Hiệu quả trong lao động việc làm và mối quan hệ cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 78 - 79)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.5.2. Hiệu quả trong lao động việc làm và mối quan hệ cộng đồng

* Giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để ổn định an ninh chính trị, đẩy lùi các tệ nạn xã hội đang có nguy cơ xâm nhập vào tầng lớp lao động nông thôn khi thiếu việc làm.

Qua điều tra hầu hết các hộ gia đình đều cho rằng tác dụng của việc giao đất, giao rừng là vô cùng quan trọng đối với việc giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình. Theo kết quả phỏng vấn 60 hộ gia đình ở 3 xã cho thấy 100% số hộ đã tận dụng hết khả năng lao động chính trong gia đình, trong số các hộ gia đình có lao động phụ thì có 78% số hộ đã tận dụng hết nguồn lao động này. Có 96% số hộ được hỏi nói rằng cơ chế quản lý và mức đất giao như hiện nay đã tạo thuận lợi cho họ tổ chức, sử dụng nguồn lao động trong gia đình tốt hơn thời kỳ trước.

Trước khi giao đất số ngày công làm việc của người lao động từ 140 đến 160 ngày/năm, nhưng sau khi giao đất việc tổ chức sản xuất hợp lý và tốt hơn nên đòi hỏi số ngày làm việc của người lao động tăng lên từ 200 đến 220 ngày/năm. Sau khi giao đất khả năng thâm canh tăng vụ tốt hơn, hệ số sử dụng đất tăng từ 1,81 lần năm 2005 lên 2,36 lần năm 2014. Sản xuất nông nghiệp đa dạng hơn bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và cả chế biến, bảo quản nâng cao chất lượng nông sản để cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, số lượng, chất lượng lao động cũng tốt hơn so với trước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, việc sử dụng lao động trong gia đình hiện nay còn có một số vấn đề tồn tại cần giải quyết như vấn đề đào tạo tay nghề, nâng cao khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn, thời gian làm việc còn quá nhiều trong ngày, vấn đề an toàn lao động chưa được chú ý, nên đã dẫn đến những thiệt hại rủi ro đáng tiếc trong quá trình sản xuất, cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người.

* Nâng cao khả năng liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, cũng cố mối quan hệ đoàn kết cộng đồng, kích thích ý thức làm giàu của người dân

Qua thực tế đã chứng minh cho thấy sự liên kết để sản xuất nông, lâm nghiệp có vai trò to lớn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Qua điều tra các hộ gia đình ở 3 xã cho thấy sau khi giao đất mối quan hệ đoàn kết cộng đồng của bà con nhân dân ngày càng thân thiết hơn, làng xóm ngày càng gắn bó nhiều hơn. Các hộ gia đình giúp nhau sản xuất nông lâm nghiệp, hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi cho nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó các gia đình có sự liên kết để hợp tác kinh doanh sản xuất, nông sản bán ra có sự thống nhất về giá cả đầu ra, hoặc các sản phẩm được tập hợp lại để bán.

Qua phỏng vấn 60 hộ gia đình cho thấy: Trong sản xuất có 58 hộ được hỏi cho biết họ có đổi công cho nhau để cùng thu hoạch đồng ruộng vào những ngày mùa, 36 hộ trả lời có đổi đất cho nhau để thuận tiện hơn trong sản xuất. Mâu thuẫn giữa các gia đình hoặc trong gia đình giảm dần. Bên cạnh đó chính sách giao đất đã kích thích ý thức làm giàu chính đáng của người dân trên chính mảnh đất được giao, tăng khả năng huy động nguồn lực sẵn có của địa phương cho phát triển kinh tế xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 78 - 79)