Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của xã hội, nó phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Đạo đức luôn là một trong những phương thức hữu hiệu điều chỉnh hành vi của con người, góp phần quan trọng trong việc duy trì trật tự xã hội trong các chế độ xã hội. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống dân tộc và sức mạnh của dư luận xã hội.
Bản chất của hành vi đạo đức là tính tự nguyện, tự giác của chủ thể, là hành động vì lợi ích của người khác và có sự thống nhất với lợi ích xã hội nói chung. Vì vậy, các hiện tượng đạo đức thường được biểu hiện dưới hình thức khẳng định một lợi ích chính đáng hay không chính đáng theo những yêu cầu, chuẩn mực của xã hội. Đạo đức bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh tồn tại xã hội, thực tiễn lao động sản xuất, điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người một giai đoạn lịch sử nhất định.
Do phản ánh các yêu cầu của xã hội, do phương thức điều chỉnh tự giác, tự nguyện nên đạo đức có vai trò to lớn, độc đáo đối với sự phát triển xã hội và con người. Với tư cách một hiện tượng xã hội, đạo đức gắn liền với tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người và là phương diện cấu thành của tất cả các lĩnh vực đó. Chính con người (chứ không phải một sức mạnh siêu nhiên nào đó) trong hoạt động sinh sống mang tính xã hội của mình đã tạo ra các
nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức; đồng thời tự giác và tự nguyện điều chỉnh các hoạt động của mình theo các nguyên tắc, các chuẩn mực đó nhằm giải quyết một cách hài hòa quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Nói cách khác, chính con người là chủ thể của các quan hệ, các hoạt động được điều chỉnh bởi đạo đức.
Trong lao động sản xuất để sống và tồn tại, các cá nhân phải tiến hành các hoạt động nghề nghiệp riêng của mình. Trong hoạt động nghề nghiệp, những lợi ích cơ bản của con người được thực hiện. Nhưng khi thực hiện lợi ích của mình, mỗi cá nhân hoặc một nhóm người không thể không có quan hệ về mặt lợi ích với người khác, với xã hội. Khi lợi ích cá nhân phù hợp với lợi ích chung của xã hội thì hoạt động nghề nghiệp của con người chứa đựng giá trị đạo đức. Trong tác phẩm “Gia đình thần thánh hay là phê phán sự phê phán có tính chất phê phán. Chống Bruno Bauer và đồng bọn”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dẫn lại tư tưởng của các nhà duy vật Pháp rằng, “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì do đó cần ra sức làm cho lợi ích riêng của người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người” [101, tr.200]. Do vậy, xã hội phải có những phương thức điều chỉnh nhất định để sao cho việc thực hiện lợi ích của mỗi cá nhân không phương hại đến lợi ích chung của xã hội. Những điều chỉnh ấy có thể được thực hiện thông qua những yêu cầu, những quy định của xã hội được luật hóa thành luật; nhưng cũng có thể được thực hiện thông qua những yêu cầu, những chuẩn mực đạo đức mang tính tự giác, tự nguyện. Do tính đặc thù của hoạt động nghề nghiệp mà xã hội có những yêu cầu về nghề nghiệp cũng như về đạo đức đối với từng loại hoạt động nghề nghiệp nhất định. Vì thế, từ lâu, ĐĐNN dưới những hình thức, những mức độ nhất định, đã hình thành như là một lĩnh vực đặc thù của đạo đức xã hội. Có thể thấy những biểu hiện đầu tiên của ĐĐNN trong hoạt động của các phường hội thủ công, trong kinh doanh, trong hành nghề của các thầy thuốc và một vài lĩnh vực khác nữa.
Trong các phường hội thủ công (phương Đông cũng như phương Tây), những yêu cầu về chữ Tín, về chất lượng sản phẩm, về tương trợ lẫn nhau... luôn được đề cao. Ban đầu, những yêu cầu đó bị quy định bởi chính yêu cầu của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Cụ thể hơn, khi giữ chữ Tín, đảm bảo chất lượng, phường hội thủ công luôn đảm bảo được đầu vào (nguyên liệu, nhân công...) và đầu ra của sản xuất. Do vậy, quá trình sản xuất được liên tục và ổn định. Đồng thời thu nhập của người thợ thủ công được ổn định. Cố nhiên, nếu chỉ là như vậy, các yêu cầu nêu trên mới chỉ hiện ra như là những yêu cầu mang tính tất yếu về mặt sản xuất và lợi ích. Suy cho cùng, đó chỉ là sự điều chỉnh mang tính tất yếu bên ngoài. Tuy nhiên, cùng với thời gian, việc tuân thủ các yêu cầu đó sẽ từng bước trở thành danh dự và nghĩa vụ đạo đức của các thành viên trong phường hội nghề nghiệp. Khi đó những yêu cầu ban đầu mang tính tất yếu bên ngoài sẽ được chuyển hóa và nâng cấp để trở thành những yêu cầu được thôi thúc từ nội tâm người thợ thủ công, nghĩa là chúng được nâng lên thành những yêu cầu, những chuẩn mực đạo đức. Lịch sử của sản xuất thủ công từng cho thấy, các phường hội cũng như các thợ thủ công chân chính bao giờ cũng tôn trọng đối tác, khách hàng; họ sẵn sàng chịu thiệt để giữ chữ Tín trong sản xuất và trao đổi.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực kinh doanh, ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (ở Trung Quốc), Đào Chu Công (tên khác của Phạm Lãi) đã đúc kết cho bản thân và cho thiên hạ 16 nguyên tắc kinh doanh mà theo ông, việc tuân thủ chúng không chỉ đem lại thành công về mặt lợi nhuận mà còn nâng cao hình ảnh thương nhân trong sự đánh giá về mặt đạo đức của xã hội. Trong số những nguyên tắc mà Đào Chu Công đề xuất, bên cạnh những yêu cầu thuần túy mang tính chuyên môn, có nhiều yêu cầu mang tính đạo đức; chẳng hạn, trung thực, giữ chữ Tín, tương trợ lẫn nhau, bảo đảm chất lượng hàng hóa...
Trong lĩnh vực quản lí xã hội, chúng ta cũng thấy những yêu cầu ĐĐNN xuất hiện từ rất sớm. Với một nghĩa nhất định, có thể coi: Nhân,
nghĩa, lễ, trí, tín, thành, trung... là những yêu cầu ĐĐNN mà Nho giáo đòi hỏi ở những người quản lí xã hội. Bởi lẽ, theo Nho giáo, “đức trị” tức là dùng luân lí đạo đức để điều hành guồng máy xã hội. Việc cai trị xã hội bằng đức đòi hỏi phải có một hệ thống chuẩn mực đạo đức để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Như vậy có thể thấy, những yêu cầu, những chuẩn mực ĐĐNN là sự thể hiện đặc thù những yêu cầu đạo đức chung của xã hội trong những lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Những chuẩn mực này bị quy định bởi tính đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nhất định. Tuy nhiên, tính đặc thù này không có nghĩa là mỗi lĩnh vực hoạt động của xã hội và con người có những đòi hỏi và do đó, có những chuẩn mực hoàn toàn riêng biệt. Thực ra, tính đặc thù của ĐĐNN là ở chỗ, mức độ và quy mô những yêu cầu, những đòi hỏi của xã hội đối với con người trong những lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp khác nhau là khác nhau. Do đó, với mỗi loại hình hoạt động nghề nghiệp nhất định có một số chuẩn mực đạo đức nhất định thể hiện nổi bật làm thành tính đặc thù về mặt đạo đức của nghề nghiệp đó. Những yêu cầu, những chuẩn mực ĐĐNN một mặt, là sự phản ánh những đòi hỏi của xã hội, mặt khác, lại là động lực tinh thần để con người hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Trong xã hội có bao nhiêu nghề nghiệp thì cũng có bấy nhiêu ĐĐNN.
Từ đây có thể khái quát, ĐĐNN là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức của một nghề nghiệp cụ thể mà các thành viên của ngành nghề đó tự đánh giá, điều chỉnh nhận thức và hành vi của bản thân mình cho phù hợp với nhu cầu, lợi ích, mục đích và sự tiến bộ xã hội.