Chủ nghĩa hiện sinh là sự hội tụ của nhiều gương mặt những nhà triết học tên tuổi thuộc hai nhánh hữu thần như K-Jaspers, G-Marcel... và vô thần như M- Heidegger, J-P Sartre... Những nhà triết học hiện sinh này mặc dù có nhiều điểm khác biệt nhau nhưng họ lại cùng gặp nhau ở tư tưởng cơ bản:đều xem con người như một “nhân vị” như nhận xét của Trần Thái Đỉnh: “Đề tài duy nhất của triết hiện sinh là con người tại thế, con người cá vị với những điều kiện sinh hoạt nhất định và định mệnh độc đáo của mỗi người. Rồi con người hiện sinh tức là nhân vị đó, được chiêm nghiệm dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Và đó là những đề tài mà chúng ta gặp luôn luôn trong các tác phẩm của các triết gia hiện đại” (Trần Thái Đỉnh, 2015).
Triết học hiện sinh là triết học về con người, hướng tới con người, tới sự hiện hữu của mỗi cá nhân. Các nhà hiện sinh đều gặp nhau “ở chỗ họ cho rằng hiện hữu đi
trước bản chất hay nói cách khác, họ xuất phát từ tính chủ thể” (Đinh Hồng Phúc, 2016). Khi đề cao chủ thể tính, các nhà hiện sinh “không coi con người như một sự vật của toàn bộ vũ trụ như trong triết học cổ điển nữa mà coi con người như một hữu thể đứng trên vũ trụ và có quyền gán cho vũ trụ một giá trị tùy quan điểm của mỗi người” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Họ cho rằng con người khác sự vật ở điểm có sự sống nội tâm và ý thức về thân phận của mình trong thế giới hiện tại.Nếu con người muốn được hiện sinh thì họ phải luôn hướng tới cái mà người ta muốn trở thành bởi “nhân vị của con người chính là hiện sinh của nó mang bộ mặt riêng biệt, đặc thù xa lạ với mọi tính cách phổ quát” (Nguyễn Tiến Dũng, 2005). Như vậy, chủ nghĩa hiện sinh đặc trưng bởi tư tưởng chính: Con người như một “nhân vị”. Và xoay quanh vấn đề “nhân vị”là hệ thống những phạm trù tư tưởng đặc thù nhằm cụ thể hóa vấn đề hiện sinh của con người như tự do, siêu việt, vươn lên, lo âu, buồn nôn, tha hóa, cô đơn, cái chết...
Thứ nhất, Tự do
Các triết gia hiện sinh đều cho rằng “nhân vị” bao giờ cũng gắn với “tự do” và “tự do” là đặc tính của con người hiện sinh, tức con người nhìn nhận mình là chủ thể tinh thần, khác xa những sự vật. Tự do ở đây không phải là tự do chính trị hay tự do xã hội mà đây là tự do triết học của chủ nghĩa hiện sinh. Tự do hiện sinh chỉ có được khi hành động của con người không bị quy định bởi bất cứ cái gì bên ngoài. Con người tự do là con người tự lựa chọn, đảm nhiệm hành động với ý thức của bản thân và hành động là cách thể hiện ý nghĩa của cuộc đời mình, dám chọn lấy một lối sống riêng để mình là chính mình, không chịu rập khuôn theo khuôn khổ của người khác để tạo nên nhân vị. Tức là con người tự do lựa chọn bản chất của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về mình. Trông khi Marcel cho rằng tự do không phải là “muốn làm chi thì làm” (Trần Thái Đỉnh, 2015) và “con người hiện sinh là con người tự do, và tự do là sáng tạo. Nhưng sáng tạo chung tay với tạo hóa với Tạo hóa và trong niềm thông hiệp với Ngài” (Trần Thái Đỉnh, 2015) thì Sartre lại quan niệm “mỗi người đều tuyệt đối tự do; tự do là lựa chọn, và tôi muốn chọn như thế nào thì chọn; hơn nữa, sau khi đã chọn thế này rồi, mai kia tôi lại có quyền phủ nhận cách chọn đó để chọn khác hẳn đi” (Trần Thái Đỉnh, 2015).Có thể thấy, tự do là cách con người thể hiện ý thức về sự tồn tại của một cái tôi cá biệt, không trùng lặp với bất cứ cái tôi nào
khác để trở thành một “nhân vị độc đáo” trên hành trình vượt khỏi cuộc sống tầm thường để vươn đến hiện sinh đích thực.
Thứ hai, Siêu việt
Theo các nhà hiện sinh “siêu việt” (cách gọi của chủ nghĩa hiện sinh hữu thần, còn chủ nghĩa hiện sinh vô thần dùng khái niệm “viễn việt”) là sự tự lựa chọn, tự vươn lên, tự vượt mình để tiến lên nhằm thể hiện định mệnh của bản thân một cách đầy đủ, độc đáo thông qua sự tự do lựa chọn và tự quyết. Các triết gia cho rằng chỉ những ai có khả năng “siêu việt” mới là con người đúng nghĩa bởi một trong những nhân tố làm nên sự tồn tại của con người là sự “ vượt lên trước”. Theo Jasper, không có “siêu việt” thì không có hiện sinh đích thực vì “tính siêu việt chính là thước đo chiều sâu thẳm hiện sinh của tôi” (Nguyễn Tiến Dũng, 2005). Nhà nghiên cứu Wahl đã nhận xét, với Jaspers, “hiện sinh không phải chỉ là nhân vị tự ý thức về mình và có tương quan với chính mình, nhưng nhân vị đó còn phải giữ mối tương quan với siêu việt là nguyên ủy của mình. Hiện sinh chính là mối tương quan đó với siêu việt. Nếu không có tương quan đó, không có hiện sinh trung thực” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Và Jaspers (đại diện các nhà hiện sinh hữu thần) coi siêu việt là Thượng đế còn Sartre (đại diện các nhà hiện sinh vô thần) coi “không theo thượng đế là siêu việt” (Đinh Hồng Phúc, 2016). Như vậy, nếu không có siêu việt thì con người không có hướng đi lên mà cũng chỉ là sự vật nhàm chán, bất động, ù lỳ và bị đặt trước vực sâu của hư vô, chưa vươn đến mức hiện sinh. Nói như Nguyễn Tiến Dũng: “Con người vươn lên, thăng hoa ở tính siêu việt của mình” (Nguyễn Tiến Dũng, 2005).
Thứ ba Vươn lên (Dấn thân, Nhập cuộc)
Chủ nghĩa hiện sinh hướng tới phạm trù “vươn lên” như một thái độ sống, hành vi đầy trách nhiệm không thể thiếu của con người. Con người hiện sinh luôn có mối quan hệ với cộng đồng nhân vị gồm nhiều cá nhân con người mà chủ nghĩa hiện sinh gọi là “tha nhân” và từ đó nảy sinh phạm trù “nhập cuộc”. Theo J-P Sartre, chính sự vươn lên đó mà con người hiện thực hóa mình vì thuyết hiện sinh “định nghĩa con người bằng hành động (...) và điều duy nhất cho con người sống chính là hành động” (Đinh Hồng Phúc, 2016). Tức là chính nhờ hành động mà con người tự tác thành lấy mình, nếu không họ có nguy cơ trở thành sự vật. Còn Thánh Augustin – một trong những cụ tổ của triết hiện sinh – đã viết: “Không tiến là lùi rồi”. Điều đó
có nghĩa là: “Vươn lên là lẽ sống của con người hiện sinh trung thực” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Cũng cùng quan điểm, “Jaspers ý thức cuộc đời con người như một vươn lên không ngừng, một vươn lên đầy khó khăn và đòi hỏi nhiều ý thức tự quy” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Nhưng vươn lên theo chủ nghĩa hiện sinh không phải là để thắng người này người nọ mà chỉ là để thắng chính bản thân mình.Với chủ nghĩa hiện sinh, không có sự vươn lên, nhập cuộc nào là dừng lại tại chỗ, cuộc sau phải cao hơn cuộc trước. Con người phải vươn lên trên cái mình của ngày hôm qua và cả ở hiện tại bởi “mỗi lần dấn thân, mỗi lần nhập cuộc là một lần lựa chọn để tôi dám là tôi. Mỗi lần tôi tự quyết về tôi trong bất cứ hành động nào, tôi đều hoàn thiện một bước nhân vị của tôi” (Nguyễn Tiến Dũng, 2005). Con người nếu không vươn lên thì sẽ bị cứng đọng, sa lầy. Cho nên con người nếu muốn có cuộc sống đích thực, thực sự trở thành người thì sẽ phải dấn thân, vươn lên và thông qua hành động họ sẽ sáng tạo bản thân và thế giới.
Thứ tư Cô đơn
Các nhà hiện sinh cho rằng không nên hiểu “cô đơn” theo quan niệm thường ngày, đó là một thái độ triết học. Con người hiện sinh trong hành trình “vươn lên”(dấn thân) để khẳng định nhân vị, tự tạo ra ý nghĩa đời sống của mình đã không lẫn tránh nỗi cô đơn mà đảm nhiệm cô đơn. Theo Trần Thái Đỉnh: “Cuộc đời của đa số người ta đều mang vẻ tầm thường, buồn nôn; cuộc đời đó là một phóng thể; vì thế cần thiết chúng ta phải tỉnh ngộ, ý thức về giá trị cao quý của nhân vị mình: do đó sinh ra ưu tư, tuy nhiên sống là phải vươn lên, vươn lên mãi mãi, bởi vì dừng lại là tự đặt mình vào cảnh chết của tinh thần; đằng khác, cuộc đời là một thử thách, đòi hỏi ta phải sáng suốt để quyết định, tự quyết. Trong tất cả các hành động đó, tôi không thể ỷ lại vào người bên cạnh, lấy họ làm gương mẫu: tôi không được làm thế, vì mỗi nhân vị là độc đáo: thành thử con người cảm thấy cô đơn.” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Như vậy, con người hiện sinh “cô đơn” vì tự mình làm nên mình, làm nên thế giới, không theo một mẫu người nào, tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình để tác thành nhân vị độc đáo.
Thứ năm Lo âu
Các nhà hiện sinh gặp nhau ở phạm trù “lo âu” - một cung bậc cảm xúc thể hiện sự bất an, tiêu cực nhưng cũng nhiều quyến rũ. Theo J-P Sartre, “người hiện
sinh sẵn sàng tuyên bố rằng con người là sự lo âu” (Đinh Hồng Phúc, 2016). Con người lo âu vì họ là một ngẫu nhiên tuyệt đối, một sinh vật bị ruồng bỏ giữa thế giới mênh mông khi mà ““Thượng đế đã chết” – con người “bị kết án phải tự do” không nơi bấu víu” (Nguyễn Thành Thi, 2010). Điều đó có nghĩa là con người bị bỏ rơi và không có gì bên trong hoặc bên ngoài họ để họ có thể dựa vào. Con người hoàn toàn tự do nhưng đó là một thứ tự do kinh hoàng khi họ phải hoàn toàn đảm nhiệm lấy mình mà không có một chuẩn mực để phán đoán, một nguyên tắc để hành động. Chính vì thế con người hiện sinh không thể tránh khỏi lo âu. Tuy nhiên, đối với các nhà hiện sinh, lo âu không chỉ là sự bất an tiêu cực mà còn là một sự hấp dẫn vì rằng sự lo âu sinh ra để phản ứng lại tính cách thường nhật, ù lỳ. Âu lo chính là phản tỉnh và một khi con người đã tỉnh ngộ thì không thể không lo âu mặc dù đó là một thứ lo vô cớ, mơ hồ khiến cho con người bồn chồn day dứt nhưng qua đó con người thấy mình hiện sinh. Và “nói như Mounier, “sự lo âu đích danh là một dấu chỉ của cảm tính đích thực về thân phận làm người””(Nguyễn Thái Hoàng, 2016) hay cũng theo J-P Sartre, “sự lo âu không phải là tấm màn tách chúng ta ra khỏi hành động, mà là một phần của hành động” (Đinh Hồng Phúc, 2016). Tức là lo âu luôn gắn với trách nhiệm cùng với sự vươn lên, nhập cuộc cho nên lo âu chính là dấu hiệu của sự hiện sinh trung thực.
Thứ sáu Buồn nôn
Các triết gia cho rằng trạng thái tồn tại thụ động, lầm lì, trơ trơ, mù mịt về mình khi bị ném vào giữa cuộc đời là “buồn nôn” (Sartre), “phi lí” (Camus), “tầm thường” (Heidegger). Cụ thể chủ nghĩa hiện sinh nhắc tới phạm trù “buồn nôn” như “là trạng thái sinh hoạt lầm lì của thường nhật, là cảnh sống của những người chưa vươn tới mức đích thực, còn cam sống như cây cỏ, động vật” (Trần Thái Đỉnh, 2015) hoặc có thể hiểu đó là “một thái độ triết học về một trầm tư của con người trước cái phi lý của đời, về một cảm tính khó chịu, nặng nề như ngạt thở trước cái hiện hữu chưa thành hiện sinh của con người” (Nguyễn Tiến Dũng, 2005). Đối với các nhà hiện sinh, thế giới và con người đều phi lý vì tính chất ngẫu nhiên, bí mật tuyệt đối. Chính cái phi lý gây ra buồn nôn và đó chính là cách phản ứng của con người trước tính phi lý của cuộc đời, trước sự “sống thừa ra” (theo cách nói của Sartre) – tức là con người chỉ mới hiện hữu chứ chưa vươn lên tới hiện sinh trung thực. Do đó “buồn
nôn, chính là cảm tính hiện sinh, sentiment d’exister, của mình, chính là sự hiện sinh có ý thức rằng mình hiện sinh” (Trần Thiện Đạo, 2001). Và một khi con người ý thức sâu sắc về giá trị của nhân vị thì buồn nôn sẽ đánh thức họ phải vùng dậy, kiên quyết vượt qua trạng thái sự vật để vươn tới thiên chức làm những nhân vị tự do và trách nhiệm.
Thứ bảy Tha hóa
Chủ nghĩa hiện sinh đề cập đến phạm trù “tha hóa” (hay “vong thân”, “phóng thể”) như một biểu hiện của việc con người quên mất, đánh mất căn tính đích thực và lìa xa bản thể của mình để hóa thành người khác. Nói cách khác, “tha hóa” chính là “tình trạng của những con người chưa tự ý thức mình là nhân vị độc đáo”(Trần Thái Đỉnh, 2015). Tha hóa làm cho con người hòa đồng, hòa nhập vào người khác, mất đi khả năng tồn tại đích thực của mình. Chính sự tồn tại không đích thực đó khiến cho người này có thể thay thế người khác. Một khi đã tha hóa, con người tự đánh mất mình, không còn thấy mình như một nhân vị và lẽ đương nhiên họ cũng không còn gương mặt đặc hữu nữa.Vì thế, tha hóa chính “là tội nguyên tổ, là căn nguyên cuộc sống tầm thường và buồn nôn của đa số con người ta” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Để thoát khỏi sự “tha hóa”, con người phải tự do lựa chọn, đảm nhiệm lấy hành động của mình, tự mình phát minh ra mình. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân phải “tìm thấy cái tôi của mình” rồi sống theo nó.
Thứ tám Cái chết
Đối với chủ nghĩa hiện sinh, “cái chết” đã trở thành phạm trù quan trọng. Các triết gia hiện sinh như Jaspers, Sartre, Heidegger... đều bàn về cái chết và cho rằng con người là một hiện hữu hướng về cái chết bởi sống và chết là hai điểm quan trọng của cuộc nhân sinh. Sartre cho rằng: “Tôi chỉ hiện sinh khi không còn hiện sinh nữa”(Nguyễn Tiến Dũng, 2005) và chỉ có “cái chết” mới kết thúc cho con người khỏi bi kịch, chấm dứt quá trình tha hóa để con người có thể hiện sinh mãi mãi. Với Heidegger, dự phóng là cơ cấu hiện hữu con người và “khi hết dự phóng là chết. Cho nên Heidegger coi sự chết là dự phóng cuối cùng, chấm hết mọi dự phóng” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Như vậy, cái chết là thất bại lớn nhất khiến con người phải đối mặt với hư vô, phá hủy mọi dự phóng, chấm hết mọi khả năng hoạt động của con người. Theo Jaspers, cái chết là một thành phần của hiện sinh vì “chết không phải là hết,
chết không phải rơi vào hư vô (...), cái chết đưa chúng ta đến một lựa chọn căn bản: chọn làm người với niềm tin rằng sự chết không chấm dứt hiện sinh của ta nhưng đưa hiện sinh tới chỗ trực tiếp tương quan với siêu việt” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Có thể thấy, với các nhà hiện sinh, cái chết là sự cố trong cuộc đời bi thảm gắn liền với nhân vị, phá hủy mọi nổ lực của con người nhưng nó cũng có ý nghĩa nhất định với sự sống ở việc thức tỉnh con người sống cho ra sống, sống tự do là chính mình, được hành động theo ý muốn của mình. Đó là biểu hiện cao nhất của sự tồn tại hiện sinh.
Ngoài những phạm trù tư tưởng trên, chủ nghĩa hiện sinh còn nhiều đề tài liên quan mật thiết đến vấn đề “nhân vị”. Song đây là những là những phạm trù căn bản thể hiện quan điểm của triết thuyết này xoay quanh vấn đề hiện hữu con người. Với những phạm trù này, ta thấy nếu bỏ qua tinh thần bi quan, chủ nghĩa cá nhân cực đoan như một số nhận định gay gắt thì chủ nghĩa hiện sinh xứng đáng là tiếng nói nhân bản, nhân văn về giá trị làm người. Nó thôi thúc con người (nhân vị) sống tích cực, có trách nhiệm với bản thân và mọi người (tha nhân). Cho nên chủ nghĩa hiện sinh đã ghi dấu trong lịch sử triết học hiện đại với tư cách là một trong những triết thuyết tiêu biểu nhất của thế kỷ XX. Nó là một trào lưu triết học, tâm lý học, văn học quan trọng nhất của thế kỷ này và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ tới.