Theo Từ điển tiếng Việt, cô đơn là “chỉ có một mình, không có người thân, không nơi nương tựa”. Ví dụ như: cảnh cô đơn, con người cô đơn” (Hoàng Phê, 2002). Theo Từ điển tâm lý, cô đơn là “một trong những căn nguyên của tâm lý gây ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của con người khi rơi vào tình huống không quen thuộc (bị thay đổi) hoặc hoàn cảnh bị cách ly với người khác” (Nguyễn Khắc Viện, 2001). Do đó, theo nghĩa thông thường, ta có thể hiểu cô đơn chính là trạng thái tâm lý mà con người cảm thấy hoang mang, lạc lõng khi bị tách rời khỏi các mối quan hệ,
ý thức về sự lẻ loi, đơn chiếc của mình. Song, cô đơn không chỉ là một trạng thái tâm lý phổ biến mà là một đặc tính thuộc về bản chất con người. Hay nói cách khác cô đơn là định mệnh của hiện sinh. Con người hiện sinh luôn ý thức được sự tồn tại độc đáo của mình và thấy bất hòa với thực tại nên họ cô đơn, lạc lõng và trở nên xa lạ với thế giới ngoài mình. Và nỗi cô đơn đó có tên gọi là cô đơn hiện sinh.
Như chúng ta đã biết, cội nguồn của tinh thần hiện sinh biểu hiện ở việc suy tư, trăn trở về sự hiện hữu của con người – những thực thể bơ vơ, thiếu vắng điểm tựa trong thời đại “mất chúa” như lời tuyên bố của Nietzsche: “Thượng đế đã chết!” (Huỳnh Như Phương, 2008). Trong thế giới không thánh thần đó, con người mang định mệnh kết án lưu đày nên khi được ném vào thế giới hiện sinh như một thách thức, họ cảm nhận một cách sâu sắc nỗi đau bị bỏ rơi và cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Ta có thể gọi đây là nỗi cô đơn gắn liền với nỗi đau bản thể của mỗi con người.
Vấn đề trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh là “nhân vị”. Khi khẳng định Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, Sartre cho rằng: “Con người không chỉ như nó được quan niệm, mà còn tồn tại như nó muốn thể hiện; và vì nó được quan niệm sau khi có sự hiện hữu, và vì nó muốn tỏ ra sau khi có cái đà ấy hướng tới sự hiện hữu, nên con người không là gì khác ngoài những gì mà nó tự tạo nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết hiện sinh. Đó cũng là điều mà người ta gọi là tính chủ thể” (Đinh Hồng Phúc, 2016). Cho nên, trên hành trình thể hiện tính chủ thể để thấy mình khác với một thứ rêu, một thứ nấm mốc hay một búp súp lơ, con người là thực thể cô đơn, bé nhỏ, bơ vơ và thiếu vắng điểm tựa. Nhưng đó là nỗi cô đơn mang tính kiêu hãnh và con người chấp nhận nó trên hành trình khẳng định nhân vị độc đáo. Đứng ở góc nhìn này thì nỗi cô đơn của con người lại gắn với mặc cảm lạc loài.
Các sáng tác của Nguyễn Danh Lam nằm trong mạch cảm hứng khám phá số phận con người. Phần lớn các tác phẩm của anh mang màu sắc cô đơn của chủ nghĩa hiện sinh. Mặc dù ta không thể đem ra soi xét sự ảnh ưởng của chủ nghĩa hiện sinh phương Tây trong các sáng tác của anh như thế nào, mức độ ra sao, của hiện sinh hữu thần hay vô thần. Nhưng khi đọc các tác phẩm của anh, ta vẫn nhận ra những dấu ấn cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh. Tiến hành khảo sát các tác phẩm của anh, chúng tôi nhận thấy có hai kiểu dạng nhân vật cô đơn: con người với nỗi cô đơn bản
thể và con người với nỗi cô đơn lạc loài.
2.2.1.1. Cô đơn bản thể
Cô đơn bản thể là nỗi cô đơn xuất phát từ chiều sâu bản ngã với nỗi day dứt khắc khoải về giá trị, về bản chất tồn tại và giới hạn của con người. Các nhân vật mang trong mình nỗi cô đơn bản thể không phải do sống biệt lập với xung quanh hay bị tách rời khỏi cộng đồng. Họ mặc dù vẫn tồn tại trong tương quan với hoàn cảnh xung quanh, trong vòng tay yêu thương của người khác nhưng tự sâu trong thâm tâm mình họ vĩnh viễn không thể rũ bỏ được nỗi cô đơn của chính mình. Bởi đám đông – tha nhân – luôn khiến cái tôi cảm thấy ngột ngạt, bức bối như Sartre đã từng nhận xét: “L’enfer, c’est les autres” (Địa ngục, chính là tha nhân). Với họ cô đơn là tuyệt đối, nó gần như là nỗi đau bản thể được tạo sinh trong thế song hành với sự hiện tồn của con người. Những mối quan hệ riêng tư, những cuộc xoay vần của thời đại hầu như chẳng có ý nghĩa gì đối với những người mang trong mình nỗi cô đơn bản thể. Cô đơn đã trở thành thuộc tính người, như một thứ định mệnh đã an bài. Điều đó có nghĩa là khi ta trót sinh ra làm người thì bản thân tất yếu phải nếm trải và gánh chịu nỗi cô đơn.
Các nhân vật cô đơn trong tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam mang dấu ấn hiện sinh bởi họ là những thân phận lạc loài giữa cuộc sống hiện thực, cảm thấy bơ vơ, lạc lõng khi cuộc sống loạn nhịp khiến con người không sao bắt kịp với những đổi thay của xã hội, luôn thấy mình dường như bị gạt ra bên lề xã hội. Nhân vật “anh” và “cô” trong Giữa dòng chảy lạc là một minh chứng cho những thân phận mang trong mình nỗi cô đơn bản thể. Trong mê trận của cuộc sống lao đi vùn vụt hôm nay, anh và cô là những “lạc thể”, là những bước chân hụt lại và chìm ngập trong nỗi cô đơn của chính mình như lời nhận xét của Nguyễn Hoài Nam: “Thế giới nhân vật trong Giữa dòng chảy lạc là một thế giới vô danh, thế giới của những bước lỡ, bước chệch quỹ đạo thông thường, thế giới của những phận người bị bắn và chìm xuống dưới cái mẫu số chung tầm thường tạo thành xã hội” (Nguyễn Danh Lam, 2010).
Anh – một kỹ sư tốt nghiệp loại ưu với nhiều bằng cấp trong tay nhưng thất nghiệp, sống nhờ vào tiền trợ cấp của người chị gái bên Tây – luôn cảm thấy lạc loài vì bị rơi vào trạng thái hoàn toàn đơn độc khi phải sống những chuỗi ngày hoàn toàn
vô nghĩa. Anh tinh tế, nhân hậu, tự trọng và từng mang trong mình hoài bão cùng ước mơ về một công việc ổn định và một gia đình nhỏ với một cô con gái đáng yêu. Nhưng điều đó là không thể có trong hiện tại vì “sau khi ba mẹ xuất cảnh theo nốt bà chị, còn mình anh với căn nhà trống trải, một trệt một lầu” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Cuộc sống đó khiến anh luôn rơi vào trạng thái cô đơn, trống rỗng. Anh đang đối diện với một tương lai mù mịt và nếu có một điều gì chờ đợi anh cũng chỉ là
“một gã tâm thần đơn độc với tuổi già phía trước” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Cuộc sống của anh cứ thế trôi đi trong vô nghĩa và anh đang từng ngày gặm nhấm nỗi buồn mênh mông: “Anh không biết đó có phải là biến thể của cái cô đơn?” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Vì sao anh lại rơi vào vực thẳm cô đơn đó? Anh không cách nào lí giải được cảm giác cô đơn thường trực luôn ngự trị trong bản thân mình.
Như đã nói, con người mang nỗi cô đơn bản thể không hề bị tách khỏi tha nhân, họ vẫn tồn tại trong mối tương quan với mọi người nhưng họ lại cảm nhận sâu sắc nỗi cô đơn của chính mình. Hamvas Bela cũng đề cập đến sự cô đơn tuyệt đối này: “Có một dạng cô đơn mà đặc điểm của nó là con người sống trong sự cô đơn ấy tự chứng minh mình đứng ngoài xã hội” (Nguyễn Hồng Nhung, 2014). Một nhân vật trong tiểu thuyết Rừng Nauy đã thẳng thắn tuyên bố: “Bản ngã và tha nhân là cách biệt”. Mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ cách biệt. Và triết học hiện sinh khẳng định mỗi con người là một nhân vị độc đáo cho nên, mỗi cá nhân sẽ có những riêng biệt. Chính vì lẽ đó con người chấp nhận tách mình ra khỏi đám đông để tồn tại cô đơn ở thế đối lập với mọi người. Anh cũng là một tiểu vũ trụ cô đơn. Anh không hiểu mọi người và ngược lại không ai hiểu anh. Vì thế mà cô đơn tuyệt đối. Anh luôn thấy mình dường như bị gạt ra bên lề xã hội và “cảm giác mình là người thừa ngày càng rõ rệt trong anh” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Lẽ dĩ nhiên, “người thừa” bao giờ cũng cô đơn. Sau nhiều tháng thất nghiệp, anh đã xin đi làm lại nhưng lần xin việc thứ nhất không thể hòa nhập được với công việc, với đồng nghiệp, với xã hội văn minh hiện đại. Giữa cuộc vui hồ hởi của mọi người ở công ty mới anh không thấy hứng thú, xin về và thu mình lại trong nỗi cô đơn bởi “bao ngày rồi chết dí ở nhà, mọi thứ đã nhàm quen, ngay cả nỗi cô đơn cũng thế. Hôm nay anh lại trực diện cuộc đời, thấy mình càng lạc loài, xa lạ” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Đứng trong dòng chảy của xã hội hiện đại, những người như anh mang trong mình cái gọi là cô đơn
bản thể của con người đô thị hay cô đơn hiện đại. Theo Trần Hoài Anh, sống trong xã hội đó, con người luôn muốn “tạo ra ốc đảo cho riêng mình để bảo toàn các giá trị trinh nguyên ban đầu của nó” (Trần Hoài Anh, 2009) và anh cũng đang cuộn tròn nỗi cô đơn trong ốc đảo của riêng mình.
Con người hiện sinh mang nỗi cô đơn bản thể ngay khi ở giữa mọi người. Họ cô đơn khi đang ở cạnh nhau. Anh – một thực thể cô đơn – muốn tìm hơi ấm trong tha nhân để thoát khỏi cuộc sống bi đát, đơn điệu nên đã chân thành tìm đến hôn nhân. Anh kết hôn với cô những mong cùng cô vun đắp cho một gia đình êm ấm, hạnh phúc nhưng giữa anh và vợ luôn tồn tại một hố sâu ngăn cách vì ở cô có một bí mật mà anh không thể nào lí giải mặc dù bản thân rất thiện chí. Anh và cô là “hai cái bóng chung một căn nhà. Hai nỗi cô đơn ráng vá víu vào nhau” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Sự cô đơn của anh trong hôn nhân cũng na ná với nỗi cô đơn của nhân vật Pierre trong cuốn tiểu thuyết Bức tường của J. P. Sartre: “Có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, tôi nhòm thấy và nó chuyện hằng ngày với cô (tức Agatha), nhưng xem ra cô đang sống bên kia bức tường”. Anh và cô sống bên nhau trong một nhà, nằm cạnh nhau chung một giường, nhìn thấy nhau hằng ngày, nói chuyện với nhau nhưng hoàn toàn không hiểu nhau. Vì thế mà cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Cuộc hôn nhân chưa đầy ba tháng kết thúc bằng sự ra đi của người vợ khi cánh cửa bí mật nơi cô được hé mở. Những gì cô để lại cho anh là sự buồn đau, trống trải cùng nỗi cô đơn trĩu nặng: “nỗi cô đơn chuyển hóa thành sự tuyệt vọng dâng lên đến ngợp ngực”
(Nguyễn Danh Lam, 2010). Nguyễn Danh Lam dường như đã nhấn nhân vật của mình xuống tận cùng của cuộc sống vô nghĩa khi để cho những người thân bên cạnh anh lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng. Từ sau khi vợ bỏ đi, anh liên tục đối diện với những cái chết: cái chết của ông họa sỹ, cái chết của người bạn học thời phổ thông. Giờ đây, anh chỉ còn một mình đơn độc, không biết đi đâu, về đâu giữa dòng chảy cuộc đời. Đó phải chăng là nỗi cô đơn - bản thể, cô đơn - định mệnh luôn gắn liền với trạng thái bị ruồng bỏ của con người trong thời đại “mất Chúa” mà các triết gia hiện sinh như Nietzsche và Sartre đã đề cập.
Văn học hậu hiện đại không đi vào những vấn đề đại tự sự mà chú trọng đi vào giải trung tâm hóa. Vì vậy mà con người cá nhân, nhất là con người giới tính được các nhà văn khai thác một cách sâu sắc. Nằm trong dòng chảy của trào lưu này,
sáng tác của Nguyễn Danh Lam cũng đã đề cập đến nỗi cô đơn của những con người “lạc trong chính mình”. Cũng trong Giữa dòng chảy lạc, nhân vật “cô” – vợ anh – đã rơi vào nỗi cô đơn của những con người như thế. Đó là nỗi cô đơn bản thể “mang gương mặt giới tính”. Trẻ trung, xinh đẹp, có học thức, làm việc cho một công ty bảo hiểm trong một tòa cao ốc sang trọng, cô là niềm mơ ước và khao khát của nhiều người. Thế nhưng ẩn bên trong vẻ kiêu sa đó là một thực thể cô đơn với ánh mắt sâu, u ẩn vì cô có những vấn đề của riêng mình, đang lạc trong thế giới của chính mình như lời cô tâm sự với anh: “Em cũng muốn kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hình như em đang lạc lõng” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Sự đổ vỡ của mối tình đầu khiến cô mất phương hướng, lạc nhịp, chênh chao giữa cuộc đời nhiều ngổn ngang. Như con chim sợ cành cong, cô hoàn toàn vô cảm, tê liệt cảm xúc với đàn ông. Cô đến cô bạn thân để tìm nguồn an ủi, rồi từ đó cuộc đời của cô rẽ sang một hướng khác – cuộc đời của một cô gái đồng tính. Nó là cú sốc lớn đối với ba mẹ cô. Cho nên mặc dù sống giữa gia đình nhưng cô không tìm thấy được sự đồng cảm. Cô lấy anh một phần vì muốn chiều theo ý nguyện của ba mẹ, một phần muốn tìm lại con người thực của chính
mình: “Quả thực, em quyết nhờ anh để tìm “con người ngày xưa”. Tuy em chẳng
biết đâu là con người thực của chính mính” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Rõ ràng cô “lạc lõng” vì không thể tìm ra chính mình. Trên hành trình tìm kiếm bản thể, cô hoàn toàn đơn độc. Cô cũng không khác gì anh, đang “lạc” ra khỏi dòng chảy cuộc đời. Cô tìm đến hôn nhân với mong muốn “để bắt đầu hoàn toàn một cuộc sống mới”
(Nguyễn Danh Lam, 2010).
Nhưng như trên đã nói, giữa cô và anh luôn có một hố sâu ngăn cách. Rốt cuộc hai người họ vẫn là hai tiểu vũ trụ cô đơn. Họ tồn tại bên nhau như hai dấu chấm hỏi với những ẩn ức riêng tư không dễ gì chia sẻ: “Cô xoay mặt ngược lại phía anh. Anh cũng trở mình về hướng kia. Hai cái lưng, hai dấu hỏi co quắp, quay về hai phía” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Họ là hai tâm hồn lẻ loi, cô độc, mãi mãi không thể chạm đến nhau. Hoặc có thể một lúc nào đó hai thiên thể cô đơn đó đã va vào nhau nhưng tức thời sau đó lại tách nhau ra để tiếp tục vận hành theo quỹ đạo của riêng mình. Tuy nhiên, con người hiện sinh chấp nhận đảm nhiệm nỗi cô đơn của chính mình trên con đường dấn thân tìm kiếm bản thể, khẳng định nhân vị như Trần Thái Đỉnh đã nhận xét: “ Triết học hiện sinh vì thế lay tỉnh con người, nhắc nhở mỗi
con người là một nhân vị độc đáo và mình phải hoàn thành cái định mệnh độc đáo của mình” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Và để đạt đến hiện sinh trung thực, cô chấp nhận mang theo mình nỗi cô đơn, từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để ra đi với mong muốn được sống là mình, với con người thật của mình chứ không phải là ai khác. Nỗi cô đơn vì không thể nối kết với tha nhân mặc dù đang sống giữa tha nhân của cô và anh làm ta nhớ đến mấy dòng thơ thấm đẫm triết lý về nỗi cô đơn của con người trong bài Mấy đoạn thơ của Lưu Quang Vũ: “Tôi là đứa con cô đơn khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào”. Từ nỗi cô đơn và anh và cô,ta chiêm nghiệm ra một điều: hóa ra con người có thể cảm thấy cô đơn, cô độc ngay giữa đám đông, ngay trong mối tương quan với người đời.
Trong thế giới của Bến vô thường, ta bắt gặp nỗi cô đơn của nhân vật “tôi” – một đứa bé dị dạng , bất hạnh. Nỗi cô đơn như một định mệnh đã đeo bám cậu ngay từ khi cậu mở mắt chào đời. Theo lời của nhân vật: “Tôi sinh ra không có cái người ta gọi là chân. Nói một cách ác miệng, tôi quái thai, dị dạng” (Nguyễn Danh Lam,