3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN
1.2.2. Tình hình nghiên cứu đồng quản lý rừng ở Việt Nam
Khác với rừng sản xuất hay rừng phòng hộ, hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, khu vực có giá trị đa dạng sinh học tập trung cao nhất, luôn được áp dụng các quy định quản lý, bảo vệ chặt chẽ và nghiêm ngặt. Trước đây, việc xây dựng kế hoạch quản lý và bảo vệ các khu rừng đặc dụng vẫn thường được tiếp cận theo kiểu từ trên xuống, ít quan tâm đến người dân sống trong và gần các khu rừng. Điều này vô hình chung đã đặt người dân với vai trò là người ngoài cuộc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Tiềm năng to lớn của người dân về lao động, về những hiểu biết và kinh nghiệm lâu đời trong quản lý và sử dụng tài nguyên chưa được khai thác ứng dụng. Trong khi đó, bảo tồn thiên nhiên thường mâu thuẫn với những lợi ích của người dân vốn sinh sống phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên rừng. Nhiều nơi, thay vì tham gia quản lý bảo vệ tài nguyên, người dân đã đối đầu với lực lượng quản lý bảo vệ rừng của chính quyền. Vì thế, để giảm áp lực đối với các khu rừng bảo tồn thiên nhiên, chia sẻ gánh nặng đối với chính quyền các cấp trong tình trạng trên thì việc tham gia của cộng đồng với vai trò đồng quản lý là giải pháp tốt.
Đồng quản lý tài nguyên rừng là một khái niệm khá mới ở Việt Nam. Năm 1997, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, khái niệm đồng quản lý lần đầu tiên được đưa vào giới thiệu tại một khóa tập huấn về “Kết hợp bảo tồn và phát triển” (Integrated Conservation and Development - ICD), dưới sự tài trợ của Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên. Sau đó khái niệm này tiếp tục được giới thiệu trong một số khóa tập huấn về bảo tồn thiên nhiên của các dự án được các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đồng quản lý tài nguyên vẫn chưa thể triển khai trên thực tế. Những năm tiếp theo, trên cơ sở hệ thống văn bản pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách đồng quản lý đã được nhiều tổ chức, nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, hệ thống lại.
Năm 2002, Ulrich Apel, Oliver C. Maxwell và các tác giả đã có công trình nghiên cứu về sự phối hợp quản lý và bảo tồn tại KBT thiên nhiên Pù Luông, đồng thời đã đánh giá về tình hình sử dụng đất đai, nhà ở và cách quản lý tài nguyên thiên nhiên ở một số thôn bản vùng đệm KBT thiên nhiên Pù Luông. Bước đầu cũng đã đưa ra được một số phân tích về sự phụ thuộc của người dân đối với tài nguyên rừng và đánh giá một số thể chế, chính sách hiện nay đối với công tác quản lý rừng đặc dụng. Tuy nhiên chưa đánh giá được đầy đủ tiềm năng về đồng quản lý cũng như chưa đưa ra được nguyên tắc và giải pháp thực hiện [26].
Nguyễn Quốc Dựng (2003), đã có nghiên cứu về đồng quản lý KBT thiên nhiên Sông Thanh. Nghiên cứu này đã đánh giá giá trị đa dạng sinh học của KBT, tiềm năng đồng quản lý của các bên liên quan, bao gồm: Chính quyền xã Tà Bhing, cộng đồng dân tộc Cơ Tu, Kiểm lâm, UBND huyện và đề xuất một số nguyên tắc và giải pháp đồng quản lý. Đồng quản lý ở đây là sự hợp tác giữa Ban quản lý KBT, chính quyền và cộng đồng người dân [9].
Năm 2003, Hội thảo để thành lập KBT thiên nhiên Phu Xai Lai Leng do cộng đồng quản lý được tổ chức tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, tại Hội thảo nhiều ý kiến tham luận và trao đổi của các nhà quản lý, các chuyên gia về một số vấn đề đồng quản lý KBT.
Vũ Đức Thuận (2006), đã nghiên cứu đề xuất đồng quản lý KBT thiên nhiên Copia, tỉnh Sơn La. Nghiên cứu đã phân tích các bên liên quan và đề xuất một số nguyên tắc và giải pháp để tiến tới tổ chức đồng quản lý rừng KBT.
Phạm Văn Hạ (2007), đã nghiên cứu đồng quản lý tại Vườn quốc gia Chư Yang Sing – tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2010, Lê Thị Thu Thuỷ, đã nghiên cứu đồng quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh – tỉnh Gia Lai.
Năm 2010, với sự tài trợ tài chính cũng như hỗ trợ kỹ thuật của VCF và với sự tư vấn của nhóm chuyên gia trường Đại học Tây Nguyên, đã tổ chức một đợt đánh giá, hội thảo về “Đánh giá nhu cầu bảo tồn tại KBT thiên nhiên Nam Ka” [16].
Ngày 02/02/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 116/QĐ- TTg cho phép thí điểm chia sẻ lợi ích trong rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), sau đó mở rộng thí điểm ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai).
Ngày 27/3/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế đồng quản lý rừng. Dự thảo Quy chế Đồng quản lý rừng đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo gồm 3 Chương và 17 điều, gồm các nội dung cơ bản về những quy định chung; nội dung, cách thức thực hiện đồng quản lý rừng và tổ chức thực hiện. Mục tiêu của Quy chế nhằm khuyến khích và thu hút cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trong và gần rừng, các bên liên quan ở địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước có liên quan đóng góp nguồn lực cùng tham gia quản lý rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng, góp phần cải thiện sinh kế người dân, bảo tồn và phát triển rừng bền vững.
suy thoái tại miền Bắc Việt Nam (RENFODA – JICA) cho thấy: Dự án đã nghiên cứu và đề xuất được một số nguyên tắc và giải pháp thực hiện đồng quản lý rừng phòng hộ tại xóm Lòn xã Bình Thanh và xóm Dưng xã Hiền Lương, trong khuôn khổ dự án bước đầu đã lựa chọn một số nguyên tắc và giải pháp đồng quản lý để áp dụng trong các hoạt động của Dự án trên địa bàn 2 xã này. Đây là một sự thử nghiệm áp dụng phương thức đồng quản lý rừng lần đầu tiên tại Việt Nam cho rừng phòng hộ.
Như vậy, ở Việt Nam, đồng quản lý hay hợp tác quản lý tài nguyên là khá mới mẻ, đang còn trong giai đoạn thử nghiệm nên việc triển khai thực hiện đồng quản lý rừng đặc dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc về cách làm, cơ chế chính sách cũng như hiệu quả thực tế chưa rõ ràng của những mô hình đã tiến hành. Do vậy, để có thể nhân rộng đồng quản lý rừng đặc dụng, Nhà nước nên có sự thống nhất bằng văn bản pháp lý của nhà nước, nhằm kêu gọi sự đồng thuận và chia sẻ lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương. Tiếp tục, có các nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tế của những mô hình đã tiến hành, thúc đẩy sự nỗ lực của các bên trong cơ chế đồng quản lý.