càng cao với cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn hạn chế
Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, bất cứ sự phát triển nào cũng cần đến các yếu tố, như tài nguyên, vốn, con người… Song, có thể nói, tất cả các nguồn tài nguyên đều phải qua bàn tay và khối óc của con người mới phát huy được tác dụng. Nhờ có con người, các nguồn nguyên liệu mới được khai thác, chế biến và sản xuất thành hàng hoá. Nhờ có con người mà khoa học và kỹ thuật mới phát triển, các phát minh, sáng chế mới ra đời và năng suất lao động mới tăng. Ngay cả hiện nay, khi máy tính và các rôbốt ra đời có thể làm thay một số thao tác của con người, thì cũng chính là do con người sản xuất, lập trình và bấm nút điều khiển. Để có thể khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, sản xuất hàng hoá, sáng chế, phát minh… thì con người cần phải biết cách khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên đó, biết cách sản xuất hàng hoá, sáng chế, phát minh… Nghĩa là, họ cần phải có tri thức, cần phải được đào luyện, giáo dục.
Nhận thức được điều đó, để phát triển đất nước, mọi quốc gia dân tộc đều chú ý đến tầm quan trọng của giáo dục, trong đó coi GDMN là bước nền
tảng đầu tiên để phát triển một con người hoàn thiện. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng GDMN về mọi mặt đang dành được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội hiện nay. Yêu cầu đặt ra cho ngành học là chất lượng giáo dục ngày càng phải nâng cao. Sau cải cách giáo dục, chúng ta đã xây dựng được nội dung chuẩn về giáo dục trẻ mầm non với hệ thống phương pháp, hình thức khoa học tiến bộ, hợp lý. Chúng ta cũng đào tạo được đội ngũ GVMN đạt chuẩn về trình độ đủ điều kiện thực hiện mục tiêu giáo dục, bước đầu đưa chất lượng GDMN sánh bước với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại vấn đề cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ cho GVMN chưa thật thỏa đáng, ảnh hưởng đến chất lượng GDMN, đến việc giáo dục ĐĐNN cho đội ngũ này.
Mặt dù quá trình xã hội hóa giáo dục đã huy động được khá nhiều nguồn lực của xã hội dành cho GDMN, tăng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này; song tình trạng quá tải vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Hiện nay, cả nước còn 15.200 phòng học tạm, học nhờ, lợp tạm bằng tre nứa còn tồn tại, mùa hè thì nóng, dột, mùa đông thì lạnh [17]. Cùng với điều đó, nhiều nơi trang thiết bị dạy học xuống cấp nghiêm trọng, chưa được đầu tư mới không đáp ứng được việc dạy và học của cô - trò. Trong khi tình trạng quá tải sĩ số tại các trường mầm non đang có xu hướng tăng thêm tạo áp lực ngày càng lớn. Thực tế hiện nay, với tâm lý muốn cho con học trường “điểm”, nhiều phụ huynh tìm mọi cách “vượt rào” chạy chọt bằng được để có con - em mình có suất học. Tình trạng này chính là tác nhân dẫn đến những hiện tượng thiếu tôn trọng, thiếu công bằng, nhận hối lộ trong quan hệ giữa GVMN và phụ huynh học sinh. Điều này gây nên những hệ lụy không nhỏ, người GVMN rất dễ vi phạm đạo đức nghề giáo. Như vậy, tuy đây không phải là vấn đề liên quan trực tiếp đến ĐĐNN của GVMN, nhưng nếu không tính đến và không khắc phục được tình trạng này thì việc nâng cao ĐĐNN cho đội ngũ này sẽ trở nên xa rời thực tế và kém hiệu quả. Bởi lẽ, trong điều kiện của tình trạng quá tải, thật khó mà
kiểm soát được kể cả về mặt pháp lí - hành chính, kể cả về mặt tuyên truyền, giáo dục, những hiện tượng, những hành vi tiêu cực nêu trên.
Cũng như vậy, vấn đề chính sách, chế độ đãi ngộ cho GVMN cũng là vấn đề nan giải. Qua khảo sát, điều tra 184 GVMN cho thấy, mức lương trung bình người giáo viên nhận được hiện nay dao động trong khoảng từ 3,5 triệu đồng (lương khởi điểm) đến 10,5 triệu đồng (với trên 25 năm công tác và 9% vượt khung) tùy thuộc vào thâm niên công tác của bản thân họ. Nếu so sánh mức lương giáo viên mầm non với các nước trong khu vực ta thấy còn có sự khác biệt lớn: ở Nhật Bản, lương GVMN (trình độ cao đẳng) được hưởng 325,4 vạn yên/tháng (năm 2010) bao gồm lương khởi điểm và 12 phụ cấp đặc biệt; đứng thứ 7 trong số các nghề có thu nhập cao ngoài xã hội [75, tr.265]. Lương GVMN ở Việt Nam bằng 1/6 lương GVMN ở Nhật Bản hiện nay. Chế độ dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỉ chưa được thực hiện. Việc lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, khó tạo ra động lực thôi thúc đội ngũ này dành hết sự tâm huyết với nghề, chưa tạo được đột phá để họ nỗ lực không ngừng trau dồi về chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục của mình. Đây cũng là một thách thức lớn đối với người giáo viên. Nhận định vấn đề này, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã chỉ ra tồn tại: “đời sống giáo viên khó khăn, truyền thống tôn sư trọng đạo bị xói mòn, vị trí xã hội của người thầy bị hạ thấp, ngành giáo dục không thu hút được người giỏi” [34, tr.66].
Thực tế, áp lực công việc đối với người GVMN đến từ nhiều phía: thời gian cho công tác giáo dục; yêu cầu trong chăm sóc trẻ; thậm chí áp lực còn đến từ phía phụ huynh học sinh khi có cô giáo bị phụ huynh học sinh hành hung mang thương tật cả đời do sơ xuất trong chăm sóc trẻ... Trong khi đó, chế độ tiền lương, vấn đề đãi ngộ chưa tương xứng với lao động của đội ngũ này gây ảnh hưởng lớn tới công tác giáo dục ĐĐNN cho đội ngũ này.
Tiểu kết chương 3
Đối với người GVMN, ĐĐNN chính là nền tảng nhân cách giúp người giáo viên thực hiện tốt vai trò "dạy chữ" và "dạy người" của mình. Chính lòng yêu nghề giúp đội ngũ này yêu trẻ, tha thiết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp trong sáng cho thế hệ tương lai của đất nước.
Trong những năm qua, ĐĐNN của GVMN đã đạt được nhiều mặt tích cực được biểu hiện trong quan hệ với trẻ mầm non: GVMN vừa là “người sư phạm” mẫu mực, “người mẹ hiền”, “người bác sĩ” tận tâm, người cấp dưỡng tận tụy trong giáo dục, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ mầm non. Trong quan hệ với xã hội, đội ngũ này luôn đi đầu thực hiện xây dựng “gia đình văn hóa”, kết hợp với các lực lượng gia đình - nhà trường - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Với bản thân mình, họ không ngừng học tập, chiếm lĩnh tri thức mới, vận dụng sáng tạo trong dạy học. Tuy vậy, việc thực hiện các chuẩn mực này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định như: vẫn còn GVMN vi phạm ĐĐNN, bạo hành trẻ mầm non, chia rẽ tinh thần đoàn kết với các đồng nghiệp khác trong tập thể trường, với bản thân mình: họ có biểu hiện ngại học tập, thiếu tích cực trong rèn luyện và đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp... Điều này là do một bộ phận chủ thể giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến công tác ĐĐNN; một bộ phận GVMN còn chưa thường xuyên trau dồi và rèn luyện ĐĐNN; hạn chế về nội dung, hình thức, phương pháp trong nâng cao ĐĐNN cho GVMN.
Từ những tồn tại trên đặt ra vấn đề cần giải quyết trong giáo dục và nâng cao ĐĐNN của đội ngũ này:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non với hiện thực cuộc sống đang diễn biến phức tạp, tồn tại với nhiều bất công trong xã hội.
Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu về chất lượng giáo dục mầm non ngày càng cao với cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn hạn chế.
Chương 4