9. Cấu trúc luận văn
3.2.6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý
quản lý trường tiểu học ở huyện Giồng Riềng
3.2.6.1. Mục đích và ý nghĩa
Thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động QLGD. Nó có mặt trong tất cả các giai đoạn của quá trình QLGD, nó vừa là điều kiện vừa là phương tiện không thể thiếu cho mọi hành động của QLGD.
Thông tin chính là chìa khóa để hỗ trợ công tác quản lý cho CBQL. Thông tin giúp CBQL làm việc khoa học hơn. Người CBQL muốn có được một quyết định về quản lý đúng đắn, ngoài khả năng chuyên môn thì cần phải có thông tin đầy đủ và khách quan về lĩnh vực mà mình muốn tìm hiểu cụ thể như lĩnh vực QLGD. Kinh nghiệm bản thân khó mà đem lại cho họ hiệu quả cao trong hoạt động quản lý. Họ cần có một công cụ để khai thác và sử dụng thông tin hiệu quả. Đó chính là năng lực thông tin, cũng như khả năng tiếp nhận, xử lí và chọn lọc thông tin.
3.2.6.2. Nội dung và cách thức thực hiện
Hệ thống thông tin hỗ trợ công tác quản lý giáo dục bao gồm: hệ thống thông tin quản lý học sinh và chất lượng; hệ thống thông tin quản lý cán bộ, giáo viên; hệ thống thông tin quản lý nội dung, chương trình đào tạo; hệ thống thông tin quản lý về
thi hành luật pháp và pháp chế và thanh tra trong giáo dục; hệ thống thông tin quản lý tài chính; hệ thống thông tin quản lý cơ sở vật chất và thiết bị.
Khả năng tự nắm bắt nhu cầu thông tin của đội ngũ CBQL trường tiểu học là khá cao. Họ cũng là người đã định hình được hành vi thông tin (tìm kiếm và sử dụng thông tin) rất rõ nét. Điều này không có nghĩa là đã đủ để họ trở thành người có hiểu biết về thông tin. Và sẽ là không phù hợp nếu như áp dụng cứng nhắc các hình thức phát triển năng lực thông tin. Như vậy, hướng tiếp cận sẽ là: nâng cao chất lượng nguồn thông tin, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn về kỹ năng khai thác và tổ chức thông tin, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học khu vực và trong nước để đội ngũ CBQL nghiên cứu, có điều kiện trao đổi, học hỏi các đồng nghiệp về phương pháp nghiên cứu.
Vì vậy, cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn tư liệu, đây là điều kiện vừa để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa là chất xúc tác để phát triển năng lực thông tin cho đội ngũ CBQL. Bởi lẽ, nếu như nguồn tư liệu hỗ trợ nghiên cứu phong phú và đầy đủ, đội ngũ CBQL sẽ có điều kiện để triển khai các kế hoạch hoạt động quản lý có chất lượng và tính khả thi. Điều này cũng sẽ tác động rất tích cực đến thói quen sử dụng thông tin của các đội ngũ CBQL, đơn giản là vì họ đã thấy được lợi ích thiết thực từ việc sử dụng thư viện và các tài nguyên của nó. Do vậy, cần quan tâm đến nâng cấp chất lượng nguồn thông tin, các dịch vụ thư viện và thư viện điện tử.
Tăng cường mở các khóa đào tạo về kỹ năng khai thác và tổ chức thông tin. Có thể nói, kỹ năng khai thác, thẩm định và tổ chức thông tin được xem như là chìa khóa để bước vào thế giới thông tin. Đội ngũ CBQL có thể đã rất thành thạo trong việc xác định nội dung và phạm vi nghiên cứu, nhưng những kỹ năng như trên thì họ ít có điều kiện để lĩnh hội một cách có hệ thống và đầy đủ. Do đó, việc triển khai trang bị những nội dung này cho đội ngũ CBQL là đặc biệt cần thiết.
Đội ngũ CBQL phải dành nhiều thời gian để thu thập, xử lý thông tin, tổ chức và sử dụng chúng một cách hợp lý. Có thể nói, công việc của đội ngũ CBQL gắn bó hết sức chặt chẽ với kỹ năng khai thác, phân tích, đánh giá, tổng hợp, và sử dụng
thông tin, nếu như không muốn nói đó là mối quan hệ hữu cơ máu thịt, không thể tách rời. Điều này chứng minh cho sự cần thiết triển khai các chương trình đào tạo năng lực thông tin và sử dụng thông tin cho đội ngũ CBQL.
Tăng cường năng lực của cơ sở về trách nhiệm và thực hiện các thống kê và cung cấp thông tin giáo dục. Tạo ra các bản tin về dữ liệu và các thống kê khác cần thiết cho các hoạt động quản lý. Tin học hoá hệ thông tin quản lý giáo dục bằng máy tính để phục vụ nhanh chóng và chính xác các nhu cầu về thông tin quản lý. Bồi dưỡng CBQL có khả năng nhất định về sử dụng công nghệ thông tin và vốn ngoại ngữ giao tiếp, 100% CBQL phải có trình độ tin học ứng dụng trở lên; qua phần tự đánh giá và giáo viên đánh giá CBQL cho thấy tiêu chí này còn rất thấp. Có thể nói, là một trong số những đối tượng sử dụng thông tin nhiều nhất, thường xuyên nhất, đội ngũ CBQL chính là những đối tượng cần phải được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng thông tin.
Hướng dẫn, xây dựng hệ thống các thư mục điện tử lưu trữ dữ liệu các thông tin cần thu thập và truy xuất khi cần thiết như: các văn bản của các cấp; các văn bản phân loại theo nội dung: quy chế chuyên môn; điều lệ; chế độ chính sách; công tác tổ chức; văn bản chỉ đạo; các thông tin về đơn vị trường học.
Đội ngũ CBQL phải làm chủ trong việc khai thác kho tàng tri thức của nhân loại, có sự hiểu biết sâu sắc về thế giới thông tin, để tìm đúng, tìm đủ những thông tin mà mình cần, cụ thể là những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý nhằm để sử dụng chúng một cách có hiệu quả.
Đội ngũ CBQL phải trang bị các kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc khai thác và sử dụng thông tin một cách bài bản và có hệ thống nhằm hỗ trợ công tác quản lý của mình có hiệu quả thiết thực hơn.
Xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu một cách thống nhất và có hệ thống ở mọi cấp quản lý, đồng thời thành lập trung tâm thông tin để phục vụ thống nhất tất cả các dữ liệu và thông tin.