Các giai đoạn hình thành và mức độ của kỹ năng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh trung học cơ sở tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 34 - 37)

Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều cách phân chia khác nhau về mức độ của kỹ năng. Nhưng nhìn chung các tác giả đều phân chia kỹ năng từ những kỹ năng ban đầu đến kỹ năng đạt ở mức hoàn hảo. Theo quan điểm V.P.Bexpalko có năm mức độ: ( dẫn theo Phan Trịnh Hoàng Dạ Thùy, 2010)

- Mức độ 1: Kỹ năng ban đầu

Người học đã có kiến thức về nội dung một dạng kỹ năng nào đó, và trong những tình huống cụ thể khi cần thiết, sẽ có thể tái hiện được những thao tác, hành động nhất định. Tuy nhiên, ở mức độ kỹ năng ban đầu này thì người học thường chỉ thực hiện được yêu cầu của kỹ năng này dưới sự hướng dẫn của người dạy.

- Mức độ 2: Kỹ năng mức thấp

Khác với mức độ một, mức kỹ năng mức thấp, người học đã có thể tự thực hiện được những thao tác, hành động khi cần thiết theo một trình tự đã biết. Song, ở mức độ kỹ năng này, người học chỉ thực hiện được những thao tác, hành động trong những tình huống quen thuộc và chưa di chuyển được sang những tình huống mới.

- Mức độ 3: Kỹ năng trung bình

Người học tự thực hiện thành thạo các thao tác đã biết trong tình huống quen thuộc. Tuy vậy, việc di chuyển của các kỹ năng sang tình huống mới còn hạn chế.

- Mức độ 4: Kỹ năng cao

Một sự khác biệt thể hiện kỹ năng ở mức độ cao là người học đã tự lựa chọn các hệ thống các thao tác, các hành động cần thiết trong các tình huống khác nhau. Bên cạnh đó, người học đã biết di chuyển kỹ năng trong phạm vi nhất định.

- Mức độ 5: Kỹ năng hoàn hảo

Đây là mức độ cao nhất của kỹ năng. Người học nắm được đầy đủ hệ thống các thao tác, hành động khác nhau, biết chọn lựa những thao tác, hành động cần thiết và ứng dụng chúng một cách thành thạo trong các tình huống khác nhau mà không gặp khó khăn gì.

Theo quan điểm của K.K.Platonov (1963), G.G.Golubev (1967) có năm mức độ hình thành kỹ năng như sau:

- Mức độ 1: Có kỹ năng sơ đẳng, hành động được thực hiện theo cách thử và sai, dựa trên vốn hiểu biết và kinh nghiệm.

- Mức độ 2: Biết cách thực hiện hành động nhưng không đầy đủ.

- Mức độ 3: Có những kỹ năng chung nhưng còn mang tính chất rời rạc, riêng lẻ.

- Mức độ 4: Có những kỹ năng chuyên biệt để hành động.

- Mức độ 5: Vận dụng sáng tạo những kỹ năng trong các tình huống khác nhau.

Theo tác giả Phạm Minh Hạc, sự hình thành kỹ năng gồm ba bước:

- Bước 1: Nhận thức đầy đủ về mục đích, cách thức và điều kiện hành động. - Bước 2: Quan sát mẫu và làm thử theo mẫu.

- Bước 3: Luyện tập để tiến hành các hành động theo đúng yêu cầu, điều kiện hành động nhằm đạt được mục đích đặt ra.

Theo Nguyễn Phụ Thông Thái, kỹ năng được hình thành qua 2 giai đoạn:

- Bước 1: Có tri thức về hành động (mục đích, cách thực hiện, các điều kiện hành động) và các kinh nghiệm cần thiết

- Bước 2: Vận dụng các tri thức, kinh nghiệm đã có vào hành động và thực hiện hành động có kết quả.

Theo Vũ Dũng (2000) thì sự hình thành kỹ năng trải qua ba bước:

- Bước 1: Người học lần đầu làm quen với vận động và lần đầu lĩnh hội nó. Sự học vận động bắt đầu từ việc phát hiện các thành phần của vận động - tập hợp các thành tố vận động, trình tự thực hiện và mối liên kết của chúng. Việc làm quen này diễn ra trên cơ sở người học được xem và trình diễn lại, thuật lại, giảng giải và quan sát một cách trực quan quá trình thực hiện vận động.

Tiếp theo là giai đoạn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Người học phải lặp lại vận động nhiều lần để nắm bắt bức tranh bên trong của vận động. Đồng thời học bản mã hóa những tín hiệu từ các mệnh lệnh. Việc tích lũy “những từ điển chuyển mã” là một trong những sự kiện quan trọng nhất của giai đoạn này. Cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần để người học có thể tìm ra “bảng mã” trong bất kỳ phương án nào của vận động, kể cả khi có sự lệch chuẩn.

- Bước 2: Giai đoạn tự động hóa vận động. Ở đây các thành phần chủ đạo của vận động được giải phóng từng phần hoặc hoàn toàn khởi sự liên quan đến nó, thoát khỏi sự kiểm soát của ý thức và sự “thoát khỏi” này cần sự hỗ trợ.

- Bước 3: Diễn ra sự “mài bóng” kỹ năng như quá trình ổn định hóa và tiêu chuẩn hóa. Trong quá trình ổn định hóa, kỹ năng đạt được tính bền vững và không bị phá hủy trong bất kỳ tình huống nào. Trong quá trình tiêu chuẩn hóa, kỹ năng dần được định khuôn lặp đi lặp lại vận động nhiều lần.

Theo K.K.Platonov (1963), G.G. Golubev (1967) thì kỹ năng được hình thành và phát triển qua 5 bước: (dẫn theo Nguyễn Văn Danh, 2016)

- Bước 1: Kỹ năng còn rất sơ đẳng khi chủ thể mới ý thức được mục đích và tìm cách thức hành động dưới dạng “thử” và “sai”

- Bước 2: Kỹ năng đã có, nhưng chưa đầy đủ

- Bước 3: Kỹ năng chung, song còn mang tính riêng lẻ

- Bước 4: Kỹ năng ở trình độ cao, khi này cá nhân sử dụng thành thạo các thao tác kỹ thuật, cách thức thực hiện để đạt được mục đích

- Bước 5: Kỹ năng tay nghề cao, khi cá nhân vừa thành thạo vừa sáng tạo trong sử dụng các kỹ năng ở những điều kiện khác nhau.

Các giai đoạn hinh thành và mức độ biểu hiện trên đây của kỹ năng sẽ là cơ sở để xây dựng các mức độ biểu hiện kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh Trung học Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đề tài này, dựa theo quan điểm V.P.Bexpalko, tôi xin đề ra 3 mức độ cho Kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh Trung học Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

-Mức độ thấp: Học sinh chưa biết sử dụng kỹ năng một cách phù hợp.

-Mức độ trung bình: Học sinh sử dụng kỹ năng tốt hơn vào những trường hợp quen thuộc, chưa thành thạo, còn máy móc, rập khuôn.

-Mức độ cao: Học sinh biết sử dụng sáng tạo, linh hoạt kỹ năng trong mọi trường hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh trung học cơ sở tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 34 - 37)