Tình hình quản lý đất lâm nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 59 - 62)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.2.1. Tình hình quản lý đất lâm nghiệp

3.2.1.1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp, đảm bảo quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp đạt hiệu quả cao, trong những năm qua, UBND thị xã Hương Thủy và Phòng Tài nguyên Môi trường đã tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, tỉnh về công tác quản lý và sử dụng đất, tổ chức tập huấn, triển khai cho cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ địa chính cấp huyện, xã, thị trấn.

Tuy nhiên, hạn chế là hệ thống văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực đất đai hàng năm ban hành nhiều, lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung nên việc cập nhật, nghiên cứu để ứng dụng vào công việc chuyên môn của cán bộ tham mưu còn nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn, dẫn đến việc xử lý hồ sơ liên quan đất đai chậm. Đặc biệt, hiện nay Luật đất đai 2013 và các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành, tuy nhiên vẫn còn bất cập chưa giải quyết được do các quy định còn chồng chéo.

3.2.1.2. Khảo sát đo đạc, đánh giá, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Các xã, phường ở thị xã đã được đo đạc thành lập Bản đồ đất lâm nghiệp vào năm 2008. Tuy nhiên quá trình đo đạc của Đoàn đo đạc 202 Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đo đạc, UBND cấp xã và chủ sử dụng đất nên dẫn đến còn sai sót về chủ sử dụng đất đăng ký kê khai, sử dụng, hình thể và ranh giới thửa đất trên bản đồ và hồ sơ đo đạc không đúng với thực tế sử dụng đất của các hộ, đo đất chồng lên đất của các tổ chức, đất quốc phòng dẫn đến khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, trên địa bàn thị xã đang thực hiện đo đạc và chỉnh lý bản đồ 8 xã, phường cơ bản đã hoàn thành.

Công tác đo đạc bản đồ đang từng bước áp dụng có hiệu quả các công nghệ đo đạc hiện đại đáp ứng được yêu cầu lập hồ sơ quản lý sử dụng đất phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu của các ngành, các địa phương.

3.2.1.3. Công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các xã được xây dựng lồng ghép với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong phương án quy hoạch có giảm diện tích đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác do phát triển kinh tế trang trại và sang đất phi nông nghiệp để đầu tư các dự án mở rộng đường đảm bảo theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra, công tác quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn thị xã được căn cứ theo Quyết định số 1501/QĐ-UBND ngày 02/7/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010. Theo Quyết định số 1347/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2010 Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009 - 2020. Tuy nhiên giữa hai ngành có số liệu về loại đất rừng chênh lệch lớn chính là điều khó khăn trong quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.

3.2.1.4. Công tác thống kê, kiểm kê đất đai

Từ năm 2000 trở lại đây, thị xã đã thực hiện đầy đủ công tác thống kê, kiểm kê đất đai theo đúng quy định hiện hành.

Hàng năm, thị xã đã tiến hành điều tra và thống kê biến động đất đai trong năm. Trong đợt tổng kiểm kê đất đai năm 2010 các phường và xã của thị xã đã tiến hành thực hiện và phối hợp các cơ quan chuyên môn xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Qua công tác kiểm kê, thống kê đất đai đã góp một phần không nhỏ cho công tác quản lý đất đai của thị xã.

3.2.1.5. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng đất lâm nghiệp

Căn cứ vào quy định của pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng, trong những năm qua các cấp, các ngành trên địa bàn thị xã đã và đang quản lý, giám sát việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất ngày một tốt hơn. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để triển khai thực hiện ở địa phương, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời động viên và huy động được nhân dân tham gia đóng góp nghĩa vụ với nhà nước bằng việc thực hiện tốt các chính sách thuế.

Trong lĩnh vực đất lâm nghiệp năm 2004 trở về trước, do nền kinh tế chậm phát triển, hiệu quả sản xuất từ đất rừng còn thấp, người dân chưa quan tâm đến việc trồng rừng kinh tế, nhiều hộ gia đình đã được địa phương cấp nhưng vẫn để đất hoang hóa, không tiến hành trồng trọt, sản xuất, chuyển nhượng không qua đăng ký với cơ quan nhà nước. Nhiều hộ gia đình đã được Chính quyền địa phương thông báo nhưng

vẫn không chịu kê khai đăng ký diện tích mình đang sử dụng vì sợ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Hiện nay cùng với Dự án hỗ trợ WB3 nhận thức người dân đã thay đổi, thấy được lợi ích từ việc trồng rừng nên người dân đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với đất lâm nghiệp được giao, cho thuê.

3.2.1.6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai được thị xã và các cấp, các ngành quan tâm nhằm phát hiện ra những yếu kém trong quản lý sử dụng đất đai để có các giải pháp khắc phục kịp thời. Hàng năm có kế hoạch triển khai việc kiểm tra và xử lý các vi phạm về đất đai.

Trong năm 2013 UBND thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra rà soát đất lâm nghiệp và Đoàn kiểm tra rà soát đất lâm nghiệp, điều này đã tạo ra sự thuận lợi trong công tác quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trong thời gian tới. Thông qua kết quả rà soát sơ bộ UBND các xã, phường đã rà soát được đối tượng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận phải chuyển sang thuê đất, trên cơ sở đó đã hướng dẫn cho các đối tượng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận chung trên địa bàn thị xã, đồng thời đưa công tác quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn dần đi vào ổn định.

Nhìn chung trên địa bàn thị xã có những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trong những năm trước đây như cấp đất không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích,… nhưng đã được xem xét giải quyết từ cơ sở.

3.2.1.7. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về đất lâm nghiệp

Lĩnh vực đất đai khá phức tạp và nhạy cảm, các văn bản hướng dẫn, chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai chưa thực sự đồng bộ, thường xuyên bổ sung, thay đổi nên các cơ quan nhà nước còn lúng túng khi áp dụng giải quyết dẫn đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, độ chính xác còn ở mức độ, nên đã gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và các tranh chấp về đất đai đã được quan tâm thực hiện; UBND thị xã và các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm tra, xác minh và quyết định giải quyết theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, pháp luật đất đai, nên tình trạng khiếu nại tập thể, khiếu kiện đông người; đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp ít xảy ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)