Hiện thực mang màu sắc phi lý, kì ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 57 - 70)

Cảm quan về hiện thực trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam mang tâm thức hiện sinh khá rõ nét. Đó là hiện thực mang màu sắc phi lý, kỳ ảo. Màu sắc phi lý của hiện thực trong truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn được thể hiện qua một thế giới chứa đựng những yếu tố huyễn hoặc, phi thực tế và ngược lại với tư duy logic thông thường. Song song đó, tính chất phi lý trong các tác phẩm còn được thể hiện ở sự đảo lộn các thang bậc giá trị của đời sống. Màu sắc kỳ ảo trong các sáng tác của anh được thể hiện qua không gian mê cung và địa hạt của những giấc mơ kỳ quái đồng thời với sự đan xen giữa hai thế giới hư - thực. Ngoài ra, hiện thực trong các sáng tác của anh hiện lên không đơn giản, xuôi chiều mà phong phú, đang dạng. Ngòi bút của anh đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống bộn bề, ngang trái của một hiện thực đa chiều, chưa hoàn kết. Trong thế giới đó, con người phải đối diện với quá nhiều bất trắc mà cuộc sống mang lại. Qua hiện thực đó, nhà văn muốn khắc họa một đời sốngnhiều lo âu, bắt trắc và con người cô đơn trong hành trình dấn thân để thể hiện nhân vị độc đáo của mình.

Trước hết là cảm quan về hiện thực phi lý trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam. Theo Nguyễn Văn Dân, thuật ngữ phi lý đã xuất hiện từ thời cổ đại. Nó được tìm hiểu trên hai phương diện. Thứ nhất, trên phương diện logic: “Những gì tồn tại trái với các quy tắc logic đều bị coi là phi lý” (Nguyễn Văn Dân, 2015). Thứ hai, trên bình diện lí luận nhận thức: “Tất cả những gì chống lại năng lực nhận thức, chống lại lí trí, không thể lí giải bằng tư duy, thì đều được coi là phi lý” (Nguyễn Văn Dân, 2015). Từ đó có thể thấy, những gì tồn tại trái với quy tắc thông thường đều được coi là phi lý. Quan niệm về sự phi lý được các triết gia phương Tây hiện đại phát triển thành chủ nghĩa phi lí từ cuối thế kỷ XVIII. Và kinh qua một lộ trình dài, triết học về cái phi lý đạt được một bước phát triển mới ở thế kỉ XX khi mà chủ nghĩa hiện sinh bùng nổ cả ở địa hạt triết học lẫn văn học.

Khởi đi từ triết học, chủ nghĩa hiện sinh đi vào văn học tạo nên trào lưu văn học hiện sinh ở châu Âu sau đó lan ra toàn thế giới. Các nhà hiện sinh chủ nghĩa như Frank Kafka, Alber Camus, Jean-Paul Sartre… đã có công đưa cái phi lý từ lĩnh vực triết học thâm nhập mạnh mẽ vào văn học để thể hiện cách cảm nhận và phản ánh hiện thực nói theo cách của Jean-Paul Sarttre: “Con người trước hết là một dự phóng (project) tự tồn tại chủ quan, chứ không như một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp lơ” (Đinh Hồng Phúc, 2016).

Tiếp nối mạch nguồn quan niệm sáng tác của những tác giả đi trước, người đọc luôn bắt gặp trên những trang sách của Nguyễn Danh Lam một hiện thực nối dài từ những điều phi lý trong việc sắp đặt những giá trị hiện tồn trong thế giới tỏ ra không hợp lí. Đó là hiện thực với sự xáo trộn các thang bậc giá trị làm cho cuộc sống trở nên lệch chuẩn, đảo lộn. Tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa mở ra trước mắt người đọc một thế giới phi lý khi những nhà giáo, đại diện cho tầng lớp trí thức sư phạm mẫu mực, lại vi phạm đạo đức. Một cô giáo ngoại tình với đồng nghiệp mặc miệng đời khen chê, mặc gia đình đảo lộn. Trong khi chồng cô cũng là một thầy giáo dạy văn cùng trường, người luôn được đồng nghiệp, học sinh mến phục khi anh toàn tâm toàn ý cho công việc và cho gia đình. Từ một người vợ hiền hết lòng yêu thương chồng con, cô biến thành một người đàn bà cay nghiệt, luôn khinh miệt chồng và vô trách nhiệm với con cái khi để chúng hằng ngày phải đối diện với nỗi nhục nhã ê chề ngay trong môi trường học tập của mình :Ba dạy trong trường, mẹ dạy trong trường, hắn

ta dạy trong trường (...). Ba biết con nhục nhã thế nào không? Trong cả thời gian dằng dặc, cho đến ngày nghỉ học, con phải chịu đựng tất cả” (Nguyễn Danh Lam, 2014).Là một giáo viên, cô lại tỏ ra khinh miệt chữ nghĩa, sách vở và cũng không đi tiếp cùng nghề sau hành vi ngoại tình. Cô lạnh lùng mang bán ve chai tất cả sách vở của chồng và gieo vào đầu các con những ý nghĩ: “Mẹ nói sách vở vô bổ, khùng điên” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Trong tiểu thuyết này, ta còn bắt gặp một hiện thực phi lí tương tự. Người bạn thân dạy cùng trường với vị thầy giáo cũng buông bỏ viên phấn, xếp sách vở, rời bục giảng để dấn thân vào con đường kinh doanh đầy mánh khóe, may rủi. Từ cuộc đời vốn an ổn của một viên chức ngay thẳng, trong sạch, người bạn ấy bị cuốn vào những cuộc kiếm tiền thật phức tạp, mập mờ và đầy nguy hiểm mà ở đó con người không thể không uốn cong lương tâm của mình: “Thì vậy đó. Đã bảo làm ăn mà. Đôi khi rạng ngày mày còn phải tông cửa... chạy trốn không chừng!” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Sự phi lý toát lên từ hiện thực cuộc sống khi những con người trước đây từng đứng trên bục giảng truyền dạy cho bao thế hệ học sinh cách làm người. Vậy mà giờ đây, họ bị cuốn theo cơ chế của thị trường, sẵn sàng bỏ qua đạo đức để chạy theo lối sống thực dụng, phù phiếm, coi trọng đồng tiền, đặt vật chất lên trên tình nghĩa, đạo lí. Những chuẩn mực của cuộc sống hoàn toàn bị xô lệch từ sự tha hóa của chính bản thân những người trong cuộc hay tác giả đang đặt vấn đề về sự tha hóa của con người trong xã hội trọng đồng tiền, của cải vật chất hơn những giá trị tinh thần.

Một khía cạnh khác về thế giới quan phi lý là con người đánh mất sự tồn tại đích thực của mình, đánh mất nhân vị độc đáo. Người thầy – nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa- là một thầy giáo dạy văn mẫu mực, yêu nghề, có tài làm thơ. Người thầy ấy gắn cuộc đời mình với những trang giáo án và bục giảng. Ông luôn có ý thức trau dồi chuyên môn, nỗ lực vươn lên trong nghề nghiệp để mong đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của sự nghiệp trồng người. Điều này được tái hiện qua những dòng hồi ức của ông về quá khứ: “Bao năm, hàng ngàn trang giáo án (...) ông đã viết trên vuông bàn cũ kỹ ấy” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Và ngày nào ông “cũng chia sẻ cùng học trò mọi thứ mà mình có, ít ra về mặt kiến thức” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Ông luôn có một niềm tin tuyệt đối rằng những kiến thức đó sẽ góp phần rất lớn vào quá trình hình thành nhân cách của chúng.

Nhưng nạn bạo lực học đường diễn ra ngay trước mắt khi ông chứng kiến cảnh hai đứa học trò cầm dao lao vào nhau đã làm sụp đổ hết niềm tin trong ông. Hiện thực trở nên phi lí khi những điều đẹp đẽ ngày ngày ông chắt chiu truyền dạy cho học trò bỗng chốc hoàn toàn vô nghĩa: “Ông không thể nào lí giải nổi” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Ông chới với, mất phương hướng và thấy mình thật thừa thãi trong “ngôi nhà sư phạm” của chính mình. Ông đã bỏ nghề khi tuổi đã xế chiều bởi “dạy người ta chẳng tới đâu, giờ coi như đi học. Học qua thực tế. Lí thuyết đầy đầu vứt hết đi rồi”

(Nguyễn Danh Lam, 2014). Ông lâm vào bi kịch của một thầy giáo vỡ mộng.

Là con người đạo đức, người thầy ấy là người chồng, người cha hết lòng yêu thương vợ con và có trách nhiệm với gia đình. Tình yêu thương đó được in dấu qua những bài thơ ông viết tặng họ: “Những bài thơ tặng vợ, gửi con, ấm áp và da diết”(Nguyễn Danh Lam, 2014). Ông từng thấy rất hạnh phúc khi sống bên gia đình bé nhỏ của mình khi:“Ông đi một bên, cô một bên,con trai ở giữa, con gái địu sau lưng. Đúng hình ảnh một gia đình hạnh phúc” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Mặc dù cuộc sống ấy nhiều thiếu thốn khi cả hai vợ chồng đều sống bằng cái nghề cao quý - nghề dạy chữ, dạy cách làm người. Tuy nhiên, cùng lúc với sự sụp đổ niềm tin vào nghề nghiệp, ông lại lâm vào bi kịch thứ hai. Đó là sự rạn nứt và khủng hoảng của đời sống hôn nhân. Vợ ông ngoại tình. Người thầy ấy đã bị sụp đổ niềm tin vào giá trị đạo đạo đức của con người. Ngôi nhà nhỏ với những ước mơ về tình nghĩa vợ chồng ấm áp và sự trưởng thành của hai đứa con ngoan không còn nữa. Ông “nhìn những người thân yêu nhất, đang trượt đi khỏi tầm tay, mà không thể nào can thiệp

(Nguyễn Danh Lam, 2014).

Nhân vật chính – người thầy giáo - luôn nghĩ đến tha nhân trước khi nghĩ đến mình, hết lòng vì tha nhân, có muốn làm người xấu cũng không xấu được đã rơi vào một trạng thái bi kịch tinh thần không lối thoát: sự thất bại ở cả hai vai trò ngoài xã hội (người thầy) và trong chính gia đình mình (người chồng, người cha). Ông - người thầy giáo từng dạy người, dạy đời nhưng không thể nào dạy nổi vợ con và cứu rỗi lấy hạnh phúc mong manh của chính mình. Sau những va đập và trơn trượt ê chề trong cuộc sống, ông hoài nghi về giá trị của bản thân nên đã quyết định dấn thân lên đường để truy tìm lại bản thể. Rõ ràng, sống trong một hiện thực chứa đầy sự phi lý, con người đang dần đánh mất chính mình, không thể tự quyết hạnh phúc của bản

thân với tâm trạng buồn chán, cảm thức buồn nôn, vong thân trong lòng xã hội. Không khí chán chường, tuyệt vọng trong Cuộc đời ngoài cửa làm chúng ta nhớ tới cuốn tiểu thuyết hiện sinh Buồn nôn - một tác phẩm kinh điển của Jean-Paul Sartre - nói về sự trống vắng, vô phương hướng và hoài nghi thực tại đến tột cùng của nhân vật.

Tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian cũng mở ra một thế giới vô nghĩa, phi lý khi con người không biết mình tới từ đâu, sẽ về đâu và sẽ làm được gì trong cảm thức buồn nôn kéo dài lê thê suốt năm tháng sống mòn. Nhân vật Thữc trong tiểu thuyết luôn ngộp thở trong những cuộc trốn chạy nhưng chạy trốn ai thì anh không biết: “Thữc chạy cuồng dại giữa những bụi gai. Tuồng như sau anh, cái chết hụt đang cố bám theo” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Một tiếng động khẽ hay một suy nghĩ rằng nguy hiểm đang đến cũng đủ khiến “Thữc không còn biết gì nữa (...) cắm đầu chạy thục mạng” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Thế giới anh lạc vào là một thế giới phi lý vì ngôi làng anh ở cứ hư hư, thực thực và vô cùng bí ẩn với địa thế mơ hồ: trước mặt là biển, sau lưng là núi, hai bên là dòng sông, khó có thể đi vào và đã vào rồi thì khó tìm đường ra, con người cứ mãi quẩn quanh trong đó. Ngôi làng anh đến những tưởng rất đông người khi cô gái luôn miệng nhắc đến “người làng”, “nhà chức trách” nhưng sự thật chỉ có cô và bà mẹ kỳ quái. Trong ngôi làng đó, anh luôn phải chạy trốn họ, nhưng họ là ai thì anh chưa một lần biết mặt: “Ai hả cô? (...) Họ là ai?

(Nguyễn Danh Lam, 2005). Họ tuy là “những con người không mặt mũi. Nhưng sự

đe dọa từ phía họ luôn hiển hiện, đeo bám anh dai dẳng...” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Cuộc sống của anh nhưng anh không thể quyết định về lẽ sống chết của mình vì cuộc đời vốn dĩ là vô lí như lời cô gái nói với anh: “Tất cả đều phi lí! (...) Anh không được phép là anh, nhưng bắt buộc phải là anh. Anh không được phép sống, nhưng cũng không được phép chết!” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Ở đây ta thấy “họ” mang một thứ quyền lực vô hình của ngài Klamm trong tiểu thuyết Lâu đài của Kafka. “Họ” là ẩn dụ về những thiết chế của xã hội ràng buộc con người, ẩn dụ về những bất trắc lơ lửng đe dọa sự tồn tại. Hành trình dấn thân để lẩn tránh nỗi sợ hãi cũng như cố gắng chứng minh sự sinh tồn và hiện hữu của bản thân càng lúc càng bị rơi vào bế tắc khi Thữc thấy mình hoàn toàn bị lạc vào thế giới cô độc và luôn thấy hoài nghi về cuộc sống của chính mình: “Từ đâu Thữc tới đây? Còn nằm đây bao

lâu? Có sinh linh nào bên anh còn sống sót?” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Như vậy, việc Thữc điên cuồng chạy trốn những kẻ truy đuổi vô hình không rõ lí do cho thấy nỗi sợ hãi của anh là phi lý nhưng có thực trong tâm thức của anh, cuộc sống của cô gái và dân làng trong ngôi làng anh lạc vào là cõi đọa đày. Dấu ấn hiện sinh thể hiện quan niệm về đời sống phù du tàn bạo và đầy bất trắc trong cuốn tiểu thuyết này của Nguyễn Danh Lam mang đậm màu sắc tư tưởng của M. Heidegger, J. P. Sartre, E. Mounier...

Hiện thực phi lý còn là một thế giới chứa đầy những yếu tố huyễn hoặc, phi thực tế, trái với năng lực nhận biết của con người. Truyện ngắn Mất tích nói về việc các thành viên một gia đình giàu có lần lượt biến mất một cách phi lý. Trong thời hiện đại, dưới ánh sáng của khoa học, ma là một hiện tượng không dễ gì được tin là có thật. Cho nên những thành viên trong gia đình hiện đại trong truyện ngắn trên dĩ nhiên cũng nhận thức được điều cơ bản ấy. Vậy mà khi đứa con trai trong gia đình đó bỗng nhiên mất tích sau sự việc ba mẹ không đồng ý cho tiền mua xe mới, mọi người vẫn nghe tiếng động phát ra từ máy chơi game, từ tiếng xe máy nổ vẳng ra từ phòng anh ta hằng đêm: “Tui nghe có tiếng game vẳng ra từ phòng nó. Rồi tiếng gì như thể tiếng xe máy đang nổ” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Khi cả nhà chạy lên phòng cậu ấy, đứng bên ngoài áp tai vào cửa thì nghe thấy “đúng những âm thanh quen thuộc từ khi anh Hai còn ở nhà. Cửa phòng được mở. (...) Chiếc xe vẫn lừng lững ở vị trí ấy. Màn hình máy tính lặng câm” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Điều kỳ lạ tiếp tục diễn ra khi cô em gái về phòng mình thì vẫn nghe những âm thanh ấy:

“Suốt từ đó đến sáng dở giấc. Những tiếng động, rất rõ ràng từ phòng anh Hai tiếp tục vẳng xuống” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Nhưng điều phi lý là không mấy ai quan tâm đến sự mất tích của cậu con trai mà chỉ xem đó là cái cớ để soi mói nhau về tiền bạc. Rồi thì người cha và người mẹ cũng lần lượt mất tích. Họ cùng biến mất vào trong cái két sắt không có cửa, nó chỉ là một khối vuông vô tri vô giác. Bà giúp việc nghe tiếng của ba và mẹ cô cãi vã nhau vẳng ra từ trong đó: “Bỗng nghe tiếng ông bà cãi nhau trong phòng. Tui chạy lên. Tiếng ấy vẳng ra từ phía cái két”

(Nguyễn Danh Lam, 2016). Mạch của câu chuyện được dẫn dắt bằng sự nối tiếp của một loạt tình tiết, sự kiện phi lý. Làm sao từng ấy con người có thể biến vào cái két sắt không cửa như thế để cãi vã nhau những về những câu chuyện thường nhật của

cuộc sống? Điều mà bà giúp việc kết luận trong sự sợ hãi là cái két sắt đó có ma. Chính điều huyễn hoặc về những con ma trong cái két sắt đó đã nói lên cái bất ổn của đời sống trong các gia đình thời hiện đại. Việc người thân mất tích không quan trọng bằng việc bảo vệ cái két sắt và tài sản trong nhà. Đó là sự xuống cấp về đạo đức ở con người khi mà họ chỉ chăm chăm vào tiền bạc mà không hề quan tâm nhau. Từ cái phi lý của hiện thực đó, nhà văn muốn khơi mở thêm một phạm trù khác của chủ nghĩa hiện sinh đó là sự tha hóa và bất an trong mỗi gia đình hôm nay.

Khi khảo sát truyện ngắn và tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam, chúng tôi nhận thấy cảm quan về hiện thực kỳ ảo được thể hiện qua không gian mê cung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 57 - 70)