3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.2.3. Kết quả giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình
Thực hiện Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993, Nghị định 85/1999/NĐ-CP ngày 28/8/1999 của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhânsử dụng ổn định lâu dài vào mục đích nông nghiệp, tính đến tháng 12/2009, kết quả giao đất và cấp GCNQSDĐ của các địa phương trên phạm vi toàn quốc đã có trên 8000 xã tiến hành giao đất nông nghiệp, để sử dụng ổn định lâu dài cho gần 11 triệu hộ nông dân (chiếm hơn 80% tổng số hộ) với khoảng 46 triệu nhân khẩu. Trong gần 9,60 triệu ha đất nông nghiệp của cả nước, diện tích đã giao trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng là 8,46 triệu ha (bằng 88,13%). Chỉ có khoảng 1 triệu ha được giao hoặc cho thuê theo các đối tượng khác như:
- Giao cho các tổ chức kinh tế 707.934,70 ha (7,38%).
- Cho nước ngoài và liên doanh với nước ngoài thuê 8.974,39 ha (0,09%). - UBND xã quản lý sử dụng 16.697,66 ha (2,14%).
- Các đối tượng khác sử dụng 88.770,96 ha (0,92%).
Các địa phương đã căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể để lựa chọn những phương án tiến hành giao đất thích hợp, nhằm đảm bảo yêu cầu vừa ổn định, vừa phát triển sản xuất. Ở các tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ một số tỉnh Miền núi) và duyên hải Miền Trung đều kế thừa những kết quả giao khoán đất cho hộ nông dân khi thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị, cách giao khoán này phù hợp
với tinh thần giao đất theo Nghị định 64-CP của Chính phủ, nên các địa phương không phải điều chỉnh nhiều. Các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Nam Bộ trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, đã tổ chức các hộ nông dân thương lượng với nhau dưới sự chỉ đạo chính quyền địa phương, nên khi thực hiện giao đất nông nghiệp, chủ yếu là căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất để giao đất cho hộ gia đình.
Đối tượng được giao đất lâm nghiệp gồm tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Khác với đất nông nghiệp, việc xác định đối tượng được giao đất lâm nghiệp ở từng địa phương là hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích sử dụng rừng đã được quy hoạch.
Thực hiện Nghị định 02/CP ngày 15/1/1994 và Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, kết quả giao đất lâm nghiệp trên địa bàn cả nước:
* Kết quả về giao rừng và đất lâm nghiệp Tổng hợp kết quả từ các địa phương, diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện nay là: 17.934.316 ha, kết quả giao rừng và đất lâm nghiệp như sau:
- Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao là: 14.557.021 ha Trong đó: + Đất có rừng là: 11.661.597 ha
+ Đất chưa có rừng là: 2.895.424 ha
- Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao là: 3.377.295 ha Trong đó: + Đất có rừng là: 2.292.561 ha
+ Đất chưa có rừng là: 1.084.734 ha
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho các chủ quản lý đến 31/12/2013, gồm: các tổ chức (Ban quản lý rừng, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, tổ chức khác) quản lý chiếm đến 51,78% (trong đó diện tích có rừng chiếm 55,34%; chưa có rừng chiếm 39,29%), tiếp đến là giao cho hộ gia đình 24,88% (trong đó diện tích có rừng chiếm 24,47%; chưa có rừng chiếm 26,35%), cộng đồng dân cư thôn bản 4,5% (trong đó giao diện tích có rừng chiếm 3,76%, chưa có rừng chiếm 7,11%) và Uỷ ban nhân dân xã đang quản lý (chưa giao) 18,83% (trong đó diện tích có rừng chiếm 16,43%, chưa có rừng chiếm 27,26%). [3]
* Tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất chính toàn quốc tính đến tháng 6 năm 2014, kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Lâm nghiệp như sau:
Tổng số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã cấp là 1.971.817 giấy với diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là: 12.268.742 ha.[3]
Nhìn chung tiến độ giao đất lâm nghiệp còn chậm. Nhiều địa phương chưa chú trọng đúng mức công tác giao đất lâm nghiệp. Cơ chế về giao khoán cho các hộ lâm trường viên, hộ gia đình và cá nhân chưa rõ ràng. Tài liệu hồ sơ để quản lý đất có rừng còn thiếu, chưa đồng bộ.
Chủ trương giao đất nông, lâm nghiệp cho các hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, cùng với việc mở rộng quyền sử dụng đất là chủ trương lớn, có tính chiến lược của đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, nó có tác động tích cực đến việc quản lý và sử dụng đất đai bền vững. Sau khi giao đất nông, lâm nghiệp cho các hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, thì người nông dân thực sự làm chủ trên đất được giao, họ yên tâm đầu tư lao động và vốn vào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.
Chủ trương phát triển lâm nghiệp xã hội được thực hiện có kết quả là nhờ chính sách giao đất, giao rừng và khoán rừng cho hộ nông dân. Nhiều mô hình trang trại rừng, vườn rừng, kinh doanh nông, lâm nghiệp tổng hợp đã hình thành và phát triển trên địa bàn Trung du, miền núi phía Bắc, vùng Đông Nam Bộ và Tây nguyên với quy mô ngày càng lớn, kinh doanh có hiệu quả. Thực tế cho thấy, tình hình KT - XH nông thôn sau 1993 có nhiều khởi sắc và phát triển nhiều mặt: trồng trọt và chăn nuôi đều phát triển theo xu hướng đa dạng hoá sản phẩm, tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động. Trong những năm gần đây diện tích đất nông nghiệp liên tục tăng, năm 2000 so với năm 1990 tăng 2.352.104 ha; riêng trong 5 năm (1995 - 2000), mặc dù gần 4.000 ha đất nông nghiệp đã được chuyển vào các mục đích khác, nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn tăng thêm được 1.351.597 ha (bình quân 1 năm tăng 270.000 ha). Diện tích đất nông nghiệp tăng trong 5 năm chủ yếu là đất trồng cây lâu năm (chiếm 56,5% so với tổng số diện tích tăng). Sản lượng lương thực tăng nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước; tốc độ tăng lương thực bình quân là 5%, trong khi đó tốc độ tăng dân số chỉ có 2%, nên lương thực bình quân đầu người cũng tăng dần qua các năm: Từ 300 kg năm 1986 lên 324 kg năm 1990, 372 kg năm 1995 và hiện nay là 552 kg. Nước ta từ một nước thiếu lương thực, đến nay không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu một khối lượng lớn, mỗi năm xuất khẩu trên 3 triệu tấn gạo và luôn có tên trong nhóm 3 nước xuất khẩu nhiều gạo nhất trên thế giới.
Cây công nghiệp, cây ăn quả, rau đậu đều phát triển khá, trong trồng trọt đã thực hiện phương châm “đất nào cây ấy” để tăng hiệu quả sử dụng đất. Do việc giao đất lâm nghiệp, khoán rừng được đẩy mạnh, nên đã góp phần bảo vệ, phục hồi và trồng mới rừng, đưa diện tích đất lâm nghiệp, rừng trong giai đoạn 1995-2000 tăng
754.600 ha. Độ che phủ tăng từ 32,61% (năm 1995) lên 35,08% (năm 2000). Khi vấn đề lương thực, thực phẩm được giải quyết thì nạn phá rừng cũng dần dần được hạn chế, việc trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và trồng rừng phân tán trong khu dân cư, được quan tâm và ngày càng phát triển.
Tất cả những điều đó nói lên rằng: chính sách giao đất nông, lâm nghiệp cho hộ nông dân sử dụng ổn định lâu dài là sự đổi mới tích cực, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ môi trường bền vững cho tương lai.
* Vướng mắc, bất cập
- Hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận ở nước ta hiện chủ yếu vẫn là thủ công, thiếu đồng bộ; cơ sở dữ liệu bản đồ, hồ sơ địa chính thiếu về số lượng và kém về chất lượng, không được cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai và thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
- Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vẫn còn chậm. Hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở địa phương chưa được kiện toàn và hạn chế về năng lực, kinh phí đầu tư cho việc cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng được nhu cầu.
- Tài liệu kỹ thuật, pháp lý về thửa đất, hồ sơ địa chính phục vụ cấp giấy chứng nhận không đầy đủ, không thống nhất, không được lưu trữ, cập nhật theo quy định, nhiều địa phương chưa quan tâm, chưa dành kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận.
- Một số địa phương còn tình trạng cán bộ lợi dụng, trục lợi, gây phiều hà, tiêu cực đối với người sử dụng đất xin cấp giấy chứng nhận, cán bộ thi hành nhiệm vụ thiếu trách nhiệm hoặc cố tình kéo dài thời gian, áp dụng không đúng quy định để bắt người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích ngoài hạn mức đất ở khi xác định hạn mức công nhận diện tích đất ở gắn với vườn, ao.