3.1.1.Cốt truyện phân mảnh
Theo các tác giả trong Từ điển thuật ngữ văn học, cốt truyện là “ hệ thống các sự kiện được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản nhất, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2007). Trong Giáo trình dẫn luận Thi pháp học, Trần Đình Sử cũng đã đưa ra khái niệm về cốt truyện: “cốt truyện thường được hiểu là hệ thống các sự kiện chính, cơ bản dùng để biểu hiện tính cách nhân vật và phản ánh các mâu thuẫn, xung đột xã hội”(Trần Đình Sử, 2008). Cũng theo nhà nghiên cứu, ngày nay chúng ta sử dụng “khái niệm cốt truyện để chỉ hai phương diện, một là hệ thống sự kiện có tính nhân quả, cốt lõi và hai là cấu trúc của truyện” (Trần Đình Sử, 2008) và cốt truyện giúp “gắn kết các sự kiện, bộc lộ các xung đột, mâu thuẫn của con người, tạo ra một ý nghĩa về nhân sinh” (Trần Đình Sử (chủ biên), 2008). Với cách hiểu truyền thống,theo tinh thần của chủ nghĩa hiện thực, cốt truyện trong truyện ngắn và tiểu thuyết thường đi theo mô hình tuyến tính và có quan hệ nhân quả là: trình bày, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm, mở nút (kết thúc). Cho nên khi tác phẩm khép lại, người đọc biết được số phận nhân vật sẽ được định đoạt như thế nào. Nhưng theo quan điểm tự sự hiện đại, cốt truyện được hiểu là “toàn bộ các biến
cố , sự kiện được kể ra, là cái nhà văn có thể đem để kể lại” (Mai Hải Oanh, 2009). Văn học hậu hiện đại không mặn mà với đại tự sự mà thích đi vào những tiểu tự sự, đi từ những câu chuyện vụn vặt rồi đem chúng lắp ghép vào nhau làm cho cốt truyện không phải là một chỉnh thể thống nhất mà phân ra thành từng mảnh vỡ. Cho nên các nhà văn hậu hiện đại biến tự sự trở thành “cuộc phiêu lưu của của cái viết” thay vì là “cuộc phiêu lưu của nhân vật” như trước đây. Tức là “tự sự tan vỡ thành một chuỗi lắp ghép các phân đoạn, các “mảnh vỡ” của cuộc đời nhân vật chính” (Trịnh Bá Đỉnh, 2002). Do đó, “sau khi đọc xong một tiểu thuyết, người ta rất khó tóm tắt lại nó. Đây chính là chính thức phân rã cốt truyện” (Mai Hải Oanh, 2009). Nói cách khác, đây là hình thức cốt truyện phân mảnh - cốt truyện bị đập vỡ thành những mảnh vụn rời rạc, không theo trình tự thời gian hay mối liên hệ nhân quả như cốt truyện truyền thống. Tức là cốt truyện được tạo nên từ hệ thống các mảng độc lập, tồn tại bên cạnh nhau. Khi đó mỗi mảnh vụn chính là một mảng của hiện thực mà nhà văn muốn phản ánh. Và “phân mảnh” (fragmentation) là một đặc tính vô cùng quan trọng, hé mở những dấu hiệu của cảm quan hậu hiện đại trong các tiểu thuyết đầu thế kỷ. Đây là một kết cấu lắp ghép mang hơi hướng của tư duy hội họa lập thể - cốt truyện bị “nghiền nát”, đập vở thành từng mảnh vụn rời rạc, không theo một trình tự thời gian hay mối liên hệ nhân quả nào” (Nguyễn Ngọc Thanh, 2016). Chính vì lẽ đó, ta không lấy làm lạ khi Nguyễn Danh Lam – một nhà văn hậu hiện đại – lại vận dụng kỹ thuật tạo lập cốt truyện phân mảnh trong các sáng tác của mình.
Khảo sát các tác phẩm của Nguyễn Danh Lam, chúng tôi nhận thấy rất anh có ý thức trong việc sử dụng cốt truyện phân mảnh để tăng sức biểu đạt cho tác phẩm của mình. Theo nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, cốt truyện của tiểu thuyết Bến vô thường “được cấu thành bởi những đoạn rời rạc. Rồi từ những đoạn rời rạc đó, ta lần tìm một thứ dây mơ rễ má để thấy, hình như chúng phi lý khi đứng cạnh nhau. Dù rằng chúng vẫn có một sự gắn kết đặc biệt, một thứ logic phi logic” (Nguyễn Vĩnh Nguyên, 2005). Nhìn toàn cục tác phẩm, ta thấy đây là những mảng văn bản rời rạc nhau, nó không theo trật tự logic hay nhân quả. Đó là những đoạn về cuộc đời của các nhân vật như: hắn – từ một đứa trẻ thường xuyên bị cha bạo hành nên hư hỏng, đạp đinh trên nắp ván thiên khiến người thối ung tưởng chết nhưng thoát được lưỡi hái tử thần nhờ một phép lạ rồi cuộc đời lêu bêu khiến hắn trở thành thành kẻ cắp, kẻ
sát nhân; câu chuyện của cậu bé dị dạng xưng tôi luôn bị nhốt trong một không gian chật hẹp, run rẩy trước vẻ đẹp của ánh trăng, khát khao được một lần mục kích trọn vẹn vẻ đẹp đó để bản thân được tan chảy vào ánh sáng huyền dịu đó; hay câu chuyện đau lòng của cô bé học sinh 17 tuổi luôn thấy cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình của mình. Ngoài ra xen lẫn vào những câu chuyện đó lại là những đoạn về cuộc đời của những con người ở xóm ga như: thằng mắt híp, thằng sừng trâu, thằng rốn lồi, thằng câm, lão cóc, lão toét, chị rỗ, mụ vợ thợ dệt...Rồi câu chuyện của những con người cùng xóm trọ như: gã sinh viên, thằng tóc dài, thằng chữ ký, y, gã đạp xích lô, cô tóc tém, cô bốn giờ, cô năm giờ, cô sáu giờ... Chính vì cấu tạo từ những mảnh vỡ này mà ta có thể đảo lộn các mảng sự kiện về cuộc đời của các nhân vật này mà không làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của tác phẩm. Bởi dù trật tự cuộc đời của họ được nói trước hay sau thì tựu trung lại vẫn là cuộc đời của những con người thống khổ, bươn bả trong cái bến vô thường với khát vọng tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng trong cõi nhân sinh chật hẹp hành trình con người vươn lên cuộc sống đúng nghĩa nhiều khi bị ngăn cách bởi những nhỏ nhen, miệt thị, thù hằn nên các nhân vật có cảm giác bị lạc mất nhau nên họ rơi vào trạng thái cô đơn và tệ hơn là sự tha hóa. Hiện sinh của đời người trở nên mong manh và vô nghĩa trong một thế giới nhiều bất trắc.
Trong tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, cốt truyện bị nghiền nát, đập vỡ ra thành từng mảnh vụn nát. Cốt truyện không đi trật tự tuyến tính của thời gian bởi quá khứ và hiện tại đan cài vào nhau. Có thể kể đến như việc cô bán bảo hiểm từ hiện tại nhớ về những ngày mình mới bước vào yêu và cuộc tình đắng chát với một người con trai khiến cô lạc bước đến thế giới của những người đồng tính rồi quay về với thực tại với nỗi đau mang gương mặt giới tính và hướng đến một tương lai mờ mịt phía trước bằng một cuộc ra đi. Hay anh trong cảnh một mình bệnh tật đã nhớ lại này xưa được chăm sóc bởi mẹ và chị mỗi khi bị hắt hơi sổ mũi, từ đó nghĩ đến một tương lai già yếu, cô độc rồi trở về thực tại để thấy mình già ngay khi con trẻ... Không gian hoàn toàn bất định, có thể là bất cứ nơi đâu trên mảnh đất chữ S này và một nơi nào đó “bên ấy”. Đó là câu chuyện của những mảnh vỡ về anh kỹ sư thất nghiệp, về cô bán bảo hiểm đồng tính và cô bạn thiết kế cũng đồng tính như cô, về ông họa sĩ lưu lạc nơi xứ người, về những cô tiếp viên của quán ba, về cuộc sống đầu tắt mặt tối của
những người dân lam lũ. Thông qua cốt truyện phân mảnh này, Nguyễn Danh Lam muốn thể hiện một thế giới đổ vỡ và con người đương đại luôn lo âu trước những bất ổn của cuộc sống.
Cốt truyện của tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa cũng phân mảnh thành 20 phần, mỗi phần là một sự dịch chuyển của chuyến hành trình. Trong hành trình đó, ta bắt gặp nhiều mảng câu chuyện về cuộc đời của ông và những người bạn cùng thời như người bạn dạy Anh văn bỏ nghề, người bạn cùng thời sinh viên sống một mình cô độc giữa rừng núi, gã bạn nhà thơ biến chất. Xen vào đó là những câu chuyện về những đứa con - nạn nhân của cuộc hôn nhân đổ vỡ, câu chuyện của những người đàn bà ông gặp trên hành trình rong rủi, câu chuyện về những người nông dân quê nghèo khổ quẫn bách như: chuyện một gia đình vùng biển bị người ta cướp đất hay cuộc đời anh thanh niên nghèo bán thận... Tất cả dần xuất hiện trên hành trình đi tìm lại nhân vị của ông – người đã thất bại ở cả hai vai trò: người đàn ông trong gia đình, người thầy ngoài xã hội. Hay nói cách khác, cốt truyện xoay quanh những mảnh vỡ của thân phận và người đọc nhận ra những rạn nứt của những cuộc đời giữa chốn nhân sinh bắt đầu từ những mâu thuẫn đối lập giữa lối sống cũ với lối sống hiện đại, tâm thức của người già với tâm thức của người trẻ, ta với tha nhân, đức tin và hoài nghi, hi vọng với tuyệt vọng… Cứ như thế, cốt truyện kéo dài theo bước chân buồn chán, vô nghĩa của hai cha con trên chuyến đi với hi vọng tìm lại chính mình sau những va đập, tổn thương về tinh thần. Tuy nhiên hi vọng rồi lại thất vọng nên họ luôn hoài nghi thực tại. Bởi hai cha con rong ruổi qua nhiều ngày tháng, qua nhiều cung đường, qua nhiều vùng đất, đối mặt với những bất trắc khôn lường để được gì? Để tìm thấy gì? Có lẽ, họ không được gì và cũng chẳng tìm thấy gì hơn ngoài việc ngày càng lún sâu hơn vào những nỗi buồn chán, lún sâu hơn vào cái không khí nhạt nhẽo và trở nên mất phương hướng. Mảnh ghép của các phần trong câu chuyện chính là mảnh ghép của cuộc đời những con người lỡ thời, những thế hệ không còn bắt kịp với nhịp sống của thời đại nên bị hất ra bên lề xã hội rơi vào cảnh sống cô đơn, trơ trội như ông và người bạn ở núi rừng; hoặc sẽ trở thành kẻ tha hóa trong xã hội ấy như người bạn dạy Anh văn bỏ nghề làm kinh doanh phi pháp hay gã bạn thơ cơ hội, hống hách. Bên cạnh đó còn là mảnh ghép về cuộc sống đáng báo động của những người trẻ - những con người hiện đại bị cuốn theo xã hội kỹ trị, đắm mình trong thế
giới ảo, sống nhỏ nhen, ích kỷ, vô tâm như đứa con gái thầy giáo. Với cốt truyện phân mảnh này, Nguyễn Danh Lam đã thỏa sức tung tẩy trong lối viết. Từ những câu chuyện rời rạc như vừa nói trên, anh đã thành công trong việc phản ánh hiện thực đương đại với vô số những mảnh vỡ, những cuộc đời con người. Nó làm cho mỗi độc giả hôm nay có cái nhìn sâu rộng về hiện thực phân rã, đa chiều vốn đang tồn tại trong xã hội để họ có thể tự do lựa cho cho mình một thái độ sống, một hành động sống ý nghĩa và nhất là không phải rơi vào bi kịch “cuộc đời ngoài cửa cửa xe” và mình “ở ngoài cửa cuộc đời” hay thậm chí “không biết chính mình đang ở đâu” như sự tự vấn của vị thầy giáo.
Cốt truyện trong tập truyện ngắn Hợp đồng của quỷ cũng không có lớp lang chặt chẽ, không biến cố mang giá trị thắt nút, mở nút, không một nhân vật nào được khắc họa với nét tính cách hay diện mạo hoàn chỉnh. Đó là những mảng về cuộc sống của gia đình giàu có như những thành viên trong gia đình bị mất tích, câu chuyện về một chàng trai và cô gái đã bán linh hồn cho loài quỹ dữ, câu chuyện về một anh thanh niên trong một chuyến thám hiểm ngôi nhà hoang trên ngọn đồi, câu chuyện anh trong một buổi sáng vào rừng tìm bụi huyết lan, câu chuyện về chàng trai cô gái ôn thi chung lớp kiến trúc gặp lại sau nhiều năm, câu chuyện về hai cha con trong nạn hồng thủy, câu chuyện về cuộc sống của gia đình ở thành phố bỗng nhiên bị xáo trộn bởi những con chim chết... Cứ như thế, Nguyễn Danh Lam “dẫn người đọc đi theo chiều dọc văn bản, tìm kiếm một cái gì đó, để rồi cái tìm được dường như chỉ là những điều hết sức vặt vãnh, thậm chí trống rỗng, trong tồn tại nhân sinh” như lời nhận xét của Nguyễn Hoài Nam (Nguyễn Danh Lam, 2016). Bằng việc kể lại những câu chuyện không đầu cuối rõ ràng, nhà văn đã tái hiện lại một thế giới không trọn vẹn, con người hoang hoải trong tâm trạng bấn loạn, hoang mang, lo âu trước những hiểm nguy rình rập.
Trước đây, các nhà văn tưởng rằng mình chính là người thư kí trung thành của thời đại và có khả năng nắm bắt toàn bộ thế giới. Song, thế giới rất rộng lớn và sự nhận thức của con người về nó là hữu hạn. Tức là, con người không thể nhận thức nó một cách bao quát mà chỉ có thể nhận thức qua từng mảnh vỡ. Vì vậy, các nhà văn đương đại trong đó có Nguyễn Danh Lam đã vận dụng kỹ thuật viết phân mảnh cốt truyện để thể hiện quan niệm đó. Qua các tiểu thuyết và truyện ngắn của anh, thế giới
hiện lên không toàn vẹn mà chỉ là những mảng hiện thực rời rạc, đổ vỡ, rạn nứt. Sống trong thế giới đó con người khó tìm được sự tương giao, liên kết.