Vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở giết mổ và chế biến thực phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định mức độ ô nhiễm e coli trong thịt lợn và môi trường giết mổ tại một số cơ sở giết mổ tập trung ở thừa thiên huế (Trang 39 - 43)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

1.7.6. Vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở giết mổ và chế biến thực phẩm

Vì sức khoẻ cộng đồng, làm sao để có nguồn “thịt sạch” đang được xã hội hết sức quan tâm. Theo Luật quốc tế về vệ sinh thịt tươi sống thì đó là “thịt an toàn và không độc”. Sự “an toàn và không độc” này phải được đảm bảo trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển, chế biến, bảo quản, đóng gói và nấu nướng. Thịt sạch phải đạt các chỉ tiêu sau: Không gây ngộ độc và nhiễm bệnh, không có chất tồn dư quá mức cho phép, không bị ô nhiễm vi sinh vật có hại và các chất không an toàn, không làm cho người tiêu dùng khó chịu, không xử lý bằng những chất bị cấm sử dụng, sản xuất trong điều kiện được kiểm tra vệ sinh đầy đủ.

Hiện nay, áp lực từ người tiêu dùng, các hiệp hội sinh thái và các tổ chức chính quyền đang hướng toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm đến việc áp dụng các hệ thống quản lý thực phẩm an toàn hơn.

Nằm trong chuỗi kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm là việc giết mổ gia súc gia cầm là một trong những công đoạn mấu chốt. Để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tuỳ từng điều kiện cụ thể mà mỗi cơ sở giết mổ áp dụng các biện pháp phù hợp nhưng mục đích cuối cùng là có được sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, không gây nguy hại cho người tiêu dùng. Một trong các biện pháp đó là:

- Đào tạo công nhân:cần có các chương trình đào tạo, tập huấn cho công nhân trực tiếp tham gia sản xuất. Mục tiêu là đào tạo các công nhân lành nghề có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Áp dụng ISO 9000: ISO 9000 hướng dẫn các tổ chức cũng như các doanh nghiệp xây dựng một mô hình quản lý thích hợp và văn bản hoá các yếu tố của hệ thống chất lượng theo mô hình đã chọn.

- Thanh tra và kiếm tra: Nhằm duy trì các tiêu chuẩn đã được thoả mãn, đồng thời phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các sai phạm phát sinh.

- Chương trình thực hành sản xuất tốt (Good Manufacturing Practics - GMP): Đây là một phương pháp được tiến hành hàng ngày để đạt được an toàn vệ sinh thực phẩm căn bản. GMP là yêu cầu thông thường tối thiểu về chế biến và vệ sinh đối với mọi cơ sở chế biến thực phẩm. GMP là nền tảng để triển khai và thực thi các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm khác như HACCP, SQF 2000CM (Safe Quality Food 2000 Certificated Mark), và ISO 9000.

- Giám sát quá trình chế biến sản phẩm: Đây là vấn đề quan trọng nhằm đánh giá mức độ khống chế và sự an toàn. Đây cũng là một đặc điểm của phương pháp HACCP nhưng sự giám sát được thực hiện bởi một công ty, bất luận là ở cơ sở đó có vận hành HACCP hay không. Giám sát phải đều đặn và liên tục đối với các chỉ tiêu đã được xác định từ trước.

- Phương pháp phân tích mổỉ nguy cơ và kiểm soát điểm tối hạn (Hazard Analysis Critical Control Point - HACCP): Là hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế mang tính phòng ngừa nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua việc phân tích các mối nguy cơ và thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các điểm tới hạn.

Điều khiến HACCP trở thành tiêu chuẩn đánh giá mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm hàng đầu hiện nay đó chính là tính phòng ngừa, khả năng ngăn ngừa một cách chủ động nguy cơ ô nhiễm trong quá trình chế biến thực phẩm để tạo ra thực phẩm an toàn, giảm nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Hệ thống này sẽ phân tích các mối nguy có thể xảy ra và xác định, giám sát các điểm CCP trong tất cả các quy trình hoạt động có liên quan đến sản phẩm từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Do đó, quy trình HACCP đã triệt tiêu các mối nguy có thể có ngay từ khi nó còn chưa xảy ra.

HACCP được xây dựng trên 7 nguyên tắc:

Nguyên tắc 1: Phân tích các mối nguy và biện pháp phòng ngừa

Các mối nguy bao gồm các yếu tố sinh học, hóa học hoặc vật lý có thể làm cho thực phẩm mất an toàn khi sử dụng. HACCP tập trung vào các mối nguy đáng kể, hay xảy ra và có nhiều khả năng gây rủi ro không thể chấp nhận được cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sau khi hoàn tất việc đánh giá các mối nguy đáng kể thì phải tiến hành xác lập các biện pháp kiểm soát cụ thể. Có thể dùng các biện pháp tổng hợp để kiểm soát một mối nguy nhưng cũng có thể dùng một biện pháp để kiểm soát nhiều mối nguy khác nhau.

Nguyên tắc 2: Xác định các điểm kiểm soát tới hạn (Critical Control Point-CCP):

Điểm kiểm soát tới hạn là điểm, bước hoặc thủ tục tại đó có thể tiến hành các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn ngừa, loại trừ hoặc giảm thiểu các mối nguy đáng kể về an toàn thực phẩm tới mức chấp nhận được. Đối với mỗi mối nguy đáng kể đã được xác định trong nguyên tắc 1 thì cần phải có một hay nhiều CCP để kiểm soát các mối nguy đó. Các CCP là những điểm cụ thể trong quá trình sản xuất mà ở đó diễn ra các hoạt động kiểm soát của chương trình HACCP.

Nguyên tắc 3: Thiết lập các ngưỡng tới hạn

Ngưỡng tới hạn (CCP) là một chuẩn mực nhằm xác định ranh giới giữa mức chấp nhận được và mức không thể chấp nhận. Mỗi CCP phải có một hoặc nhiều giới hạn tới hạn cho mỗi mối nguy đáng kể. Khi vi phạm giới hạn tới hạn, phải tiến hành hành động sửa chữa để đảm bảo an toàn thực phẩm. Cở sở và tài liệu tham khảo để thiết lập ngưỡng tới hạn phải là một phần của tài liệu hỗ trợ cho kế hoạch HACCP.

Nguyên tắc 4: Thiết lập hệ thống giám sát CCP

Hệ thống giám sát là các hoạt động được tiến hành một cách tuần tự và liên tục bằng việc quan trắc hay đo đạc các thông số cần kiểm soát để đánh giá một điểm CCP nào đó có được kiểm soát hay không. Hệ thống giám sát phải được xác định một cách cụ thể như: giám sát cái gì? Giám sát các ngưỡng tới hạn và các biện pháp phòng ngừa như thế nào? Tần suất giám sát như thế nào và ai sẽ giám sát.

Nguyên tắc 5: Xác lập các hành động khắc phục

Khi vi phạm các ngưỡng tới hạn tại các CCP phải thực hiện các hành động khắc phục ngay. Các hành động khắc phục được tiến hành nhằm khôi phục sự kiểm soát của quá trình, xử lý các sản phẩm vi phạm trong thời gian xảy ra sai lệch và xác định cách xử lý an toàn các sản phẩm đã bị ảnh hưởng. Thường thì các hành động khắc phục dự kiến trong kế hoạch HACCP sẽ được kiểm chứng hiệu quả của nó trong thực tế khi khắc phục sự vi phạm và sau đó sẽ được điều chỉnh các hành động khắc phục trong kế hoạch HACCP nhằm đảm bảo hợp lý và hiệu quả hơn.

Nguyên tắc 6: Thiết lập hệ thống tài liệu, hồ sơ cho chương trình HACCP

Lưu trữ và kiểm soát hồ sơ là một nhiệm vụ quan trọng của chương trình HACCP. Hồ sơ HACCP là một bằng chứng quan trọng chứng minh rằng kế hoạch HACCP của doanh nghiệp có được xây dựng chính xác và đúng thủ tục hay không, kế hoạch HACCP có được vận hành và tuân thủ một cách triệt để hay không.

Nguyên tắc 7: Xác lập các thủ tục thẩm định.Theo quan niệm chung thì thẩm định bao gồm các hoạt động thẩm tra nhằm đánh giá độ tin cậy của kế hoạch HACCP và mức độ tuân thủ kế hoạch HACCP. Nhằm đánh giá kết quả áp dụng chương trình HACCP cần phải thiết lập các thủ tục thẩm định, qua đó có thể phát hiện một số mối nguy chưa được kiểm soát đúng mức hoặc một số hoạt động khắc phục thiếu hiệu quả và đó chính là cơ sở để bổ sung, sửa đổi chương trình HACCP

CHƯƠNG 2. PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. PHẠM VIVÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 2.1.1. Phạm vi nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định mức độ ô nhiễm e coli trong thịt lợn và môi trường giết mổ tại một số cơ sở giết mổ tập trung ở thừa thiên huế (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)