Điều kiện ra đời của chủ nghĩa hiện sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 25 - 30)

Chủ nghĩa hiện sinh là một trường phái triết học lớn trong trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý ở phương Tây thế kỷ XX. Ngay từ khi ra đời, những tư tưởng của nó không chỉ phát triển mạnh mẽ ở châu Âu mà còn nhanh chóng lan tỏa và gây ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới. Cũng như các trào lưu khác, chủ nghĩa hiện sinh được hình thành dựa trên các điều kiện cơ bản như: lịch sử xã hội, nhận thức và tư tưởng.

Xét về mặt lịch sử xã hội, chủ nghĩa hiện sinh ra đời là hệ quả tất yếu của các cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc mà cụ thể là Thế chiến thứ I và Thế chiến thứ II. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra ở Đức. Kết thúc bốn năm máu chảy thịt, trước bối cảnh một nước Đức thất trận và bị tàn phá nặng nề, tinh thần người dân dường như rơi vào ngõ cụt bởi họ không còn tìm thấy niềm tin, sự lạc quan, hi vọng mà thay vào đó đó là những hoài nghi, ưu tư, lo lắng. Cho nên con người tìm đến chủ nghĩa hiện sinh như tìm đến một chiếc phao cứu sinh để xoa dịu nỗi đau tinh thần và thích ứng dần với những bi kịch mà họ đang gánh chịu. Như vậy, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chủ nghĩa hiện sinh chính thức hình thành ở Đức. Tuy nhiên vết thương chiến tranh một lần nữa chảy máu và hành hạ con người châu Âu bởi họ lại phải đối mặtvới những ngày tháng khủng khiếp khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai tiếp tục nổ ra ở Pháp. Sau cuộc chiến, một châu Âu điêu tàn, đổ nát hiện ra trước mắt họ. Cùng với đó là những đổ vỡ không gì cứu vãn nổi của hàng loạt giá trị. Tất cả chúng khiến con người kinh hoàng, đau đớn và hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng. Đến lúc này, làn sóng của chủ nghĩa hiện sinh một lần nữa trỗi lên mạnh mẽ ở Pháp.

Có thể nói, hai cuộc đại chiến thế giới đi qua đã để lại hậu quả nặng nề, lâu dài về vật chất và tinh thần cho nhân loại. Con người thấy mình bị biến thành những mắc xích vô danh trong guồng máy chiến tranh đó. “Người dân phương Tây, nhất là tầng lớp thanh niên cảm thấy mình“ như những con số vô danh”, “những tấm thẻ vô hồn” trong bộ máy chiến tranh khổng lồ” (Nguyễn Thái Hoàng, 2016) nên lâm vào tình trạng mất phương hướng, mất niềm tin, chán nản, “buồn nôn”. Sau chiến tranh, hoàn cảnh tang thương đã tạo nên những chấn động mạnh trong tinh thần khiến con người rơi vào tâm trạng thất vọng, bi quan và trở nên yếu đuối, lạc lõng, chao đảo trước thời cuộc. Những điều kiện đó là cơ hội thuật lợi để chủ nghĩa hiện sinh ra đời và phát triển sâu rộng nhằm cứu vớt tinh thần của con người và xoa dịu những mất mát mà họ phải gánh chịu ở thời hậu chiến.

Tuy nhiên, chiến tranh dẫu tàn khốc, bi ai cũng chỉ là tác nhân bên ngoài chứ không phải là nhân tố quyết định sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Sự ra đời của triết thuyết này bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa hơn. Đó chính là những chấn động mạnh mẽ về tinh thần mà chủ nghĩa duy lý tạo ra trong lòng xã hội phương Tây hiện đại. Vì vậy, xét về mặt nhận thức, chủ nghĩa hiện sinh ra đời chính là sự phủ nhận và đi ngược lại với chủ nghĩa duy lý.

Thế kỷ XX, sự thành công của cuộc cách mạng công nghiệp và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã làm biến đổi tận gốc nền sản xuất của xã hội cũng như thói quen sinh hoạt của con người và đưa xã hội phương Tây đạt đến giai đoạn phát triển cao nhất chưa từng có. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật chính là thành quả của chủ nghĩa duy lý nên nó được xem “là chiếc đũa thần, là biện pháp duy nhất và vạn năng để giả quyết mọi vấn đề xã hội trên con đường xây dựng một cách duy lý trật tự xã hội” (Nguyễn Tiến Dũng, 2005). Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu vĩ đại, các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã để lại một nỗi bất an lớn trong tinh thần con người hiện đại, cuộc sống của họ bị đe dọa bởi vũ khí hủy diệt, nạn ô nhiễm môi trường, bệnh tật, tai nạn giao thông... Có thể thấy, với chủ nghĩa duy lý, xã hội phương Tây đạt đến giai đoạn phát triển cao chưa từng có, nhưng cũng chính trên đỉnh điểm phồn vinhđó, nó đã bộc lộ những mặt trái và sa vào khủng hoảng, suy đồi nghiêm trọng khi một trong những hiện thân sinh động nhất của chủ nghĩa duy lý là xã hội tư bản hiện đại đã bộc lộ nguyên hình là một xã hội bất công và bóc lột. Vì

chủ nghĩa duy lý vốn chỉ xem con người là một bộ phận, một mắt xích, một “lực lượng vật chất đơn thuần” tương tự như máy móc - một trong những yếu tố của khoa học kỹ thuật - trong quá trình hiện đại hóa. Nó không chú ý đến đời sống nội tâm bên trong và chiều sâu tâm lý của con người nên con người không còn là “con người” như vốn có. Chủ nghĩa duy lý khiến con người bị phi nhân vị hóa, con người đánh mất mình, bị tha hóa khỏi bản tính người đích thực của mình. Chính trong hoàn cảnh này, con người tìm đến với một thứ chủ nghĩa khác – chủ nghĩa phi duy lý –như một cách phản ứng lại tính tuyệt đối của khoa học kỹ thuật những mong tìm thấy sự cứu rỗi về mặt tâm linh mà họ bị bỏ quên trong xã hội kỹ trị. Hay nói cách khác, chủ nghĩa hiện sinh ra đời “là sự phản ứng, đối lập lại chủ nghĩa duy lý thống trị trong xã hội phương Tây hiện đại” (Nguyễn Tiến Dũng, 2005). Hòa cùng các trào lưu triết học phi duy lý khác như triết học đời sống, phân tâm học, chủ nghĩa nhân vị,...đều tập hợp dưới lá cờ “nhân học”, chủ nghĩa hiện sinh ra đời đã góp phần tạo thành dàn hợp xướng phản ứng lại những tư tưởng lệch lạc của chủ nghĩa duy lý vốn không đem lại hạnh phúc cho con người. Với chủ nghĩa hiện sinh, con người phải được trở về đúng bản chất của mình, có thế giới tinh thần phong phú và đời sống nội tâm sâu sắc. Chính vì mục đích cao cả đó mà J-P Sartre đã khẳng định rằng: “Existentialism is Humanism” tức là “ thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản” (lời dịch của Đinh Hồng Phúc). Với tư cách đó, chủ nghĩa hiện sinh nhanh chống lan rộng ra khắp thế giới và có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người hiện đại.

Xét về mặt tư tưởng, chủ nghĩa hiện sinh ra đời trên cơ sở phủ định, kế thừa và phát triển tư tưởng của các nhà triết học cổ đại, trực tiếp nhất là triết học phi duy lý thế kỷ XIX về bản thể luận (chỉ chú ý vào nghiên cứu thế giới tự nhiên) và nhận thức luận (đề cao vai trò của lý tính trong nhận thức). Các nhà nghiên cứu khi tiến hành truy nguyên nguồn gốc của chủ nghĩa hiện sinh đã tìm về những dấu vết xa xưa nhất tận thời kỳ Hi Lạp cổ đại ở Socrate, ở các nhà tư tưởng như Augustin, Pascal, Schopenhauer... Họ nhận ra trong quan niệm của các triết gia này đã manh nha ý thức hướng về con người.

Có thể nói Socrate, Augustin, Pascal, Schopenhauer...là những triết gia tiên phong trong nhận thức về vấn đề con người. Với họ, con người được soi chiếu ở chiều sâu bản thể, không chỉ có lí trí mà còn có nhiều chiều kích không dễ gì nắm

bắt. Những tư tưởng của các bậc tiền bối này đã được nhà triết học kiêm thần học Đan Mạch Kierkegaard, nhà triết học Đức Nietzsche, nhà hiện tượng học Husserl kế thừa, phủ định và phát huy. Ba hậu bối lừng danh không kém người đi trước này được xem là những người có ảnh hưởng trực tiếp tới sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh sau này.

Kierkegaard (1813 – 1855) và Nietzsche (1844 – 1900) được xem là những nhà triết học có công sáng lập ra chủ nghĩa hiện sinh mặc dù họ chưa từng sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh” trong các tác phẩm của mình. Hai triết gia của thế kỷ XIX đã gặp nhau ở một số điểm chung trong quan niệm về con người như chú trọng vào những trải nghiệm chủ quan của họ hơn là những chân lý khách quan của khoa học, quan tâm tới những đấu tranh thầm lặng của mỗi cá nhân trước cuộc sống vô nghĩa hay việc họ sử dụng sự giải trí để chống buồn chán...Tuy nhiên hai ông lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về sự tồn tại của Thượng đế. Sự đối lập về tư tưởng này dẫn tới việc sau này hai ông đã mở đường cho hai nhánh triết học hiện sinh khác nhau: hữu thần (Kierkegaard) và vô thần (Nietzsche).

Nội dung triết học của Kierkegaard là sự phản ứng lại của con người trước sự bành trướng của chủ nghĩa duy lý. Tư duy hiện sinh của ông phản ứng lại tư duy khoa học của Hegel vốn cho rằng sự tồn tại của thế giới là khách quan. Với Kierkegaard, thế giới là thế giới mà cá nhân thể nghiệm và nhận thức được cho nên chân lý là chân lý chủ quan và nó mang tính cá nhân tuyệt đối. Và ông đã đưa ra ba giai đoạn của con đường hiện sinh là: hiếu mỹ, đạo hạnh, tôn giáo (Trần Thái Đỉnh, 2015). Trong đó, giai đoạn tôn giáo là giai đoạn bị chi phối bởi tín ngưỡng và con đường để con người đạt đến hiện sinh đích thực nhằm giúp họ tồn tại như một nhân vị độc đáo là con đường đến với Thượng đế. Chính điều này khiến Kierkegaard trở thành “hiệp sĩ của niềm tin”, ông tổ của hiện sinh hữu thần. Tư duy hiện sinh của ông tập trung vào những diễn biến phức tạp diễn ra bên trong nội tâm con người như lo âu, nghi nghờ, sợ hãi vì ông cho rằng sự tồn tại của con người là bất ổn và khó tránh khỏi cái chết. Ông cho rằng cuộc sống của con người không thuộc quyền kiểm soát và phán xét của lý trí mà chính tình cảm, ý chí mới là hiện sinh của con người. Do đó tacó thể kết luận rằng: “triết của Kierkegaard là triết về đời sống, và là triết để mà sống cho ra người”, “đem con người về với cuộc đời và bản thân mình” và tư tưởng

triết học của ông “là một suy tưởng sâu xa về cuộc đời. Vì thế nó mang tên triết học hiện sinh, triết học về cuộc đời con người” (Trần Thái Đỉnh, 2015).

Nietzsche - bộc óc vĩ đại của nước Đức - là người sẵn sàng tạo lập giá trị con người và cho ra đời chủ nghĩa hiện sinh nhân vị. Ông quan niệm đời sống là giá trị cao nhất và “hiện sinh là giá trị uyên nguyên và giá trị duy nhất làm nên nền tảng cho các giá trị khác” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Trên cơ sở phê phán nền luân lí cổ truyền, Nietzsche chỉ trích nền tôn giáo đã miệt thị những giá trị hiện sinh, gieo vào tâm hồn những con đạo những kinh hãi và bạc nhược khiến cho cuộc hiện sinh của họ trở nên mờ nhạt, yếu hèn. Theo ông: “Thượng đế đã chết rồi; phải giết chết Thượng đế thì con người hùng tức con người siêu nhân mới có cơ hội xuất hiện” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Từ những tuyên ngôn sấm sét này Trần Thái Đỉnh nhận xét: “Nietzsche đã xuất hiện như một trận bão táp kinh thiên động địa: những lời lẽ tuy ngạo mạn nhưng thống thiết của ông đã lay tỉnh nhân loại như ít khi thấy trong lịch sử” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Ông lay tỉnh và kêu gọi con người là hãy sống vì mình, theo những giá trị của mình, tự do trong khuôn khổ của bản thân mình. Bởi theo ông, cơ sở của hữu tại thế chính là thể xác: “Tôi là xác và hồn” và “Tôi chỉ là thân xác mà thôi” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Cho nên con người chỉ chịu dưới quyền của mình, không làm nô lệ cho bất cứ tôn giáo nào. Đặc biệt, qua hình ảnh con người siêu nhân - con người luôn vươn lên để vượt qua Thượng đế, vượt qua chính mình - Nietzsche muốn nhấn mạnh vai trò cá nhân, ý chí tự quyết. Con người phải dấn thân và luôn sáng tạo cho cuộc đời mình của mà không bị quy ước bới bất kỳ một quan niệm nào.Chính những tư tưởng mới mẻ trên, Nietzsche được xem như ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh vô thần.

Khi bàn về tiền đề tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh ta không thể không nhắc đến Hiện tượng học – một học thuyết do Husserl (1859 – 1938) sáng lập. Với học thuyết của mình, Husserl đã phủ nhận quan niệm của triết học cổ điển về việc coi thế giới là tuyệt đối bởi theo ông không có thế giới khách thể tuyệt đối, thế giới tự thân, bất biến mà chỉ có thế giới thông qua hoạt động ý thức của con người. Cho nên, con người không tồn tại như ý niệm mà tồn tại như những “chủ thể sinh hoạt tại thế” (sau này Heidegger – người học trò kiệt xuất của Husserl gọi là “hữu thể tại thế”). Như vậy, Hiện tượng học quan tâm đến vấn đề tồn tại và ý thức, coi trọng ý nghĩa và giá trị nhân sinh, mục đích lịch sử của con người. Chính những tư tưởng cơ bản của Hiện

tượng học về tính chủ thể và vị thế trung tâm, tích cực của con người mà Huserl được coi là người đặt nền móng lý luận cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Tuy nhiên, Husserl chỉ nhấn mạnh những hiện tượng của ý thức và cái tôi đơn thuần mà chưa quan tâm đến cái tôi cụ thể, cái tôi kinh nghiệm cũng như việc ông đề xuất một triết học xuất phát từ chủ thể người nhưng lại không tiến hành phân tích chủ thể ấy để thấy được bản chất nào của con người sẽ chi phối mối tương quan giữa nó với thế giới. Vì vậy quan niệm của ông cũng có những điểm sai lầm và nhuốm màu sắc chủ quan. Cho nên, giai đoạn hiện tượng luận của Husserl cũng nhanh chóng chấm dứt, mở đầu cho hiện tượng luận giai đoạn mới ra đời. Đó là giai đoạn của chủ nghĩa hiện sinh từ cuối những năm hai mươi đến cuối những năm năm mươi bắt đầu rồi nở rộ ở Pháp và như một cơn gió mạnh thổi từ Tây sang Đông, nó lan rộng ra khắp thế giới tạo nên những chấn động lớn về văn hóa, tư tưởng trong đời sống nhân loại.

Tựu trung lại, chủ nghĩa hiện sinh hình thành dựa trên nền tảng từ những thay đổi nhanh chóng của điều kiện lịch sử xã hội, nhận thức và tư tưởng. Sự ra đời của nó đã thể hiện thái độ chóng lại sự bành trướng của chủ nghĩa duy lý để giành lại nhân vị, tự do cho con người, cổ vũ cho những gì thuộc về con người, về thế giới tinh thần thấm đẫm chất nhân văn. Trải qua một lộ trình dài với nhiều thăng trầm, đến thế kỷ XX, chủ nghĩa hiện sinh đã thực sự trở thành một trào lưu có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của con người hiện đại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)