Các chuẩn mực đạo đức của giáo viên mầm non trong quan hệ với bản thân mình

Một phần của tài liệu Luận Án Nguyễn Thị Thủy (Trang 59 - 61)

với bản thân mình

Xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp đặt ra yêu cầu người GVMN phải có đức tính tự giác. Đây cũng là một phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần phải có của người GVMN. Tự giác là tự mình thấy được việc mình cần phải làm, không đợi ai nhắc nhở. Công việc giáo dục và chăm sóc trẻ yêu cầu GVMN có tính tự giác cao là bởi trong lớp học, hoạt động giao tiếp, ứng xử chủ yếu diễn ra dựa trên mối quan hệ giữa cô và trò. Giáo viên mầm non giữ vai trò điều khiển, dẫn dắt, thu hút trẻ mầm non tuân thủ theo yêu cầu của mình, đưa trẻ bước vào khám phá thế giới xung quanh qua các môn học: tạo hình, kể chuyện, làm quen với toán, môi trường xung quanh...Tất cả các hoạt động đó không chịu sự giám sát trực tiếp của bất kì nhân tố nào mà dựa trên sự tự giác,

tự nguyện của người giáo viên. Ngoài ra, GVMN phải là người có tinh thần ham học hỏi, không ngừng tự giác học tập, tiếp thu kiến thức mới nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục của chính mình.

Tính ngay thẳng và trung thực là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp không thể thiếu của người GVMN; trung thực với bản thân, trung thực với công việc, trung thực trong quan hệ với mọi người. Tính ngay thẳng, trung thực thể hiện ở tình yêu lẽ phải và thái độ khách quan dám nghĩ, dám làm. Giáo viên mầm non có tính ngay thẳng, trung thực là người dám nói sự thật, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong giáo dục; tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của nghề nghiệp; đối xử công bằng với các trẻ mầm non, minh bạch trong công việc, giải quyết tình huống sư phạm.

Mỗi cô giáo mầm non cần có đức tính khiêm tốn. Khiêm tốn là sự đánh giá đúng về mình. Đây là một trong những phẩm chất cơ bản của đạo đức cá nhân, là động lực giúp con người vươn lên không ngừng học tập công tác và hoạt động thực tiễn. Danh nhân thường nói: Khiêm tốn bao nhiêu cũng thiếu, kiêu ngạo một tí cũng bằng thừa.

Nói cách khác khiêm tốn là không tự đề cao mình, luôn đánh giá người khác một cách công bằng. Khiêm tốn là thái độ biết tôn trọng người khác và biết tự trọng. Khiêm tốn đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp để tích cực học hỏi, không ngừng nâng cao kiến thức, kĩ năng nghề.

Dũng cảm cũng là một yêu cầu, một chuẩn mực đạo đức mà người giáo viên chân chính cần phải có. Dũng cảm là một trong những phẩm chất cơ bản của đạo đức cá nhân, là đức tính đặc thù của ý chí, nó giúp con người sống có nghị lực, có khí phách, có hành động anh hùng và cao thượng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm... Cực khổ, khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại sự vinh hoa, phú quý không chính đáng” [111, tr.252]. Phẩm chất

dũng cảm còn biểu hiện nếu trong hoàn cảnh nguy hiểm thì sẵn sàng hi sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Dũng cảm đối với cô nuôi dạy trẻ là sẵn sàng hi sinh hạnh phúc bản thân để bảo vệ tính mạng, sự an toàn của học sinh thân yêu, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, nói không với phong bì, nói không với bạo hành trẻ em. Dũng cảm chiến thắng những áp lực công việc, khó khăn từ nghề GDMN. Chống lại sự sa ngã về đạo đức, lối sống của các đồng nghiệp trong trường hoặc cá nhân khác ngoài xã hội. Điều này đòi hỏi sự đấu tranh giằng xé gay gắt trong nội tâm suy nghĩ của mỗi người GVMN. Một lần vượt qua là một lần đạo đức nghề của đội ngũ GVMN được củng cố, hình thành.

Công việc mà người giáo viên đảm nhận đòi hỏi cao sự nhiệt tình, lương tâm và trách nhiệm cũng như sự nhanh nhẹn của chính bản thân họ. Nếu thiếu những phẩm chất trên trong công việc, chắc chắn GVMN khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hồ Chí Minh đã từng căn dặn những người làm thầy "nên yên tâm công tác", không nên "đứng núi này trông núi nọ, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị" [117, tr.331].

Chỉ có người giáo viên nào mà cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, lấy việc hi sinh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đào tạo con người mới làm hạnh phúc cao cả thì mới có thể thực hiện được chức năng "người kĩ sư tâm hồn" một cách xứng đáng, như L. Tônxtôi đã nói: Để đạt được thành tích trong công tác, người thầy giáo phải có một phẩm chất - đó là tình yêu. Người thầy giáo có tình yêu trong công việc là đủ cho họ trở thành người giáo viên tốt.

Một phần của tài liệu Luận Án Nguyễn Thị Thủy (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w