2.3. Thực trạng phát triển du lịch sông nước ở Thành phố Cần Thơ
2.3.2. Phát triển sản phẩm du lịch sông nước
Thành phố Cần Thơ ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, còn được ví như “đô thị miền sông nước”. Vừa qua, Thành phố Cần Thơ cũng đã đoạt giải thưởng Cuộc thi Cảnh quan châu Á 2016, với bài dự thi “Cần Thơ - Thành phố sông nước vùng ĐBSCL”. Chính những giá trị của tài nguyên sông nước này đã được khai thác để phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách để trải nghiệm các giá trị sông nước và những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống với các sảm phẩm du lịch tiêu biểu.
- Giá trị cảnh quan sông nước gắn với đời sống sinh hoạt truyền thống của cộng đồng:
+ Trải nghiệm cảnh quan sông nước với những gì du khách quan sát được và tiếp nhận từ hướng dẫn viên qua các chuyến tham quan bằng thuyền hoặc đi bộ. Không gian thưởng ngoạn là bến Ninh Kiều, cảnh quan trên các cù lao, cồn trên sông Hậu.
+ Tìm hiểu, trải nghiệm sinh hoạt truyền thống của cộng đồng qua tham quan hoạt động chợ nổi, đời sống thường ngày của người dân ở các làng quê ven sông, trên các cù lao, trên ghe, thuyền của những thương hồ; khám phá sự trù phú về nông sản của miệt vườn. Không gian trải nghiệm ở chợ nổi Cái Răng, hoạt động sinh hoạt trên các cù lao, cồn.
+ Tìm hiểu giá trị hệ sinh thái với những vườn cây xanh tươi mát, cùng nhiều loại đặc sản trái cây của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: vườn du lịch Mỹ Khánh, các cù lao, cồn trên sông Hậu, trên các tuyến sông Phong Điền và nhiều vườn du lịch gia đình khác ở Ô Môn, Thốt Nốt... Tại đây, du khách có thể vừa đi dạo trong vườn hít thở không khí trong lành mát mẻ, vừa được nếm các loại trái cây chín và những món ăn đặc sản miệt vườn.
+ Tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua các lễ hội truyền thống, diễn xuất đờn ca tài tử, cải lương, tuồng Nam Bộ,... Hoạt động Ninh Kiều, các di tích ở Phong Điền, Bình Thủy.
+ Tìm hiểu, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực gắn với sông nước. Tập trung ở các điểm du lịch, nhà hàng, quán xá ở các quận, huyện.
+ Tìm hiểu và trải nghiệm các làng nghề truyền thống gắn với sông nước. Tập trung ở Cái Răng, Phong Điền, Thốt Nốt, Ô Môn.
- Giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống “Đờn ca tài tử”: Tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trình diễn trong các điểm vườn du lịch, trên các du thuyền ở Ninh Kiều.
Sản phẩm du lịch sông nước được khai thác khá đa dạng. Tuy nhiên, vẫn chưa khai thác được hết các giá trị sông nước: hoạt động đi thuyền để tham quan cảnh quan sông nước thì thời gian và lộ trình chưa khai thác được hết các trải nghiệm sông nước, chưa có hoạt động ngủ đêm trên tàu; tổ chức biểu diễn Đờn ca tài tử tại một số điểm vườn du lịch với không gian thưởng thức chưa đầy đủ, chưa giới thiệu được các nét đặc trưng và tính gắn kết với văn hóa của loại hình nghệ thuật này; tìm hiểu, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực gắn với sông nước được phục vụ trong các nhà hàng, quán xá và trình diễn ẩm thực đa dạng về món ăn nhưng lộ trình tham quan và thông tin chưa đầy đủ, nhiều cơ sở chưa đảm bảo chất lượng; tham quan chợ nổi tìm hiểu cuộc sống cộng đồng trên ghe, thuyền với thời gian tham quan chưa hoàn toàn phù hợp, hoạt động mua bán ngày một thưa thớt, cảnh quan bờ sông, chất lượng tàu thuyền, vệ sinh môi trường đều chưa đảm bảo.
Cần Thơ xác định thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù là sông nước đô thị. Các tour du lịch tại Cần Thơ chủ yếu là du lịch trên sông nước. Do đó đã tập trung mời gọi đầu tư các cồn ven sông Hậu, xác định cụm không gian du lịch trung tâm, gồm: Không gian quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền đóng vai trò đầu mối, điều hành hoạt động du lịch toàn thành phố và cụm không gian du lịch phía Tây, gồm: quận Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là không gian du lịch quan trọng.
Hiện nay, Thành phố Cần Thơ đang tích cực đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị, du
hấp dẫn đối với du khách. Theo đó, Cần Thơ tăng cường xúc tiến du lịch, tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên lành nghề, tác phong phục vụ chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm, chương trình du lịch, dịch vụ phục vụ đồng bộ, chất lượng cao; xây dựng hoàn chỉnh 235 khách sạn (trong đó có 145 khách sạn từ 1-5 sao) với gần 6.392 buồng, đáp ứng tốt chỗ ăn ở, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước đến đây.
Cần Thơ cũng đẩy mạnh việc khai thác vị trí trung tâm trung chuyển của địa phương đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành khác trong nước; mở thêm các tour, tuyến du lịch sông nước tại Cần Thơ và từ Cần Thơ đến các tỉnh khác trong và ngoài vùng. Ngoài ra, Cần Thơ hợp tác với tỉnh An Giang, Kiên Giang, hình thành “tam giác du lịch” mạnh nhất khu vực với các loại hình du lịch sông nước - biển đảo - núi. Hiện nay, TP. Cần Thơ đã kết nối tour đến các địa phương xung quanh có loại hình du lịch khác biệt để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách.
Bên cạnh đó, triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng các khu du lịch quốc gia tại các cồn dọc sông Hậu như cồn Ấu, cồn Khương, cồn Cái Khế; mở rộng làng du lịch Mỹ Khánh; Quận Cái Răng khai thác loại hình du lịch sông nước, tập trung thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, đưa Chợ nổi Cái Răng và văn hóa chợ nổi Cái Răng trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL nói chung và của Thành phố Cần Thơ nói riêng; Quận Thốt Nốt phát triển du lịch sinh thái Vườn cò Bằng Lăng và khai thác sản phẩm du lịch tại Cù lao Tân Lộc; Quận Ô Môn xây dựng kế hoạch phục vụ các loại hình văn hoá nghệ thuật truyền thống của người Khmer tại Chùa PôthiSomrôn.