Cuộc sống luôn chứa đựng những điều tiêu cực. Cái tiêu cực ấy được hiểu như những bất toàn của hiện thực cuộc sống. Nó xuất hiện một cách rộng rãi trong các sáng tác của các nhà văn hiện sinh như cách Kafka từng phát biểu: ông đã hoàn toàn nhận vào mình cái tiêu cực của thời đại và phản ánh nó vào trong các tác phẩm của mình. Tiếp cận đặc điểm khá tiêu biểu này, Nguyễn Danh Lam đã phản ánh một hiện thực nhiều bất trắc đang vây quanh cuộc sống của con người hiện đại qua những trang văn chứa đựng nhiều nỗi suy tư của tác giả về cuộc đời.
Khám phá các sáng tác của nhà văn, chúng tôi nhận thấy các nhân vật của tác giả luôn phải đối diện trước một hiện thực chứa đầy những nguy cơ và bất trắc không thể lường trước trong thế giới họ đang sống. Tai họa có thể bất ngờ ập đến với họ bất cứ lúc nào. Cái chết luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi và nó đến với mọi đối tượng. Cuộc sống mưu sinh vất vả của những con người thống khổ, bươn bả trong Bến vô thường đôi khi khiến trái tim độc giả như bị bóp nghẹt bởi hiện thực tàn khốc đã bất giờ giáng xuống cuộc đời họ qua những cái chết rất thương tâm. Đó là cái chết bất ngờ ập đến với gã hành khách trong lúc gã mệt quá ngủ quên đi ở đống củi trên một chuyến tàu định mệnh chạy ngang xóm ga. Gã chết khi chưa kịp tỉnh ngủ: “gã hành khách như một đụn thịt bay chới với cùng mớ củi trên không rồi cắm mặt xuống đám
đá xanh trải dưới nền đường. (...) Cái áo màu xanh cứt ngựa trên mình gã bục toang ra từng mảnh” (Nguyễn Danh Lam, 2004).
Đó là cái chết không báo trước đến với hai cậu thanh niên con mụ thợ dệt ở một cơ sở sản xuất pháo trong những ngày giáp tết: “Số pháo văng lên trời nhưng trần nhà xưởng lại sập xuống, đè chết cả hai thằng” (Nguyễn Danh Lam, 2004).
Sống trong một thế giới bất toàn, con người có thể bị kết thúc sự sống khi đang làm việc. Tai nạn đuối nước đã lần lượt cướp đi sinh mạng cha mẹ của đứa cháu gã cửa hàng “chạp phô” khiến nó trở thành đứa trẻ mồ côi giữa cuộc đời: “Thằng nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ ruột, ông cậu đón về nuôi” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Ngoài ra, cái chết bởi tai nạn đến từ điện cũng là nỗi ám ảnh của con người. Vợ gã thợ rèn, sau lần bị chồng đánh gãy xương đùi trở thành kẻ ngớ ngẩn, làm việc nhà, bị điện giật chết.
Những nguy hiểm đến từ cuộc sống bất trắc đã để lại những ám ảnh trong tâm hồn những đứa trẻ của xóm ga. Sống trong cái “bến vô thường” đó, cuộc đời chúng cũng thật vô thường. Cuộc đời trẻ thơ của đứa em gái hắn đã kết thúc sau tai nạn té giếng: “Trước kia hắn có một đứa em gái. Được bốn tuổi thì nó ngã xuống cái giếng này chết sặc” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Một thằng bé con ở xóm ga đã chết vì bị rắn cắn khi cùng lũ bạn chơi trò đánh trận giả.
Trong Bến vô thường, viết nhiều về cái chết đến với con người, Nguyễn Danh Lam cho thấy những bất trắc trong hiện thực luôn tồn tại một cách thường trực và xuất hiện đầy ngẫu nhiên, bất ngờ đe dọa sự tồn vong của con người. Đó chính là lí do con người nên mua bảo hiểm cho cuộc đời của mình. Trong Giữa dòng chảy lạc, cô nhân viên của một công ty bảo hiểm đã đưa ra lý do về một cuộc sống nhiều bất ổn, tại họa có thể đến bất ngờ và để lại những hệ lụy cho mỗi con người trong cuộc sống hiện đại để thuyết phục anh kỹ sư thất nghiệp mua bảo hiểm: “Mà chẳng cần đi nhậu, anh vẫn chạy xe đành hoàng thôi, nhưng bỗng nhiên nghe rầm một cái, tối thui. (...) Đấy là vấn đề của bảo hiểm (Nguyễn Danh Lam, 2010).
Từ lời nói của cô gái, ta cảm nhận được một điều bất trắc khác từ hiện thực đang đe dọa cuộc sống của con người – hiểm họa đến từ tai nạn giao thông. Tai nạn có thể đến từ đường bộ, nó khiến cho ông họa sỹ trong tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc mỗi lần nhớ tới đều bật khóc vì nó quá ám ảnh và khủng khiếp. Chiếc xe buýt
mất thắng lao tới làm bị thương nhiều người, trong đó có ông và cướp đi sinh mạng của hai mẹ đang lưu thông trên đường: “Tao thấy rõ ràng bà mẹ bị bánh trước cán qua, còn cố ngóc đầu lên. Và bánh xe sau tiến tới... không sao ngăn được, không làm gì khác được” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Và nó cũng có thể đến từ đường sắt. Trong Bến vô thường, chuyến xe lửa chạy băng băng qua đường ray đã lấy đi đôi chân của thằng mắt híp: “Thằng mắt híp giật lên như một con nhái. Hai cái cẳng chân nảy tưng tưng hớp nốt những giọt sống cuối cùng bên dưới gầm xe” (Nguyễn Danh Lam, 2010).
Như đã nói, trong các sáng tác của Nguyễn Danh Lam, làng quê không đồng nghĩa với sự yên bình khi trẻ con nơi đó luôn đối mặt với những rủi ro mà hiện thực mang lại. Những bất trắc không chỉ đến từ trò chơi đánh trận giả giữa hắn và bọn trẻ xóm ga mà còn đến từ những trò chơi khác. Trong Bến vô thường, trò chơi bắn nỏ tưởng chừng vô hại bỗng chốc đem lại tai họa khôn lường. Nó khiến cho em gái một đứa trong xóm bị hư một bên mắt và từ đó phải mang một cái tên phản ánh đúng nhân dạng của mình: “Nó nhá ngay mặt đứa em gái, tuột tay thế nào mũi tên bay ngay vào mắt. Lúc rút cái tên ra, nhãn cầu của em nó cũng ra theo. (...) Đứa em gái đổi tên thành con chột” (Nguyễn Danh Lam, 2004).
Tai họa còn đến từ việc đạp ván thiên của quan tài. Hắn cùng đám trẻ trong xóm đang chơi trò tát cá ở bãi tha ma ngoài triền đê thì bị ván thiên quan tài cắt vào bàn chân làm đau đớn, mưng mủ, thối rửa, hóa giòi, toàn thân sưng phù, lên cơn sốt co giật, nằm chờ chết. Và ngoài sân là cái quan tài mà cha hắn cho người hạ cây mít trong vườn để đóng sẵn cho hắn.
Hình ảnh những đứa trẻ lam lũ vì gia cảnh nghèo khó luôn khiến ta thương
xót. Trong truyện ngắn Mai vàng cát trắng, hiện thực bất trắc đến từ cuộc sống nghèo khó khi thằng Đen – một đứa trẻ 12 tuổi – vì nhà nghèo, muốn có tiền để mua cho ông nội một đôi dép mới vào những ngày giáp tết đã đi vào trong núi kiếm và chặt mai về bán nhưng chẳng may nó bị té lội giò. Câu chuyện đời thường vừa gợi nỗi đau vừa gợi sự trăn trở về những cuộc đời bé nhỏ, nghèo khó. Đằng sau những gốc mai lạ, những nhành mai đẹp phục vụ cho người giàu ăn tết là những cuộc đời lam lũ, cơ cực, thiếu thốn và bao gồm cả những tuổi thơ bất hạnh, đáng thương.
thực hỗn loạn, phi nhân. Trong truyện ngắn Mưa tháng mười một, thanh niên sẵn sàng đánh nhau một trận ẩu đả chỉ vì một lời nói, thái độ không vừa lòng nhau. Hay trong truyện ngắn Những cơn mưa dài mãi, cô gái có gương mặt đẹp đến nao lòng đang ngồi với gã tình nhân ma cô trong quán không thể nào ngờ tai họa sẽ ập đến với chính mình. Do cơn ghen của tình địch, gương mặt xinh đẹp, hút hồn mà ít phút trước đây khi nhìn vào nó đã làm xao lòng chàng sinh viên trẻ về nhà nghỉ hè đã biến thành một gương mặt đầy máu với những tiếng rú lên đau đớn dưới những nhát rạch của một con dao lam sắc lẻm. Tiếp theo đó, “mảnh áo trên người cô gái đã bị xé toang. Máu, máu, nhìn đâu cũng cũng thấy máu. Trên trán cô. Trên gương mặt xinh đẹp vừa đây của cô. Trên hai bờ vai xanh ngắt của cô...” (Nguyễn Danh Lam, 2009). Từ các mảng hiện thực hỗn loạn trên, Nguyễn Danh Lam muốn giống lên hồi chuông cảnh báo về một xã hội đang suy đồi về đạo đức khi con người chọn cách giải quyết những mâu thuẫn trong giao tiếp, trong tình cảm bằng hành động côn đồ và mặc nhiên cho mình cái quyền trừng phạt người khác mà không cần có sự can thiệp của pháp luật.
Hiện thực bất trắc trong các sáng tác của Nguyễn Danh Lam còn là những hiểm nguy rình rập con người giữa đại ngàn thâm u, huyền bí. Rừng sâu luôn ẩn tàng những tai họa khôn lường với sự đe dọa từ nó nhiều hơn sự hứa hẹn. Giữa đại ngàn, vẻ đẹp của loài hoa rừng trong truyện ngắn Hoa đỏ cũng ẩn chứa một mối hiểm nguy nhất định. Sắc đỏ của loài “lan máu” đã mê hoặc tâm trí anh khiến anh muốn có nó. Chính lúc tưởng chừng anh sẽ bứt được cụm lan thì anh bị rơi xuống bờ đá: “Anh nhún người bứt mạnh lần cuối. Chỉ nghe một tiếng rắc, cái chạc nơi anh đứng rời khỏi thân cây. Lưng anh quật vào bờ đá dựng nghiêng của triền sông phía dưới” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Cú rơi từ trên cao xuống khiến lưng anh kẹt cứng giữa hai phiến đá và chân tay không thể cử động theo sự điều khiển của não bộ. Đáng sợ hơn, giữa rừng già thâm u đó tiếng kêu cứu của anh như bị nuốt chửng và “sự sống đang hụt đi từng phút. Anh thấy tất cả tối sầm, xây xẩm” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Cho nên, “đối diện với sự hùng vĩ, phong phú nhưng cũng đầy hiểm nguy, chết chóc của rừng già, con người luôn cảm nhận được tất cả sự nhỏ bé, mong manh đến vô nghĩa của kiếp nhân sinh” (Bùi Thanh Truyền, 2014).
dừng lại ở đó. Cuộc sống hiện đại với công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn bên cạnh những lợi ích do nó mang lại thì cái giá phải trả cho sự thay da đổi thịt này là không hề nhỏ. Theo Bùi Thanh Truyền: “Hậu quả của biến đổi khí hậu, lối sống nhiễu sự với tự nhiên của con người, bộ mặt sinh thái nơi đây không còn dáng vẻ thưở ban đầu. Chấn thương sinh thái là một vấn đề mới” (Bùi Thanh Truyền, 2018). Thiên nhiên đang giãy chết từng ngàynên đãcó những đòn đáp trả xứng đáng. Trong truyện ngắn Những con chim chết, môi sinh đang bị hủy hoại trước những thú vui trong hưởng thụ của con người như việc họ vui say và “trên bàn nhậu là món chim sẻ nướng tiêu” (Nguyễn Danh Lam, 2016) khiến cho người ta săn bắt chúng một cách vô tội vạ: “Giờ nghe nói chúng đã bớt nhiều, bị săn bắt đến hàng xe tải”
(Nguyễn Danh Lam, 2016). Rồi việc phóng sinh chim sẻ – một hành động mang tính tâm linh vốn tốt đẹp– đã đẩy những chú chim bé nhỏ vào chỗ chết: “Chúng bay loạng quạng được vài chục mét rồi lao xuống chết” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Hủy hoại môi sinh, con người tự mang những bất trắc đến cho cuộc sống của chính mình. Trong một cơn mưa tầm tã, hai vợ chồng về đến nhà đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng trong tâm trạng vô cùng hoang mang: “Nước từ bức tường trên giếng trời không hiểu vì lí do gì cứ trút thẳng xuống phía dưới” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Nguyên nhân của tai họa đó chính là đường ống nước bị tắc do xác của những con chim sẻ rơi xuống: “Những cái xác chim sẻ, phải đến năm sáu con mỗi bên lỗ cống chứ không ít” (Nguyễn Danh Lam, 2016).
Trước những hủy hoại môi sinh đó thì lũ xoáy, sạt lở là điều không tránh khỏi. Những tai họa từ nó là khôn lường. Trong truyện ngắn Núi lở, một tiếng nổ lớn báo hiệu một vạt núi lở: “Qua hết con suối, anh nghe một tiếng nổ lớn khủng khiếp phía sau. Có lẽ một vạt núi mới vừa lở xuống đâu đó” (Nguyễn Danh Lam, 2009). Có thể vạt núi lở đó sẽ đè lên cái lán của ba anh và đây là lần cuối cùng anh được nhìn thấy ba mình. Có một dự cảm chẳng lành về một cuộc sinh ly tử biệt từ tiếng nổ khủng khiếp này. Bên cạnh đó, tai họa đến từ Hồng thủy trong truyện ngắn cùng tên luôn là ám ảnh kinh hoàng của con người. Thảm họa đến quá nhanh và bất ngờ lúc nửa đêm, khi con người đang chìm sâu trong giấc ngủ say khiến nhân vật anh nghĩ đấy là giấc chiêm bao. Nhưng hồng thủy đến là một sự thật, mọi thứ xoay nhanh đến mức những người thân trong gia đình không kịp thông báo cho nhau, không kịp nhìn thấy nhau:
“Một cú tống cuồng nộ, mãnh liệt như cả đàn dã thú bất chợt lao thẳng vào vách ván. Những âm thanh khủng khiếp trùm phủ vũ trụ” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Tai họa khiến hai cha con ngụp lặn, đói khát trong biển nước mênh mông, không một bóng người. Anh ôm con bé vào lòng, mơ hồ cảm nhận được hiện thực lành ít dữ nhiều đang bủa vây hai người: “Giờ thì anh bàng hoàng biết đấy là một thảm họa”
(Nguyễn Danh Lam, 2016).
Khi viết về những hiểm họa do thiên nhiên gây ra cho con người, Nguyễn Danh Lam mặc dù không chủ đích đứng trên lập trường sinh thái nhưng ý nghĩa sinh thái ít nhiều cũng đã được nhà văn đề cập đến trong các trang văn của mình. Cho nên, sáng tác của anh hòa trong sáng tác của những nhà văn khác của thế kỉ XXI “giống như một thỏi nam châm xoáy hút tâm trí người đọc về số phận môi sinh cùng với đó là số phận con người, giúp chúng ta không chỉ phòng tránh được thảm họa môi trường mà còn như một sự thức tỉnh về tâm linh và đạo đức” (Bùi Thanh Truyền, 2018). Có thể nói, ẩn dưới lớp diễn ngôn về môi sinh bị hủy diệt cùng với những bất trắc do hiện thực đó mang lại, Nguyễn Danh Lam đã phản ánh tâm trạng lo âu của con người trên hành trình dấn thân khẳng định chủ thể tính của mỗi nhân vị theo tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh.
Tóm lại, viết về một hiện thực ẩn chứa nhiều yếu tố bất trắc luôn đe dọa cuộc tồn sinh của con người, Nguyễn Danh Lam cho ta thấy con người đang tồn tại trong một thế giới chứa đầy sự phi lí và bất toàn. Chính điều đó đã làm nổi bật dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh đang in dấu trên từng trang văn của tác giả trên bình diện cảm quan về hiện thực.