7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.3. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÚNG ĐỘ
1.3.3. Nội dung của quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi
Nội dung của quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi thực chất là việc tổ chức, thực hiện mục tiêu giáo dục Tiểu học ở mức cao hơn sau khi đã đạt chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, nhằm chuẩn bị cho bước phát triển mới của bậc Tiểu học sau năm 2000, tạo điều kiện để có bậc học bền vững, phát triển lành mạnh với đúng nghĩa là bậc học nền tảng. Căn cứ vào các tài liệu tham khảo và kinh nghiệm thực hiện phổ cập giáo dục Tiểu học trong thời gian qua, cho thấy những nội dung sau đây là những nội dung chính trong việc quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi :
a. Quản lý mục tiêu kế hoạch
Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi trên cơ sở đổi mới hệ thống giáo dục Tiểu học, xây dựng giáo dục Tiểu học thành bậc học bắt buộc như luật phổ cập giáo dục Tiểu học đã quy định, đòi hỏi phải xác định đúng mục tiêu, xây dựng kế hoạch phù hợp và có nhiều biện pháp linh hoạt nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục Tiểu học.
- Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và cụ thể hóa các quy định về phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Đưa các chỉ tiêu phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vào kế hoạch hàng năm của Đảng và Chính quyền các cấp.
- Quan tâm đầu tư các vùng có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế -xã hội.
- Trong quá trình quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi cần quan tâm đúng mức đến đối tượng trẻ em thất học hoặc chưa đi học. Tạo mọi điều kiện để tất cả trẻ em từ 6-11 tuổi ở tất cả mọi vùng đều được hoàn thành chương trình Tiểu học.
- Tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi.
b. Quản lý số lượng và chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học
Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi không những chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển về số lượng mà còn phải làm tốt việc nâng cao chất lượng.
Quản lý là nhằm thực hiện một chất lượng giáo dục Tiểu học với một số lượng phổ cập. Quản lý số lượng và chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi tập trung vào những nội dung sau :
- Quản lý việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, chú ý đúng mức trẻ bỏ học và chưa đi học.
- Quản lý việc thực hiện đa dạng hóa về chương trình, tài liệu và hình thức tổ chức lớp học, kế hoạch dạy học trên cơ sở đảm bảo mục tiêu thống nhất và đạt chất lượng theo yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng của bậc học trong giai đoạn mới.
- Quản lý việc nâng cao chất lượng đảm bảo trẻ học tập đạt kết quả cao, có sự phát triển tốt và đạt hiệu quả giáo dục theo quy định.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn lực cho giáo dục Tiểu học.
- Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá chất lượng theo hướng phù hợp với các hình thức dạy học Tiểu học, đảm bảo cho mọi trẻ em được đánh giá khách quan, chính xác và bình đẳng.
Trong sự nghiệp trồng người, người giáo viên có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng ; trong đó, trước hết phải kể đến giáo viên Tiểu học - những người xây nền móng cho tòa nhà giáo dục. Người giáo viên Tiểu học có vai trò có tính quyết định đối với kết quả và chất lượng dạy học. Họ thực sự là người giáo viên tổng thể, người tổ chức quá trình phát triển học sinh bằng phương pháp nhà trường.
Vì vậy để chuẩn bị cho trình độ dân trí mới của đất nước ta ở thế kỷ XXI, theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ; quá trình phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi cần phải quan tâm đúng mức việc quản lý đội ngũ, tập trung các yêu cầu sau :
- Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, loại hình và có chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ của giáo viên Tiểu học trong giai đoạn mới.
- Xây dựng, triển khai và mở rộng việc bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên Tiểu học ở tất cả các trường Tiểu học.
- Nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên Tiểu học, đặc biệt là đào tạo để chuẩn hóa trình độ Trung học sư phạm cho tất cả giáo viên Tiểu học, nhất là giáo viên ở vùng khó khăn. Bên cạnh hệ chuẩn quốc gia, hệ chuẩn của vùng và miền, cần đào tạo nhiều trình độ giáo viên ở bậc Tiểu học, ngoài việc đào tạo trình độ Trung học, có các trình độ Cao đẳng, Đại học và sau Đại học.
- Sắp xếp hợp lý mạng lưới đào tạo giáo viên Tiểu học trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, và trong hệ thống mạng lưới Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp.
- Nghiên cứu giải quyết một số vấn đề về chế độ chính sách đối với giáo viên Tiểu học, cải tiến cơ chế sử dụng và quản lý lao động của giáo viên, nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng, nhất là đối với giáo viên giỏi.
d. Quản lý tài chính, cơ sở vật chất
Tài chính, cơ sở vật chất là điều kiện đảm bảo cho các hoạt động của giáo dục được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đối với quá trình phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi tài chính và cơ sở vật chất đặc biệt càng có ý nghĩa quan trọng, vì nó góp phần thực hiện việc chuẩn hóa và hiện đại hóa trường sở, trang thiết bị giảng dạy, học tập. Công tác quản lý về tài chính và cơ sở vật chất cần đảm bảo những nội dung sau :
- Ngân sách Nhà nước là nguồn tài chính chủ yếu của giáo dục Tiểu học, quan tâm đầu tư cho phổ cập giáo dục Tiểu học với chất lượng cao ; ưu tiên đầu tư cho giáo dục Tiểu học để đạt được chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi. Huy động nhiều nguồn tài chính khác, kết hợp tốt các nguồn vốn trong và ngoài nước và sự đóng góp của xã hội cho phát triển giáo dục Tiểu học.
- Có kế hoạch cụ thể trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng thêm trường sở để đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, tăng số lượng học sinh Tiểu học học và hoạt động cả ngày tại trường, nâng tỷ lệ các trường được xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
- Tăng cường trang thiết bị phục vụ đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy bậc Tiểu học.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức phổ cập giáo dục Tiểu học, nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc tạo điều kiện để con em được đến trường học tập và học có chất lượng.
- Thực hiện đúng quy định Nhà nước trong xây dựng, sửa chữa, mua sắm, sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất, đồ dùng, phương tiện dạy và học.
e. Quản lý sự tham gia của các lực lượng xã hội
Giáo dục của đất nước ta trải qua nhiều thế kỷ và sự nghiệp giáo dục của nhân dân ta qua 50 năm dưới chính quyền cách mạng, luôn chứng tỏ đó là một sự nghiệp của toàn dân. Toàn dân tham gia giáo dục, toàn xã hội quan tâm đến giáo dục. Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi với những yêu cầu cao về tiến độ, quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đã đòi hỏi cần phải lôi cuốn được các lực lượng xã hội tham gia vì vai trò và trách nhiệm của từng lực lượng xã hội đó, vì sự cần thiết không thể thiếu được họ trong quá trình tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi.
Do đó, một trong những nội dung của quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi chính là, tổ chức sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục với các đoàn thể quần chúng, để vận động nhân dân tham gia phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi có hiệu quả.
Nói đến tổ chức sự phối hợp là nói đến cơ chế. Cơ chế là sự vận hành của các mối quan hệ, giữa các thành tố (bộ phận) trong một cấu trúc (tổ chức) nhằm đạt được hiệu quả của hoạt động.
- Các bộ phận ở đây chính là các lực lượng xã hội.
- Cấu trúc (tổ chức) ở đây là toàn bộ sự liên kết sư phạm - xã hội.
- Hiệu quả ở đây là hiệu quả của hoạt động phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi.
Để tạo được cơ chế phải coi trọng việc hoàn thiện từng bộ phận, hình thành các mối quan hệ giữa các bộ phận, các lực lượng xã hội. Việc cụ thể hóa sự vận hành của cơ chế phối hợp thường do một tổ chức điều hành chung tồn tại lâu dài hoặc nhất thời ; đó là Ban chỉ đạo xóa mù chữ - phổ cập giáo dục Tiểu học. Ngoài ra, còn có các tổ chức hỗ trợ như Hội đồng giáo dục, Hội cha mẹ học sinh ...
Cùng với việc vận dụng và hoàn thiện cơ chế phối hợp đòi hỏi phải có các biên pháp duy trì và củng cố sự phối hợp. Các biện pháp đó là : cùng tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động, thông tin đầy đủ để phối hợp chặt chẽ đồng bộ, cùng tổ chức thực hiện các giải pháp đã được kế hoạch hóa, cùng đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá ...
Trong quản lý sự tham gia của các lực lượng xã hội, cần chú trọng công tác tổ chức sự tham gia của các lực lượng xã hội để có thể tiến hành phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi với hiệu quả tốt nhất. Cụ thể như tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động, tham gia quá trình thực hiện kế hoạch, tham gia giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.
Tóm lại trong chương 1 của luận văn, chúng ta đã nghiên cứu các lĩnh vực mang tính chất lý luận của việc quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi với ý nghĩa của công tác này trong mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" ; chúng ta cũng đã đi sâu phân tích những cơ sở lý luận trong công tác quản lý, quản lý Giáo dục - Đào tạo và đặc biệt là các nội dung quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi như quản lý mục tiêu kế hoạch, quản lý số lượng và chất lượng, quản lý đội ngũ, quản lý tài chính, cơ sở vật chất, quản lý sự tham gia của các lực lượng xã hội. Đây là những cơ sở có tính định hướng cho việc nghiên cứu biện pháp quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vùng dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Trước khi đề ra các biện pháp cụ thể cho việc quản lý phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vùng dân tộc Khmer, chúng ta cần tìm hiểu về thực trạng của công tác này trong thời gian qua ở địa phương, với những thuận lợi, khó khăn cùng những mặt mạnh, những yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi với kết quả qua các thống kê, số liệu và công tác khảo sát trên địa bàn vùng dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG VỀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC ĐÚNG ĐỘ TUỔI VÀ QUẢN LÝ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC
ĐÚNG ĐỘ TUỔI VÙNG DÂN TỘC KHMER TỈNH TRÀ VINH