Định nghĩa xung đột

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh trung học cơ sở tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 37 - 39)

Theo từ điển Tâm lý học của tác giả Vũ Dũng chủ biên (2000): “Xung đột là sự mâu thuẫn về các mục tiêu, lợi ích, quan điểm, ý kiến, cách nhìn có khuynh hướng đối lập của những người đối lập hoặc các chủ thể có tác động qua lại với nhau”.

Xung đột có nguồn gốc từ tiếng latinh là “Conflitus” - tức là sự va chạm, bất hòa, sự tranh cãi, đụng độ, chống đối giữa những khuynh hướng đối lập nhau trong ý thức của mỗi cá nhân, trong sự tác động qua lại giữa các cá nhân hay nhóm người gắn liền với các trạng thái cảm xúc tiêu cực.

Theo Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (2006) cho rằng xung đột được hiểu theo hai nghĩa:

Thứ nhất: Xung đột là sự đánh nhau giữa các lực lượng đối địch

Thứ hai: Xung đột là sự va chạm, chống chọi nhau do có mâu thuẫn gay gắt Theo Từ điển tâm lý, tác giả Nguyễn Khắc Viện (1989) xác định xung đột là sự tranh chấp giữa những xu hướng lợi ích trong đó chủ thể thấy mình bị giằng xé giữa những sức mạnh ngược chiều và ngang sức nhau. Xung đột theo nghĩa này là xung đột nội tâm của chủ thể.

Erik.J. Van Slyke (2004) trong tác phẩm Nghệ thuật lắng nghe để xử lý xung đột cho rằng xung đột là sự cạnh tranh giữa các phe liên quan, phụ thuộc lẫn nhau, có nhận thức xung đột với nhau về mục đích, ước mơ hay ý kiến. Nó là tình trạng mà người ta không thể tán thành hay hòa thuận với ai khác. Tác giả cho rằng nhận thức là nguyên nhân dẫn đến xung đột, ngoài ra xung đột xuât hiện ở mối quan hệ mà giữa những cá nhân có sự phụ thuộc lẫn nhau.

Tác giả Văn Kim Cúc (2003) cho rằng xung đột là sự bất đồng quan điểm, bất đồng nhận thức, từ đó dẫn đến những ứng cử không phù hợp với nhau, không hòa đồng với nhau. Tác giả đã tiếp cận xung đột dưới góc độ nhận thức và ứng xử khi nhận thức bất đồng sẽ dẫn đến việc xuất hiện những ứng xử không phù hợp. Như vậy, trong xung đột có mối quan hệ giữa nhận thức với cảm xúc và hành vi.

Từ những định nghĩa của các tác giả trên về xung đột, chúng tôi xây dựng khái niệm mới như sau:

Xung đột là sự va chạm, mâu thuẫn có khuynh hướng đối lập nhau trong sự phát triển nhân cách của cá nhân hoặc giữa các chủ thể trong mối quan hệ tác động lẫn nhau.

Với định nghĩa trên, ta có thể hiểu xung đột như sau:

Thứ nhất, xung đột bao gồm sự khác nhau, bất đồng, mâu thuẫn, đến va chạm giữa các yếu tố trong mỗi chủ thể hoặc giữa các chủ thể. Xung đột bao giờ cũng được xảy ra trong tương tác giữa các yếu tố tâm lý của cá nhân hoặc tương tác giữa hai hay nhiều chủ thể. Không có xung đột ngoài tương tác.

Thứ hai, xung đột không phải là một trạng thái tĩnh, mà là một quá trình động, theo một vòng khâu của tương tác và hoạt động của chủ thể: bắt đầu từ sự thống nhất -> sự khác nhau -> sựu khác biệt -> sự đối lập -> sựu mâu thuẫn -> xung khắc.

Thứ ba, xung đột không phải bao giờ cũng mang tính tiêu cực, triệt tiêu, phá hủy, mà nó có cả ý nghĩa tích cực. Xung đột là phương thức giải quyết mâu thuẫn, đưa sự vật phát triển lên trình độ mới.

Thứ tư, nguyên nhân dẫn đến sự xung đột là do sự khác biệt, đối lập về những mục đích, lợi ích, những xu hướng tâm lý; sự khác biệt, mâu thuẫn về nhận thức, cảm xúc,... của cá nhân hay nhóm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ năng giải quyết xung đột tâm lý trong giao tiếp với bạn bè của học sinh trung học cơ sở tại thành phố hồ chí minh​ (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)