non trong quan hệ với trẻ mầm non
Đa số GVMN đều cố gắng hoàn thiện ĐĐNN của bản thân, song trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp GVMN vi phạm đạo đức nghề giáo trong quan hệ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, biểu hiện cụ thể là:
Thứ nhất, với tư cách là "người mẹ thứ hai" của trẻ.
Trong giao tiếp, ứng xử với trẻ mầm non có một số GVMN còn hạn chế nhất định, thiếu sự gương mẫu chuẩn mực trong phát ngôn, trong hành vi chưa đúng với tư cách của người giáo viên, một số ít GVMN đôi lúc còn biểu hiện thiếu trách nhiệm, lạnh nhạt, hờ hững, vô cảm. Vẫn còn cô giáo mầm non đến trường làm việc với mục đích hoàn thành đúng, đủ trách nhiệm của mình để cuối tháng nhận lương, họ ít chủ động gần gũi, động viên, thăm hỏi học sinh khi ốm, đau, thậm chí còn thờ ơ với trẻ. Khi trẻ quấy khóc, nghịch phá, thay bằng việc nhẹ nhàng, ân cần dỗ dành, có cô đã dùng hình thức quát mắng, thậm chí phạt nặng bằng đòn roi với trẻ. Theo điều tra khảo sát của tác giả, biện pháp sử dụng hình phạt đòn roi vẫn có 3,1% giáo viên sử dụng với trẻ mầm non [Phụ lục 2].
Thời gian gần đây, số vụ bạo hành và ngược đãi trẻ em của một số cô nuôi dạy trẻ có dấu hiệu ngày càng gia tăng xảy ra khắp các địa phương trong cả nước. Theo thống kê của Vụ Giáo dục Mầm non chỉ trong vòng nửa đầu tháng 10 năm 2016 đã có 3 vụ bạo hành dã man của các cô giáo mầm non ở các trường mầm non tại Lạng Sơn, Quảng Bình, Hà Nội gây bức xúc trong dư luận. Hành động vô đạo đức đó đã gieo những lo âu, hoài nghi, căng thẳng trong lòng các bậc phụ huynh. Đó quả là một nỗi buồn không đáng có, một sự u ám trong giáo dục, là tiếng chuông cảnh tỉnh dư luận nhân dân về việc sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu vắng tình nhân ái của một số GVMN hiện nay. Khi nhận xét về những hành động bạo hành đó Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: "Đây là hành vi vi phạm giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ trẻ" [16]. Những biểu hiện tiêu cực trên là những vết xước ghi dấu ấn không tốt trong tâm hồn non nớt của trẻ, nếu không sớm được khắc phục sẽ cản trở đến chất lượng GDMN.
Thứ hai, với tư cách là "người bác sĩ" chăm sóc trẻ mầm non.
Việc tự trang bị kiến thức chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ tự kỉ của GVMN còn yếu và kém, lúng túng trong giáo dục trẻ hòa nhập, chẳng hạn như: câu
chuyện trẻ mầm non bị tự kỉ, câm điếc, tăng động ở trường Mầm non B Trực Đại (Trực Đại, Trực Ninh, Nam Định) bị cô giáo buộc vào dây vào người treo trên cửa sổ đang được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội [158]. Đây là việc làm vừa đáng trách vừa đáng thương, nếu các cô GVMN hiểu rõ được tâm lý của trẻ tự kỉ, khuyết tật, có kĩ năng chăm sóc nhóm đối tượng này tốt hơn thì sẽ có nhiều hoạt động sư phạm hợp lí, đánh thức các tiềm năng giác quan của trẻ, giúp trẻ có thể hòa nhập tốt với tập thể lớp, xã hội xung quanh.
Sự hiểu biết về một số dịch bệnh nguy hiểm như sởi, thủy đậu, viêm não còn hạn chế. Từ kết quả khảo sát của tác giả vẫn còn 50% GVMN ít quan tâm, 1,2% số giáo viên không quan tâm đến các dịch bệnh này [Phụ lục 2]. Điều này cho thấy họ chưa thấy được tầm quan trọng của công tác phòng dịch, không nhiệt tình tuân thủ các kĩ năng phòng và chống dịch bệnh cho trẻ.
Một số GVMN chưa hình thành kĩ năng xử lí những tình huống cấp bách, kinh nghiệm xử lí cấp cứu trẻ còn yếu dẫn đến việc chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, công tác phòng chống thương tích và tai nạn cho trẻ còn chưa tốt. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin gây nhói lòng quần chúng nhân dân về nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do ngạt nước; có cháu do bị hóc dị vật đường thở mà mãi mãi ra đi, có cháu tử vong do kẹt trong thang máy vận chuyển thức ăn… Khi để xảy ra sai sót họ lại viện đủ lý do nào đó do cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị đồ dùng cũ kĩ, áp lực công việc... để che đậy sai lầm của mình; họ ít day dứt, trăn trở, tự trách lương tâm mình. Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, tìm ra bằng chứng, chứng minh những yếu kém về chuyên môn, kĩ năng xử lý tình huống, thiếu ĐĐNN khi đó các cô giáo mới chịu chấp nhận sự trừng phạt của luật pháp.
Thứ ba, là người cấp dưỡng chăm lo bữa ăn cho cho trẻ mầm non. Một số GVMN còn lúng túng trong việc lựa chọn thực đơn hàng ngày cho trẻ. Việc sắp xếp các món ăn chưa cân đối, không tuân thủ nghiêm ngặt tỉ lệ giữa các chất P=14-20%, L=18-25%, G=60-65%, giữa thực phẩm động vật và thực vật, giữa mỡ và dầu ăn. Việc lựa chọn nguồn thực phẩm dinh dưỡng còn qua
loa, đại khái; thậm chí vì lợi ích cá nhân mà ham mua thực phẩm rẻ, kém chất lượng. Chẳng hạn: ngày 05/03/2019 dư luận xã hội bàng hoàng trước thông tin trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) sử dụng thịt lợn bị nhiễm sán gạo, thịt gà đã bốc mùi hôi thối làm thức ăn cho trẻ mầm non. Điều này dấy lên sự lo ngại của cộng đồng xã hội về nhận thức, trách nhiệm nghề nghiệp của GVMN.
Như vậy, những biểu hiện tiêu cực trên mặc dù chưa mang tính phổ biến nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục, đến nhân cách của người GVMN. Nếu không kịp thời khắc phục vấn đề ngay từ trong nhận thức sẽ là yếu tố cản trở lớn đến việc nâng cao ĐĐNN của đội ngũ này ở Việt Nam hiện nay.