7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.3. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÚNG ĐỘ
1.3.1. Lý luận về quản lý
Thuật ngữ quản lý được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở những cách tiếp cận khác nhau [37, tr.3]
- Quản lý là quá trình hoàn thành công việc thông qua con người và làm việc với con người.
- Quản lý là hoạch định, tổ chức, bố trí nhân sự, lãnh đạo kiểm soát công việc và những nỗ lực của con người nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra.
- Quản lý là vận dụng khai thác các nguồn lực (hiện hữu và tiềm năng), kể cả nguồn nhân lực, để đạt đến những kết quả kỳ vọng.
- Quản lý là sự tác động của con người (cơ quan quản lý) đối với con người và tập thể người nhằm làm cho hệ thống quản lý hoạt động bình thường có hiệu lực giải quyết được các nhiệm vụ đề ra, là sự trông coi giữ gìn theo những yêu cầu nhất định, tổ chức và điều hành các hoạt động theo những yêu cầu nhiệm vụ nhất định.
- Quản lý là sự tác động, chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn hành vi, quá trình xã hội để chúng phát triển hợp quy luật, đạt được mục đích đã đề ra và đúng ý chí của người quản lý.
- Quản lý là sự tác động có định hướng, có mục đích, có kế hoạch và có hệ thống dựa trên những quy luật khoa học và xu hướng phát triển khách quan của xã hội - thời đại, của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý, nhằm chuyển đối tượng quản lý từ trạng thái này sang trạng thái khác.
- Quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm duy trì tính trồi của hệ thống, sử dụng một cách tốt nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống nhằm đưa hệ thống đến mục tiêu một cách tốt nhất trong điều kiện môi trường luôn biến động.
Như vậy quản lý là một hoạt động thiết yếu trong mọi hoạt động kinh tế -xã hội ở mọi cấp độ khác nhau, để đảm bảo phối hợp những nỗ lực cá nhân nhằm đạt được các mục đích của tổ chức mà cá nhân đó là thành viên.
Quản lý là một khoa học vì nhà quản lý cần phải tiến hành công việc của mình dựa trên những kiến thức tổ chức làm cơ sở. Đó là những quan niệm, những lý thuyết, những kiến thức được rút ra và phát triển từ các giả thiết được thực hiện, phân tích.
Quản lý còn là một nghệ thuật vì công việc quản lý là lĩnh vực thực hành bao giờ cũng diễn ra trong những điều kiện và bối cảnh cụ thể. Trên thực tế, không một bối cảnh nào giống hệt nhau. Người quản lý phải có sự nhạy cảm và sự tinh xảo khi vận hành công việc. Đó là "bí quyết hành nghề" thường gắn với điều kiện cá nhân của nhà quản lý như tài năng, sư tinh thông nghề nghiệp, sự thông minh trong ứng xử, kinh nghiệm đối nhân, xử thế, ứng phó với những tình huống bất thường.
- Từ những khái niệm trên, quản lý được định nghĩa như việc đạt tới các mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả thông qua lập kế hoạch, tổ chức, xếp đặt nhân sự, chỉ đạo và kiểm tra các nguồn lực của tổ chức.
* Lập kế hoạch :
Kế hoạch là văn bản, trong đó xác định những mục tiêu và những quy định, thể thức để đạt được những mục tiêu đó. Có thể hiểu lập kế hoạch là quá trình thiết lập các mục tiêu, hệ
thống các hoạt động và các điều kiện đảm bảo thực hiện được các mục tiêu. Nói cách khác, kế hoạch là bản hướng dãn, theo đó :
Một hệ thống cơ quan/ đơn vị sẽ đầu tư nguồn lực theo nhu cầu để đạt được mục tiêu. Các thành viên của hệ thống/ đơn vị sẽ tiến hành các hoạt động có liên quan chặt chẽ tới các mục tiêu, các quy định và các quá trình ; đồng thời trên cơ sở đó giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu và có thể điều chỉnh các hoạt động nếu không thỏa mãn những tiến bộ đạt được.
* Tổ chức :
Tổ chức là quá trình sắp xếp và phân bổ công việc, quyền hành và các nguồn lực cho các thành viên của tổ chức để họ có thể đạt được các mục tiêu của tổ chức một cách có hiệu quả. ứng với những mục tiêu khác nhau đòi hỏi cấu trúc tổ chức của đơn vị cũng khác nhau. Người quản lý cần lựa chọn cấu trúc tổ chức cho phù hợp với những mục tiêu và nguồn lực hiện có. Quá trình đó còn gọi là thiết kế tổ chức.
* Chỉ đạo và giám sát hoạt động :
Là điều hành, tác động, huy động và giúp đỡ những cán bộ dưới quyền thực hiện những nhiêm vụ được phân công.
* Kiểm tra :
Là xem xét kỹ toàn bộ hoạt động, rút kinh nghiệm tổng kết đánh giá, nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng và đầy đủ các mục tiêu đã đề ra.
Tóm lại, quản lý là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra công việc của các thành viên thuộc một hệ thống đơn vị và việc sử dụng các nguồn lực phù hợp để đạt được các mục tiêu đã định.