trong quan hệ với trẻ mầm non
Thứ nhất, lòng say mê nghề nghiệp, sự yêu thương, chăm sóc học sinh như người “mẹ thứ hai” của trẻ.
Nghề dạy học là một nghề rất đặc biệt mà không ai trong xã hội, ngay cả cha mẹ là bậc vĩ nhân đi chăng nữa cũng không thay thế được chức năng của người thầy giáo. Đa số GVMN hiện nay đều nhận thức cao tầm quan trọng nghề nghiệp của mình, có ý thức trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, thiết tha với nghề mà mình đã lựa chọn. Chính lòng yêu nghề, khát khao được cống hiến với nghề nên nhiều người GVMN đã lựa chọn ngành GDMN ngay từ khi còn học ở trường phổ thông. Sự đam mê, khát khao cháy bỏng đó là động lực thúc đẩy người GVMN vượt qua mọi khó khăn.
Khi được hỏi: “Sở thích của giáo viên mầm non về 1 số nghề?” 1. Nghề dạy học: 60%
2. Nghề thầy thuốc: 17% 3. Nghề kinh doanh: 8%
4. Nghề thiết kế thời trang: 9% 5. Nghề kế toán: 6% [Phụ lục 2].
Nhìn vào kết quả khảo sát trên ta thấy, trong 384 giáo viên được điều tra, số giáo viên thích nghề dạy học chiếm tỉ lệ cao nhất 60%. Kết quả này là
điều đáng mừng, cho thấy phần lớn GMNN đã có sự nhìn nhận đúng về nghề sư phạm, nghề GVMN. Lựa chọn đó hoàn toàn phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội hiện nay. Với sự lựa chọn đúng đắn đó, mỗi cô giáo mầm non đã xây dựng cho mình hoài bão, ước mơ, lý tưởng nghề nghiệp, có ý chí, nỗ lực vươn tới lối sống đẹp, sống có ích. Bằng
ý chí và nghị lực trên, đội ngũ này đã đạt thành tích cao trong học tập, lao động, thực sự trở thành tấm gương sáng về đạo đức, về chuyên môn tại các trường mầm non.
Nhà giáo dục học P.N.Gônôbôlin đã từng chia sẻ: "Cái thúc đẩy mạnh mẽ con người bước vào nghề sư phạm là khuynh hướng quan tâm tới người khác, muốn giúp đỡ người khác, muốn đem lại niềm vui cho mọi người mà trước hết là trẻ em" [60, tr.52]. Tình cảm mà GVMN dành cho trẻ mẫu giáo phải là tình yêu sáng suốt, có cả sự dịu dàng của người mẹ, đồng thời có cả những yêu cầu đòi hỏi trẻ phải thực hiện.
Khi được hỏi "Vai trò của phẩm chất yêu quý trẻ em trong chuẩn mực ĐĐNN của người GVMN" thì các cô đều khẳng định cần thiết, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau:
1.Rất cần thiết: 90,9%
2.Cần thiết: 0,9%
3.Không cần thiết: 0% [Phụ lục 2].
Với kết quả đánh giá vai trò của phẩm chất yêu quý trẻ em là rất cần thiết trong các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của GVMN trên 90,9%. Điều đó khẳng định GVMN coi đây là tình cảm thiêng liêng, không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải được hiện thực hóa bằng hành động, cử chỉ, ánh mắt trìu mến dành cho trẻ mầm non. Yêu trẻ như chính đứa con yêu thương của mình, mong chờ ngày ngày đến lớp để được chăm chút, bế bồng trẻ mầm non.
Thứ hai, với tư cách là nhà sư phạm mẫu mực, tấm gương sáng để trẻ học tập và noi theo.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh, đội ngũ GVMN trên khắp mọi miền của Tổ Quốc đang tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", tự giác rèn luyện để "mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Mỗi người GVMN đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, trong quản lý, giáo dục học sinh; tích cực học tập nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát huy sáng kiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, quản lý; thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính. Họ là những người có phong cách lối sống lành mạnh, gương mẫu trong ăn mặc, nói năng đi đứng cư xử với trẻ (99,4%), luôn giữ lời hứa với trẻ (96,9%) [Phụ lục 2], có ý thức về trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục và chăm sóc trẻ. Họ luôn xác định tận tâm, tận lực tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non một cách vô điều kiện, là tiêu chuẩn đạo đức nghề cao nhất của mình. Các cô sẵn sàng đem hết khả năng kiến thức chuyên môn cùng với các kĩ năng sư phạm để chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ đến hoạt động học tập, vui chơi. Đã có rất nhiều cô giáo mầm non vượt hàng trăm cây số đi vào từng bản làng xa xôi động viên gia đình đưa trẻ đến trường. Những hình ảnh cô giáo mầm non vừa “hồng” vừa “chuyên” đó đã để lại tình cảm sâu đậm trong suy nghĩ của trẻ và gia đình phụ huynh học sinh.
Văn hóa ứng xử giữa cô giáo mầm non với trẻ mẫu giáo ngày càng được thay đổi theo hướng thân thiện, gần gũi, xây dựng truyền thống xưng - hô giữa cô giáo và trẻ mầm non là: cô - con, tạo được dấu ấn riêng của nghề đặc thù này. Tại các trường mầm non trên cả nước, ta có thể dễ dàng thấy được những cử chỉ, khẩu hiệu "Cô giáo như mẹ hiền", “Tiên học lễ, hậu học văn” được đặt ở những vị trí trang trọng ở cổng trường, tại các lớp học như một tâm niệm cần ghi nhớ mỗi người giáo viên luôn có ý thức, trách nhiệm với nghề của mình. Bộ GD&ĐT cùng với Sở, phòng giáo dục các địa phương tích cực phát động phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục". Đặc biệt, tại các trường mầm non đều công khai đường dây nóng, hòm thư góp ý niêm yết
ngay cổng trường để phụ huynh học sinh có thể phản hồi về chất lượng, thái độ chăm sóc trẻ, là cơ sở tạo niềm tin của cộng đồng xã hội với nhà trường như: trường mầm non 20 tháng 10 (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trường mầm non Hoa Hồng (Vệ An, Bắc Ninh), trường mầm non Hoa Sữa (Nam Định)...
Hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; hiện nay 100% các trường mầm non trong cả nước đều xây dựng bộ "Quy tắc ứng xử" cho cán bộ viên chức trong trường như: trường Mầm non Đức Chính (Đông Triều, Quảng Ninh), trường Mầm non Hoa Hồng (Thái Thịnh, Hà Nội)... Thông qua việc thực hiện bộ "Quy tắc ứng xử" nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục; tạo môi trường sư phạm thân thiện gần gũi đối với trẻ; có nếp sống cởi mở văn minh, trách nhiệm, trung thực, dân chủ trong nhà trường, trong giao tiếp với các bậc phụ huynh, đồng nghiệp,… Điều này được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh tại hội thảo "Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học" ngày 12/10/2016: "Việc xây dựng "Quy tắc ứng xử" là một sự thay đổi lớn chất lượng giáo dục bởi giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên không chỉ có đầy đủ kiến thức, kĩ năng thực hành mà còn cần có lí tưởng cách mạng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng để trở thành công dân có trách nhiệm, lao động cần cù, có sức khỏe, có tri thức và sáng tạo". Đội ngũ GVMN đã chủ động thực hiện cuộc phát động của Công đoàn ngành giáo dục kí cam kết hàng năm không vi phạm đạo đức nhà giáo, xây dựng nếp sống văn minh.
Thứ ba, với tư cách là "người bác sĩ" nhạy cảm và tận tâm, hết lòng chăm sóc trẻ mầm non.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Hà Nội, trong 10 năm qua (2006 - 2016), tai nạn thương tích đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ em mà phần lớn là do sự bất cần và kém hiểu biết của người lớn. Thấy được tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này, các cô giáo mầm non đã chủ động xây dựng cách thức phòng chống các dịch bệnh theo mùa như: bệnh tay - chân - miệng, bệnh quai bị, bệnh thủy đậu, bệnh sốt xuất huyết; vệ sinh lớp
học sạch sẽ; tích cực phòng chống các tai nạn thương tích thường gặp như: phòng tránh các dị vật tai mũi họng; tai nạn do ngộ độc; chống đuối nước cho trẻ; chống cháy, nổ, bỏng, điện giật, đảm bảo an toàn cho trẻ. Không ít trường hợp trẻ bị ốm, bị tai nạn được cô giáo mầm non cấp cứu kịp thời đã bảo toàn được tính mạng. Chính sự nhạy cảm tinh tế, tình thương đi liền với trách nhiệm và lòng nhân ái được coi là nền tảng tinh thần hình thành nên đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên.
Đa số GVMN đã hiểu sâu sắc Quyết định 23/2006/QĐ-BDGĐT và Thông tư 03/2018/TT- BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập cho trẻ tàn tật, khuyết tật, nên đã phối hợp với gia đình phụ huynh học sinh tham gia tốt công tác phát hiện, giáo dục, đưa trẻ mầm non bị khuyết tật, tự kỉ hòa nhập vào lớp học; xây dựng môi trường hòa nhập thân thiện, không đối xử phân biệt giữa trẻ bị khuyết tật với trẻ bình thường. Công tác giáo dục kĩ năng sống cho trẻ: kĩ năng tự phục vụ, nề nếp, thói quen vệ sinh tốt; kĩ năng tự bảo vệ an toàn bản thân, mạnh dạn trong giao tiếp; thân thiện với bạn bè; lễ phép với người lớn tuổi…cũng được các cô chú ý giáo dục trẻ.
Thứ tư, với tư cách là người cấp dưỡng cần cù tận tụy, chăm lo từng bữa ăn ngon cho trẻ.
Thực hiện Quyết định 1436/QĐ - TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non giai đoạn 2007 - 2015 các trường mầm non trên toàn quốc được xây dựng khang trang, không gian trang hoàng đẹp đẽ, có khu vui chơi: cầu trượt, đu quay; khu “vườn em chăm” sạch đẹp… Nhiều phòng học hiện đại với đầy đủ các trang thiết bị: máy chiếu, điều hòa, lắp camera, bàn ghế mới được sắp xếp khoa học. Đồng thời khu nhà bếp nấu ăn cũng được đầu tư sạch sẽ, hợp lí; vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe của trẻ mầm non luôn được các trường đặt lên hàng đầu bằng việc công khai, minh bạch thực đơn hàng ngày. Việc lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng được GVMN chú ý, quan tâm; đã tạo được sự tin tưởng của gia đình phụ huynh học sinh, gửi con đến trường là trao sự yêu thương cho người GVMN.
Qua điều tra của tác giả ở 4 địa phương Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nội có tới 73.6% GVMN tại các trường mầm non có chứng chỉ từ sơ cấp nấu ăn trở lên. Chuẩn bị những bữa ăn đảm bảo đa dạng về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ ngon về vị giác mà còn thu hút màu sắc bắt mắt với trẻ đòi hỏi các cô phải có kiến thức về dinh dưỡng, có hiểu biết và các kĩ năng cần thiết trong chế biến các món ăn, sự nhận biết các đặc điểm thể chất, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Bằng sự cố gắng của đội ngũ này nhiều trường mầm non đã đạt được kết quả khá cao, chẳng hạn tại Quảng Ninh có 100% cơ sở giáo dục mầm non tổ chức ăn bán trú sử dụng phần mềm quản lý để tính khẩu phần ăn cho trẻ; tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tại các cơ sở GDMN đạt: 99,7%, số trẻ được theo dõi sức khoẻ trên biểu đồ cân nặng, chiều cao và được khám sức khỏe định kỳ theo qui định đạt 100%; so với đầu năm học, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân chiếm 1,4% (giảm 2,9%); suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 1,75% (giảm 2,5%) [146].
Chính sự kiên trì, tận tâm, linh hoạt, đặc biệt là tình yêu thương trẻ vô bờ bến, yêu trò như yêu con là động lực để cô giáo - người cấp dưỡng - đem tất cả niềm vui, tình thương yêu gửi gắm vào trong từng bữa cơm, món ăn cho trẻ. Đó là một sự cống hiến không vụ lợi. Họ đã đóng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em ở hiện tại và tầm vóc lao động con người trong tương lai.
Đánh giá về mức độ thực hiện đạo đức nghề nghiệp của GVMN trong quan hệ với trẻ mầm non có tới 79,2% được hỏi cho mức tốt, 17,1% đánh giá mức khá [Phụ lục 2]. Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng khẳng định tình yêu nghề, yêu học sinh có ý nghĩa quan trọng cho GVMN bồi dưỡng những phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ này. Điều này từng bước giúp cho họ có thể xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, những phẩm chất đạo đức mới. Đây là cơ sở, động lực thôi thúc các cô quyết tâm phấn đấu rèn luyện, học tập, lao động, rèn đức, luyện tài, có nhân cách tốt đẹp để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, cho Tổ quốc, nhân dân.