Sự biểu hiện của khuynh hướng hiện sinh trong văn xuôi ViệtNam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 36 - 51)

thời kỳ sau Đổi mới

1.1.4.1. Các tiền đề cho sự trở lại của khuynh hướng hiện sinh trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ sau Đổi mới

Ở Việt Nam, vào nửa đầu thế kỉ XX, văn học hiện sinh đã xuất hiện trong các tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn và ít nhiều thu hút được sự chú ý của công chúng. Đặc biệt, trong những năm 60 – 70 cùng thế kỉ, trào lưu văn học này ở miền Nam Việt Nam đã thực sự lên ngôi. Vắng bóng một thời gian dài trước Đổi mới, văn học hiện sinh đã e dè quay trở lại văn đàn vào cuối thế kỉ XX sau những bước thăng trầm và nở rộ vào những năm đầu của thế kỉ XXI. Như vậy khuynh hướng hiện sinh đã xuất hiện và tồn tại như một dòng chảy liền mạch trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Sau năm 1975, đặc biệt là từ sau Đổi mới, khuynh hướng này có sự trùng phục ở Việt Nam do có sự thay đổi cơ bản của điều kiện lịch sử - xã hội, sự thay đổi trong nhận thức về con người, về bản thể cũng như sự thay đổi trong nhận thức và

quan niệm nghệ thuật của nhà văn.

Trước tiên, phải kể đến sự thay đổi về bối cảnh lịch sử - xã hội của đất nước. Với chiến thắng vĩ đại vào mùa xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam đã giành được thắng lợi, dân tộc ta bước vào kỉ nguyên độc lập, thống nhất, non sông liền một dải. Tuy nhiên, sau chiến tranh cùng với niềm vui chiến thắng, con người phải đối diện với khủng hoảng, đổ vỡ và mất mát. Bước ra từ bom đạn bão lửa tàn khốc của chiến tranh, Việt Nam tiến tới thời kỳ hòa bình, khôi phục lại đất nước với những nhiệm vụ ngổn ngang trước mắt. Ta có thể xem từ năm 1975 đến năm 1985 là giai đoạn chuyển tiếp, là thời kỳ mà con người một thời làm chủ chiến trường nay bắt tay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết lại đất nước và hoạch định hướng đi riêng cho cuộc đời mình. Trong mười năm đầu sau chiến tranh, nền văn học nhìn chung tiếp tục vận động theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của giai đoạn 1945 – 1975. Chính vì vậy cảm thức hiện sinh tạm lắng xuống. Tuy nhiên, lập tức sau đó, trong ngỡ ngàng, họ cay đắng nhận ra đời sống sau chiến tranh còn hỗn độn hơn, phi lí hơn, khốc liệt hơn so với những trận bão lửa vừa đi qua. Những tác động từ công cuộc toàn cầu hóa dẫn đến sự đảo hoán mọi thang bậc giá trị của đời sống khiến cho con người cảm thấy hụt hẫng, thừa thải, bơ vơ. Nó làm cho quan niệm về giá trị con người biến đổi, nền tảng giá trị truyền thống bị lung lay và những tiêu chuẩn giá trị mới được hình thành. Từ đó có hai khuynh hướng phản ứng với cuộc sống được hình thành trong xã hội. Khuynh hướng thứ nhất là con người quay lại náu mình trong những giá trị truyền thống bởi họ bị rơi vào tình thế lưỡng nan, trở thành những kẻ lạc thời, sống “ăn mày dĩ vãng” và không tìm thấy chỗ đứng trong xã hội mới. Ở khuynh hướng thứ hai, do tiếp nhận ảnh hưởng từ phương Tây, giới trẻ có xu hướng phủ định sạch trơn những giá trị truyền thống, hướng đến cổ vũ những lối sống mới mà ở đó đồng tiền, quyền lực cùng lối sống thực dụng vươn lên chiếm vị trí thượng phong. Cả hai khuynh hướng này làm cho một bộ phận người Việt bị chấn động mạnh mẽ, cảm thấy vô cùng hoang mang trước những biến đổi khôn lường của cuộc sống. Họ rơi vào trạng thái hoài nghi, bất an, tha hóa, đánh mất bản ngã của chính mình trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo xu thế hội nhập toàn cầu hóa, xã hội hiện đại nước ta còn phải đối mặt với mặt trái của của cuộc cách

mạng công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng này đang tạo ra cái mà người ta gọi là xã hội thông tin, xã hội hậu hiện đại. Đặc biệt, vào đầu thế kỉ XXI, sự bùng nổ của mạng lưới truyền thông và internet đã có những tác động không nhỏ đến xã hội Việt Nam đương đại. Cùng với việc thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế và kéo theo sự biến đổi trong phương thức sáng tạo của cải, cuộc cách mạng này đã làm cho lối sống cũng như tư duy con người biến đổi. Bên cạnh đời sống thực là cả một thế giới ảo, cộng đồng ảo. Sống trong thế giới đó, con người giải trí, giao tiếp, kết bạn gián tiếp thông qua máy móc; từ đó hình thành các quan hệ ảo trong tình bạn, tình yêu... Như vậy, sự tiến bộ của khoa học với sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông thay vì đưa con người đến gần nhau hơn và lấp đầy các khoảng trống trong xã hội lại đi ngược với kỳ vọng con người, nhanh chóng bộc lộ mặt trái - làm cho con người ngày càng trở nên xa cách nhau. Như vậy, phương tiện truyền thông, internet đã góp phần vào việc khoét sâu hố thẳm ngăn cách trong các mối quan hệ của con người, đẩy họ vào nỗi cô đơn vô bờ bến khiến họ cảm thấy hoang mang trong việc định vị bản thân và luôn cảm thấy lạc lỏng, mang nặng mặc cảm về thân phận của mình. Thêm nữa, với việc kết nối toàn cầu, con người thông qua phương tiện truyền thông biết rõ những bất ổn của tình hình chính trị thế giới, mối đe dọa từ các cuộc chiến tranh cùng các loại vũ khí hóa học, vũ khí hạt nhân, nạn hủy diệt môi trường và bệnh dịch lây lan khắp châu lục... Những điều đó làm cho con người Việt Nam đương đại luôn có tâm lí hoang mang cùng nỗi bất an ngày càng gia tăng trong cuộc sống của họ. Như vậy, chính sự dịch chuyển mạnh mẽ của đời sống xã hội sau chiến tranh với sự thay đổi của bối cảnh lịch sử - xã hội là hoàn cảnh thuận lợi để tư tưởng hiện sinh có cơ hội xuất hiện trở lại trên văn đàn.

Thứ hai, phải kể đến sự chuyển đổi hệ nguyên tắc diễn ngôn sau 1986. Trước năm 1975, dân tộc ta dồn tất cả nội lực cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Mọi người đều quán triệt quan điểm: tất cả cho tiền tuyến. Cho nên hệ thống diễn ngôn về dân tộc, về đất nước, về nhân dân được đề cao. Trong chiến tranh, con người phải thu hẹp cuộc sống cá nhân riêng tư nhường chỗ cho đời sống chung tập thể. Vì vậy trong sáng tác của mình, các nhà văn thường miêu tả sức sống bền bỉ và vẻ đẹp của Tổ quốc, về những con người hừng hực khí thế chiến đấu và tinh thần hăng say lao động. Lúc này diễn ngôn người tốt việc tốt, về tấm gương điển hình được đề cao và

trở thành tâm điểm trong sáng tạo cũng như thưởng thức nghệ thuật. Đặc biệt, trong giai đoạn 1954 -1975, với nền văn học sử thi, con người chưa bao giờ nghi ngờ sự tồn tại của bản thân. Sự tồn tại của họ chính là nhân danh cho cái cao cả, cái đẹp, cái hùng tráng. Và đích đến cho cuộc đời họ cũng đã được định trước, đó là dân tộc, là đất nước, là sự sống còn của cộng đồng. Hoàn cảnh lịch sử đã tạo điều kiện cho diễn ngôn tập thể vang lên với tất cả những gì đẹp đẽ nhất. Tuy nhiên, sau năm 1975, con người bước ra khỏi lửa đạn chiến tranh, trở về cuộc sống hằng ngày với cái đời thường vốn nhiều phức tạp, muôn màu muôn vẻ, xen lẫn tốt xấu, pha trộn trắng đen, kết hợp bi hài. Ngay sau khi hòa bình lặp lại, tiếng nói thế sự vang lên như một lời cảnh báo về tính phi lý, thậm chí vô nghĩa lý về sự tồn tại của con người. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện từ nửa sau thập niên 80, trong các tác phẩm văn chương hiện lên một thế giới tràn ngập sự đổ vỡ của trật tự đời sống gia đình, xã hội mà ở đó mọi thang bảng giá trị bị đảo lộn đã đẫn đến tâm trạng hoài nghi, bất an. Nền văn học mới đã sáng tạo lại hiện thực và buộc con người không ngừng suy tư, trăn trở về đạo đức, lối sống và nhân cách của con người. Trong các tác phẩm văn học, con người cá nhân được thức tỉnh, trở thành trung tâm của mọi sự sáng tạo và được nhìn nhận như một chủ thể độc đáo, phức tạp, đa chiều. Điều đó có nghĩa là diễn ngôn dân tộc, diễn ngôn tập thể phải tạm nhường chỗ cho diễn ngôn cá nhân. Thực ra, trong văn chương Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX, ý thức cá nhân đã được đề cập đến nhưng chỉ dừng lại ở sự trỗi dậy và đòi hỏi giải phóng cái tôi. Nhưng trong thời đại ngày nay, con người cá nhân với bao ẩn ức nhân sinh được khai thác ở tầng sâu hơn. Họ không chỉ có ý thức mà còn có vô thức, tiềm thức, không chỉ có khát vọng chung của tập thể mà còn có đời sống tình cảm riêng tư sâu kín. Văn học thế sự đã mạnh dạng khai thác những vấn đề, những vẻ đẹp mà trước kia văn học sử thi còn ngại ngần đụng chạm đến, ví dụ như bản năng tính dục của con người được các tác giả khai thác như một giá trị hết sức tự nhiên. Bởi lẽ giời đây con người được quan niệm bên cạnh đời sống tinh thần còn có sự tồn tại của thể xác cho nên những khát khao thầm kín đó là lẽ đương nhiên. Chính điều đó đã đưa con người trở về sống đúng với bản chất trong khát vọng rất nhân bản của mình. Có thể thấy, sự thay đổi của các quy tắc diễn ngôn là một trong những tiền đề quan trọng dẫn đến việc tái xuất hiện của tư tưởng hiện sinh trong văn học Việt Nam sau năm 1986.

Thứ ba, phải kể đến sự thay đổi trong định hướng văn học. Sau năm 1975, nhận được sự cổ vũ từ chủ trương và chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nền văn học Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức. Tháng 12 năm 1986 Đại hội Đảng lần VI được tiến hành, đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy của Đảng và toàn xã hội. Từ đó dẫn đến những thay đổi lớn trong sáng tác văn học của văn nghệ sĩ. Trong thực tế, chúng ta cần phải nhận thức rằng, nền văn học giai đoạn từ năm 1975 đến 1985 nhìn bề ngoài vẫn đang vận động theo xu hướng cũ, mang đậm âm vang của một thời đại hào hùng nhưng bên trong nó đã có hạt nhân của sự đổi mới. Trên văn đàn, ta thấy xuất hiện các nhà văn tiên phong như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn... Các tác phẩm của họ có thể xem là những cánh én đầu tiên báo hiệu cho một thời đại mới sắp bắt đầu đã thu hút được sự chú ý lớn trong dư luận. Tuy nhiên, sự đổi mới chỉ thực sự diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt kể từ sau Đại hội Đảng lần VI. Nó được xem là bước ngoặc quan trọng tác động một cách toàn diện và sâu sắc đến hoàn cảnh sáng tạo của văn nghệ sĩ. Năm 1987, trong bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa đăng trên tờ Văn nghệ số ra ngày 5 tháng 12, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thành thật chỉ ra những hành lang hẹp mà người viết phải thích nghi. Tiếng nói thể hiện tinh thần đổi mới văn học của bài báo hòa cùng không khí dân chủ cởi mở trong toàn xã hội đã khích lệ các nhà văn phát huy tinh thần sáng tạo của riêng mình cũng như thể hiện cá tính bản thân. Văn chương không chỉ là nơi phát ngôn của thời đại mà còn là mảnh đất màu mỡ để người cầm bút có thể tự do tìm đến những thử nghiệm mới mẻ và táo bạo, thể hiện tiếng nói riêng trong sáng tạo nghệ thuật nhằm mở toang những cánh cửa còn e dè khép mở sau chiến tranh. Và độc giả theo đó cũng có cơ hội tiếp cận những giá trị mới trong trải nghiệm văn chương. Môi trường dân chủ không chỉ thúc đẩy các nhà văn tự do sáng tạo mà còn tạo điều kiện cho việc thẩm định lại những giá trị cũ mà văn học thời kỳ 1945 – 1975, theo yêu cầu của tình hình lịch sử, đã có những nhìn nhận sai lệch hoặc bỏ qua. Việc in lại các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn, đề cao Thơ mới và đưa một số tác phẩm trong các sáng tác đó vào chương trình giảng dạy của sách giáo khoa đã thể hiện rõ tinh thần dân chủ nêu trên. Bên cạnh đó, các tác giả như Trần Dần, Lê Đạt... cũng được Đảng tiến hành nhìn nhận lại một cách thỏa đáng. Với sự thay đổi trong

định hướng văn học, tư duy nghệ thuật chuyển dần từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết. Văn học giờ đây đi sâu vào khám phá bản chất con người. Và một trong những đề tài trung tâm của văn xuôi Việt Nam đương đại chính là sự hiện tồn của con người trong một thời đại đầy biến động. Nếu như trong thời kỳ 1945 – 1975 con người chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh công dân với những phẩm chất, lí tưởng kết tinh vẻ đẹp của cộng đồng thì thời kỳ sau 1975, đặc biệt là từ sau Đổi mới, văn học đi sâu vào khám phá con người cá nhân, con người bản thể với nhiều bí ẩn và phức tạp. Câu hỏi “Ta là ai?” được đặt ra luôn gây sự trăn trở, day dứt khiến con người cháy bỏng niềm khát khao khám phá bản thể để tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho chính mình. Mặt khác, tinh thần đổi mới còn tạo điều kiện cho nhà văn đi sâu trong việc miêu tả tính phức tạp, đa chiều của hiện thực thay vì phản ánh chân thực, trọn vẹn nó như trước đây. Cho nên hiện thực trong các tác phẩm là một hiện thực phức tạp, rối bời, dang dở. Hiện thực đó mở ra một thế giới đa phương, đa tầng nhằm tô đậm thực tại hỗn độn và làm tăng nỗi sợ hãi cho con người trên con đường tìm kiếm bản ngã và giá trị sống để thể hiện niềm hi vọng về hiện sinh đích thực của mình. Bên cạnh đó, Đại hội Đảng lần VI đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử văn học nói riêng. Kỷ nguyên của nền dân chủ được mở ra, từ đó văn học Việt Nam có hội tiếp xúc với văn học thế giới. Sự giao lưu đa chiều đã làm cho bức tranh văn học trong nước trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Việc tiếp cận các tác phẩm cũng như các công trình lý thuyết văn học hiện đại thế giới góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học. Sau năm 1975, đặc biệt từ sau năm 1986, phong trào dịch thuật các tác phẩm văn học nước ngoài diễn ra sôi nổi đã tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam tiếp xúc rộng rãi với những tác phẩm mang yếu tố hiện sinh như sáng tác của Haruki Murakami, Cao Hành Kiện... Ngoài ra tác phẩm của các nhà văn hiện sinh như J.P. Sartre, A. Camus, F. Kafka, Kobo Abe... được dịch lại hoặc tái bản cũng tạo ra ảnh hưởng lớn đến người sáng tác và người thưởng thức. Song song đó, những công trình triết học trước đây cũng được tái bản như Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản của J.P. Sartre (dịch giả Đinh Hồng Phúc)... đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu và sáng tác.Vì vậy, tinh thần hiện sinh cũng như kỹ thuật sáng tác đã được nhiều nhà văn Việt Nam đón nhận.

Tóm lại, chính sự chuyển biến của điều kiện lịch sử - xã hội sau chiến tranh, sự chuyển đổi của hệ quy tắc diễn ngôn cùng với sự thay đổi trong định hướng văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn hiện sinh trong truyện ngắn và tiểu thuyết nguyễn danh lam (Trang 36 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)