5. Kết cấu
1.3.2 Phân tích Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Phân tích kết quả kinh doanh để nhận thức và cải tạo hoạt động kinh doanh một cách tự giác và có ý thức phù hợp với những điều kiện cụ thể và quy luật kinh tế nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn.
a. Phân tích doanh thu
Doanh thu là tổng các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, có được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của doanh nghiệp góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu: là toàn bộ số tiền thu được hoặc sẽ thu được từ các giao dịch và nghiệp vụ phát sinh doanh thu như: bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng bao gồm các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá bán (nếu có). Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp. Đây là nguồn tài chính quan trọng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chi trả các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời là nguồn tài chính quyết định hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ kế toán tiếp theo. Doanh thu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó phải thường xuyên phân tích để thấy được những ưu, nhược điểm của các phương án nhằm tăng doanh thu. Từ đó, doanh nghiệp có những điều chỉnh để loại bỏ những mặt chưa đạt được, duy trì những mặt tích cực để doanh thu đạt hiểu quả cao nhất.
b. Phân tích chi phí
Chi phí là tất cả hao phí tính thành tiền mà doanh nghiệp bỏ ra trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi phí là dòng tiền ra của doanh nghiệp.
Giá vốn hàng bán là trị giá vốn hàng hóa đã tiêu thụ trong kỳ. Giá vốn hàng bán là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giá thấp sẽ tạo cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh lớn. Việc kiểm soát chi phí sản xuất luôn luôn là điều mà các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp quan tâm. Giá vốn hàng bán là một chỉ tiêu có xu hướng biến động theo những lên xuống của thị trường. Việc lời lỗ sẽ được quyết định bởi sự chênh lệch giữa giá bán và GVHB thực sự. Để khai thác hết tiềm năng mà GVHB mang lại, doanh nghiệp cần đi tìm hiểu các thành phần cấu thành nên GVHB: nguyên vật liệu, nhân công…
Chi phí bán hàng là toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Chi phí quản lý doanh nghiệp là chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để vận hành các hoạt động của mình, có liên quan đến toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp. Chi phí tài chính là các loại chi phí hoặc khoản lỗ được tạo ra từ các hoạt động đầu tư tài chính, cho vay và đi vay vốn, chi phí do đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ tỷ giá khi bán ngoại tệ, tỷ giá hối đoái và một số khoản chi phí khác.
Mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Muốn vậy, doanh nghiệp không chỉ cần phải tăng doanh thu hết mức có thể mà còn phải giảm chi phí hết sức. Do vậy, chi phí cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng được doanh nghiệp lưu ý. Doanh nghiệp phải phân tích chi phí một cách thường xuyên, để từ đó có những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chi phí.
c. Phân tích lợi nhuận
Lợi nhuận là kết quả tài chính cuối cùng của hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Lợi nhuận là cơ sở, nền tảng để đánh giá hiệu quả kinh tế từ hoạt động của doanh nghiệp.
Chỉ tiêu lợi nhuận giúp chúng ta giải thích được tại sao doanh nghiệp cần phải xem xét thường xuyên chỉ tiêu doanh thu và chỉ tiêu chi phí sau mỗi kỳ
hoạt động kinh doanh. Do đó, việc phân tích mối quan hệ giữa lợi nhuận, doanh thu và chi phí là hết sức cần thiết và quan trọng nếu muốn đưa ra những phương án kết quả kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là lợi nhuận thu được do tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là bộ phận lợi nhuận chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ lợi nhuận tạo ra trong doanh nghiệp.
Lợi nhuận khác là những khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp không dự tính trước hoặc có dự tính nhưng ít có khả năng thực hiện hoặc những khoản thu không mang tính chất thường xuyên.
Đánh giá chung tình hình thực hiện là đánh giá sự biến động của tổng lợi nhuận cũng như của từng bộ phận lợi nhuận giữa kỳ này với kỳ trước nhằm khái quát tình hình lợi nhuận và nhân tố ảnh hưởng đến nó.
Lợi nhuận là cơ sở để tính chỉ tiêu chất lượng khác, nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất vào hoạt động kinh doanh.