7. Cấu trúc luận văn
3.2. Không gian nghệ thuật
Có vai trò tạo nên tính chỉnh thể của hình thức nghệ thuật, góp phần thể hiện quan niệm của nhà nghệ sĩ về thế giới và con người trong quá trình chiếm lĩnh và tái hiện hiện thực bằng nghệ thuật, không gian nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng nằm trong chỉnh thể nghệ thuật làm nên hệ thống thi pháp trong tác phẩm văn chương.
Các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học khẳng định: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó” [27; tr.160]. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian của người nghệ sĩ nên mang đậm dấu ấn chủ quan. Trong mô hình không gian ấy, mỗi loại hình nghệ thuật chiếm lĩnh các chiều không gian khác nhau. Nếu “hội họa và điêu khắc miêu tả các sự vật một cách tĩnh tại, nêu ra hàng đầu các nét và tỉ
lệ không gian của chúng” thì “trong việc chiếm lĩnh không gian nghệ thuật, văn học có các sự vật, nhà văn có khả năng chuyển dịch từ bức tranh này sang bức tranh khác một cách nhanh chóng, lạ thường, dễ dàng đưa người đọc vào những miền không gian khác nhau” [30; tr.26].
Bảo Ninh và Heinrich Böll đều là những nhà văn rất chú ý đến việc xây dựng không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Với nhiệm vụ tái hiện lại một quá khứ đau thương, mất mát không gian chiến trường được hai nhà văn chú ý đặc tả với những nét rất riêng. Không gian ấy càng oanh liệt, càng hỗn chiến thì con người hiện lên càng đau đớn và ám ảnh. Đây cũng là điểm gặp gỡ về không gian nghệ thuật của hai nhà văn. Tuy nhiên với đặc trưng đối lập Đông Tây, không gian nghệ thuật trong tác phẩm Bảo Ninh và Heinrich Böll cũng có những khác biệt thú vị. Tinh thần phương Đông thường tôn sùng chủ nghĩa chỉnh thể, chủ trương chủ nghĩa tập thể trong quan hệ của con người nên coi trọng tinh thần nhân văn, do đó sự khảo sát về con người cũng toàn diện hơn phương Tây. Mà muốn toàn diện, tinh thần phương Đông thường đặt con người vào những không gian bé nhỏ, ngưng đọng để triền miên suy tư và khám phá đến tận mọi ngóc ngách. Nghệ thuật Bonsai của Nhật Bản là một điển hình. Chỉ một hòn non bộ bé tý mà chứa đựng trong nó cả một tiểu vũ trụ bao la. Qua đó cho thấy sức dồn nén của nghệ thuật là vô bờ bến. Truyền thống mấy ngàn năm ấy đã hun đúc một Bảo Ninh thâm trầm, suy tư và trăn trở. Đọc truyện ngắn của ông, người ta như được thưởng lãm một thước phim quay chậm, cả một thế giới hậu chiến được gói gọn trong vài trăm trang sách nên không gian trong tác phẩm cứ lần lượt dồn nén từ lớp này đến lớp khác tạo cảm giác ngột ngạt đến khó tả. Còn nền văn minh phương Tây với tư duy phân tích, chủ nghĩa tự do cá nhân và đặc biệt là chinh phục tự nhiên thì tầm vóc vũ trụ rõ ràng không thể chỉ dừng lại ở một “hòn non bộ bé xíu”, không gian nghệ thuật trong truyện ngắn phương Tây nói chung và truyện ngắn
Heinrich Böll nói riêng đều rộng mở, bao la. Nó thể hiện tinh thần hướng ngoại và lạc quan đối lập với không gian nhuốm màu tâm trạng thường thấy trong truyền thống văn học phương Đông – “cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).