dung và nghệ thuật góp phần tô đậm bức tranh muôn màu của đời sống văn chương như: Tìm, 1998 (Thơ, NXB Trẻ); Bến vô thường, 2004 (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn); Giữa vòng vây trần gian, 2005 (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn); Mưa tháng mười một, 2008 (Tập truyện ngắn, NXB Lao Động); Giữa dòng chảy lạc, 2010 (Tiểu thuyết, NXB Văn nghệ); Cuộc đời ngoài cửa 2014 (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn);
Hợp đồng của quỷ, 2016 (Tập truyện ngắn, NXB Văn học).
Với mục tiêu sẽ viết được những trang có “chút gì để nghĩ” (từ dùng của tác giả), nhà văn sớm khẳng định mình qua các giải thưởng văn học như: giải khuyến khích của cuộc thi thơ Bút mới báo Tuổi trẻ 1996; giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn báo nghệ 2006 - 2007; giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc; giải C trong Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011 – 2015) cho tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa. Điều đáng chú ý là anh đã có tiểu thuyết, truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Trung... Cho nên Nguyễn Danh Lam được đánh giálà một trong những cây bút có năng lực sáng tạo dồi dào và đã khẳng định được phong cách riêng, độcđáo.
1.2.2. Điều kiện tiếp biến chủ nghĩa hiện sinh trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam Danh Lam
Xuất hiện những năm đầu thế kỷ XXI, nhà văn trẻ 7X Nguyễn Danh Lam đã để lại những tác phẩm độc đáo và khẳng định mình bởi lối đi riêng. Các sáng tác của anh mang dấu ấn hậu hiện đạikhi miêu tả hiện thực thậm phồn cùng thế giới nhân vật với những con người chấn thương, nổi loạn, xa lạ với bản thể – những vấn đề thực chất rất gần gũi với cảm quan hiện sinh. Cho nên bên cạnh dấu ấn hậu hiện đại, ta còn nhận thấy trong truyện ngắn và tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh. Thiết nghĩ ta cũng nên quan tâm đến những điều kiện giúp nhà văn tiếp biến chủ nghĩa hiện sinh và để lại dấu ấn trong tác phẩm của mình.
Trước hết là điều kiện khách quan. Như trên đã trình bày,chúng tôi có đề cập đến sự thay đổi về bối cảnh lịch sử - xã hội của đất nước, sự chuyển đổi hệ nguyên
tắc diễn ngôn sau 1986, sự thay đổi trong định hướng văn học là các tiền làm cho khuynh hướng hiện sinh trở lại trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ sau đổi mới. Là nhà văn trẻ sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh đất nước dần tiến tới độc lập và hòa bình hoàn toàn lập lại, Nguyễn Danh Lam may mắn nằm trong đội ngũ sáng tác của văn học thời kỳ này. Từ sau Đại hội Đảng lần VI, sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật cùng chính sách mở cửa, giao lưu văn hóa đã tạo điều kiện cho trào lưu tư tưởng phương Tây hiện đại trong đó có chủ nghĩa hiện sinh du nhập và lan tỏa ảnh hưởng ở nước ta. Cho nên vấn đề con người tiếp tục thu hút các nhà văn và âm hưởng hiện sinh đã trỗi lên trong sáng tác của họ. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghệ thông tin thế kỷ XXI đã tạo ra cái mà ta gọi là xã hội thông tin, xã hội hậu hiện đại đã làm cho người Việt Nam hôm nay luôn có tâm lí lo âu. Với chức năng phản ánh, văn học đã truyền tải tất cả những điều này nhằm làm nổi bật sự hiện sinh của con người trong xã hội đương đại. Việc tái bản các công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hiện sinh cũng như phong trào dịch thuật các tác phẩm văn học hiện sinh của các tác giả nước ngoài đã giúp cho các nhà văn, đặc biệt là nhà văn trẻ điều kiện tiếp xúc một cách sâu rộng với triết thuyết này. Tinh thần hiện sinh với việc đi sâu vào khám phá bản thể con người và phản ánh hiện thực cùng với kỹ thuật sáng tác được đông đảo nhà văn tiếp nhận trong đó có Nguyễn Danh Lam.
Về điều kiện chủ quan, Nguyễn Danh Lam là một người đam mê chữ nghĩa, đặc biệt anh rất thích đọc sách. Mặc dù từ nhỏ phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê mãnh liệt đó. Anh tâm sự: “Năm 16 tuổi, tôi sống một mình coi cái rẫy cà phê ở Đăk Lăk cho đến 20 tuổi. Không điện, không nước, không một tiếng người. Thậm chí nhiều khi không… ăn. Chỉ có một tủ sách nhỏ bầu bạn (...). Có lẽ tôi đã mê chữ từ đó” (Dương Tử Thành, 2012). Niềm đam mê chữ nghĩa cộng với một tuổi thơ cơ cực và thiếu thốnnên những trang viết của anh thấm đẫm những triết lý về thân phận và đời người như lời anh bộc bạch: “Tôi đã bôn ba, chịu nhiều cơ cực từ tấm bé. Lại có cả một thời gian 5 năm dài, sống gần như đơn độc giữa thiên nhiên hoang dã. Tôi tự nhận mình là một người nhạy cảm, thích suy tư. Nhiều suy tư của tôi từ lúc con nít, đã nghe "mùi" triết lý thân phận, nhân tình thế thái, dĩ nhiên là non nớt” (Dương Tử Thành, 2012). Triết lý non nớt đó được anh bồi đắp bằng kiến thức của triết học: “Sau này vào đại học,
được về thành phố lớn, thứ sách đầu tiên tôi “đâm đầu” vào đọc là triết học. Cảm thấy nó gọi tên được nhiều điều mình từng nghĩ trong đầu. Tôi đọc nhiều năm, đã có lúc bị “ngộ triết”, đọc xong là... phun ra phèo phèo. Về sau tôi nghĩ, trong văn có triết, chứ không phải “lẫn” triết.” (Dương Tử Thành, 2012). Do đó, độc giả nhận thấy trong các sáng tác của anh những biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh ở việc suy tư về hiện thực, về con người hòa trong dòng chảy của khuynh hướng hiện sinh của văn xuôi Việt Nam đương đại.Lê Minh Phong nhận xét: “Nguyễn Danh Lam là một trong số ít nhà văn đương đại ý thức được tầm quan trọng của sự làm chủ lối viết đối với thể loại tiểu thuyết. Qua những tác phẩm tiêu biểu như: Bến vô thường (2004), Giữa vòng vây trần gian (2005), Giữa dòng chảy lạc (2010), Cuộc đời ngoài cửa (2014)... chúng ta thấy rằng sự làm chủ lối viết của Nguyễn Danh Lam bắt đầu từ sự ý thức về vai trò của triết học trong sáng tác văn chương. Mà cụ thể hơn, thế giới của Nguyễn Danh Lam luôn dựa trên nền tảng của triết học hiện sinh (existentialism) (Lê Minh Phong, 2015).
Vì “chủ nghĩa hiện sinh là triết học của một thời đại không lặp lại”(Huỳnh Như Phương, 2008) nên theo Thái Phan Vàng Anh: “thời đại thay đổi, tinh thần hiện sinh cũng thay đổi theo. Sự trở lại với tinh thần hiện sinh trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI do vậy một mặt vừa thu nhận, một mặt vừa tiếp biến để phù hợp với tâm thế con người hôm nay cùng nhiều nỗi ưu tư, trăn trở về bản thể. Thay vì tìm cách thoát khỏi nỗi cô đơn, con người hôm nay bằng lòng với nỗi cô đơn, xem cô đơn là điều mặc định của kiếp người. Thay vì bất mãn trước thế giới phi lý, con người hôm nay xem sự phi lý của thế giới là có lý và chấp nhận nó” (Thái Phan Vàng Anh, 2014). Cho nên Nguyễn Danh Lam trên cơ sở tiếp nhận đã biến đổi và thể hiện tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh một cách uyển chuyển trong các sáng tác của mình để làm nổi bật vấn đề con người, hiện thực của thời đại. Do đó, dấu ấn hiện sinh trong sáng tác của anh ít nhiều đã đem lại cảm giác mới vì một mặt nó không còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Kierkegaard, Nietzsche, Sartre hay Camus... như các tác phẩm miền Nam giai đoạn 1954-1975. Mặt khác, nó vừa mang cảm quan hậu hiện đại vừa là biểu hiện của cảm quan hậu hiện đại như đã đề cập ở trên. Cảm thức hậu hiện đại xem thế giới là hỗn mang cho nên hiện thực trong quan niệm của Nguyễn Danh Lam không hề xuôi chiều, dễ dãi mà nó hiện lên phức tạp, bộn bề. Trong công trình nghiên cứu của mình, Trần Thị Thúy cho rằng: “Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nguyễn Danh
Lam luôn khai thác những vấn đề gai góc của cuộc sống. Nhà văn từng bộc bạch những suy nghĩ về mình về cuộc sống: “Nói ra thật khó lọt tai, nhưng quả thực tôi có cảm giác như ngồi trong một căn phòng sát bên hè phố vậy, nhiều tiếng động. Trong nững tiếng động ấy có tiếng rú ga, tiếng bóp còi, tiếng... cãi cọ, tiếng rao... mà rất khó nghe một tiếng nhạc. chắc là có mà bị át đi rồi” (Trần Thị Thúy, 2013). Vì vậy, khi đọc những trang văn chứa đầy sự trăn trở của tác giả, người đọc sẽ nhận ra ở đó những bức tranh rộng lớn về cuộc sống của con người trong xã hội hiện đại. Họ đang tự đi tìm chính mình trong cuộc hiện sinh thăm thẳm và trong cảm quan hoài nghi của những tấn bi kịch đương thời. Đó là thân phận của những “lạc thể” giữa cuộc đời, thân phận của những con người thống khổ bươn bả với khát vọng làm người, khát vọng hạnh phúc, hay thân phận của những con người luẩn quẫn trong những cảnh giới chính mình tạo ra với đầy rẫy nỗi sợ hãi vô lí. Nói cách khác, Nguyễn Danh Lam là một nhà văn ý thức rất rõ vai trò của triết học trong sáng tác văn chương nên thế giới của anh mới nhìn vào tưởng chừng là những câu chuyện đời thường giản đơn nhưng thật ra lại chứa đựng cả tấn bi kịch tinh thần của con người đương đại. Đó là những con người đang đối mặt với những vấn đề thuộc về sinh tồn, thuộc về bản thể. Cho nên, khi đọc các tác phẩm của anh, ta sẽ bị ám ảnh về sự lạc lõng, cô đơn cùng cực của con người giữa biển nhân sinh và bất trắc cuộc đời (Giữa vòng vây trần gian); cuộc sống có quá nhiều bất ổn và phận người thì phù du, nước chảy bèo trôi (Giữa dòng chảy lạc); nỗi buồn chán, cảm thức buồn nôn, tâm trạng vong thân của con người cùng thế giới vô nghĩa, phi lý (Cuộc đời ngoài cửa)... Đó là những suy tư, trăn trở của con người trong xã hội hôm nay. Cảm quan hiện sinh này được nhà văn thể hiện qua kỹ thuật tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại như xây dựng kiểu nhân vật nghịch dị, nhân vật đám đông, xây dựng không gian hiện thực thậm phồn, sử dụng phương thức làm mờ hóa nhân vật, kỹ thuật dòng ý thức...
Trên đây, chúng tôi vừa trình bày những nét chính về Nguyễn Danh Lam và điều kiện tiếp biến chủ nghĩa hiện sinh trong sáng tác của anh. Nhà văn từng mong ước: “Cuộc sống rộng lớn như vậy, mình ngồi trong cái góc riêng tư của mình, gọi lên một tiếng mà có người nghe thấy, đó cũng là hạnh phúc rồi” (Dương Tử Thành, 2012). Và quá trình học tập, lao động nghệ thuật nghiêm túc đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Danh Lam trong lòng đọc giả hôm nay với những sáng tác mang đậm dấu ấn hiện sinh.
Tiểu kết chương 1
Triết học hiện sinh là triết học về nhân vị mà chủ thể tri thức chính là nhân vị con người. Xoay quanh vấn đề nhân vị là những phạm trù tư tưởng nhằm thức tỉnh con người, lôi con người ra khỏi tình trạng phóng thể để vươn lên mức hiện sinh trung thực của nhân vị tự do và trách nhiệm.Từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, những tiền đề về lịch sử xã hội cũng văn học đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện trở lại trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Chủ nghĩa này được đông đảo nhà văn đón nhận và thể hiện nó như một trạng thái tinh thần của thời đại qua cảm quan về cuộc sống phi lý, con người cô đơn luôn trong trạng thái lo âu, bị ám ảnh về cái chết để rồi nổi loạn, tha hóa trên hành trình dấn thân tìm kiếm bản thể. Đây là những tiền đề quan trọng góp phần làm nên những sáng tác văn xuôi mang cảm quan hiện sinh của Nguyễn Danh Lam – nhà văn say mê chữ nghĩa và triết học.
Chương 2
DẤU ẤN HIỆN SINH TRONG TRUYỆN NGẮN VÀ TIỂU THUYẾT NGUYỄN DANH LAM
NHÌN TỪ CẢM QUAN VỀ HIỆN THỰC, CON NGƯỜI
Trên cơ sở vận dụng những lý thuyết về chủ nghĩa hiện sinh, ở chương này chúng tôi làm rõ dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam nhìn từ cảm quan về hiện thực và con người. Cụ thể, ở cảm quan về hiện thực chúng tôi sẽ đi vào khai thác các mảng hiện thực phi lý, kỳ ảo và hiện thực tiềm ẩn nhiều bất trắc; ở cảm quan về con người chúng tôi sẽ tìm hiểu, phân tích những thân phận của con người cô đơn, con người lo âu, con người nổi loạn, con người tha hóa. Thông qua tấn bi kịch tinh thần mà con người phải gánh chịu trong thời đại mới, nhà văn muốn nhắn gửi những thông điệp mang tính triết lý sâu sắc về con người và về cuộc sống của thời hiện đại.