Motif hành trình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 148 - 166)

Sartre cho rằng, con người là một hữu thể tự quy, “nó có khả năng hư vô hóa cái chất đặc sịt kia của vật tự thân cho nên đặc tính của nó là tiến lên” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Cùng quan điểm với Sartre, Marcel cho rằng: “hiện hữu (hiện sinh) là đặc tính của những con người ý thức về nhân vị của mình và luôn luôn vươn lên khỏi những cái tầm thường của sở đắc” (Trần Thái Đỉnh, 2015). Điều đó có nghĩa là con người phải có những “dự phóng” của riêng mình. Con người (tức đứa bé) bị ném vào đời và nó không có quyền lựa chọn thời điểm sống, hoàn cảnh sống nhưng nó có quyền lựa chọn mình sẽ thành người như thế nào. Cho nên nó phải vượt lên chính mình bằng “dự phóng” tức con người không phải là cái nó đang là mà phải là cái nó sẽ là vì hiện sinh là hướng đến tương lai. Từ đó, họ phải sống có trách nhiệm với sự tự do lựa chọn ấy nên họ cần phải có hành trình dấn thân để mỗi cá nhân được hiện sinh có ý nghĩa. Hay nói một cách khác, con người có cơ cấu là một “dự phóng” vì bản chất con người là luôn bị ném về phía trước nên họ phải tự nổ lực để kiến tạo nên cuộc đời mình. Chính những dự phóng đã làm nên tính chất động của cuộc hiện sinh khiến con người phải luôn dấn thân một cách có trách nhiệm để đạt được hiện sinh trung thực. Quá trình dấn thân đó được các nhà văn chuyển hóa thành motif của những cuộc hành trình, những chuyến đi trong văn học hiện sinh. Cũng như các nhà văn đương đại, Nguyễn Danh Lam khi thể hiện cảm quan về con người mang dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong các sáng tác văn xuôi của mình cũng đã sử dụng motif này.

Trong tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian, motif hành trình được sử dụng để miêu tả cuộc dấn thân đầy hoang mang và sợ hãi của Thữc nhằm minh chứng cho sự hiện tồn của bản thể. Hành trình mà Thữc dấn thân là hành trình lạc vào thế giới xa lạ và kỳ quái bởi mọi sự vật dường như không tồn tại nơi đó, nó là một cõi vắng. Trải qua nhiều bất trắc - bị tài xế xe tải bỏ lại giữa đường, bị một thế lực vô hình đánh từ

phía sau gáy té xuống sông, miên mải theo hành trình tìm kiếm của lão đen và lão trắng với tâm trạng hoang mang, sợ hãi, cô đơn - anh lạc bước đến ngôi làngvới tâm trạng mâu thuẫn. Anh vừa sợ bị họ phát hiện nên luôn luẩn quẩn, cố gắng chạy trốn vừa lại muốn được ra trình diện trước họ để được xác nhận sự tồn tại, muốn bản thân được thừa nhận như một người của làng để anh có thể gây dựng nên sự sống mới ở chính nơi hoang vắng xa xôi hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài này. Cho nên hành trình của anh là hành trình vừa trốn chạy vừa kiếm tìm ý nghĩa đời sống từ con người. Trên hành trình đó, anh đã trải nghiệm những bi đát của một con người bị lạc vào một thế giới xa lạ không rõ là dương gian hay địa ngục với nhiều bất trắc, đe dọa. Đó là nơi con người không thể xác định rõ thời gian, không xác định được địa điểm, không xác định được người làng vì con người cứ ẩn hiện như một bóng ma. Bi đát hơn cả, đó là mảnh đất không có tính cố kết cộng đồng như lời cô gái nói: “Ở đây chẳng có lòng trắc ẩn đâu!” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Trên hành trình đó, Thữc luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ nối tiếp: giấc mơ về một đám ma, giấc mơ trò chuyện với người đàn bà trên núi... Theo lão trắng thì “Khi những cơn ác mộng ấy trôi qua, anh sẽ dần hiểu ra tất cả. Những giấc mơ mới sẽ thay thế dần những giấc mơ cũ. Và cuối cùng thì không còn mơ thấy gì nữa cả” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Đó chính là chân lý mà ông muốn Thữc tự mình bừng ngộ: con người sẽ cảm thấy sự an yên trong cuộc đời khi họ ý thức được cuộc đời là những giấc mơ không có thực. Cho nên con người cần dấn thân, cần vươn lên để sự hiện hữu của bản thân có ý nghĩa và “đi là tự nguyện. Nếu chỉ vì bực dọc mới đi, chắc chắn...sẽ không tìm được gì” (Nguyễn Danh Lam, 2005). Nên con người phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình và phải có niềm tin cứ đi rồi sẽ tới. Có thể nói, hành trình dấn thân của Thữc đã minh chứng cho một điều: con người xem cõi nhân gian vừa là chốn lưu đày nhưng cũng vừa là lẽ sống và hành trình hiện sinh là hành trình mà mỗi nhân vị vừa chống chọi vừa hòa nhập với thế giới ấy.

Một trong những phẩm tính quan trọng đầu tiên của hiện sinh là con người dám vượt qua hoàn cảnh, vượt qua chính mình. Với ý chí này, con người hiện sinh luôn muốn vượt qua vạch xuất phát để tiến về phía trước. Đôi khi họ muốn ra đi để thay đổi vận mệnh của mình, để chứng minh mình được sinh ra không phải với thân phận đã được định sẵn và ép mình phải sống theo quan niệm của người khác với một

tương lai đã ấn định mà người ta gọi là số mệnh. Chính vì không chấp nhận số mệnh của một con người luôn mang trong mình nỗi đau “mang gương mặt giới tính” khi phải cố gồng mình sống cho sỹ diện, hạnh phúc, niềm vui của người khác, cô bán bảo hiểm trong tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc đã quyết định vứt bỏ tất cả để được sống thật là mình bởi cô không muốn mình chỉ là một hữu thể tự thân “cứ lì lì như thế mãi cho tới khi nó kiệt quệ đi và bị tiêu diệt” (Trần thái đỉnh, 2015). Cô đến với cô bạn đồng tính để tiếp tục hành trình truy tìm bản thể, những mong sẽ có thể quay về với con người của chính mình. Cuối cùng, vượt qua định kiến của người thân, chống lại quy luật tất yếu của xã hội, cô đã quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân nhiều mệt mỏi và không hạnh phúc với anh để ra đi, tiếp tục dấn thân đi về phía trước, tiếp tục hành trình truy tìm “lạc thể” của bản thân: “Em sẽ cứ thế đi, tiến về phía trước, như một con ngựa vô vi mang băng che mắt. Đi cho đến lúc nào số mệnh không cho em tiếp tục đi nữa” (Nguyễn Danh Lam, 2012). Như vậy, hành trình truy tìm bản thể của cô là hành trình tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình chứ không phải cho một ai khác. Bởi con người hiện sinh không dễ dàng chấp nhận thay đổi bản thân vì người khác. Cho nên cô ra đi bởi lẽ cô hiểu rằng mình không thể trông đợi vào bất cứ ai có thể giúp mình ngoài chính bản thân mình. Chính cô sẽ phải tự kiến tạo nên tương lai của mình và cô sẽ chịu trách nhiệm cho sự tự do lựa cho đó của mình khi cô quả quyết với anh: “Em thấy mình cần phải ra đi” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Điều đó có nghĩa là con người sẽ luôn hướng về phía trước. Và con người hiện sinh – triết gia F. Nietzsche gọi là con người siêu nhân – cứ đi con đường của mình, cứ sáng tạo, cứ nghĩ và làm những điều không giống người khác, luôn vượt lên mãi để làm cho cuộc sống hiện sinh thực sự có ý nghĩa.

Cùng ý niệm ra đi để thay đổi vận mệnh, gia đình thằng Còi, gia đình con Mắm cùng với những gia đình khác trong truyện ngắn Đất đã quyết định gửi lại mồ mả ông bà, bỏ lại làng đất ra đi vì quê họ giờ quá nghèo, quá rét: “Mười hôm nữa đi. Phải đi thôi. Cả làng đi hết rồi”, “Nhà Đông đi, nhà Tác đi. Quá nửa họ Trần đi, gần hết họ Nguyễn đi. Đi cả” (Nguyễn Danh Lam, 2009). Họ rời làng quê, bỏ lại hình ảnh bình dị, thân thuộc của bờ đê, bụi sim mua, bóng trâu, bóng tre, bóng lúa để di cư đến không gian nơi thành phố là một vùng đất hoàn toàn khác, gió cũng khác - một vùng đất mà theo họ sẽ hứa hẹn một cuộc sống no đủ hơn, tốt đẹp hơn như mong

ước của bố thằng Còi: “Có lẽ ông kỳ vọng vào những vụ mùa bội thu, khi người ta được tự do canh tác”(Nguyễn Danh Lam, 2009). Nhưng vùng đất mới không phải là thiên đường, hành trình tìm đất khẩn hoang dưới tiết trời khô hạn giữa thiên nhiên khắc nghiệt khiến họ phải đối diện với cái đói. Vì đói họ phải lật tìm thức ăn trong rừng và muôn ngàn bất trắc đến từ rừng sâu đã ập đến với họ: thằng Còi, con Mắm bị trúng độc khi ăn quả sung rừng; thằng Cà bị rắn cắn chết khi một mình vác dao vào rừng tìm thức ăn. Rồi những cơn mưa trút xuống làm cho vùng đất mới hồi sinh. Đất đã cho ngô, đỗ đã nẩy mầm và mọi người được thu lợi từ việc canh tác trên đó, cuộc sống dần ổn địnhvà tình yêu của thằng Còi, con Mắm cũng theo đó mà nẩy nở. Do đó hành trình ra đi của những người dân trong truyện chính là hành trình dấn thân đi tìm sự sinh tồn của con người trước hiện thực cuộc sống nghèo khó gắn với những lo âu, bắt trắc. Theo Nguyễn Thị Kim Tiến (Nguyễn Thị Kim Tiến, 2018), chúng ta đang sống trong một thời đại mà không gian làng quê bị thương tổn trước sự va chạm của các nền văn minh. Đi liền với nó là những lo âu về cuộc sinh tồn của con người. Chính sự thay đổi của bầu khí quyển khiến cho những người nông dân trong Đất

phải đau lòng rời bỏ quê hương tìm đường sang những vùng đất mới. Để rồi qua hành trình dấn thân đi tìm cuộc sống mới đó, những con người nghèo khổ đã gửi gắm ước mơ về một cuộc sống no đủ hơn.

Và đôi khi, con người ra đi vì muốn chủ động kết thúc bi kịch của những tháng ngày chờ đợi trong lo âu nặng nề về một điều biết trước sẽ đến nhưng không biết đến lúc nào. Nhân vật anh trong truyện ngắn Giấy gọi đã bắt đầu hành trình của mình với mục đích như thế: “Em cùng con thân yêu, anh phải đi, dù giấy gọi chưa tới. nhưng cứ sống lơ lửng mãi thế này ai cũng khổ. Thà đi trước. Lo cho con dùm anh. Hôn con và em” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Con người hiện sinh không thể cưỡng lại quy luật của tạo hóa, không thể lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra nhưng họ có quyền quyết định mình sẽ hiện hữu và kết thúc sự hiện hữu như thế nào. Dĩ nhiên họ được tự do trong việc lựa chọn con đường dấn thân của mình.

Ngoài ra, motif hành trình còn được Nguyễn Danh Lam sử dụng để biểu thị hành động mang tính chất chạy trốn, vượt thoát, ra đi để kiếm tìm, để thể nghiệm và để bắt đầu lại cuộc sống của mình. Trong tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, ngoài hành trình ra đi tìm kiếm bản thể của cô bán bảo hiểm, ta còn bắt gặp hành trình ra đi của

anh. Anh sau ba tháng sống trong không khí căng thẳng của cuộc hôn nhân mới đã biết được sự thật về vợ mình – một cô gái đồng tính – đã quyết định rời thành phố lên cao nguyên để tìm lại sự cân bằng trong tâm lí. Nhưng sự ra đi này càng khiến anh thấm thía hơn sự cô đơn của bản thân mình vì anh không biết ngày mai sẽ ra sao trong khi hiện tại “anh cứ thế một mình bước đi mỏi miết” (Nguyễn Danh Lam, 2016). Từ cuộc ra đi của anh, ta chiêm nghiệm ra một điều: trong thế giới bao la rộng lớn, để tìm kiếm câu trả lời cho “câu hỏi thường trực trong đầu, tại sao mình lại ở đây, trong một thế mênh mông, đầy xa lạ?” (Nguyễn Danh Lam, 2010), con người hiện sinh chấp nhận dấn thân trong đơn độc với suy nghĩ “chẳng nơi đâu là nhà, chẳng nơi nào là quê hương” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Anh ra đi để trốn chạy thực tại cay đắng của cuộc hôn nhân không tình yêu, trốn chạy những rạn nứt của cuộc sống gia đình nhằm mong tìm ra một giải pháp nhưng “Liệu anh có đưa ra một giải pháp khả dĩ nào đó cho vấn đề này không?” (Nguyễn Danh Lam, 2010) thì chính anh cũng không trả lời được: “Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công, mòn mỏi” (Nguyễn Danh Lam, 2010). Chuyến đi của anh vừa để trốn chạy vừa để kiếm tìm nhưng cuối cùng anh vẫn không thể khỏa lấp nỗi cô đơn, thiếu vắng – thiếu vắng con người, bi đát hơn là thiếu vắng chính bản thân mình. Vì vậy, không phải bất cứ hành trình ra đi nào cũng mang màu sắc tươi sáng mà đôi khi ra đi vì con người quá bế tắc trước hiện thực thậm phồn, hỗn dung khiến họ ngộp thở.

Có những hành trình ra đi trong mờ mịt, con người ra đi vì muốn chạy trốn mảnh đất đã lưu giữ một tuổi thơ xám xịt và cũng bởi nơi đó không còn ai chờ đợi họ. Trong tiểu thuyết Bến vô thường, sau cái chết của bố mẹ, “hắn liên tiếp nhảy lên những chuyến tàu đi mãi, đi mãi, ngược lại cái hướng mà hắn và cha đã đi tìm măng” (Nguyễn Danh Lam, 2004). Hắn quyết định từ bỏ xóm ga, từ bỏ người bạn chí thân ra đi theo những đoàn tàu đi đến nơi khác mặc dù không biết điều gì sẽ chờ hắn phía trước: “Một phương trời nào đó, hoàn toàn không biết được đang chờ hắn phía trước. Hắn quyết định buông mình cho số phận đẩy đưa” (Nguyễn Danh Lam, 2004).

Ra đi còn là để bắt đầu lại. Trong tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa, người thầy giáo sau những đổ vỡ trong cuộc sống đã quyết định đặt cược phần đời còn lại của

mình vào hành trình phiêu lưu cùng với cô con gái – “một hành trình liều lĩnh”

(Nguyễn Danh Lam, 2014) – để bắt đầu lại cuộc sống của một con người bị bắn ra ngoài rìa xã hội: “Nhưng cứ phải đi. Đi để bắt đầu lại. Để học cách sống cuộc sống của mình” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Và ông đã để lại sau lưng một gia đình rạn nứt, còn trước mắt lại là những khúc rẽ bất ngờ, những đứt gãy nhân sinh còn tồi tệ hơn gấp bội. Trên chuyến đi đứt gãy ấy, những cảnh đời ông nhìn thấy và trải nghiệm dường như chỉ đủ khiến ông cảm thông, đau buồn mà bản thân không có cách nào để giúp đỡ. Và ông cũng chẳng cải thiện được mối quan hệ căng thẳng với đứa con gái nhạy cảm, có những suy nghĩ già trước tuổi và chỉ thích chơi game. Cuối cùng ông cay đắng nhận ra: “Ông vẫn là ông, mọi thứ ấy vẫn cứ là mọi thứ ấy, có khác gì đâu. Ông muốn nó khác đi, nó cũng chẳng khác đi được” (Nguyễn Danh Lam, 2014). Nói cách khác, hành trình ra đi của ông là hành trình dấn thân tìm kiếm lại bản thể sau những trơn trợt, ê chề mà cuộc sống giáng xuống đời ông. Thực sự, hành trình ra đi để bắt đầu lại của ông chính là hành trình đi tìm cái đẹp, cái cứu cánh cho cuộc tồn sinh nhiều đau đớn và nhem nhuốt này.

Từ những kiến giải trên, chúng tôi nhận thấy motif hành trình trong các sáng tác của Nguyễn Danh Lam thường gắn với hình ảnh của những chuyến xe, những đoàn tàu và động từ “đi”, “ra đi”, “lên đường”. Tác giả dù vô thức hay hữu thức cũng đã vận dụng thành công motif hành trình để thể hiện sắc thái hiện sinh trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của mình để làm nổi bật tính chất bi đát của đời sống. Và con người muốn đạt đến hiện sinh trung thực không có cách nào khác là phải lên đường. Điều quan trọng là quá trình dấn thân như thế nào để con người có thể mãn nguyện với cuộc sinh tồn của mình chứ không phải là kết quả của cuộc dấn thân ấy.

Tiểu kết chương 3

Trên đây chúng tôi đã vừa phân tích những biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam nhìn từ phương diện nghệ thuật. Dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh nhìn từ phương diện nghệ thuật có nhiều biểu hiện đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do giới hạn của phạm vi dung lượng đề tài nên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 148 - 166)