Nâng cao điều kiện vật chất và cải thiện đời sống tinh thần cho đội ngũ giáo viên mầm non

Một phần của tài liệu Luận Án Nguyễn Thị Thủy (Trang 148 - 156)

đội ngũ giáo viên mầm non

Giáo dục ĐĐNN cho GVMN không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức và cùng với điều đó là thực hành đạo đức thông qua các hoạt động nghề nghiệp, các hoạt động chính trị, xã hội mang ý nghĩa đạo đức. Mà muốn tạo sự bền chắc lâu dài thì cần tạo ra những điều kiện về cơ sở vật chất tinh thần, thuận lợi thúc đẩy sự hình thành, phát triển ý thức và hành vi đạo đức của đối tượng cần được giáo dục.

Đảng ta cần đưa quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển ăn sâu vào trong trí não của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và đến mọi người dân. Trong xã hội hiện đại khi trường học được coi là vầng trán của xã hội, thư viện là ngôi đền của tri thức thì việc xây dựng các trường học với trang thiết bị hiện đại là hết sức cần thiết là. Bởi vì đây chính là con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu về cơ cấu nhân lực mà giáo dục và đào tạo phải đáp ứng: "Xây dựng một đội ngũ trí thức, nhà kinh doanh, người quản lý, chuyên gia công nghệ và công nhân lành nghề đảm đương nhiệm vụ trước mắt và chuẩn bị tốt cho đất nước và thế hệ trẻ Việt Nam bước vào thế kỉ XXI" [32, tr.37-38]. Chúng ta phải coi đầu tư cho giáo dục phải đi trước một bước, thậm chí nhiều bước để tạo ra dân trí cao cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao để "phát huy nhân tố con người, động lực trực tiếp của sự phát triển" [33, tr.121].

Bởi vậy, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc chi ngân sách, mở rộng quỹ đất để giải quyết vấn đề này gắn liền với việc xây dựng cảnh quan một cách đồng bộ. Đẩy mạnh việc xã hội hóa giáo dục mầm non theo xu hướng “nhà nước và nhân dân cùng làm”, thu hút nguồn kinh phí đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân chủ động tham gia đóng góp, xây dựng nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo mầm non: trường mầm non công lập, tư thục, lớp, nhóm trẻ… Đặc biệt, khuyến khích các cá nhân thành lập các trường mầm non chất lượng cao, với hệ thống cơ sở vật chất với trang thiết bị dạy học hiện đại góp phần phục vụ tốt hơn công tác học tập của một bộ phận dân cư có thu nhập cao. Tiến tới giảm tải sĩ số trẻ mầm non xuống 15 trẻ/1 GVMN trong vòng 5 năm tới. Để làm được những điều đó, cần có các chính sách thông thoáng về mặt pháp lí (cấp phép hoạt động) và ưu đãi về mặt bằng giao đất, cho thuê đất; ưu đãi về thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp); ưu đãi về tín dụng (vay vốn đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư); cho phép các cơ sở đủ điều kiện tham gia xây dựng các trường mầm non.

Chúng ta đã biết y tế học đường có vai trò rất quan trọng, là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học... Thế nhưng, hiện nay, tại các trường mầm non công tác y tế học đường chưa được quan tâm đúng mức, tủ thuốc cho trẻ còn quá sơ sài, các tài liệu về phòng chống và chữa bệnh cho trẻ còn nghèo nàn, chưa có biên chế cho công tác này, đa phần là giáo viên kiêm nhiệm. Mặt khác, ở nhiều địa phương, khoảng cách từ trường mầm non đến trạm y tế còn khá xa, điều này gây khó khăn rất lớn cho công tác chăm sóc, cấp cứu khi trẻ mầm non bị bệnh. Để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, từng bước nâng cao ĐĐNN cho GVMN thì Nhà nước cần tăng nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non, trong đó dành chỉ tiêu

biên chế cho công tác y tế học đường, trang bị đầy đủ hệ thống thuốc men, tài liệu, trang bị sơ cấp cứu cần thiết, nhân viên y tế cho các trường mầm non trên toàn quốc.

Cùng với các điều kiện vật chất hiện đại, công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em yêu cầu người GVMN phải có trình độ chuyên môn vững vàng, nắm chắc các phương pháp giáo dục; kinh nghiệm thực tiễn trong dạy học. Do vậy, đào tạo và đào tạo nâng cao trở thành vấn đề cần được quan tâm đúng mức và đẩy mạnh đầu tư giải quyết. Việc đào tạo ban đầu được thực hiện ở các trường sư phạm. Để đáp ứng nhu cầu về chất lượng đội ngũ GVMN, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần tăng cường hơn nữa đầu tư cho công tác đào tạo GVMN như: tăng ngân sách hàng năm cho đào tạo cho các trường sư phạm, tăng số lượng sinh viên, giảng viên (thạc sĩ, tiến sĩ), cùng những chi phí cho xây trường lớp, phòng thực hành nghề... Đây là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc nâng cao chất lượng ĐĐNN của GVMN.

Về chế độ đãi ngộ người giáo viên mầm non. Nói tới vai trò của điều kiện kinh tế trong phát triển xã hội, quan điểm của C.Mác cho rằng: "phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung" [101, tr.637]. Như vậy, theo các nhà kinh điển "sự sản xuất và tái sản xuất" là nhân tố quyết định xã hội phát triển. Chỉ khi sức lao động được trả giá đúng giá trị của nó thì mới tạo ra sức sản xuất. Chủ thể tiến hành tái sản xuất và sản xuất là con người. Điều này có nghĩa để nâng cao năng suất lao động, khuyến khích giáo viên rèn đức, luyện tài thì cần có chế độ đãi ngộ hợp lý, tức là đảm bảo lợi ích cho các cá nhân, đây chính là "khâu nhạy cảm nhất trong toàn bộ chuỗi quy định nhân quả gây nên hoạt động ở con người, là huyệt mà sự tác động vào đó sẽ gây ra sự phản ứng nhanh nhạy nhất của cơ thể xã hội" [148, tr.7].

Nhận thấy tầm quan trọng này, một số nước trong khu vực đã ban hành chính sách tiền lương đặc biệt cho GVMN. Tại Nhật Bản, năm 1979 chính phủ đã ban

hành đạo luật đặc biệt để đảm bảo đời sống giáo viên, quy định giáo viên được hưởng mức lương cao hơn các ngành khác cùng trình độ đào tạo từ 13% đến 15%.

Ở Trung Quốc, từ năm 1985 thực hiện cải cách tiền lương, bình quân mỗi năm tăng thêm 2,5 tháng lương cho giáo viên. Năm 1994, trong Hội nghị giáo dục toàn quốc lần thứ hai, báo cáo của Chủ tịch Giang Trạch Dân nêu:

Cho dù khó khăn đến mấy cũng phải nâng cao đãi ngộ cho giáo viên, thiết thực giúp đỡ họ giải quyết một số vấn đề cụ thể... Nếu chúng ta ngày nay không nhận thức vấn đề giáo dục như vậy là để mất thời cơ, làm lỡ đại sự, phạm sai lầm mang tính lịch sử...Chấn hưng tương lai dân tộc là ở giáo dục, chấn hưng tương lai giáo dục là ở người thầy [75, tr.227].

Ở Việt Nam hiện nay, người GVMN đang phải làm với khối lượng công việc lớn, áp lực cao, thời gian làm việc vượt quá số giờ quy định của Luật lao động. Tuy vậy, chỉ với mức lương như hiện tại, họ khó có thể trang trải được cho những chi tiêu cần thiết trong cuộc sống. Bởi vậy, để “thực hiện chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần đối với giáo viên, khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học” [34, tr.66] Nhà nước cần tăng lương cho người GVMN đến mức đủ sống (đặc biệt giáo viên trẻ mới vào nghề) ít nhất cũng bằng mức lương với các nước trong khu vực. Chỉ đạo các ban ngành nghiêm túc thực hiện Nghị định số 06/2018/ NĐ-CP về chế độ tiền lương cho 4 đối tượng GVMN. Tăng cường hỗ trợ ngân sách để thực hiện trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lí ở các cơ sở GDMN theo thang bảng lương theo định kì, theo chức danh nghề nghiệp, có thể trả lương theo thời gian làm việc đặc thù ngành nghề. Thậm chí xây dựng bảng lương đặc biệt cho GVMN. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về lương và phụ cấp theo lương, chế độ làm việc đối với nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục theo quy định, chăm lo đến chế độ cho GVMN dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỉ. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW về cải thiện chính sách tiền lương, phấn đấu đến năm 2020 giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất, cải thiện đời sống

vật chất và tinh thần cho đội ngũ này. Với thời gian dạy vượt giờ, cần có chế độ thanh toán hợp lí để khuyến khích họ hăng say trong công việc, đảm bảo chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học, hiệu quả.

Đối với số GVMN do được ưu đãi vùng miền (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đặc biệt khó khăn, hải đảo) được hưởng đủ các chính sách như phụ cấp thu hút (70%), phụ cấp ưu đãi (70%). Tuy nhiên, phụ cấp thu hút chỉ được hưởng tối đa 5 năm trong cả quá trình công tác. Nhà nước cần tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao đời sống của giáo viên đến công tác tại các vùng khó khăn như có thể kéo dài thời gian hưởng ưu đãi lên 10 năm đến 15 năm, để đội ngũ này yên tâm công tác, sống được bằng nghề của mình.

Việc thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ như trên chắc chắn là “nút bấm” tạo động lực phát huy tốt tính tích cực, tự giác GVMN nâng cao ĐĐNN, nâng cao vị trí xứng đáng của nghề GVMN có trong xã hội, đây cũng là từng bước thực hiện chủ trương của đồng chí Lê Khả Phiêu trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT ngày 21/02/1998:

Coi trọng thày giáo có nghĩa là phải coi trọng sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng thày giáo, coi trọng hệ thống trường sư phạm. Coi trọng thày giáo, cô giáo cũng có nghĩa là phải tìm mọi cách để cải thiện đời sống cho họ, để hôm nay họ có thể theo học ở trường sư phạm và ngày mai ra trường có thể sống bằng nghề dạy học [126, tr.6]. Giải quyết vấn đề về ngân sách cho GDMN trong thời gian tới vừa phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, vừa phải phù hợp với xu hướng phát triển GDMN của khu vực và thế giới trên cơ sở nhận thức đúng vị trí cũng như tầm quan trọng của GDMN trong việc hình thành nhân cách cũng như tạo sự khởi đầu cho sự phát triển toàn diện, xây dựng học vấn của mỗi con người trong tương lai.

Tiểu kết chương 4

Nâng cao ĐĐNN cho GVMN hiện nay là một việc làm thiết thực và cấp bách, đáp ứng mong mỏi của xã hội đối với lĩnh vực giáo dục mầm non. Vì thế, vấn đề này phải được nhận được sự quan tâm đồng bộ của các cấp, bộ, ban ngành đoàn thể và của chính cộng đồng dân cư. Xuất phát từ thực tiễn xã hội, theo tác giả để nâng cao ĐĐNN của đội ngũ GVMN có hiệu quả rất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng ĐĐNN của GVMN hiện nay. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta phải coi đây là một trong những vấn đề mang tính chiến lược, xây dựng hệ thống pháp luật, tạo môi trường pháp lý cho việc điều tiết các quan hệ lợi ích của GVMN; Bộ GD&ĐT và trường sư phạm làm tốt công tác tuyển sinh, tư vấn, lựa chọn những sinh viên có năng khiếu và niềm đam mê nghề nghiệp.

Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non. Từng bước hoàn thiện các chuẩn mực ĐĐNN của GVMN cho phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Xây dựng chương trình giảng dạy ĐĐNN cho sinh viên sư phạm mầm non. Đa dạng các hình thức giáo dục như: rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thực tập, sinh hoạt chuyên đề... Kết hợp đồng bộ các phương pháp giáo dục khác nhau.

Thứ ba, nâng cao tính tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của GVMN. Đội ngũ GVMN phải chủ động, tích cực học hỏi, rèn luyện, vươn lên làm chủ tri thức khoa học, hoàn thiện đạo đức nhà giáo.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa đạo đức dân chủ, lành mạnh trong nhà trường: hoàn thiện bộ “Quy tắc đạo đức nhà giáo”, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, thân thiệt, đề cao trách nhiệm của phụ huynh học sinh, dư luận xã hội, tăng cường vai trò của pháp luật trong việc nâng cao ĐĐNN cho GVMN.

Thứ năm, nâng cao điều kiện vật chất và cải thiện đời sống tinh thần cho đội ngũ GVMN.

KẾT LUẬN

Sản phẩm lao động của GVMN là nhân cách của trẻ mầm non - đó là nguồn gốc tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội; là giá trị gốc “giá trị sinh ra giá trị”. Tính đặc thù nghề nghiệp đã tạo nên nét khác biệt trong ĐĐNN của đội ngũ này với giáo viên ở các cấp học khác.

Những yêu cầu về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non được biểu hiện qua bốn mối quan hệ cơ bản:

Thứ nhất, trong quan hệ với trẻ mầm non, GVMN phải như “người mẹ hiền”, hết lòng chăm sóc, thương yêu trẻ, đồng thời luôn thiết tha với nghề dạy học; vừa phải là “nhà sư phạm mẫu mực”, tấm gương sáng cho trẻ noi theo; là “người bác sĩ” tận tâm vì cuộc sống và sự tiến bộ của trẻ; là “người nghệ sĩ” tài hoa trong giáo dục đạo đức cho trẻ.

Thứ hai, trong quan hệ với đồng nghiệp, GVMN phải luôn chân thành giúp đỡ đồng nghiệp, đoàn kết xây dựng bầu không khí thân thiện trong tập thể nhà trường.

Thứ ba, trong quan hệ với phụ huynh học sinh, xã hội và cộng đồng. Giáo viên mầm non xây dựng mối quan hệ cởi mở, thân thiện trong trao đổi kinh nghiệm chăm sóc trẻ, gương mẫu xây dựng nếp sống văn minh nơi cư trú.

Thứ tư, trong quan hệ với bản thân, GVMN cần hình thành các phẩm chất đạo đức tốt đẹp như: đức tính tự giác, ngay thẳng trung thực, khiêm tốn, dũng cảm.

Đồng thời, ĐĐNN của GVMN đang chịu tác động của những nhân tố cơ bản sau như: đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước; hoạt động nhà trường sư phạm, trường mầm non; vấn đề tự giáo dục, tự giác học tập, rèn luyện của bản thân người GVMN; của nền KTTT, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tác động của dư luận xã hội; các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc.

Việc thực hiện các chuẩn mực ĐĐNN của GVMN hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu: phần lớn GVMN vẫn say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm nghề của mình; chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục trẻ... Tuy nhiên, còn một số GVMN có biểu hiện sa sút về ĐĐNN như: chưa thực sự trách nhiệm, công bằng trong giáo dục trẻ mầm non, không gắn bó khi xây

dựng tình thần đoàn kết trong tập thể trường, lớp…Điều này là do nhận thức của các chủ thể chưa thường xuyên, liên tục, nhiều nơi còn coi nhẹ; bất cập trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng GVMN, việc đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ này; một bộ phận GVMN chưa thường xuyên tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện ĐĐNN; nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục ĐĐNN cho GVMN còn chậm đổi mới. Từ hạn chế trên, nảy sinh vấn đề cần giải quyết đó là:

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non với hiện thực cuộc sống đang diễn biến phức tạp, tồn tại với nhiều bất công trong xã hội.

Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu về chất lượng giáo dục mầm non ngày càng cao với cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn hạn chế.

Một phần của tài liệu Luận Án Nguyễn Thị Thủy (Trang 148 - 156)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w