3.2.1.1. Bối cảnh phát triển
- Cơ hội
+ Tình hình kinh tế, chính trị xã hội ổn định tạo điều kiện trong hợp tác kinh doanh; môi trường pháp luật, kinh doanh ngày càng được hoàn thiện.
+ Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2453/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, ban hành Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là các văn bản quan trọng định hướng trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và hoạt động dịch vụ thẻ ngân hàng nói riêng.
+ Ngày 28/12/2012, Thống đốc NHNN VN đã ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, trong đó quy
định nguyên tắc thu phí, biểu khung phí theo lộ trình, tổ chức phát hành thẻ không được thu thêm phí ngoài biểu khung phí dịch vụ thẻ đã ban hành, đơn vị chấp nhận thẻ không được thu phí giao dịch tại POS đối với chủ thẻ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, góp phần nâng cao chấp lượng dịch vụ và phát triển bền vững; ban hành Thông tư số 36/2012/TT- NHNN quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động nhằm thực hiện song hành đồng bộ với Thông tư 35, qua đó tăng cường nghĩa vụ và trách nhiệm đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng ATM của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM và các đơn vị liên quan.
Việc ban hành kịp thời các chính sách của Chính phủ và NHNN đã giúp cho môi trường kinh doanh thẻ tại Việt Nam được thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại Việt Nam phát triển dịch vụ, đồng thời tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư
+ Sự xuất hiện của các tập đoàn bán lẻ, phân phối của nước ngoài và sự lớn mạnh của các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ trong nước như viễn thông, hàng không, ..tạo cơ hội phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, khuyến khích chủ thẻ sử dụng thẻ trong thanh toán hàng hóa dịch vụ.
+ Thu nhập của người dân ngày càng tăng (tính đến cuối năm 2012 thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là 1.600 USD/năm), tỷ lệ người dân mở và sử dụng tài khoản thanh toán qua ngân hàng còn khiêm tốn. Đây là cơ hội cho Agribank tiếp cận khách hàng mở và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
+ Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, internet và điện thoại di động ngày càng được sử dụng rộng rãi tạo điều kiện phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ thẻ.
- Thách thức
+ Hành lang pháp lý trong lĩnh vực thẻ đã được cải thiện nhiều, song vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ.
+ Khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới đã phần nào ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng, lạm phát, thất nghiệp tăng, giá cả leo thang, người dân hạn chế chi tiêu.
+ Thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, cộng với tâm lý ngại công khai tài chính của người dân là rào cản lớn trong việc đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
+ Tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Hiện nay, các ngân hàng không chỉ giành giật nhau về thị phần với các chính sách ưu đãi cho khách hàng và ĐVCNT, mà nguồn nhân lực cũng dễ dàng bị lôi kéo,thu hút bởi các đối thủ cạnh tranh.
+ Công nghệ thường xuyên được cải tiến dẫn đến chi phí để đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ là rất lớn.
+ Hoạt động trong lĩnh vực thẻ thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro do gian lận, giả mạo thẻ.
+ Hội nhập kinh tế quốc tế làm tăng số lượng các ngân hàng nước ngoài có
tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong nước nói chung và Agribank nói riêng.
3.2.1.2. Định hướng phát triển
Trên cơ sở những cơ hội và thách thức mà Agribank đang phải đối mặt, Agribank đã xác định định hướng phát triển nghiệp vụ thẻ như sau:
Agribank trở thành Ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực thẻ, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thẻ hướng đến khách hàng với chất lượng cao dựa trên các nguồn lực hiện có để tạo ra những giá trị lớn nhất cho người sử dụng cũng như Agribank.