [35; tr.231]. Tiếng động khô khan “cắc – cắc” khiến người đánh cá đang mơ màng giật mình thức dậy. Hai người đối thoại với nhau hồi lâu về việc vì sao người đánh cá không ra khơi. Mặc dù vị du khách đã cố ý vẽ ra cho anh ta một viễn cảnh huy hoàng nhưng người đánh cá vẫn không hề lưỡng lự: “Nếu hôm nay anh ra khơi lần thứ hai, thứ ba hay thậm chí lần thứ tư, anh có thể bắt bốn năm chục không chừng cả trăm con cá ngừ nữa...anh thử nghĩ xem. (...) Không chỉ hôm nay, cả ngày mai, ngày mốt nữa, nói chung nếu mỗi ngày đẹp trời anh đều ra khơi hai ba hoặc bốn lần – anh biết điều gì sẽ xảy ra không? (...). Trễ nhất một năm nữa, anh có thể mua động cơ cho

chiếc ghe, sau hai năm anh có thể mua thêm chiếc ghe thứ hai, rồi sau ba bốn năm một thuyền buồm (...). Anh còn có thể xây dựng nhà làm lạnh, xưởng xông khói, cơ sở làm nước xốt (...). Anh có thể được cấp giấy phép đánh cá hồi, mở nhà hàng hải sản, trực tiếp xuất khẩu tôm hùm sang Paris, không qua khâu trung gian - rồi anh...” [35; tr.233-234].

Tạo tình huống này, Heinrich Böll đã thông qua hai nhân vật phát ngôn quan điểm của mình về mục đích của lao động chân chính. Lao động là vì đời sống kinh tế - vật chất, nhưng sau cùng kinh tế phải quay ngược lại phục vụ đời sống con người. Heinrich Böll lên tiếng phê phán những người thực dụng chỉ vì đồng tiền mà quên đi cuộc sống xung quanh, nếu anh không đau khổ vì vật chất và rơi vào vòng xoáy của nó, anh có thể như người đánh cá kia, hồn nhiên thiếp ngủ trong ánh mặt trời hay ngắm nhìn biển cả tuyệt vời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tâm thức thời hậu chiến trong truyện ngắn của bảo ninh và heinrich böll dưới góc nhìn so sánh (Trang 79 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)