Quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 28 - 32)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.2.1. Quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên thế giới

1.2.1.1. Trung Quốc

Đối với đất lâm nghiệp trước những năm 1970, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo nông dân trồng cây bằng biện pháp hành chính, nên hiệu quả trồng rừng thấp, giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích của người dân chưa có sự phối kết hợp.

Giai đoạn từ năm 1979 – 1992: Trung Quốc đã ban hành 26 văn bản về pháp luật, nghị định, thông tư và quy định liên quan đến công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng. Đầu năm 1980, Trung Quốc ban hành nghị định về vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng, một trong những điểm nổi bật của nghị định này là thực hiện chủ trương giao cho chính quyền các cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, tiến hành cấp chứng nhận

quyền chủ đất rừng cho tất cả các chủ rừng là những tập thể và tư nhân. Luật lâm nghiệp đã xác lập các quyền của người sử dụng đất (chủ đất) quyền được hưởng hoa lợi trên đất mình trồng, quyền không được phép xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp và lợi ích của chủ rừng, chủ đất rừng. Nếu tập thể hay cá nhân hợp đồng trồng rừng trên đất đồi trọc của Nhà nước hay của tập thể, cây đó thuộc về chủ cho hợp đồng và được xử lý theo hợp đồng.

Năm 2000, Cục Lâm nghiệp Nhà nước ban hành chính thức "các biện pháp hành chính đăng ký quyền hưởng dụng của cây rừng và đất lâm nghiệp" và nó chỉ ra rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng trong một mẫu thống nhất đã được phát hành trong cả nước. Đến cuối năm 2000, giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng được phát hành cho 221 triệu ha đất rừng trong cả nước, chiếm 86 phần trăm tổng diện tích đất lâm nghiệp. Hiện nay, công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng đang được thực hiện dần dần trong tất cả các tỉnh.

Sau một khởi đầu sai lầm trong đầu những năm 1980, cải cách chủ rừng Trung Quốc bắt đầu một lần nữa vào năm 2003, khi chính phủ của tỉnh Phúc Kiến, tỉnh lớn nhất của rừng tập thể, bắt đầu thay đổi khuyến khích nhiệm kỳ hộ gia đình. Những cải cách tiến bộ rất nhanh, và đến năm 2006 thực tế tất cả các thôn trong tỉnh là thuộc quyền quản lý rừng hộ gia đình. Đến cuối năm 2007, có thêm 13 tỉnh đã công bố chính sách mới về chủ rừng tập thể. Đến năm 2010, số lượng các tỉnh có chính sách khuyến khích cải cách chủ rừng đã tăng lên đến 20. Trung Quốc đã quyết định đưa ra một số thay đổi cơ bản, trước hết nâng thời hạn quyền sử dụng đất lên 70 năm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, họ sẽ được phép chuyển nhượng, cho thuê và cầm cố quyền sử dụng mảnh đất của mình để thu lợi nhuận.[32]

1.2.1.2. Thái Lan

Tại Thái Lan, Luật ruộng đất được ban hành vào năm 1954 đã thúc đẩy mạnh mẽ chính sách KT - XH của đất nước. Luật ruộng đất đã công nhận toàn bộ đất đai bao gồm đất khu dân cư đều có thể được mua, tậu lại từ cá thể. Các chủ đất có quyền tự do chuyển nhượng, cầm cố một cách hợp pháp, từ đó Chính phủ có được toàn bộ đất trồng (có khả năng trồng trọt được) và nhân dân đã trở thành người làm công trên đất ấy. Tuy nhiên, trong giai đoạn này luật ruộng đất quy định chế độ lĩnh canh ngắn, chế độ luân canh vừa. Bên cạnh đó, việc thu địa tô cao, dân số tăng nhanh, tình trạng thiếu thửa đất do việc phân hóa giàu nghèo, đã dẫn đến việc đầu tư trong nông nghiệp thấp. Từ đó, năng suất cây trồng trên đất phát canh thấp hơn trên đất tự canh.

* Chương trình giấy chứng nhận quyền hưởng hoa lợi

Chương trình này bắt đầu từ năm 1979, mỗi mảnh đất được chia làm hai miền: Miền ở phía trên nguồn nước và miền đất có thể dành để canh tác nông nghiệp, miền ở phía trên nguồn nước thì bị hạn chế để giữ rừng, còn miền đất phù hợp cho canh tác

nông nghiệp thì cấp cho người dân với một giấy chứng nhận quyền hưởng hoa lợi. Mục đích của công tác này là khuyến khích đầu tư vào đất đai, tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa và ngăn chặn sự xâm lấn vào đất rừng. Đến năm 1986, đã có 600.126 hội nông dân không có đất được cấp giấy chứng nhận quyền hưởng hoa lợi.

* Chương trình làng lâm nghiệp Thái Lan

Năm 1975, Cục Lâm nghiệp Hoàng gia thực hiện sơ đồ làng lâm nghiệp để giải quyết cho một số người ở lại trên đất rừng. Chương trình này đã đem lại trật tự cho những người dân Thái Lan sống ở rừng và khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng quốc gia, phục hồi những vùng đất bị thoái hóa do du canh. Ở Thái Lan có 98 làng lâm nghiệp rải rác trên toàn vùng rừng của vương quốc.

Những người sống ở rừng được tập trung lại thành từng nhóm gọi là làng. Mỗi làng bầu ra người lãnh đạo và một hội đồng để tự quản lý. Chính phủ chia cho mỗi hộ gia đình nông dân 2 - 4 ha đất. Diện tích đất này được cấp giấy phép cho quyền sử dụng và có thể được thừa kế nhưng không được bán, nhượng. (Điều này nhằm ngăn chặn những địa chủ mua toàn bộ đất của nông dân). Sau khi làng được lập, một hợp tác xã nông nghiệp sẽ được tổ chức dưới sự bảo trợ của ban khuyến khích hợp tác và có những quyền lợi như đối với hợp tác xã khác. Cục Lâm nghiệp Hoàng gia sẽ ký hợp đồng giao đất dài hạn cho những hợp tác xã đó theo yêu cầu.

Hiện nay, Thái Lan đang thí điểm giao rừng cho cộng đồng. Tổng diện tích đã giao khoảng 200.000 ha ở gần các điểm dân cư. Nhà nước trợ cấp cho mỗi hộ gia đình tối đa 50 rai và tối thiểu 5 rai. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 8, Thái Lan dự kiến áp dụng một chính sách lâm nghiệp toàn diện, chú trọng tới các vấn đề xã hội, môi trường và người nghèo, lấy cộng đồng làm đơn vị cơ sở. Kế hoạch này gồm các phần: Cung cấp thông tin và đào tạo cán bộ, tổ chức cộng đồng, xây dựng chính sách và quy chế, xây dựng hệ thống dịch vụ, hỗ trợ [14].

1.2.1.3. Nepal

Chính phủ cho phép chuyển giao một số diện tích đáng kể các khu rừng cộng đồng ở vùng trung du cho các cộng đồng dân cư địa phương, thông qua sử dụng các tổ chức chính quyền ở cấp cơ sở để quản lý rừng. Chính phủ yêu cầu các tổ chức đó thành lập một ủy ban về rừng và cam kết quản lý những vùng rừng ở địa phương theo kế hoạch đã thỏa thuận. Tuy nhiên sau một thời gian người ta nhận ra các tổ chức đó không phù hợp với việc quản lý và bảo vệ rừng do các khu rừng nằm phân tán, không theo đơn vị hành chính và người dân có các nhu cầu, sở thích khác nhau. Tiếp theo Nhà nước đã phân biệt quyền sở hữu cá nhân và sở hữu nhà nước. Trong sở hữu nhà nước chia rừng thành các quyền sử dụng khác nhau như rừng chính phủ quản lý, rừng cộng đồng hay nhóm người sử dụng, rừng thuê theo hợp đồng, rừng tôn giáo và bảo vệ rừng. Nhóm nhỏ thuê theo hợp đồng với các thành viên từ 5 - 20 hộ gia đình có quyền

sử dụng lâu dài trên đất rừng là 40 năm và được gia hạn thêm 40 năm nữa, diện tích trung bình cho thuê là 3 - 20 ha. Nhà nước công nhận quyền pháp nhân và quyền sử dụng cho các nhóm sử dụng rừng. Trong vòng 14 năm, Nhà nước giao khoảng 9000 ha rừng quốc gia cho các cộng đồng. Từ năm 1993, chính sách lâm nghiệp mới nhấn mạnh đến các nhóm sử dụng rừng, cho phép gia tăng quyền hạn và hỗ trợ các nhóm sử dụng rừng, thay đổi chức năng các phòng lâm nghiệp huyện từ chức năng giám sát và chỉ đạo sang chức năng hỗ trợ và thúc đẩy cho các cộng đồng, từ đó rừng được quản lý và bảo vệ có hiệu quả.

Trong tương lai, sẽ cần nhiều hơn sự tham gia, đầu tư hiệu quả từ khu vực tư nhân vào các doanh nghiệp lâm nghiệp cộng đồng, và những hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm sử dụng rừng để đánh giá những kế hoạch quản lý hoạt động của họ. Thúc đẩy quản trị nội bộ cho các nhóm sử dụng rừng tiếp tục là một quá trình thay đổi mang tính ưu tiên với Nepal. [27]

1.2.1.4. Inđônêxia

Vào những năm 1992, tại Ngawi, Java của Inđônêxia, người ta đã xây dựng một rừng làng 5 hecta theo sáng kiến của sở lâm nghiệp trên đất rừng không thích hợp cho trồng trọt. Dân làng được phép thu hoạch gỗ tại địa phương và buôn bán. Việc chăn thả gia súc trong rừng bị nghiêm cấm. Chính phủ phải quản lý những khu vực mà việc bảo vệ là rất cần thiết và các cộng đồng không thể quản lý được đầy đủ. Theo đó các khu rừng cấm để giữ nước, rừng sản xuất để xuất khẩu và cung cấp gỗ cho vùng do sở lâm nghiệp quản lý, những khu rừng còn lại giao cho địa phương.

Với một diện tích rừng rộng lớn, trữ lượng rừng cao, hệ sinh thái đa dạng, phong phú nên ngành lâm nghiệp của Indonesia rất phát triển, đây là một ngành kinh tế quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Indonesia.Trong diện tích gần 131 triệu ha rừng được chia ra: rừng nguyên sinh 41,3 triệu ha, rừng tái sinh 45,6 triệu ha, rừng trồng 2,8 triệu ha, đất không có rừng 41,1 triệu ha. Rừng của Indonesia được phân thành 3 loại: rừng phòng hộ, rừng bảo tồn (ở ta là rừng đặc dụng) và rừng sản xuất.

Các loại rừng phòng hộ, rừng sản xuất giao cho các địa phương quản lý, sau đó các địa phương giao lại cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ. Đối với rừng sản xuất, Indonesia đã có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, hiện nay đã cấp được khoảng 30 triệu ha rừng, thời gian sử dụng đất lâm nghiệp được quy định 35 năm. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chủ yếu cấp cho các công ty nhà nước, cấp trực tiếp cho dân rất hạn chế.[8]

* Nhận xét chung

Như vậy có thể thấy quản lý rừng đã tồn tại từ lâu đời của các nước trên thế giới thông qua các hình thức quản lý khác nhau. Nhưng các hình thức đều gắn liền với sự tham gia của người dân địa phương vào việc quản lý, bảo vệ cải thiện được đời sống người dân. Các chủ trương, chính sách về đất đai của các nước đều hướng tới mục đích xác lập quyền sở hữu hoặc sử dụng đất cho người sử dụng đất. Để từ đó người dân an tâm đầu tư sản xuất, bên cạnh đó quá trình sản xuất của người dân trên đất luôn được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhằm mục đích tăng cường hiệu quả sử dụng đất về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)