Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và đề xuất mô hình đồng quản lý rừng đặc dụng tại khu bảo tồn sao la, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 39)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN

3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội

3.1.2.1. Dân số, dân tộc

Trong vùng lõi đề xuất của KBT không có dân cư sinh sống. Tại 5 xã vùng đệm KBT có hơn 2.300 hộ với 10.136 khẩu. Mật độ dân số trung bình rất thấp 15,5 người/km2, xã A Roàng có mật độ dân cao nhất 44 người/km2, xã Hương Nguyên có mật độ thấp nhất là 4 người/km2.

Trên địa bàn 5 xã có 3 nhóm dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 36,4%; người Cà Tu chiếm 29,6%; người Tà Ôi chiếm 34%. Người Kinh chủ yếu sinh sống ở các xã Dương Hòa, Thượng Quảng; người Cà Tu sinh sống chủ yếu ở các xã Hương Nguyên, Thượng Quảng, Thượng Long; người Tà Ôi sinh sống chủ yếu trên địa bàn xã A Roàng. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của 5 xã vùng đệm bình quân là 1,27%.

Số người trong độ tuổi lao động ở các xã vùng đệm là 4.510 người chiếm 44,5% số dân trong khu vực, trung bình trong mỗi hộ có khoảng 2 người trong độ tuổi lao động. Nhân lực trong khu vực vùng đệm tập trung chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp chiếm 90,1% số lao động; còn lại là các ngành nghề khác như thương mại dịch vụ 4,0%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 2% và lao động khác 3,9%. Theo kết quả điều tra, hiện có tới 19% lao động thiếu việc làm, đây là nguy cơ tiềm ẩn tác động đến tài nguyên rừng làm giảm tính đa dạng sinh học tại KBT.

3.1.2.2. Đặc điểm kinh tế

Tổng diện tích tự nhiên 5 xã là 84.906 ha, trong đó: đất nông nghiệp 2.949 ha chiếm 3%; đất lâm nghiệp là 74.553,99 ha chiếm 88%; đất phi nông nghiệp là 6.552 ha chiếm 8% ; đất chưa sử dụng 880,13 ha chiếm 1% diện tích tự nhiên.

Tất cả các xã vùng đệm là các xã vùng núi, xa, các khu công nghiệp, dịch vụ nhỏ bé nên Nông nghiệp là ngành sản xuất chính. Theo kết quả thống kê thu nhập bình quân trên địa bàn 3 huyện là 8,075 triệu đồng/người/năm, trong đó nông nghiệp chiếm trên 50%. Kết quả thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân trên địa bàn 5 xã rất thấp và chỉ bằng 70% thu nhập của các huyện, như xã A Roàng là 5,5 triệu đồng/người; Hương Nguyên 7,5 triệu đồng/người; Thượng Quảng 9,5 triệu đồng/người; Dương Hòa 9,8 triệu đồng/người; Thượng Long 10,2 triệu đồng/người.

Kết quả khảo sát mức sống của các hộ gia đình cho thấy 21,66 % số hộ thuộc diện nghèo, cao hơn tỷ lệ bình quân của huyện A Lưới (21,28 %), cũng như Nam Đông (11,0%)

a) Nông nghiệp

Nông nghiệp hiện là một trong những ngành mũi nhọn, trọng tâm trong cơ cấu phát triển kinh tế của các xã khu vực vùng đệm, với các ngành chính là trồng trọt và chăn nuôi.

- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây lương thực và rau đậu là 841,4 ha. Trong đó, lúa chiếm 58%, mầu và rau đậu chiếm 42% diện tích gieo trồng. Sản lượng lương thực có hạt 2.250 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 301 kg/người/năm. Như vậy về an ninh lương thực của các xã trong khu vực vùng đệm chưa được đảm bảo, vì vậy người dân trong khu vực vẫn phải một phần sống dựa vào rừng. Trong khu vực vùng đệm người dân còn trồng cây cao su trên địa bàn 4 xã Thượng Quảng,Hương Nguyên, A Roàng và Thượng Long với diện tích 1.124 ha, những năm trước đây là loài cây cho thu nhập lớn và ổn định, tuy nhiên hiện nay đất để phát triển cây cao su đã không còn, trong khi giá cả xuống thấp.

- Chăn nuôi: Các hộ gia đình ở 5 xã vùng đệm đều chăn nuôi gia súc và gia cầm các loại. Bình quân mỗi hộ gia đình có từ 1 đến 2 gia súc; 7 – 10 con gia cầm các loại. Trong những năm trở lại đây chăn nuôi trong khu vực gặp nhiều khó khăn do thiếu khu vực chăn thả, các loại dịch bệnh như lở mồm long móng ở gia súc; dịch cúm ở gia cầm xảy ra. Chăn nuôi chủ yếu phát triển ở quy mô hộ gia đình, cung cấp thực phẩm tại chỗ, lượng thịt gia súc, gia cầm trở thành hàng hóa chưa nhiều.

b) Lâm nghiệp: Các hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn vùng đệm diễn ra khá sôi động dưới hai hình thức quốc doanh và hộ gia đình. Hiện tại trong khu vực có 4 đơn vị quốc doanh lâm nghiệp: Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông; A Lưới; Hương Thủy; Công ty lâm nghiệp Nam Hòa. Ngoài Công ty lâm nghiệp Nam Hòa, ba Ban Quản lý rừng phòng hộ là các đơn vị sự nghiệp với nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng phòng hộ là chính. Một số hộ gia đình trong khu vực kinh doanh rừng nguyên liệu, tuy nhiên hiện nay công tác giao đất trồng rừng đang triển khai rất chậm, gây nhiều khó khăn cho các hộ gia đình. Với doanh thu 01 ha rừng trồng nguyên liệu khoảng 30 – 35 triệu đồng/chu kỳ kinh doanh (4-5năm), mỗi hộ gia đình chỉ cần được giao bình quân 2 ha thì sẽ có thêm thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp 10 triệu đồng/năm, bằng 40% thu nhập hiện tại. Có thể nói, giao đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu mở ra cơ hội thoát nghèo và tiến tới làm giàu cho nhiều hộ gia đình, góp phần bảo vệ KBT.

c) Thương mại, dịch vụ: Trong khu vực ngành thương mại dịch vụ quốc doanh hầu như không có, trên địa bàn 5 xã cũng đã có chợ. Hoạt động thương mại, dịch vụ do tư nhân đảm nhiệm, phương thức hoạt động cũng khá đa dạng như trao đổi hàng hoá, vận chuyển hàng hoá, mua bán các vật dụng cần thiết cho nhu cầu của người dân. Tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành là yếu tố thuận lợi cho việc thông thương, buôn bán với các xã, huyện trong và ngoài tỉnh.

d) Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Trong khu vực không có cơ sở công nghiệp nào đáng kể, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, quy mô hộ gia đình. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ đời sống hàng ngày như xay sát, mộc, rèn, đan lát, dệt truyền thống, các sản phẩm làm ra phục vụ cho nhu cầu tại chỗ là chính. Đặc biệt nghề dệt truyền thống đang được người dân cũng như các tổ chức phi chính phủ quan tâm phục hồi, nếu được đầu tư đúng hướng đây sẽ là một sản phầm du lịch độc đáo trong tương lai.

3.1.2.3. Cơ sở hạ tầng

a) Giao thông: Năm xã vùng đệm đã có đường ô tô tới trung tâm xã, 70% đường liên thôn đã được xây dựng bằng bê tông hoặc đường nhựa. Các công trình giao thông trên đều do chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn. Trong vùng KBT Sao la có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua với chiều dài 32,5 km, đường bê tông và trải nhựa, có thể lưu thông quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa mưa hiện tượng sạt lở thường xuyên xảy ra, gây ách tắc giao thông. Tuyến đường Hồ Chí Minh được xây dựng đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế xã hội trong vùng, tuy nhiên tiếng ồn do động cơ ô tô có thể sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả bảo tồn trong tương lai.

b) Thủy lợi: Ngoài công trình thủy lợi Tả Trạch, vùng đệm của KBT chỉ có công trình thủy lợi nhỏ, theo kết quả thống kê khu vực có 9 hồ đập nhỏ với công suất thiết kế tưới 200 ha, công suất thực tế là 150 ha, đảm bảo cung cấp nước cho khoảng 50% diện tích lúa nước. Hệ thống kênh mương trong khu vực phần lớn là mương đất, chủ trương kiên cố hóa đã được thực hiện từ lâu, nhưng hiện tại mới chỉ có khoảng 20% kênh mương được bê tông.

c) Cung cấp điện, nước: Hệ thống điện trong khu vực được xây dựng tương đối hoàn thiện, tất cả các thôn đã có điện lưới quốc gia, hiện tại có 95,57 % số hộ sử dụng điện. Dương Hòa, Thượng Quảng, Hương Nguyên là xã có số hộ sử dụng điện cao nhất với 100%, A Roàng có số hộ sử dụng điện thấp nhất 82,3 %. Các hộ chưa sử dụng điện là do điều kiện kinh tế khó khăn hoặc nhà nằm quá xa hệ thống điện. Nước sạch dùng cho sinh hoạt trên địa bàn 5 xã được cung cấp bởi các hệ thống tự chảy, hiện tại đã có 90 % số hộ gia đình sử dụng nước sạch, cao nhất là 95% (Thượng Quảng) và thấp nhất là 85,7% (A Roàng).

3.1.2.4. Giáo dục, y tế

a) Giáo dục: Các xã trong vùng đệm có hệ thống trường từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông phải ra các trường tại trung tâm huyện để học. Hiện tại, cơ sở vật chất của các trường học đang được nâng cấp và xây mới, không còn hiện tượng học ca ba. Theo số liệu thống kê tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường đạt 98%. Tất cả các xã đã hoàn thành phổ cập tiểu học và đang hướng tới phổ cập trung học cơ sở.

b) Y tế: Trong vùng đệm, mỗi xã đều có một trạm xá, ngoài ra trên địa bàn còn có trạm quân y của đoàn Kinh tế quốc phòng 92. Bình quân mỗi xã có 4 cán bộ y tế và mạng lưới y tá thôn làng. Bình quân trên địa bàn vùng đệm cứ 400 - 500 người dân có một y, bác sĩ; 500 - 600 người dân có một giường bệnh.

Nhìn chung, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám và chữa bệnh của các trạm còn rất nhiều khó khăn, trang thiết bị cũng như thuốc men chỉ đảm bảo chữa trị các bệnh thông thường hoặc là chỉ đủ sơ cứu ban đầu cho các bệnh nhân nặng, sau đó phải chuyển lên tuyến trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và đề xuất mô hình đồng quản lý rừng đặc dụng tại khu bảo tồn sao la, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)