Khái niệm kỹ năng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh trung học cơ sở tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 29 - 33)

Kỹ năng là hiện tượng tâm lý được nghiên cứu sâu trong tâm lý học. Những năm trở lại đây, ngày càng có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về kỹ năng của con người trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau bởi giá trị thực tiễn của kỹ năng trong cuộc sống. Trước hết, về thuật ngữ kỹ năng, theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì kỹ năng là: “Khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế.”

Từ điển Oxford định nghĩa “skill” – kỹ năng là khả năng tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó và có được nhờ rèn luyện.

Theo từ điển Tâm lý học do tác giả Vũ Dũng (2000) chủ biên, kỹ năng là “năng lực vận dụng có kết quả những tri thức về hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng. Ở mức độ kỹ năng, công việc được hoàn thành trong điều kiện hoàn cảnh không thay đổi, chất lượng chưa cao, thao tác chưa thành thục và còn phải tập trung chú ý căng thẳng, kỹ năng được hình thành qua luyện tập.”

Trong Từ điển Tâm lý học của A.M.Colman, “Kỹ năng là sự thông thạo, hiểu biết chuyên môn sâu, là khả năng đạt được thành tích cao trong một lĩnh vực nhất định; cụ thể là một cách thức thực hiện hành vi có sự phối hợp, có tổ chức, đạt được thông qua sự huấn luyện và thực hành”. (dẫn theo Nguyễn Ngọc Duy, 2015)

Ph.N. Gonobolin (1973) cho rằng: “Kỹ năng là những phương thức tương đối hòan chỉnh của việc thực hiện những hành động bất kỳ nào đó. Các hành động này được hình thành trên cơ sở các tri thức và kỹ xảo - những cái được con người lĩnh hội trong quá trình hoạt động”.

V.A. Krutretxki (1980) cho rằng: “Kỹ năng là các phương thức thực hiện hoạt động- cái mà con người lĩnh hội được”. Tác giả cho rằng: “Trong một số trường hợp thì kỹ năng là phương thức sử dụng các tri thức vào trong thực hành, con người cần áp dụng và sử dụng chúng vào trong cuộc sống, thực tiễn. Trong quá trình luyện tập, trong hoạt động thực hành kỹ năng được trở nên hoàn thiện và trong mối quan hệ đó hoạt động của con người cũng trở nên hoàn hảo hơn trước”.

A.V. Barabasicoov (1963) cho rằng: “Kỹ năng là khả năng sử dụng tri thức và kỹ xảo của mình một cách có mục đích và sáng tạo trong quá tình hoạt động thực tiễn. Khả năng này là khả năng tự tạo của con người.”

Trần Trọng Thủy (1978) trong quyển sách “Tâm lý học lao động” cho rằng kỹ năng là mặt kỹ thuật của hành động, con người nắm được cách hành động tức là có kỹ thuật của hành động, có kỹ thuật.

Tác giả Nguyễn Hữu Nghĩa, Triệu Xuân Quýnh, Bùi Ngọc Ánh cho rằng: “Kỹ năng là những hành động được hình thành do sự bắt chước trên cơ sở của tri thức mà có, chúng đòi hỏi sự tham gia thường xuyên của ý thức, sự tập trung chú ý, cần tiêu tốn năng lượng của cơ thể”. (dẫn theo Nguyễn Hữu Long, 2010)

Tác giả N.D.Levitovxam xét kỹ năng gắn liền với hành động. Theo ông người có kỹ năng hành động là người phải nắm được và vận dụng đúng đắn các cách thức hành động và thực hiện hành động có kết quả. Ông nhấn mạnh muốn hình thành kỹ năng, con người vừa phải nắm vững lý thuyết về hành động, vừa phải vận dụng lý thuyết đó vào thực tế.

Từ điển Tâm lý học của Mỹ do tác giả J.P. Chaplin chủ biên (1968) định nghĩa kỹ năng là “thực hiện một trật tự cao cho phép chủ thể tiến hành hành động một cách trôi chảy và đúng đắn”

Các nhà tâm lý học phương Tây, khi nghiên cứu kỹ năng lao động của người công nhân trong qúa trình vận hành máy móc đã coi trọng mặt kỹ thuật của hành động, đó là yếu tố quy định hoạt động tâm lý con người, kể cả tư duy và việc hình thành kỹ xảo. Quá trình này được rèn luyện công phu và có phương pháp trong quá trình thao tác với máy móc. Trong một số lĩnh vực hoạt động chuyên môn, người công nhân có trình độ cao thì thao tác chính xác và nhanh. Xét về một phương diện nào đó, sự thành thạo về thao tác là điều quan trọng để nâng cao hiệu quả lao động.

A.V. Petrovxki (2015) cho rằng “Kỹ năng là cách thức cơ bản để chủ thể thực hiện hành động, thể hiện bởi tập hợp những kiến thức đã thu lượm được, những thói quen và kinh nghiệm”. Cụ thể hơn, tác giả viết: “Năng lực sử dụng các dữ kiện, các tri thức hay kinh nghiệm đã có, năng lực vận dụng chúng để phát hiện những thuộc

tính bản chất của các sự vật và giải quyết thành con những nhiệm vụ lý luận hay thực hành xác định, được gọi là kỹ năng”.

Đồng quan điểm, tác giả Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Ánh Tuyết, Trần Thị Quốc Minh cũng quan niệm kỹ năng là một mặt của năng lực con người thực hiện một công việc có kết quả. (Mai Hiền Lê, 2010)

Các tác giả Đức Minh, Phạm Cốc, Đỗ Thị Xuân (2014) cho rằng kỹ năng là cách vận dụng tri thức và thực tiễn, kỹ xảo là kỹ năng được củng cố và tự động hóa.

Tác giả Huỳnh Văn Sơn (2017) cho rằng kỹ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép.

Hai nhà nghiên cứu K.K. Platonov và G.G.Golubev (1977) cũng cho rằng kỹ năng là năng lực của một người thực hiện công việc có kết quả với một chất lượng cần thiết trong những điều kiện mới và trong một khoảng thời gian tương ứng. Đồng thời, “Kỹ năng luôn được nhận thức. Cơ sở tâm lý của nó là sự hiểu biết về mối quan hệ qua lại giữa mục đích hành động, các điều kiện và phương thức thực hiện hành động”

Tác giả Nguyễn Công Khanh (2004): “Kỹ năng là khả năng thực hiện một hành động hay hoạt động nào đó, bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, những kinh nghiệm, kỹ xảo đã có để hành động phù hợp với những mục tiêu và những điều kiện thực tế đã cho.

Người có kỹ năng về một hoạt động nào đó cần phải:

- Có tri thức về loại hoạt động đó, gồm: Mục tiêu, các cách thức thực hiện hành động, các điều kiện phương tiện để đạt mục đích.

- Biết cách tiến hành hoạt động đó có hiệu quả và đạt đến kết quả phù hợp với mục đích.

- Biết hành động có kết quả trong những điều kiện mới, không quen thuộc. Theo tác giả Phạm Thành Nghị (2012): “Kỹ năng là khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể”.

Theo các tác giả trên, tri thức, kinh nghiệm, sự linh hoạt, sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành kỹ năng. Đồng thời, kỹ năng được xác định là năng lực vận dụng tri thức.

J.N. Richard (2003) coi kỹ năng là hành động được thể hiện ra bên ngoài, chịu sự chi phối của cách cảm nhận và suy nghĩ của cá nhân. Như vậy, với các tác giả này, trong kỹ năng, ngoài việc cần có tri thức, hiểu biết, khả năng hành động, kết quả hành động, còn cần có thái độ, quan điểm, giá trị của các cá nhân.

Tóm lại các quan điểm trên về kỹ năng, ta thấy:

- Kỹ năng được biểu hiện trong hành động và hoạt động của cá nhân qua hệ thống các thao tác cụ thể.

- Để có được kỹ năng, con người phải biết vận dụng tri thức, kinh nghiệm vào trong hành động, hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện của hoạt động (biểu hiện mặt năng lực).

- Việc vận dụng tri thức, kinh nghiệm của cá nhân phải đảm bảo đúng với yêu cầu của hành động (tính nhận thức đúng đắn), thực hiện đầy đủ các thao tác của hoạt động (tính đầy đủ), thực hiện nhuần nhuyễn các thao tác mà không mắc lỗi (tính thành thạo) và có thể áp dụng được ở các tình huống đa dạng (tính linh hoạt).

- Để hình thành một kỹ năng cần có sự tổng hợp của nhiều kỹ năng khác có liên quan.

Nguyễn Đức Hưởng đã đưa ra các chỉ báo đánh giá mức độ thuần thục, thành thạo của kỹ năng như: (dẫn theo PHạm Thành Tài, 2011)

- Mức độ hiểu biết hành động và các thao tác cấu thành nên hành động - Tốc độ thực hiện hành động, thực hiện các thao tác cấu thành hành động - Tính nhịp nhàng trong phối hợp các thao tác hành động

- Hiệu quả của hành động.

Khi đánh giá kỹ năng cần phải sử dụng tổng hợp các chỉ báo trên. Nếu chỉ sử dụng một chỉ báo đơn lẻ thì có thể dẫn đến nhầm lẫn (chẳng hạn như coi người có tri thức, người có thao tác linh hoạt là người có kỹ năng).

Trong đề tài luận văn này, chúng tôi nhất trí với khái niệm của tác giả Nguyễn Công Khanh (2004) về kỹ năng để xác lập khái niệm về kỹ năng như sau:

Kỹ năng là khả năng thực hiện một hành động hay hoạt động nào đó, bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có để thực hiện hành động có kết quả phù hợp với những mục tiêu và điều kiện đã cho.

Như vậy, một người được xem là có kỹ năng trong một lĩnh vực nào đó phải là người:

- Nắm được các mục đích hành động, có tri thức về hành động, nắm được các cách thức và điều kiện thực hiện hành động.

- Thực hiện hành động đúng, đạt được kết qủa hành động phù hợp mục đích đề ra.

- Có thể thực hiện hành động có kết quả trong những điều kiện đã thay đổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh trung học cơ sở tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 29 - 33)