Đa dạng hóa danh mục đầu tư tín dụng

Một phần của tài liệu 1335 rủi ro tín dụng tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam–chi nhánh huyện sơn hòa (Trang 92 - 94)

7. Kết cấu luận văn

3.2.4. Đa dạng hóa danh mục đầu tư tín dụng

Qua phân tích thực trạng hoạt động tín dụng tại Agribank-Chi nhánh Sơn Hòa đã cho thấy, để phân tán khả năng xảy ra rủi ro tín dụng khi ngân hàng chỉ tập trung vốn tín dụng vào một số lĩnh vực hoặc một số khách hàng thì nhất thiết Chi nhánh cần thiết lập một danh mục đầu tư tín dụng hợp lý. Danh mục phải đảm bảo phù hợp với định hướng chính sách của Nhà nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện trong từng thời kỳ, đồng thời phải đảm bảo các yếu tố: đa dạng hóa ngành nghề, khách hàng vay, yếu tố địa lý và loại hình cho vay; phù hợp xu hướng phát triển của thị trường; phù hợp quy mô, năng lực và khả năng kiểm soát rủi ro của Chi nhánh.

Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Tăng cường quan hệ với chính quyền địa phương, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế địa phương để có hướng đầu tư tín dụng phù hợp.

- Tập trung vào nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện Sơn Hòa và lợi thế so sánh của Agribank-Chi nhánh Sơn Hòa. Cụ thể, chủ trương của huyện Sơn Hòa hiện nay là “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại định hướng đến năm 2025”, việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi chính là mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp để hiện thực hóa chủ trương này. Phần lớn các dự án nông nghiệp công nghệ cao đều có điểm chung là vốn đầu tư lớn, thời gian dự án dài, tài sản bảo đảm chủ yếu là tài sản trên đất nông nghiệp. Đây cũng là những “nút thắt” khiến các ngân hàng ngại đầu tư cho lĩnh vực này, dẫn tới doanh nghiệp và người dân muốn làm nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng. Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cùng chung sứ mệnh với Agribank-Ngân hàng vì “Tam nông”, ra đời vì nông nghiệp, trưởng thành nhờ gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, Agribank-Chi nhánh Sơn Hòa cần bảo đảm cung cấp đủ vốn với lãi suất ưu đãi để phục vụ cho “tam nông”. Ưu tiên vốn và đẩy mạnh khai thác khách hàng để cho vay các lĩnh vực: tái canh cải tạo giống vật nuôi gia súc, cây trồng công nghệ cao, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay sản xuất hàng xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, v.v. Thực hiện tốt chương trình cho vay theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn và phát triển thêm khách hàng mới.

- Tìm kiếm và nắm bắt nhiều thông tin về khách hàng (khách hàng đang quan hệ tín dụng lẫn khách hàng tiềm năng) để đưa ra những quyết định đầu tư tín dụng chính xác, giảm thiểu rủi ro; ưu tiên cho vay đối với khách hàng có trụ sở chính trên địa bàn; phân cấp tín dụng và quy định giới hạn cho vay

theo địa giới hành chính đối với các đơn vị trực thuộc để tránh cho vay trùng lặp không kiểm soát được rủi ro tín dụng.

- Thường xuyên làm việc với các sở ban ngành có liên quan trên địa bàn huyện nắm bắt tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, xác định số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả để xây dựng kế hoạch tiếp cận mở rộng cho vay khách hàng doanh nghiệp nhằm nâng dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp theo định hướng của Agribank.

- Thực hiện phân nhóm và phân khúc khách hàng để phục vụ nhằm duy trì tốt quan hệ tín dụng với khách hàng cũ đồng thời phát triển khách hàng mới theo đúng định hướng.

- Tăng cường chuyển đổi cơ cấu dư nợ theo hướng tăng tỷ trọng cho vay trung dài hạn, cho vay thấu chỉ, cho vay tiêu dùng đời sống nhằm cải thiện lãi suất đầu ra, góp phần nâng cao năng lực tài chính cho chi nhánh.

Một phần của tài liệu 1335 rủi ro tín dụng tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam–chi nhánh huyện sơn hòa (Trang 92 - 94)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(107 trang)
w