6. Kết cấu của luận văn
3.2.4 Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát
Hoạt động của Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc có quy mô lớn, số lượng nghiệp vụ nói chung và nghiệp vụ cho vay KHCN nói riêng phát sinh hàng ngày nhiều. Do vậy, hoạt động kiểm tra, kiểm soát là rất cần thiết để đảm bảo các nghiệp vụ cho vay không có sai sót và cũng nhằm giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời đối với khách hàng có dấu hiệu rủi ro. Trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát cho vay, Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc cần kết hợp giữa kiểm tra nội bộ và kiểm tra tình hình hoạt động của khách hàng.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ: Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc
cần thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ làm việc hiệu quả, đảm bảo quy trình cho vay tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước, của ngành và của chi nhánh đề ra. Hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ giúp các nhà lãnh đạo điều hành hoạt động cho vay KHCN theo đúng hành lang pháp lý, tôn chỉ, mục đích và chiến lược phát triển, góp phần cho hoạt động của chi nhánh an toàn hơn, hiệu quả hơn, từng bước nâng cao chất lượng cho vay KHCN.
Để nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ, trước hết Chi nhánh cần nâng cao nhận thức về mục đích, vai trò, nguyên tắc kiểm soát nội bộ cho cán bộ kiểm soát. Bộ phần kiểm tra, kiểm soát nội bộ cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động hoạt động cho vay KHCN và đối chiếu với việc thực hiện của cán bộ tín dụng dể bổ sung, sửa đổi. Bên cạnh đó cần nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quốc tế, chuẩn hóa các quy trình, báo cáo kiểm toán, đổi mới phương án tiếp cận hồ sơ, thu thập thông tin, bằng chứng kiểm toán, đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán nội bộ để nâng cao chất lượng hoạt động cho vay tại Chi nhánh.
Ngoài ra, ban lãnh đạo chi nhánh cần nghiên cứu và tổ chức xây dựng đầy đủ các quy trình kiểm tra, kiểm soát để cán bộ có cơ sở thực hiện tốt nghiệp vụ chuyên môn được giao. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Hội sở về mô hình cán bộ kiểm soát chuyên trách; tổ chức phân tích, đánh giá mức độ rủi ro trong hoạt động cho vay, rủi ro trong từng quy trình nghiệp vụ cho vay đối với từng khách hàng để có biện pháp kiểm soát, hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an toàn cho hệ thống và uy tín của Vietcombank.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát khách hàng vay vốn: Sau khi giải ngân cho khách hàng, cán bộ tín dụng chi nhánh phải thường xuyên theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng nhằm đánh giá tiến độ thực hiện phương án vay vốn. Đồng thời, tận dụng triệt để những lần gặp gỡ KHCN để thu thập thông tin. Trong trường hợp khách hàng bị lỗ lớn không thể tiếp tục duy trì hoạt động và cam kết xử lý tài sản để trả nợ thì ngân hàng có thể cho phép khách hàng sử dụng số tiền sau khi bán tài sản để trả nợ trong một thời gian chấp nhận được. Việc này nhằm hạn chế sự thiệt hại cho khách hàng do phải bán ngay tài sản ở mức giá quá thấp và không thể trả nợ ngân hàng.
Cán bộ tín dụng tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc cần thường xuyên cập nhật tình hình tài chính của khách hàng cá nhân vay vốn thông qua tài liệu khách hàng gửi hoặc thông qua điều tra hiện trường. Yêu cầu KHCN mở tài khoản thanh toán tại Chi nhánh để nắm chính xác và dễ dàng tình hình hoạt động thực tế của khách hàng. Định kỳ mỗi quý một lần cán bộ tín dụng phải đến cơ sở kiểm tra đột xuất không thông báo trước. Đánh giá giá trị của tài sản thế chấp, cầm cố để có các biện pháp bảo quản phù hợp, yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo nếu chúng bị mất giá trị hay ngừng cấp thêm vốn vay. Đồng thời cũng phải nắm bắt thông tin bất lợi đối với dự án vay vốn của khách hàng hay những thông tin về kinh tế, pháp luật để kịp thời thông báo, tư vấn cho khách hàng biện pháp đối phó, đảm bảo hiệu quả của đồng vốn vay cho cả hai phía.