Xung đột tâm lý là xung đột có phổ rộng hơn, không chỉ là mức độ cao của mâu thuẫn, mà ngay cả khi có sự khác nhau, sự đối lập của các hiện tượng tâm lý trong một chủ thể hoặc giữa các chủ thể cũng được coi là mức độ nhất định của xung đột. Xung đột có biên độ khác nhau đến mâu thuẫn, xung khắc nhau về các yếu tố tâm lý cá nhân hoặc giũa các cá nhân, các nhóm xã hội.
Nếu xung đột chỉ xảy ra khi mâu thuẫn trở nên đối kháng không điều hòa được thì xung đột tâm lý không nhất thiết chỉ từ mâu thuẫn đối kháng mà từ nhiều mức độ khác nhua. Bởi lẽ, trong một cá nhân có một nhân cách, nhận thức, thái độ sống, quan điểm,… và nhiều khi đối lập với người khác. Vì thế, trong hoạt động cùng nhau, sự va chạm, bất đồng giữa người này với người khác là điều khó tránh khỏi.
Xung đột dù diễn ra dưới dạng xung đột nội tâm hay xung đột liên cá nhân (diễn ra giữa mỗi cá nhân, nhóm hay dân tộc) đều có biểu hiện tâm lý của cá nhân, nhóm hay dân tộc đó. Khái niệm xung đột tâm lý nhấn mạnh hơn những biểu hiện về tâm lý như xu hướng đối lập, các trạng thái cảm xúc, hành vi ứng xử,..
A.V. Petrovxki (1963), định nghĩa xung đột tâm lý là sự va chạm của những quan điểm, hoài bão, lợi ích đối lập nhau.
Tác giả Mai Hữu Khuê (1993) nghiên cứu xung đột tâm lý trong quá trình tổ chức, quản lý cho rằng xung đột tâm lý là mâu thuẫn giữa các chủ thể về vị thế xã hội, quyền lợi, uy tín cá nhân.
Theo Vũ Dũng (2000), xung đột tâm lý là sự va chạm, mâu thuẫn ở mức độ cao của các xu hướng đối lập nhau trong tâm lý của các cá nhân, trong hoạt động chung của tổ chức.
Tác giả Nguyễn Đình Mạnh (2007) cho rằng xung đột tâm lý là sự va chạm, đụng độ, đấu tranh giữa các mục đích, lợi ích, những xu hướng tâm lý khác biệt, tồn tại trong một cơ cấu thống nhất của bản thân mỗi người, hoặc giữa các cá nhân trong mối quan hệ liên nhân cách hay liên nhóm, cùng với những trạng thái cảm xúc tiêu cực như: hoang mang, lo lắng, khó chịu, bực bội, phẫn nộ, căm giận.
Tác giả Đỗ Hạnh Nga (2014) định nghĩa xung đột tâm lý là sự va chạm, mâu thuẫn ở mức độ cao của các xu hướng đối lập nhau trong tâm lý - ý thức của mỗi cá nhân, trong quan hệ qua lại giữa các cá nhân hay các nhóm người, nó biểu hiện trong các trải nghiệm cảm xúc kèm theo những chấn động về tình cảm (thường là cảm xúc âm tính: nóng giận, bực bội, khó chịu,..).
Theo tác giả Lê Minh Nguyệt (2016), xung đột tâm lý là “sự khác nhau, bất đồng, mâu thuẫn, giũa các yếu tố tâm lý trong mỗi chủ thể hoặc giữa các chủ thể có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, được bộc lộ bằng những quan niệm, trạng thái cảm xúc và hành vi khác nhau ở mỗi chủ thể”.
Tác giả Huỳnh Văn Sơn (2017) định nghĩa xung đột là quá trình trong đó một bên nhận ra rằng quyền lợi của mình hoặc đối lập hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một bên khác. Nói khác đi, xung đột liên quan đến hành vi không hài lòng phát sinh từ một tiến trình, qua đó một phía nhằm tìm ra sự trội hơn về quyền lợi trong mối quan hệ, trong giao tiếp.
Theo tác giả Nguyễn Hữu Thụ, xung đột trong tập thể sản xuất, kinh doanh là sự mâu thuẫn, sự cọ sát va chạm về lợi ích, bất đồng quan điểm của cá nhân (hay nhóm người) trong hoạt động sản xuất kinh doanh về một vấn đề, sự việc nào đó có liên quan tới sự tồn tại và phát triển của họ.
Từ những khái niệm về xung đột tâm lý của các tác giả trên, chúng tôi dựa theo quan điểm của tác giả Đỗ Hạnh Nga (2014) và xây dựng khái niệm vê xung đột tâm lý như sau:
Xung đột tâm lý là sự va chạm, mâu thuẫn có khuynh hướng đối lập nhau trong sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân hoặc trong mối quan hệ qua lại giữa cá nhân với xã hội, giữa cá nhân với nhóm (liên nhân cách), biểu hiện qua các trải nghiệm nhận thức, cảm xúc, hành vi kèm theo những chấn động về tình cảm.
Với định nghĩa ở trên, chúng ta có thể hiểu xung đột tâm lý như sau:
Thứ nhất, xung đột tâm lý là sự va chạm, mâu thuẫn có khuynh hướng đối lập nhau về những mục đích, lợi ích, những xu hướng tâm lý của cá nhân hay trong mối quan hệ của nhóm.
Thứ hai, xung đột tâm lý thường xảy ra bởi sự va chạm, mâu thuẫn giữa các yếu tố tâm lý trong mỗi cá nhân (các nhu cầu, giá trị, động cơ khác nhau, trái ngược nhau) hoặc giữa cá nhân trong mối quan hệ với xã hội, cá nhân với nhóm. Xung đột tâm lý bao giờ cũng diễn ra trong tương tác giữa các yếu tố tâm lý cá nhân hoặc tương tác giữa hai hay nhiều chủ thế. Không có xung đột ngoài tương tác. (Phạm Thị Cường, 2017)
Thứ ba, biểu hiện của xung đột tâm lý qua các trải nghiệm về nhận thức, trạng thái cảm xúc và hành vi của mỗi cá nhân. Trong đó thường thấy là những biểu hiện cảm xúc âm tính và những hành vi tiêu cực. Xung đột tâm lý bao giờ cũng dẫn đến sự biến đổi tâm lý của các cá nhân, có thể là theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực.