Theo Từ điển thuật ngữ văn học, trong tác phẩm văn học, kết cấu “là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm văn học” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2007). Theo Lại Nguyên Ân: “Kết cấu là sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật; tức là sự cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết với các yếu tố của hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng” (Lại Nguyên Ân, 2017). Và Mai Hải Oanh cho rằng: “Bên cạnh nghệ thuật tổ chức cốt truyện, kết cấu còn thể hiện ở cách thức kiến tạo cấu trúc tác phẩm sao cho độc đáo và hấp dẫn. Có bao nhiêu tác phẩm thì có bấy nhiêu kết cấu. Thậm chí có thể nói, mỗi một tác phẩm văn học là một trò chơi kết cấu của nhà văn” (Mai Hải Oanh, 2009).
Các tác phẩm văn chương đương đại thường vận dụng kiểu kết cấu đa tuyến, kết cấu mảnh ghép và kết cấu mở... Trong khi kết cấu đa tuyến và mảnh ghép thể hiện cái nhìn xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm thì kết cấu mở lại chú trọng vào đoạn kết thúc của cốt truyện. Và theo Nguyễn Tiến Dũng, “việc làm này - nhìn chằm chằm vào đoạn kết thúc của cốt truyện – là để xem tác giả hạ màn như thế nào? Hoặc là bày ra chân lý buộc mọi người theo hoặc để ngõ vấn đề cho người tiếp nhận... Diễn biến cốt truyện phải luôn nằm trong dự phóng, phải không ngừng mở ra và tiếp diễn ngay khi cả tác phẩm đã kết thúc” (Nguyễn Tiến Dũng, 2011).
Văn học cổ thường có phần kết thúc phù hợp với ước muốn chủ quan của con người. Ví dụ như phần kết thúc của Truyện Kiều là Kiều được cứu sống, là đoạn đoàn viên của Kiều với Kim Trọng và gia đình sau 15 năm lưu lạc. Văn học hiện đại khuyến khích những sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi nhà văn có những cách tân mới. Với Nguyễn Danh Lam, cái kết mở cũng đồng nghĩa với việc góp phần vào cách tân nghệ thuật trong văn xuôi đương đại.
Tiểu thuyết Bến vô thường là một kết thúc mở. Truyện khép lại với đoạn miêu tả cảnh hắn nằm yên, không thèm tháo chạy và đợi mọi người đến bắt: “Trong vùng ánh sáng người ta thấy hắn nhẻo miệng cười” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Đây là đoạn kết thúc tác phẩm sau bao ngày hắn trượt dài trong sự tha hóa. Hắn muốn kết
thúc cuộc đời của một kẻ trải qua nhiều tại nạn kinh hoàng – đạp ván thiên quan tài, bệnh dịch lạ tràn khắp xóm ga – nhưng vẫn không thể chết và cũng không thể sống cho ra ý nghĩa một con người. Hắn đã ngâm mình trong môi trường sống đen tối với những nghi kị, thù hằn, tha hóa của những con người trong xóm ga và xóm trọ quá lâu. Hay tiếng nói lương tri thức tỉnh khiến hắn bình an chấp nhận sự trừng phạt. Tất cả là sự để ngõ. Rồi số phận của những con người như thằng câm, con gái gia đình bán nước sẽ ra sao sau hành vi tồi tệ của hắn. Và số phận của nhiều mảnh vỡ khác trong câu chuyện. Tất cả họ cũng như hắn rồi có tìm được ý nghĩa nhân sinh trong cái bến vô thường của đời người hay không là cái kết mà nhà văn không chủ động đưa ra. Tất cả vẫn đang ở phía trước, chúng ta không thể đoán chắc được điều gì sẽ đến với họ, chỉ biết rằng con người hiện sinh trong họ luôn phải vươn lên để tiếp tục với xứ mệnh làm người với bao gian nan, thử thách trong một hiện thực hỗn độn, thậm phồn.
Tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc kết thúc bằng sự kiện anh ghé tiệm đĩa quen thuộc để tìm mua vài đĩa phim. Và “nhìn theo hướng tay gã chỉ, anh thấy cái tựa đề và giật mình đánh thót: NO COUNTRY FOR OLD MEN” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Đây chính là một kết thúc mở cho nhân vật anh trong tiểu thuyết này bởi hình ảnh cuối cùng của tác phẩm mang lại niềm hi vọng để anh chấm dứt tình trạng cô đơn, tự trở mình dậy hòa mình với nhịp sống hiện tại để không phải đối diện với thực tại ảm đạm của một kẻ tâm thần đơn độc ở tương lai.
Như chúng ta biết, kết cấu truyện với kết thúc mở luôn tạo điều kiện cho độc giả trở những người đồng sáng tạo với nhà văn nên đòi hỏi ở họ một thái độ tiếp nhận nghiêm túc và bản thân cần phải có một vốn văn hóa nhất định. Để hiểu vì sao anh giật mình khi thấy nhan đề bộ phim, độc giả cần phải có sự hiểu biết về tác phẩm No country for old men (Không Chốn Dung Thân) của nhà văn Mỹ Cormac McCathy. Đây là tác phẩm có cùng chủ đề về con người khi nhân vật của truyện vì một lí do khách quan hay chủ quan đã bị tách ra khỏi dòng chảy sôi động của sống, neo mình ở một thị trấn hẻo lánh ở miền Tây nước Mỹ những năm 1980. Và bất chợt một biến động dữ dội, khốc liệt diễn ra đã đe dọa lấy cuộc sống của bất cứ ai dính vào nó. Nhưng đối với nhân vật chính – kẻ đã và đang có cuộc sống nhạt nhòa, thụ động, vô định – lại xem đó là cơ hội để mình thoát ra và có thể sống lại một cách có ý nghĩa
theo cách của anh ta. Kết thúc truyện với tình tiết để ngõ này, Nguyễn Danh Lam cho thấy tất cả vẫn đang còn đợi con người ở phía trước. Anh vẫn tiếp tục đặt nhân vật của mình lên bệ phóng và muốn nói lên một điều: hiện sinh của con người có ý nghĩa hay không do họ lựa chọn, điều quan trọng không phải là kết quả mà là quá trình dấn thân. Nó giống như cách nhân vật chính trong tác phẩm No country for old men đã chọn. Vì vậy, với kết cấu với kết thúc mở, tiểu thuyết đã mở ra cho câu chuyện có phần tươi sáng để cho anh và kể cả cô bán bảo hiểm – vợ anh – tiếp tục cuộc sống lay lắt và nhiều dằn vặt của mình hoặc họ sẽ hành động một cách tích cực, biết nắm bắt lấy cơ hội để giúp bản thân vươn lên, vượt thoát khỏi cuộc sống đó nhằm hướng tới mục đích hiện sinh một cách đường hoàng, ý nghĩa.
Tương tự thế, tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian có một kết thúc để cho độc giả tự do bàn luận và mỗi người sẽ có một kết luận của riêng mình. Vì vậy mà biên độ của nó được mở rộng tối đa. Truyện kết thúc bằng đoạn có tên Vĩ thanh với lời kết luận của người làng : “Phi lý!” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Và nó được chính cô gái xác nhận lại: “Vâng. Tất cả câu chuyện này đều như vậy” (Nguyễn Danh Lam, 2005).
Thông qua diễn ngôn đối thoại giữa cô gái và những người trong làng, ta thấy họ muốn chính từ miệng cô phải nói ra cha của đứa bé trong bụng cô là ai mặc dù họ đã mặc định buộc cô phải thừa nhận nó là của Thữc. Tức là diễn ngôn của cô bị chi phối bởi một thiết chế quyền lực vô hình kiểu nhà tù hình tròn theo quan niệm của Foucault. Ở đây, con người như một tồn tại thật mỏng manh giữa những thiết chế quyền lực không ai chỉ mặt đặt tên nhưng lại đầy sức mạnh. Diễn ngôn đối thoại này kết hợp với lối trần thuật đa điểm nhìn – trần thuật theo điểm nhìn của người trong cuộc, tác giả hoàn toàn để cho người kể chuyện đứng bên ngoài, dửng dưng quan sát các nhân vật đối thoại với nhau – để thể hiện một thế giới đầy phi lý đang tồn tại. Nhân vật chính của câu chuyện – Thữc – còn sống hay đã chết mất xác trong núi là điều chưa thể kết luận bởi cô gái dùng từ “có lẽ” (“có lẽ anh ấy chết!”) chứ không phải khẳng định một cách chắc chắn. Ở góc quay này, Nguyễn Danh Lam đã chạm được chỗ sâu xa của ý nghĩa hiện sinh. Kết cấu mở không làm cho câu chuyện khép lại mà nó mở ra tiếng đối thoại với người đọc về sự phi lý: cuộc sống vốn dĩ chứa đựng những điều phi lý trong nó – những phi lý buộc ta phải chấp nhận sống chung
với nó, chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Và “khi nào con người còn ngụp lặn trong sự nghi kị và sợ hãi, khi nào mà con người không thể kết nối với con người bằng sự thông hiểu và tình yêu thương, thì khi đó cõi trần gian này còn là một vòng vây đầy khổ ải đối với mọi phận người” (Nguyễn Hoài Nam, 2006).
Trong tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa, hành trình của vị thầy giáo kết thúc bằng một tai nạn giao thông kinh hoàng: “Một tiếng động khủng khiếp. Ông thấy mình lao thẳng xuống mép vực bên đường. (...) Sắc trắng vàng rực rỡ bao phủ quanh ông. Ông tan vào quầng sáng ấy. Nhẹ nhàng như đi vào ảo ảnh” (Nguyễn Danh Lam, 2010).
Cùng mở ra tiếng nói đối thoại, kết thúc này cũng mang một triết lí nhân sinh sâu sắc. Tai nạn giao thông xảy ra như một cách kết thúc những chuỗi ngày đau khổ của ông. Nhưng cũng chính lúc này tác phẩm đã mở ra cho chúng ta những suy tư về lẽ sống, kiếp người, cõi đời. Để cho nhân vật chết, Nguyễn Danh Lam không hề đem lại cái nhìn bi quan cho người trí thức mà để người trí thức sẽ tự nhìn lại mình, điều chỉnh mình, để thích nghi với cuộc sống phức tạp hôm nay và không phải rơi vào bi kịch như ông thầy giáo. Tức là người thầy giáo (cũng như người nghệ sĩ) không thể tách rời cuộc sống, không thể xem cuộc sống là những gì bên ngoài cánh cửa của nhà mình, mà phải biết quan sát cuộc sống, cao hơn nữa cần lăn xả vào cuộc sống để có sức đề kháng trước cuộc sống đa sự, con người đa đoan hôm nay. Trong tiểu thuyết còn có hai nhân vật trí thức khác là người bạn dạy Anh văn chung trường chuyển sang làm kinh doanh và gã bạn thơ bóc phét, háo danh. Có lẽ tác giả xây dựng thêm nhân vật kiểu trí thức đó nhằm mục đích đưa thêm một thông điệp rằng: anh có thể hòa nhập vào cuộc đời để hiểu đời và sống tốt hơn chứ không phải anh bị cuộc đời nhào nặn rồi tha hóa đi. Chính vì những lẽ đó mà giá trị vẫy gọi của tác phẩm đã vượt khỏi nội vi văn bản. Nó khiến người đọc khép trang sách lại mà vẫn còn ngẫm ngợi, suy tư về thân phận con người. Có thể khẳng định, đây chính là thành công trong nghệ thuật xây dựng kết cấu truyện của nhà văn.
Bên cạnh tiểu thuyết, các truyện ngắn cũng được Nguyễn Danh Lam xây dựng kết cấu với cách kết thúc mở. Trong những truyện ngắn phát triển theo cấu trúc truyền thống, mọi xung đột đến cuối cùng vẫn được giải quyết một cách rõ ràng dù xung đột có kịch tính, căng thẳng đến đâu. Vì thế nó mang tính trọn vẹn. “Trong Tắt
đèn, chị Dậu từ lúc bị bắt lên hầu quan phủ, sau đó phải xa chồng, xa con để đi làm vú hầu cụ cố nhà quan Tỉnh, đến lúc chị choàng dậy mở cửa chạy té ra sân “Trời tối đen như mực, như cái tiền đồ của chị” là phần kết thúc của tác phẩm” (Lê Huy Bắc, 2004). Ở truyện ngắn hiện đại, xu hướng của nó là lối kết thúc mở. Sau kết thúc, tình trạng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết một cách trọn vẹn, dòng vận động của truyện vẫn chưa chấm hết, lời giải đáp không rõ ràng, số phận nhân vật chưa thể hiện trọn vẹn. Lối kết thúc này để ngỏ đưa đến cho người đọc những kiến giải khác nhau để họ tự lựa chọn, mở ra chiều hướng đối thoại với người đọc.
Nguyễn Danh Lam cũng xây dựng trong truyện ngắn của mình bằng cốt truyện không khép kín. Nó được tạo nên từ sự để ngõ hành động thông qua những cuộc ra đi của nhân vật. Trong Giấy gọi, truyện kết thúc bằng cuộc ra đi của nhân vật anh: “Vợ anh mở thư: “Em cùng con yêu, anh phải đi, dù giấy gọi chưa tới. Nhưng cứ sống lơ lửng như thế này ai cũng khổ. Thà đi trước. Lo cho con dùm anh. Hôn con và em”
(Nguyễn Danh Lam, 2016). Tức là anh quyết định trực diện cuộc đời để đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng: đây chính hành trình bất tận của con người đi tìm lẽ sống cho chính mình.
Truyện ngắn Mất tích kết thúc bằng cảnh hoang lạc của cô con gái với nhân tình: “Những lúc tàn canh, bợt bã, sức nặng của gã khiến cô nghẹt thở. Đêm ấy, khi lồng ngực bị chèn cứng, cô mở mắt, thấy một chiếc xe hơi đang đè xuống người mình”
(Nguyễn Danh Lam, 2016). Câu chuyện kết thúc khi nguyên nhân về vụ mất tích liên tiếp của ba mẹ, anh trai cô vào chiếc két sắt trong nhà chưa được lí giải thì lại được bồi tiếp bằng một chi tiết kỳ ảo tiếp theo. Sở dĩ cô thấy chiếc xe hơi đè lên người vì trước đó cô và gã bạn trai luôn lo lắng cái xe để bên ngài cổng nhà sẽ bị trộm vì giá trị lớn lao của nó “chỉ cặp gương chiếu hậu... đã mắc bằng cái xe máy” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Kết thúc này mở ra cho người đọc những suy ngẫm tiếp theo, cô gái cũng như gã bạn trai rồi cũng sẽ mất tích như những người trước đó bởi cuộc sống của xã hội kỹ trị, con người dường như bị máy móc hóa, bị đồng tiền điều khiển khiến họ trở thành những kẻ tha hóa. Họ sẽ dần “mất tích” bởi đã đánh rơi những giá trị đạo đức tốt đẹp, đánh mất chính mình. Cho nên tác phẩm dù đã kết thúc nhưng những ám gợi của nó sẽ làm người đọc phải trăn trở, suy nghĩ.
phẩm với bạn đọc, tạo ra những tình huống giao tiếp giữa tác giả và độc giả. Các tiểu thuyết và truyện ngắn của anh đã mở ra khả năng giao tiếp vô hạn với người tiếp nhận khi chúng luôn là những câu đố cần có lời giải, những sự im lặng cần lên tiếng, những khoảng không cần được điền nốt. Chính sự cách tân này trong nghệ thuật viết, Nguyễn Danh Lam đã làm cho các tác phẩm của mình toát lên tầng tầng, lớp lớp ý nghĩa. Cuộc sống hiện lên chân thực với đầy đủ các tính chất: nhạt nhẽo, xô bồ, phi lý, nghiệt ngã... Và mỗi một kết thúc trong các tác phẩm của anh luôn mang một ý vị thâm trầm về thân phận con người và về tình trạng bi đát của họ trong hành trình hiện sinh của cuộc đời.