Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hình tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn, quy cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu, tình cảm, cách cảm thụ thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 1997). Nếu như trong văn học trước năm 1975, các nhà văn chủ yếu sử dụng giọng điệu hào hùng, ngợi ca, trang trọng mang tính sử thi thì sau năm 1975, đặc biệt là từ sau 1986 họ lại đi vào khai thác thế mạnh của giọng điệu trung tính, giọng điệu giễu nhại, triết lí, vô âm sắc, trữ tình. Và như trên đã trình bày, cuộc sống thời hậu hiện đại ngổn ngang, chồng chất nhiều mặt đối lập nên bản hợp âm pha tạp của đời sống đã xâm nhập vào các sáng tác văn xuôi, quyết định một giọng riêng của thời đại. Mỗi nhà văn trong sự đổi mới về phương thức thể hiện cũng đã làm mới giọng điệu. Nguyễn Danh Lam cũng đã vận dụng giọng điệu trần thuật trong các sáng tác của mình như một cách góp phần vào việc cách tân nghệ thuật tổ chức truyện kể trong việc thể hiện cảm quan về hiện thực và con người mang dấu ấn hiện sinh. Tiến hành khảo sát giọng điệu trong truyện ngắn và tiểu thuyết của anh, chúng tôi nhận thấychúng rất đa dạng về giọng điệu như: giọng lật tẩy, lạnh lùng; giọng giễu nhại, cật vấn hoài nghi, giọng trữ tình lãng mạn; giọng triết lí ,vô âm sắc. Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu giọng triết lí, vô âm sắc để làm nổi bật dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh được biểu hiện ở phương diện nghệ thuật tác phẩm.
Trước hết là giọng điệu mang dư vị trầm tư triết lí. Sống trong một xã hội nhiều phi lí, con người luôn có những suy tư trăn trở về cuộc đời, về số phận, về tương tương lai. Văn học là tấm gương phản mọi ngóc ngách, phạm vi của cuộc sống. Và các sáng tác của Nguyễn Danh Lam đã bắt kịp những suy tư, trăn trở của những con người nhạy cảm trước hiện thực ngổn ngang, bừ bộn, đầy rẫy những biến động. Trong tác phẩm của anh, nhiều triết lí được các nhân vật đúc kết bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc nên dễ chạm tới trái tim, cảm xúc của độc giả. Từ đó, họ thấy đồng cảm với những lo âu, suy tư của các nhân vật khi bất cứ ai trong chúng ta cũng đang đối diện với những vấn đề về bản thể hay những mảng hiện thực hỗn độn của thời hậu hiện đại. Dễ bắt gặp trong tiểu thuyết của anh là cảm quan triết lí sâu xa về sự phi lí của cuộc đời và nỗi buồn về thân phận. Nhà văn thể hiện sự chiêm nghiệm của mình về thân phận con người giữa cuộc hiện sinh đầy bất trắc bằng cách để cho các nhân vật đưa ra những lời triết lí sâu sắc.
Giữa dòng chảy lạc là cuốn tiểu thuyết chứa rất nhiều giọng điệu triết của các nhân vật. Ông họa sĩ là một con người có nhân cách, từng trải và đi qua gần hết đời người nên ông đã chiêm nghiệm về cuộc sống này bằng cái nhìn của một con người rất minh triết và luôn đưa ra cho nhân vật anh những lời khuyên đầy triết lí sâu sắc trong mọi tình huống khó khăn anh gặp phải. Những lời nói của ông mang đầy chất triết lí về cuộc sống, về con người, về hôn nhân và cả về lẽ sinh tử của đời người. Có khi ông triết lí về gia đình: “Dù sao gia đình vẫn là thứ quan trọng nhất trên đời. Già bằng này đột nhiên mấy hôm nay tao mới cảm nhận tận xương tủy chân lí ấy”
(Nguyễn Danh Lam, 2010). Đó có thể là triết lí về trách nhiệm của con người trong đời sống hôn nhân: “Chuyện công việc, làm ăn, có thể thay đổi, còn hôn nhân nếu đã xác định bước vào nghĩa là đã kí thác cả cuộc đời mày vào đó” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Giữa dòng chảy của cuộc sống xô bồ, băng băng lao lên phía trước, ông cũng như anh thấy mình là những “lạc thể” bị bắn ra khỏi guồng quay của cuộc sống đó. Vì vậy những suy tư của ông về những thân phận “bên lề” xã hội khiến anh chỉ biết ngồi im lặng mà nghe nó thấm từng câu chữ vào người để nhận thức rõ sự bi đát của mình trong thực tại khi anh để mặc sự tha hóa cùng nỗi cô đơn ngày một lớn dần trong anh: “Suy cho cùng, tao với mày cùng một thế hệ. Giống y nhau, dang dở, nửa nạc nửa mỡ. Mày được “lập trình” cho phân nửa cái này, phân nửa cho cái kia. Rốt
cuộc là chẳng thích ứng với cái nào” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Đôi khi nó là triết lí ngậm ngùi của ông về lẽ đi - ở. Bất cứ một sự lìa bỏ nào nếu không xuất phát từ sự mong ước của bản thân cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết của tâm hồn. Triết lí đó được ông đưa ra bằng những ví von hết cụ thể vì vậy mà nó thấm thía: Xác định đi là xác định bỏ lại linh hồn và trôi nốt phần thể xác cho những tháng năm còn lại. Như cái cây già bứng gốc mà trồng trên đất mới. Mà chẳng phải là đất nữa. Bởi cái đất ấy mày không đủ sức mà hút phần dinh dưỡng chất tinh túy của nó đâu
(Nguyễn Danh Lam, 2010). Có khi ông triết lí về nguyên nhân của sự cô đơn của con người trong chính gia đình của mình và quy luật của cuộc sống: “Mình đã quá già nua mà tụi nó lại trẻ trung (...) Tuy nhiên tao cũng có một quan niệm để an tâm, tụi nó sẽ vẫn cứ hơn mình. Quy luật muôn đời là thế” (Nguyễn Danh Lam, 2010).
Giọng điệu triết lí có khi được chính các nhân vật phát ngôn ra thành lời nhưng đôi lúc nó lại ẩn bên trong những dòng suy tưởng, độc thoại nội tâm của nhân vật. Bên cạnh ông họa sĩ, nhân vật anh cũng có những cảm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Những suy tư của anh phần nhiều diễn ra trong suy nghĩ. Tai nạn xảy đến hôm đám cưới của anh khiến người bạn thời phổ thông đang vật vã kéo lê những ngày tháng sống đời thực vật với hình vóc đang phân hủy từng giờ đã làm anh suy tư về cuộc đời, về số phận con người trong hiện thực đầy bất trắc: “Dù hoàn toàn ngoài ý muốn, những những tai họa vẫn tiềm ẩn, rình rập đây đó, sẵn sàng đổ xuống đầu bất cứ thân phận nào” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Nếu như ông họa sĩ hay đưa ra những triết lí về mục đích cũng như cách sống ở đời thì anh sau nhiều lần chứng kiến cái chết đã đưa ra triết lí rất an nhiên về cái chết, theo quy luật của vòng đời sinh – lão – bệnh – tử: “Chẳng bao giờ là sớm hay muộn đối với mọi cái chết. Nó mở cửa và từng người theo nó, chẳng ai luyến tiếc đến độ sống dậy, quay về” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Đôi lần anh cũng trực tiếp nói ra những suy ngẫm về thân phận con người – họ có thể không làm chủ được hoàn cảnh sống của mình nhưng lại có quyền quyết định mạng sống của mình theo cách mình muốn: “Khi sinh ra, ta đã không được chọn lựa cho mình bất cứ điều gì... vậy thì cái chết – điều quan trọng thứ hai, chẳng lẽ lại không tự lựa chọn được cho mình” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Triết lí của anh rất gần với tư tưởng của Sartre khi ông cho rằng con người (tức đứa bé) bị ném vào thế giới, nó không có quền lựa chọn hoàn cảnh, giới tính, màu da... nhưng
nó có quyền quyết định mình sẽ trở thành con người như thế nào trong những dự phóng của riêng nó. Có khi anh triết lí ngay cho sự bơ vơ, cô đơn, lạc lõng của mình trong cuộc sống đơn điệu, nhàm chán: “Ai cũng có chỗ của mình. Nhất là những ai biết chấp nhận và không băn khoăn gì về nó. Nỗi buồn – niềm vui, đau khổ - hạnh phúc... lần lượt trôi qua với tất cả mọi người” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Từ đó anh triết lí sâu sắc cuộc sống vô nghĩa của con người trong thế giới này – họ là những người mà theo anh đã già ngay khi còn trẻ: “Anh đã già ngay khi còn trẻ. Già so với những thứ đang ầm ầm lao tới quanh đây. Mà có lẽ, tuổi già còn tồi tệ hơn cả cái chết” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Từ đó anh cảm nhận được sự mong manh của những phận người nhỏ bé trong xã hội, họ càng cố vùng vẫy để vươn lên càng bị xã hội đó đè bẹp hoặc sẽ hất tung họ ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống này: “Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công, mòn mỏi”
(Nguyễn Danh Lam, 2010).
Giọng triết lí trong tiểu thuyết này còn ẩn dưới lớp nghĩa câu chữ mà không cần thông qua phát ngôn của các nhân vật. Qua tâm trạng hoảng loạn, run sợ của cô gái làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ khi tầng mười tám của toài cao ốc đột nhiên bốc cháy, người đọc sẽ chiêm nghiệm được triết lí: con người không ai có thể mua được cho mình một bảo hiểm an toàn cho tính mạng giữa cuộc đời nhiều bất trắc như nạn hỏa hoạn có thể xảy ra lúc nào như cách Dương Tử Thành đặt vấn đề với nhà văn Nguyễn Danh Lam và được anh thừa nhận:
“- Và dường như chẳng thể nào có một thứ gọi là “bảo hiểm”, thứ mà nhân vật chính được mời mua ngay từ đầu cuốn sách, cho mỗi thân phận trong cuộc đời này?
- Quả vậy, trong chương đầu của Giữa dòng chảy lạc, khi cô bán bảo hiểm đang huyên thuyên về sản phẩm của mình với khách hàng bỗng tòa cao ốc rất hiện đại, tiện nghi nơi họ ngồi bốc cháy. Và trong hoàn cảnh ấy, chính cô ta lo chạy trước cả vị khách mà mình đang thuyết trình. Hình ảnh ấy là một chủ ý của tôi. Trong “Giữa dòng chảy lạc” tôi còn gửi gắm nhiều ẩn dụ như vậy” (Dương Tử Thành, 2012).
Hay từ sự ra đi của ông họa sĩ và cô bán bảo hiểm, ta cũng thấy ở đó một triết lí về cuộc sống: “ra đi cũng có nghĩa là trở về” - về với con người thật khi đã rủ bỏ được mặt nạ, về với nguồn cội để chấm dứt nỗi cô đơn của kẻ mang thân phận tha
hương. Điều đó có nghĩa là: “Con người cần thiết phải nếm trải nỗi đau để trưởng thành, như câu thơ của L. Aragon: “Tôi đã khổ đau nên có đủ quyền?” (Nguyễn Danh Lam, 2010)
Thông qua ngôn ngữ triết lí của ông họa sỹ, của anh và của người kể chuyện ở ngôi thứ ba, Nguyễn Danh Lam cho thấy con người đang sinh tồn trong một thế giới phi lí, bất trắc nên họ khó bắt rễ được với cuộc sống, trở thành những lạc thể giữa dòng chảy bộn bề của xã hội. Họ mang thân phận của những con người cô đơn giữa thế giới dù khi ở một mình hay những lúc tương tác với tha nhân với nhiều nỗi lo âu cho cuộc sống ở hiện tại và tương lai trong từng khoảnh khắc hiện sinh của cuộc đời như cách nhận xét của Đoàn Ánh Dương: “Có thể nói, tất cả các nhân vật đều là những “lạc thể”. Hầu như họ là những người không tương thích với xã hội kỹ trị, xã hội tiêu dùng. Có hai cuộc sống bên lề là cuộc sống ấy hiện diện như một tham chiếu nhưng cũng không trở thành lối thoát cho những con người ở trung tâm xã hội” (Đoàn Ánh Dương, 2012). Nó làm cho người đọc không ngừng suy ngẫm về những thân phận lạc loài trong xã hội đương đại. Họ là những phận người mà theo Nguyễn Danh Lam: “đang sống trong tình thế chân phải bước lên “đoàn tàu mới”, nhưng chân trái bị kẹt lại “sân ga cũ”, thành thử bị... xé làm đôi!” (Lê Minh Quốc, 2012).
Trong tiểu thuyết Bến vô thường, giọng triết lí cũng được các nhân vật trực tiếp hay gián tiếp phát biểu. Khi suy tư về cái chết, nhân vật người kể chuyện thứ ba đã triết lí: “Sự mất đi của một ai đó hoàn toàn bình thường giống như sự sinh ra, đấy là lẽ công bằng” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Cũng có khi đó là triết lí rất giản đơn giản về sự tồn sinh hiện hữu ngay trong nguy hiểm: “Ao hồ là chỗ chết nhưng ao hồ cũng là nơi nuôi sống con người” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Sống giữa hiện thực hỗn mang nên lời của ông mặt đỏ cảnh báo nhân vật tôi về những rủi ro bất ngờ đến với con người bất cứ lúc nào cũng đầy triết lí: “Cảnh giác đấy, khi một điều ước được toại nguyện sẽ có nhiều rắc rối xảy ra” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Suy nghĩ của nhân vật tôi – cô bé 17 tuổi – về thân phận lạc loài của những đứa trẻ trong các gia đình hiện đại cũng đậm chất triết lí khiến cho các bậc cha mẹ giật mình nhìn lại cách giáo dục theo kiểu ra lệnh, áp đặt của mình đối với con trẻ từ trước đến nay:
“Không còn nỗi cô đơn nào hơn là nỗi cô đơn ở trong chính ngôi nhà của mình, bị xúc phạm tới mọi ngóc ngách riêng tư bởi chính những người thân của mình”
(Nguyễn Danh Lam, 2004). Trẻ con cần được yêu thương, cần được vui chơi, thiếu những điều đó, đời sống của chúng sẽ trở nên đơn điệu, tẻ nhạt biết chừng nào như cách người kể chuyện trong tiểu thuyết bình luận: “Nhưng trẻ con mà thiếu trò chơi thì đâu còn là trẻ con nữa” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Trong cái Bến vô thường
này, trải qua nhiều biến cố dữ dội từ cuộc sống, con người ít học, hung hãn đôi khi lại đối đáp với tha nhân bằng giọng điệu mang tính triết lí về cuộc sống hôn nhân của một kẻ đã bừng ngộ: “Đời là bể khổ, tình là dây oan” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Chính bản thân y cũng đã chiêm nghiệm và thừa nhận cái triết lí đó: “Ừ, cuộc đời là bể khổ, có ai sướng đâu” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Và cuộc sống nghèo khổ đẩy con người vào bước đường cùng cũng được người kể chuyện nâng lên tầm triết lí:
“Sự sống trêu người đâm trổ hồn nhiên trên nỗi tuyệt vọng của con người” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Những triết lí về dòng đời, về ý nghĩa cuộc sống, về khát vọng được làm người đúng nghĩa của hắn – một con người đã bị cuộc sống làm cho tha hóa - đôi khi thật nhức nhối: “Ô hay, cuộc đời hắn sao giống dòng kênh này đến thế, cứ tanh tưởi từng ngày theo nhịp dềnh lên dềnh xuống, chẳng bao giờ trôi được đến đâu” (Nguyễn Danh Lam, 2004).
Đến với tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa, ta bắt gặp giọng điệu triết lí thông qua quá trình tự nhận thức của nhân vật khi chính bản thân đã trải qua một cuộc sống nhiều mất mát. Người thầy dạy anh văn một thời vì bị cuốn theo guồng quay của xã hội khi đồng tiền lên ngôi nên đã bỏ nghiệp đưa đò, lao vào công việc kinh doanh kiếm tiền khi nhìn lại cuộc đời đã chiêm nghiệm về sự được – mất, bình an – bất trắc trắc giữa thế giới phi lí: “Mà kể ra cũng chưa nó trước được điều gì, cuộc đời khó lường lắm. Mày chẳng nắm được nó trong tay của mình đâu. Càng tưởng viên mãn, càng hóa ra bất an” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Người thầy dạy văn sau những thất bại của cuộc đời đã quyết định lên đường để tìm lại ý nghĩa cuộc sống cũng đưa ra được bài học triết lí về sự dấn thân của con người trong cuộc sống: “Nhưng cứ phải đi. Đi để bắt đầu lại. Để học cách sống cuộc đời của mình. Sau mấy mươi năm trời coi như bỏ trắng” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Triết lí nằm ở thông điệp trong lời nói ông, con người muốn hiện sinh ý nghĩa phải không ngừng vươn lên phía trước, ra đi để học hỏi, để xâm nhập vào thực tế bộn bề, phong phú. Nếu không, con người sẽ bị lạc hậu, bị đẩy ra phía sau và trở thành những kẻ luôn đứng ngoài cửa cuộc đời. Triết
lí của ông đôi khi nhắc nhở con người phải biết trân trọng, nương tựa vào quá khứ