Con người nổi loạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 98 - 104)

Trong thời đại mà “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người” (Này em còn nhớ - Trịnh Công Sơn), con người thực sự bị bỏ rơi hoàn toàn cho nên họ chỉ có thể trông cậy vào bản thân. Họ phải tự lựa chọn và hành động để khẳng định chủ thể, khẳng định nhân vị tự do, độc đáo. Và cũng vì “hiện sinh có trước bản chất” (Đinh Hồng Phúc, 2016) nên con người luôn có ý muốn vượt thoát để tự do lựa chọn và quyết định con đường hiện sinh nhằm tự kiến tạo nên bản chất của mình. Sự tự do trên hành trình dấn thân đó của chủ nghĩa hiện sinh luôn gắn với sự nổi loạn, liều lĩnh.

Nói cách khác, con người nổi loạn khi họ bị rơi vào tình trạng sụp đổ niềm tin - niềm tin vào những mô thức có sẵn hoặc niềm tin vào những điều được xem là đúng đắn trước nay. Cuộc đời là không hợp lý nên con người không thể chỉ biết chấp nhận nó mà cần phải biết phản kháng để chống lại. Và bản chất của hiện sinh là nổi loạn như A. Camus đã nói: “Sự cao cả của con người là ở thái độ nổi loạn chống lại tính phi lí của thế giới”. Điều đó có nghĩa là con người phải biết đứng lên chống đối để khẳng định giá trị sự tồn tại của mình trong cuộc đời vô nghĩa này. Mục đích của nổi loạn không gì khác hơn là con người muốn khẳng định sự tồn tại của bản thân, cố truy tìm bản thể; con người muốn mọi người hay đúng hơn là xã hội thừa nhận, chấp nhận họ như chính họ.

Khi đọc những trang tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam, người đọc không khỏi ám ảnh bởi kiểu nhân vật nổi loạn. Như một mũi khoan sâu, ngòi bút sắc lạnh của anh đã tái dựng những bước chân lạc lối giữa đô thị hiện đại của những kiếp nhân sinh lạc loài một cách rõ nét. Họ là những con người mang thân phận cô đơn, những con người dường như bị xã hội bỏ quên hoặc không theo kịp dòng chảy của thời đại cho nên bị hất ra bề lề cuộc sống. Họ mất niềm tin và không còn nơi để nương tựa về mặt tinh thần. Vì thế các nhân vật của anh đã vùng lên để biểu thị thái độ phản kháng bằng con đường nổi loạn. Sự nổi loạn đó có thể đến từ trong suy nghĩ nhưng có khi được thể hiện một cách mạnh mẽ qua hành động của các nhân vật.

2.2.3.1. Nổi loạn trong suy nghĩ

Nổi loạn trong suy nghĩ là việc con người luôn suy nghĩ, tư duy, trăn trở về sự hiện tồn của bản thể trong thời đại mình sống bởi mỗi cá nhân là một tế bào có ý nghĩa và trách nhiệm với đời cuộc đời nên không thể tách rời khỏi nhịp sống của thời đại. Theo quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh, con người nổi loạn dù là trong suy nghĩ nhằm mục đích chống lại tình trạng hỗn độn của đời sống hay những điều phi lí mà họ buộc phải đối diện trên hành trình dấn thân truy tìm bản thể. Phản kháng hay nổi loạn được xem như một trong những phẩm tính quan trọng của hiện sinh bởi: “Người chỉ là người thực sự nếu biết phản kháng. Danh dự, giá trị làm người ở chỗ biết phản kháng, chống lại những thân phận đã bị gán cho một cách phi lí” (Nguyễn Văn Trung, 1964).

Trong Giữa vòng vây trần gian, Thữc sau bao ngày hoảng loạn, mệt mỏi chạy trốn “họ”, anh muốn phản kháng lại, muốn trực diện với họ để được họ công nhận là người của làng, để được sống trong mối quan hệ cố kết với đồng loại vì anh không muốn tiếp tục sống như một thực thể vô hình giữa thế giới nhiều phi lý. Nghĩ thế, Thữc không còn thấy hoảng loạn nên anh quyết định không chạy trốn nữa, anh nghĩ rằng: “Cho đù có một bóng người bất thần xuất hiện, có lẽ anh cũng chẳng phản ứng gì” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Sự thách thức đã bừng lên trong tâm trí khiến “anh quyết định, chờ cho đến khi màn đêm buông xuống hẳn sẽ chủ động vào làng”

(Nguyễn Danh Lam, 2005). Những suy nghĩ thể hiện sự phản kháng, nổi loạn khi bị đẩy vào hoàn cảnh tuyệt vọng của Thữc đã phản ánh khát vọng được cộng đồng thừa nhận sự hiện tồn của anh trong thế giới của họ mặc dù đó là chỉ một cõi hồng hoang

để cuộc hiện sinh của anh thực sự có ý nghĩa.

Những đứa trẻ trong tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam cũng là những nhân vật nổi loạn trong sự khủng hoảng tâm lí của lứa tuổi vị thành niên. Đứa con gái vị thầy giáo trong tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa từ một đứa bé ngoan hiền đã trỗi dậy bản tính khác thường. Sự đổ vỡ của gia đình đã để lại những chấn thương nặng nề trong tâm lí khiến cho cô bé hụt hẫng, trầm cảm đến nỗi phải cần đến sự điều trị của bác sĩ tâm lí. Nó trở nên lầm lì và căm hận sự vô trách nhiệm của người lớn. Qua suy nghĩ, nó phòng vệ với búa rìu dư luận bằng sự chống đối nội qui trong trường học như cách nó giải thích với ba nguyên nhân mình nghỉ học: “con vi phạm kỉ luật trong trường” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Vì nó nghĩ lúc nào nơi ấy có sẵn những ánh mắt soi mói nó: “Con chẳng biết nữa. Con có cảm giác mọi ánh mắt trong trường đều đổ dồn vào con. Con là con của... cô giáo ấy, thầy giáo ấy... Nên con kháng cự” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Với suy nghĩ: “Rồi đời con cũng tan nát thôi. Ba mẹ từng hạnh phúc như vậy, rốt cuộc cũng tan nát. Huống hồ chi con, đã tan nát ngay từ nhỏ thế này” (Nguyễn Danh Lam, 2014), đứa bé ấy hầu như muốn tuyệt giao với tha nhân, không thích giao tiếp với ai. Nó làm bạn với điện thoại, với thế giới ảo, phó mặc tương lai, cuộc đời của mình vào những trò game vô bổ. Nó trở thành một con người ích kỷ với suy nghĩ: “Nếu không ích kỷ, ba chỉ có... chết sớm” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Như vậy, cô bé nổi loạn để phản kháng lại sự phi lí của cuộc sống khi những trật tự về luân thường đạo lí bị đảo lộn, giá trị của đạo đức xuống cấp khiến mẹ nó đánh mất nhân phẩm, làm tan nát của một gia đình, tan nát luôn cả tương lai của những đứa con. Nó từng nghĩ đến việc sẽ kết thúc cuộc đời mình như một cách phản ứng lại sự vô trách nhiệm của người lớn: “Những gì con có hôm nay chỉ là sự khủng hoảng. (...) con sẽ... tự tử” (Nguyễn Danh Lam, 2014).

Có một thực tế đáng suy ngẫm là cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì tính bền vững của gia đình và sự gắn bó của các thành viên càng có chiều hướng lỏng lẻo hơn.Trong xã hội ngày nay, những đứa trẻ bị “bỏ rơi” trong chính gia đình của mình không phải là hiếm gặp. Cho nên chúng phản ứng lại bằng cách nổi loạn. Nhân vật tôi trong Bến vô thường cũng phản ứng theo cách tương tự như đứa con gái thầy giáo - muốn tìm đến cái chết: “Giá như, giá như mình được chết” (Nguyễn Danh Lam, 2004) - khi tôi thấy mình không thể tìm được tiếng nói chung trong gia đình. Giữa tôi

với ba mẹ không có sự sẻ chia mà chỉ có mệnh lệnh và thực hiện nghĩa vụ học tập sao cho không hổ mặt một gia đình trí thức. Cho nên, trong tâm trạng khủng hoảng khi nhận kết quả học tập, tôi “ra ngồi một mình nơi bến sông, thèm nhảy thẳng xuống nước để không còn phải trở về nhà” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Tôi chỉ muốn tìm đến cái chết. Khi bị cha đánh vì tội trốn đi chơi với bạn trai, tôi lại muốn treo cổ lên trần nhà tự tử. Nghĩ đến cách phản kháng tiêu cực, nhân vật tôi muốn được cha mẹ thừa nhận mình như một nhân vị trong cuộc đời này, nhân vị đó cần có một thế giới riêng mình – thế giới của những trang nhật kí – nơi đó tôi có thể trải lòng mình, có quyền tự do lựa chọn các mối quan hệ mà không vấp phải sự cấm đoán vô cớ của bố mẹ mà cô không được quyền lên tiếng giải thích.

Khi viết về sự nổi loạn của trẻ em, dường như Nguyễn Danh Lam muốn đưa ra tiếng nói đối thoại với các bậc phụ huynh về việc giáo dục con cái. Hãy cho trẻ sống trong một gia đình trọn vẹn và nơi đó cha mẹ hãy là điểm tựa vững chắc cho con, rộng lòng tha thứ khi con mắc phải lỗi lầm. Hãy thường xuyên tâm sự với con cái mình hơn để hiểu nhu cầu, suy nghĩ của chúng trong thời điểm này. Cha mẹ cần từ bỏ kiểu giáo dục mang nặng lý thuyết, giáo điều, áp đặt chuẩn mà cần phải tìm cách tiếp cận con cái một cách tế nhị, tìm hiểu kỹ về những đặc tính của tuổi trẻ hiện nay, nhất là các sở thích, thói quen, để trở thành người bạn thực thụ và bình đẳng đối với con mình. Hãy trở thành bạn và không nên là bề trên để răn dạy, vì cách đó sẽ không được trẻ tiếp nhận với thái độ tích cực, nhiều khi còn phản tác dụng. Đừng để con mình cô đơn ngay trong chính nơi được gọi là mái ấm rồi có những cách nổi loạn gây hậu quả đáng tiếc. Dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh hòa trong dấu ấn hậu hiện đại được thể hiện khá rõ trong sáng tác của nhà văn say mê chữ nghĩa này.

2.2.3.2. Nổi loạn trong hành động

Những suy nghĩ nổi loạn ở trên của con người chính là cú nhích chuẩn bị cho những hành động vùng vẫy, phản kháng thực sự trên hành trình khẳng định nhân vị của mình. Và nổi loạn trong hành động tức là đưa những trăn trở, suy nghĩ thành những hành động cụ thể. Nó thể hiện ngay trong lối sống, cách sống của con người. Nổi loạn cũng là một hình thức dấn thân và J. P. Sartre là người luôn cổ vũ cho tinh thần dấn thân của con người vì khi dấn thân, con người sẽ cứu rỗi sự tồn tại của mình cũng như thế giới.

Sự nổi loạn là một hành trình đi tìm bản thể trong những điều ngược ngạo của con người. Ở đó, họ được tung hoành với niềm vui phá phách và họ thả mình rơi tự do và làm theo những điều mà con tim mình mách bảo. Chính vì vậy, tất cả những hành động của con người nổi loạn đều mang biểu hiện không bình thường dưới cái nhìn của những người bình thường. Cô gái trong lớp học Anh văn trong tiểu thuyết

Giữa dòng chảy lạc vì muốn thoát khỏi hiện thực tù túng, tẻ nhạt trong không gian sống chật hẹp, bức bối, phức tạp, xô bồ của đại gia đình nên đã tiêu hết tiền đi làm của mình cho việc mua sắm, chưng diện, trang điểm thật sắc sảo và đi học ngoại ngữ để mong có cơ hội xuất cảnh: “Tất cả tiền bạc em làm ra cũng chẳng nhiều nhặn gì, ngoài việc trang điểm, phục sức, em dành hết cho việc học ngoại ngữ” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Hành động nổi loạn này chính là cách giúp cô khẳng định sự tồn tại của bản thân, sống với chính khát vọng của mình, sống đúng nghĩa như mình mong muốn để mong thoát khỏi cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt. Cũng với mong muốn ấy, nhân vật tôi trong Bến vô thường đã tìm mọi cách thoát khỏi không gian tù túng của căn phòng gần mười tám mét vuông để được một lần mục kích vẻ đẹp toàn bích của ánh trăng. Ý nghĩ đó thôi thúc tôi đi đến một hành động mà mẹ tôi không thể ngờ tới: “Tôi gồng chắc hai tay, dùng phần dưới thân mình xô mạnh vào cánh cửa. (...) Mẹ không thể ngờ một hôm tôi sẽ lết ra khỏi cái hộp”(Nguyễn Danh Lam, 2004).

Nhưng sự nổi loạn đôi khi phải trả giá bằng cái chết. Khi tôi đang đắm mình tận hưởng niềm hạnh phúc trong không gian toàn trăng đã bị hắn – một tên trộm trong cơn bấn loạn vì tưởng mình bị tôi phát hiện - đẩy mạnh xuống đất. Và “Tôi nằm sát một bụi cây, đầu dập nát, khuôn mặt úp xuống một vũng cỏ đầy trăng. Máu tôi chảy len lỏi qua những hòn cuội trắng” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Trong truyện ngắn Mưa tháng mười một, em không tìm thấy ý nghĩa sống của đời mình đã nổi loạn bằng cách bỏ học: “Một tuần qua, em không lên lớp” (Nguyễn Danh Lam, 2009). Em quyết định từ bỏ anh người yêu sinh viên để cặp bồ với những lão nhà giàu lắm tiền nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và chạy theo danh vọng:“Em choán cả trang bìa, mắt tô quầng tím đẫm, môi trễ ra nũng nịu, óng nhẩy màu son” (Nguyễn Danh Lam, 2009). Sự nổi loạn đó của em đã phải đánh đổi bằng một cái chết thương tâm: “Em rơi xuống từ cửa sổ tầng ba một khách sạn... Trừ đi số năm tử năm sinh

trên mảnh giấy báo tang, năm ấy em vừa 21” (Nguyễn Danh Lam, 2009).

Trong cuộc sống, đối tượng dồn ép con người đi đến những hành động nổi loạn đôi khi chính là những người thân trong gia đình. Những đứa trẻ trong tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam đã có những hành động nổi loạn cực đoan để phản ứng lại các ba mẹ chúng. Cũng trong Cuộc đời ngoài cửa, đứa con gái của ông từ những suy nghĩ nổi loạn vừa được đề cập ở trên đã đi đến hành động thể hiện sự chống đối lại bố mẹ mình. Nó lao vào chơi game mọi lúc mọi nơi. Vì không thích ba nó đối xử quá tốt và tử tế với mọi người nên nó phản kháng bằng cách “ không ăn sáng, không một câu đáp trả, mặc ông năn nỉ ngọt nhạt hết sức” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Trong phút bốc đồng của trẻ con do “mất thăng bằng tình cảm giữa hai cha con, nó đã bỏ đi” (Nguyễn Danh Lam, 2014) và trở thành đàn bà trong dáng vẻ run rẩy khi trở về. Vì ghét cách im lặng của bố khi chính nó và anh trai nhiều lần nói với ông về việc mẹ ngoại tình, nó nổi loạn bằng cách gào thét. Đỉnh điểm của sự nổi loạn mang tính chất đối kháng quyết liệt giữa nó với cha là hành động nhảy lầu tự tử: “Con gái ông tông cửa lao bần bật ra hành lang. (...) Một tiếng ầm khủng khiếp. Chồm tới, ông thấy một thân hình đang giãy giật chân tay, trên mái tôn ngôi nhà trệt phía dưới” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Tương tự thế, cô bé học sinh 17 tuổi trong Bến vô thường khi bị cô lập trong gia đình cũng đã tìm đến bạn trai sau mỗi buổi học và lấy cớ đi cắm trại với trường để ra ngoại thành với người bạn ấy, bỏ ngoài tai lời răn đe của cha: “Mặc kệ đêm lửa trại, mặc kệ những trò sinh hoạt tập thể, tôi cùng người ấy ra bãi lấy xe” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Cũng như con gái thầy giáo, đỉnh điểm của hành động nổi loạn ở cô bé khi bị cha phát hiện việc trốn đi chơi và trừng phạt bằng một trận mưa roi là biến ý định tự tử bằng cách treo cổ thành hiện thực khi nó quyết định bỏ nhà đi với một lọ sunfat đồng: “Mò vào nhà kho, tôi lấy thêm lọ sunfat đồng” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Và cô bé kết thúc cuộc đời cô đơn, bế tắc của mình trong một nhà trọ.

Khi mang trong trong mình sự chênh chao, lạc lối của những con người có thân phận dị biệt với nỗi đau mang tên “gương mặt giới tính”, con người chọn cách nổi loạn như là cách giúp bản thân truy tìm bản thể nhằm tìm về với chính mình. Trong Giữa dòng chảy lạc, nhân vật cô bán bảo hiểm sau những thương tổn của mối tình đầu đã nổi loạn bằng hành trình lạc lối khi tìm đến và yêu cô bạn thân để tìm sự

cảm thông và lấp đầy khoảng trống cô đơn. Hành trình tìm kiếm cảm xúc thật, sống thật với bản thân đã dẫn cô vào mê cung của thân phận dị biệt và điều ấy vấp phải sự phản đối của gia đình. Cô cũng từng muốn chấm dứt cuộc sống khổ đau của mình:

“Em đã từng lên mạng, gõ tìm thử cụm từ “cách tự tử”” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Cô lấy anh với mong muốn tìm lại con người thật của mình nhưng giữa anh và cô mãi mãi chỉ là hai thực thể cô đơn đang tồn tại song song nhau trong một nhà. Một

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 98 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)