Nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Luận Án Nguyễn Thị Thủy (Trang 106 - 113)

Thứ nhất, một bộ phận cán bộ quản lí chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc suy thoái ĐĐNN của một bộ phận GVMN là do một bộ phận các nhà quản lí chưa thực sự quan tâm đúng mức, thường xuyên đến công tác giáo dục ĐĐNN GVMN. Chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chuẩn nghề nghiệp GVMN là rất đúng đắn thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng đối với sự nghiệp trồng người, song còn dừng lại ở mức chung chung, thiếu tính cụ thể, thiết thực. Nếu có sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt hơn nữa, "sự vào cuộc" thực sự của cấp ủy Đảng, chính quyền thì hiệu quả của nó còn cao hơn nhiều.

Với quan niệm giáo dục những nguyên tắc, chuẩn mực ĐĐNN là việc của các trường sư phạm khi đào tạo giáo viên, GVMN là người đã trưởng thành, họ đã nắm vững các chuẩn mực trên. Vấn đề ở đây là cần tạo mọi điều kiện cho các cô thực hiện tốt công tác quản lý nghề nghiệp của mình. Thật sự là đối với đạo đức thì nếu chỉ dừng lại ở nhận thức thôi chưa đủ mà còn là vấn đề lựa chọn giá trị, các cách thể hiện giá trị đó trong hoạt động của con người. Có thể người giáo viên thuộc lòng các chuẩn mực đạo đức nhà giáo khi học ở trường, nhưng những tác nhân từ hoàn cảnh và môi trường làm việc khiến cho các cô vi phạm ĐĐNN. Giáo dục ĐĐNN đối với GVMN phải tạo ra sự thống nhất giữa nhận thức và sự lựa chọn giá trị, được thể hiện ra trong công tác giảng dạy của người giáo viên. Vì không thấy được vai trò này nên tại nhiều trường mầm non còn xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức nhà giáo cho các cô GVMN, không gắn việc bồi dưỡng ĐĐNN với việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công việc đó. "Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn nhiều hạn chế, thiếu sót: tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả chưa cao…Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống còn chung chung, kém hiệu quả" [45, tr.491].

Các Sở, phòng giáo dục, trường mầm non mới chỉ vạch ra được phương hướng của việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức nhà giáo cho GVMN, mà chưa thật đi sâu, đi sát giám sát ĐĐNN của đối tượng này. Khi báo, đài đưa tin những trường hợp vi phạm ĐĐNN của GVMN thì các chủ thể mới đưa ra các giải pháp khắc phục, song còn chung chung chưa phù hợp với đặc thù riêng mỗi địa phương, vùng miền, trường lớp. Điều đó có nghĩa là giáo dục ĐĐNN cho GVMN được chưa tiến hành thường xuyên, liên tục. Thường khi ngành, sở phát động một phong trào, một đợt học tập theo một chủ đề nào đó thì các cơ sở hưởng ứng và đôi khi sự hưởng ứng chỉ như là một sự thực hiện nghĩa vụ hoặc chỉ thị của cấp trên, chưa chủ động sáng tạo các phong trào, các hình thức mới.

Đối với công tác quản lí, việc cấp phép và quản lí GVMN của các phòng giáo dục tại các trường mầm non cũng là một vấn đề dẫn đến những vi phạm

ĐĐNN. Theo thống kê của Vụ giáo dục mầm non, hiện nay trên cả nước có 15.241 trường mầm non, với 266.346 GVMN. Trong khi đội ngũ cán bộ quản lí nhà nước về lĩnh vực này rất ít, chỉ vài người phụ trách trong phòng giáo dục của địa phương. Do vậy, mới chỉ dừng lại ở việc làm thủ tục cấp phép hoạt động mà chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên, đầy đủ các hoạt động giáo dục của các trường mầm non. Mặt khác, tình trạng ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá giáo viên chưa đúng quy định... gây nhiều bức xúc cho các thầy giáo, cô giáo và xã hội.

Điều đó dẫn đến việc nhiều trường mầm non sử dụng đội ngũ GVMN không đạt tiêu chuẩn, không đúng với đăng kí, đề cao lợi ích vật chất, thiếu các kĩ năng đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non dẫn đến nhiều sự việc vi phạm ĐĐNN của GVMN đã xảy ra.

Thứ hai, một bộ phận giáo viên mầm non chưa thấy rõ được vai trò tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.

Do tác động mặt trái của nền KTTT, mở cửa hội nhập. Một bộ phận GVMN có biểu hiện chạy theo và đề cao lối sống vật chất, hưởng thụ, ích kỉ, mờ nhạt về lí tưởng nghề nghiệp; tinh thần yêu nghề, ĐĐNN cần có cũng đang dần bị mất đi.

Kết quả khảo sát trong "Những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới việc giáo dục ĐĐNN của GVMN" cho thấy:

1. Do bản thân giáo viên còn chưa tích cực học tập: đồng ý chiếm 76,3% 2. Do thâm niên công tác, tuổi nghề cao: đồng ý chiếm 35,8%

3. Do đã vào biên chế rồi: đồng ý chiếm 46,7% [Phụ lục 2].

Từ kết quả khảo sát trên ta thấy, là chủ thể của nghề nghiệp, một số cô giáo mầm non còn thiếu ý thức tự rèn luyện, trau dồi đạo đức nhà giáo, có thái độ thụ động ỷ lại lười suy nghĩ, thiếu ý chí phấn đấu trong học tập, nguyên nhân này được đặt ở vị trí số 1, chiếm 76,3%. Các cô bằng lòng với kiến thức, kĩ năng mà mình đã có, ngại khó, ngại khổ để rèn luyện bản thân. Không thấy

đây vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu bắt buộc với mỗi nhà giáo dục. Chính nguyên nhân tuổi đời cao cũng là trở ngại ảnh hưởng người GVMN tu dưỡng đạo đức nghề nghệp. Họ đề cao kinh nghiệm của bản thân, ít linh hoạt trong xử lý các tình huống sư phạm, quá đề cao khả năng làm việc độc lập của bản thân mà bỏ qua sự hợp tác cần thiết, thiếu tinh thần tập thể trong công tác chủ nhiệm lớp. Mặt khác, việc đã có biên chế nhà nước rồi cũng dễ dẫn đến GVMN đã "yên vị", với tư duy là "người nhà nước" họ không cần phấn đấu vươn lên. Tạo sức ỳ trong tư duy, ý thức của đội ngũ này. Thói quen ngại va chạm, việc ai người nấy làm khiến cho những vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa được phát hiện sớm và kịp thời.

Từ khi có quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17/11/1997 về việc thực hiện phụ cấp ưu đãi cho ngành giáo dục, theo đó bằng cấp đi đôi với tiền lương, nên việc GVMN đi học các lớp cử nhân GDMN hệ tại chức, từ xa rất đông. Tuy nhiên, việc học của GVMN chưa xuất phát từ yêu cầu muốn nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất mà việc học chủ yếu để lấy bằng cấp và tăng lương nên còn mang tính hình thức, chưa chú ý vận dụng những điều học được vào thực tế công việc, kết quả học tập không cao. Nhiều giáo viên lớn tuổi trước đây được đào tạo sơ cấp, nay đi học các lớp tại chức hoặc từ xa chủ yếu với mục đích để chuẩn hóa trình độ. Ngay cả số GVMN đạt chuẩn và trên chuẩn có một tỉ lệ không nhỏ bất cập về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, vốn sống, phẩm chất đạo đức còn nông cạn, chưa thật sát với yêu cầu giáo dục mầm non hiện nay.

Thứ ba, nội dung, hình thức, phương pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho GVMN còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể là:

Một là, nội dung nâng cao đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non còn chậm thay đổi.

Sự hình thành và phát triển ĐĐNN của người GVMN dựa trên vai trò của gia đình, bản thân chủ thể và nền tảng giáo dục ở trường sư phạm. Trong đó, chất lượng giảng dạy, giáo dục ĐĐNN ngay khi học ở các trường sư phạm là

nhân tố ảnh hưởng lớn đến quá trình nâng cao ĐĐNN cho GVMN. Tuy nhiên, nội dung nhằm giáo dục và nâng cao ĐĐNN cho GVMN còn nghèo nàn, chậm đổi mới, mới dừng lại ở những vấn đề có tính nguyên lý, lý luận, thiếu những nội dung có tính thực tiễn xã hội hiện nay. Trước thực tiễn đó, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đã nhận định:

Công tác giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, chất lượng giáo dục và đào tạo thấp so với yêu cầu; mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học … còn nhiều thiếu sót, các hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục và đào tạo còn nhiều, chậm được khắc phục [41, tr.74].

Các môn Khoa học Mác - Lênin là những học phần trực tiếp giáo dục đạo đức nghề nghiệp, niềm tin lí tưởng cộng sản, lí tưởng nghề nghiệp, song ở nhiều trường chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí việc học và dạy còn mang tính đối phó lấy lệ. Thời gian học tập cho các môn học này còn rất khiêm tốn; ở bậc cao đẳng, đại học giảm từ 202,5 tiết xuống 135 tiết, tương đương 9 đơn vị học trình với 3 học phần: “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -Lênin”, “Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, với bậc trung cấp giảm từ 90 tiết tương đương 6 đơn vị học trình xuống còn 70 tiết, song không có một tiết nào dành cho giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên mầm non.

Hay các học phần thuộc chuyên ngành Tâm lí lứa tuổi mầm non, Giáo dục học mầm non nhằm giúp sinh viên mầm non nắm được đặc điểm tăng trưởng và phát triển tâm sinh lí của trẻ mầm non, từ đó thiết kế các hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm từng nhóm trẻ chưa được chú trọng đúng mức. Do yêu cầu đào tạo, hiện nay, nhiều trường sư phạm đã cắt giảm từ 210 tiết xuống 90 tiết tức từ 7 tín chỉ xuống còn 3 tín chỉ. Đặc biệt số lượng tiết trang bị cho giáo viên mầm non nắm bắt tâm lí trẻ em trước tuổi đến trường chỉ bao gồm 1 chương với 5 tiết. Các học phần cung cấp kiến thức chuyên ngành như: kiến thức về dinh dưỡng, phòng bệnh cho trẻ mầm non...cũng bị cắt giảm tín chỉ khá lớn (từ 180 tiết xuống còn 120 tiết).

Việc cắt giảm cơ học không dựa trên yêu cầu cấp thiết của nghề nghiệp tương lai đó đã dẫn đến việc sinh viên mầm non khó có thể hiểu rõ tính đặc thù nghề nghiệp, các kĩ năng nghề nghiệp hình thành còn hời hợt, nông cạn, đạo đức nghề nghiệp chưa được khắc sâu, dễ vi phạm đạo đức nghề trong quá trình giáo dục trẻ.

Tương tự như vậy, tại các trường mầm non, nơi thực hành tay nghề của người giáo viên mầm non, mới chỉ dừng lại ở trao đổi, tập huấn chuyên môn mà ít quan tâm đến việc học tập, bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề giáo, kĩ năng giao tiếp ứng xử với trẻ mầm non. Chưa chủ động xây dựng được các chuyên đề bồi dưỡng ĐĐNN hợp lý phù hợp, còn chạy theo chỉ tiêu thi đua. Đội ngũ cán bộ quản lý các trường mầm non chưa xây dựng được hệ thống chuẩn mực ĐĐNN của GVMN phù hợp với đặc điểm từng trường, vùng, miền nơi sinh sống. Đánh giá chất lượng, sự phong phú, sát hợp về nội dung giáo dục, bồi dưỡng nhằm nâng cao ĐĐNN của GVMN của trường mình chỉ có 23,3% đánh giá tốt, 59,5% đánh giá mức trung bình, 17,2% cho là kém [Phụ lục 2].

Hai là, hình thức, phương pháp nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non chưa phong phú, đa dạng, tồn tại nhiều nhược điểm.

Hiện nay, tại các trường sư phạm số lượng thí sinh được tuyển chọn vào ngành GDMN đạt chất lượng không cao, thời gian đào tạo ngắn, chỉ cần theo học từ 6 tháng đến 4 năm đã có thể được cấp chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo chuyên ngành mầm non từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học. Sinh viên còn yếu về kiến thức văn hóa, dẫn đến việc tiếp thu các kiến thức chuyên ngành gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình học tập, sinh viên còn tính thụ động lớn, học vẹt, học đối phó; cá biệt có em chưa nhận thức được ý nghĩa của nghề sư phạm mầm non và sự tâm huyết với nghề còn sơ sài. Qua khảo sát ý kiến “Lí do lựa chọn ngành sư phạm mầm non” có 45% ý kiến đánh giá do điểm thi thấp, 30% do truyền thống gia đình, 25% do dễ xin việc [Phụ lục 2]. Từ kết quả trên cho thấy với tâm lý chọn nghề ảnh hưởng lớn đến tư tưởng tình cảm của người GVMN. Với tâm lý chọn nghề không xuất phát từ niềm

yêu thích nghề nghiệp dẫn đến quá trình rèn luyện nghề, thái độ, hành vi của GVMN không đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp hiện nay, dễ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hình thức sử dụng để giáo dục, nâng cao ĐĐNN cho GVMN tại các trường mầm non thường tập trung như: sinh hoạt chuyên đề chuyên môn, tập huấn, qua các hội thi, thao giảng... Tuy nhiên, các hình thức này còn chưa thực sự sinh động, mang tính gượng ép. Cá nhân thực hiện nhằm duy trì chế độ theo lợi ích của bản thân. Chưa kết hợp chặt chẽ giáo dục ĐĐNN với các hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng và tổ chức hoạt động chuyên môn. Hình thức giáo dục thông qua sinh hoạt chuyên đề chuyên môn ít gắn với giáo dục ĐĐNN, thiếu tính cập nhật các vấn đề thời sự, chưa theo kịp với sự đòi hỏi của thực tiễn trong hoạt động chuyên môn.

Hình thức thi đua theo các hội thi giáo viên dạy giỏi, thao giảng... ít có sự gắn kết giữa mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu của các phong trào với giáo dục ĐĐNN, còn nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về cách thức. Các phong trào này chỉ có sức thu hút được một số GVMN có kinh nghiệm, có thâm niên công tác tham gia; trong khi đó số giáo viên khác, đặc biệt giáo viên mới vào ngành, tuổi đời trẻ, kinh nghiệm ít, rất cần quá trình trau dồi và rèn luyện ĐĐNN thì đứng ngoài. Việc giáo dục ĐĐNN phù hợp với đặc điểm riêng của từng GVMN, từng nhóm chuyên môn chủ nhiệm các nhóm, lớp theo độ tuổi chưa đạt hiệu quả cao, chưa chú trọng đến công tác cá biệt hóa cái chung vào trong từng cái riêng. Vì lẽ đó những biểu hiện của những vi phạm ĐĐNN của GVMN, lối sống thiếu trách nhiệm của một bộ phận giáo viên này chưa được ngăn chặn kịp thời. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy hình thức giáo dục ĐĐNN cho GVMN tại các trường mầm non ở mức độ trung bình là 46,7%, mức độ hạn chế (kém) là 2,35% [Phụ lục 2].

Về phương pháp giáo dục ĐĐNN cho GVMN hiện nay chưa thực sự cuốn hút, góp phần làm chuyển biến chất lượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ này. Phương pháp giáo dục chính trị còn khô cứng, thiếu tính cụ thể gắn với ngành nghề, đặc thù nghề nghiệp của đối tượng này; phương pháp

điều tra, tiếp cận con người còn hạn chế; phương pháp động viên khuyến khích chưa thật nhạy bén, kịp thời, thường mang tính chất chiếu lệ, chưa thật đúng người, đúng việc; phương pháp rèn luyện, nêu gương chưa kịp thời, đúng lúc, tấm gương “người tốt việc tốt” chưa được nhân rộng đại trà ở nhiều trường mầm non. Chính những hạn chế đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, hiệu quả của quá trình nâng cao ĐĐNN cho GVMN. Qua điều tra khảo sát cho thấy vẫn còn 56,73% ý kiến đánh giá về mức độ phong phú của sự kết hợp các phương pháp giáo dục, nâng cao ĐĐNN cho GVMN ở mức độ trung bình, 2,45% cho là hạn chế [Phụ lục 2].

Như vậy, những hạn chế còn tồn tại nêu trên là những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả tới việc nâng cao ĐĐNN cho GVMN. Trên cơ sở đó đặt ra yêu cầu mới đòi hỏi các chủ thể giáo dục phải xây dựng được chiến lược phát triển đội ngũ GVMN đáp ứng yêu cầu mới; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nâng cao ĐĐNN cho GVMN; đặc biệt cần phát huy vai trò chủ thể của người GVMN trong quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện

Một phần của tài liệu Luận Án Nguyễn Thị Thủy (Trang 106 - 113)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w