Chương trình Giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh cấp THCS do Bộ GDĐT phê duyệt năm 2002, trong đó nêu rõ: “Việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông nói chung, cấp THCS nói riêng, cần hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh cho HS. Việc dạy và học tiếng Anh cấp THCS góp phần giúp HS mở rộng tầm nhìn, làm phong phú kinh nghiệm cuộc sống, phát huy năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, xã hội của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, hiểu biết sâu hơn về văn hóa và xã hội của chính dân tộc mình, đặt nền tảng
cho việc tiếp tục học ở các cấp học cao hơn, học tập suốt đời và sự phát triển toàn diện của HS” (Bộ GD-ĐT, 2002).
Truyền thông giáo dục của website trường học kết nối, bài viết “Chú trọng phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh của học sinh” có đề cập đến quan điểm của Giáo sư Nguyễn Lộc, chủ biên môn tiếng Anh - chương trình GD phổ thông cho biết: "Đường hướng chủ đạo trong chương trình GD phổ thông môn Tiếng Anh là đường hướng giao tiếp”. Đường hướng này nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của HS. Các phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Đường hướng chủ đạo này qui định các hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS (Bộ GDĐT, 2018).
Mục tiêu trong giáo dục nói chung và trong dạy học tiếng Anh nói riêng tập trung vào việc đổi mới PPDH theo hướng tích cực hóa hoạt động của HS dưới sự hướng dẫn của giáo viên: HS chủ động tìm tòi, phát hiện, giải quyết nhiệm vụ nhận thức và có ý thức vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kiến thức kĩ năng đã thu nhận được. PPDH tiếng Anh chọn giao tiếp là phương pháp chủ đạo, năng lực giao tiếp là đơn vị dạy học cơ bản, coi giao tiếp vừa là mục đích vừa là phương tiện dạy học.
Theo tài liệu tập huấn về đổi mới PPDH môn Tiếng Anh THCS của Bộ GDĐT, mục đích của việc dạy học ngoại ngữ không nhằm hướng học sinh vào việc nghiên cứu hệ thống ngôn ngữ, mà nhằm giúp học sinh sử dụng hệ thống ngôn ngữ đó như một công cụ giao tiếp, nghĩa là nhằm rèn luyện cho học sinh năng lực giao tiếp. Năng lực giao tiếp này được biểu hiện bằng khả năng sử dụng sáng tạo những qui tắc ngôn ngữ để thực hiện giao tiếp theo tình huống. Như vậy mục đích cuối cùng của việc học ngoại ngữ không phải là biết hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp mà biết sử dụng hệ thống đó để đạt được mục đích giao tiếp (Bộ GDĐT, 2002).