Qua phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng cho thấy, yếu tố phân tích tín dụng đã có ảnh hưởng rất lớn chất lượng tín dụng tại Chi nhánh. Vì vậy Chi nhánh cần có giải pháp sau để giảm thiểu rủi ro đó là:
* về thẩm định khách hàng:
- Chủ động thu thập thông tin và thẩm định về khách hàng qua nhiều kênh: Phương tiện thông tin truyền thông (báo, đài, mạng Iternet...); CIC, thông tin do khách hàng cung cấp; thông tin do bạn hàng, đối tác của khách hàng cung cấp; các công ty/đơn vị cung cấp thông tin chuyên nghiệp, thông tin nội bộ... để đánh giá uy tín, năng lực và tư cách của người vay vốn hoặc người đại diện pháp nhân; tìm hiểu rõ tư cách đạo đức, trình độ và kinh nghiệm quản lý, các chức vụ đã trải qua, tác phong lãnh đạo và uy tín trong quan hệ với các ngân hàng cũng như các đối tác khác trong quá trình kinh doanh.
- Khi tiếp cận thông tin cần rà soát tính đầy đủ, hợp lệ, hợp pháp, phù hợp với thực tế hoạt động (phải kiểm chứng và đối chiếu thông tin) đảm bảo mức độ tin cậy; kịp thời phát hiện trường hợp khách hàng cố ý cung cấp hồ sơ, thông tin sai sự thật để lập phương án vay vốn, chiếm dụng vốn của ngân hàng.
- Thực hiện khảo sát thực tế để xác nhận cũng như cảm nhận thực tế về hoạt động của khách hàng thông qua đánh giá môi trường làm việc, quy mô
hoạt động, cơ sở vật chất và các ý kiến phản ảnh của cộng đồng về khách hàng (nếu có)...
- Tìm hiểu quan hệ của khách hàng với các TCTD, uy tín trong việc trả nợ, tài sản bảo đảm. Trường hợp khách hàng từng có nợ xấu tại các TCTD cần tìm hiểu rõ lý do và đánh giá ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng tại Chi nhánh.
* Về thẩm định tình hình sản xuất kinh doanh khách hàng:
- Lĩnh vực kinh doanh: Cần xem xét lĩnh vực kinh doanh của khách hàng đang có cơ hội phát triển tốt hay hạn chế/suy thoái; kinh nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực đó (thường được thể hiện bằng các hợp đồng đã thực hiện hoặc doanh số của hoạt động kinh doanh này), những ưu thế của khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh đó. Nếu là lĩnh vực kinh doanh mới cần phân tích kỹ về khả năng cạnh tranh, khả năng chiếm lĩnh thị trường hoặc khả năng bán hàng... của khách hàng vay vốn. Lưu ý các tiêu chí về chu kỳ ngành, tính thời vụ, các ảnh hưởng tiêu cực của pháp luật, chính sách tại thị trường tiêu thụ...
- Sản phẩm: Khách hàng sản xuất, kinh doanh mặt hàng gì, nhu cầu xã hội về loại mặt hàng đó tại thời điểm xem xét và có thể dự báo trong tương lai, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, kinh nghiệm của khách hàng trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó. Ưu thế của sản phẩm mà khách hàng đang kinh doanh so với các đối thủ khác như thế nào, kể cả phương thức bán hàng.
- Thị trường: Tìm hiểu các thị trường chính và đối tác của khách hàng, phương thức bán hàng và định hướng mở rộng thị trường trong tương lai, các hình thức hỗ trợ nhà phân phối, đại lý.
- Thiết bị, công nghệ: Đối với các doanh nghiệp sản xuất phải xem xét đến công nghệ sản xuất đang sử dụng thuộc loại công nghệ nào, những ưu nhược điểm của công nghệ đó, máy móc thiết bị ra sao có đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, của thị trường về mẫu mã, chất lượng, số lượng không.
- Khi đánh giá tình hình sản xuất của khách hàng phải so sánh với các doanh nghiệp khác cùng ngành để thấy được những điểm mạnh/điểm yếu, lợi thế/hạn chế so với các doanh nghiệp khác từ đó đánh giá khả năng phát triển của khách hàng trong thời gian tới.
* Về thẩm định tình hình tài chính, phương án dự án của khách hàng:
- Cần đánh giá mức độ tin cậy của báo cáo tài chính được sử dụng để phân tích tài chính của khách hàng. Đối với báo cáo tài chính được kiểm toán cần đánh giá uy tín của đơn vị kiểm toán, các ý kiến loại trừ của đơn vị kiểm toán (trọng yếu/ không trọng yếu). Điều chỉnh lại số liệu tại bảng cân đối kế toán theo ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có), làm cơ sở đánh giá tình hình tài chính của khách hàng.
- Khi phân tích báo cáo tài chính cần tập trung một số khoản mục như: Các khoản đầu tư tài chính, phải thu, hàng tồn kho, tài sản cố định, đầu tư dài hạn, chi phí chờ kết chuyển...; cần làm rõ việc hạch toán các khoản mục trên báo cáo tài chính không đúng bản chất làm thay đổi các chỉ tiêu tài chính như vốn lưu động ròng, hệ số thanh toán ...
- Phân tích luân chuyển dòng tiền: Cần chú trọng thực hiện phân tích luân chuyển dòng tiền vì đây là nội dung quan trọng, thông qua đó có thể đánh giá được chất lượng thu nhập mà doanh nghiệp tạo ra. Đối với doanh nghiệp SXKD đã ổn định nhiều năm, dòng tiền phản ánh rõ nét hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Dòng tiền từ hoạt động SXKD âm có thể do doanh nghiệp bán hàng kém nên doanh thu giảm, hàng tồn kho tăng lên nhanh hoặc có thể do thay đổi chính sách bán hàng (tăng bán hàng trả chậm) nên dòng tiền thu về từ doanh thu bán hàng giảm, phải thu tăng cao hoặc do chất lượng các khoản phải thu suy giảm... Do vậy, nếu dòng tiền từ SXKD âm liên tục nhiều năm cho thấy SXKD của doanh nghiệp gặp vấn đề rất lớn, trong trường hợp này cần phải có giải pháp để rút giảm nhanh dư nợ.
* về thẩm định tài sản bảo đảm:
- Việc nhận TSĐB phải được thực hiện đúng quy trình nhận TSĐB, thận trọng khi nhận các TSĐB là đất nông nghiệp, đất diện quy hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải đã qua sử dụng...
- Cần thẩm định kỹ thực trạng tài sản bảo đảm qua nhiều kênh thông tin, trong đó có kiểm tra thực tế, đặc biệt là các TSBĐ là nhà đất nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện phần tài sản trên đất; máy móc thiết bị; phương tiện vận tải... vì chỉ đánh giá qua hồ sơ có thể xảy ra trường hợp: không xác định được tài sản ở đâu, hiện trạng thực tế không phù hợp với thông tin khách hàng cung cấp, chất lượng TSBĐ suy giảm nhiều so với giá trị trên hồ sơ...
- Thực hiện định giá/định giá lại TSBĐ định đầy đủ, đặc biệt là các TSBĐ là máy móc thiết bị, phương tiện vận tài, tài sản gắn liền với đất có tính thanh khoản thấp...