Ngoài việc đưa ra những phương pháp để phòng ngừa, hạn chế rủi ro, trong công tác quản lý rủi ro tín dụng còn phải kiểm soát rủi ro ở mức cho phép (có thể chấp nhận được). Một biểu hiện về lượng trong rủi ro tín dụng là số dư nợ quá hạn, nợ xấu ngày càng cao. Bởi vậy, Chi nhánh cần phân tích và tìm biện pháp để xử lý nợ xấu, nợ quá hạn nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của Chi nhánh. Tùy theo từng nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng mà có những biện pháp thích hợp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng cũng như tạo điều kiện để ngân hàng thu hồi được vốn vay.
Chi nhánh cần duy trì và nâng cao hoạt động của Ban xử lý nợ với Giám đốc làm trưởng ban. Ban này có thể họp định kỳ theo tháng hoặc đột xuất để các phòng báo cáo, phân tích từng khoản nợ đưa ra hướng xử lý, kế hoạch xử lý trong tháng tiếp theo. Phân tích rõ nguyên nhân nợ quá hạn theo từng tiêu chí chủ quan, khách quan, phân loại nợ quá hạn có khả năng thu hồi, nợ quá hạn không có khả năng thu hồi một phần, nợ quá hạn không có khả năng thu hồi.
phương án xử lý nợ như sau: Đối với khách hàng khó khăn về tài chính, có thể áp dụng các biện pháp:
+ Biện pháp khai thác con nợ: Chủ yếu sử dụng khi khách hàng gặp rủi ro mà chưa cần đến cơ quan pháp luật xử lý. Ngân hàng tư vấn cho khách hàng đưa ra biện pháp tháo gỡ dần khó khăn, chuyển hướng sản xuất, tích cực thu hồi nợ, tiết kiệm chi phí, giải quyết hàng tồn đọng ... có thể giảm nợ hoặc cho thêm thời hạn hoặc có thể hạ lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ. Ngân hàng cũng có thể cho vay thêm để khách hàng tiếp tục thực hiện dự án để có tiền trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có mặt trái nên Chi nhánh cần đánh giá đúng và chính xác khả năng trả nợ của khách hàng sau này.
+ Ngân hàng tiếp tục bám sát khách hàng, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giải thích thuyết phục khách hàng hiểu để họ có thiện chí trả nợ số tiền còn vay ngân hàng, đồng thời cùng với ngân hàng xây dựng kế hoạch trả nợ cụ thể trong thời gian tới.
Nếu sử dụng hết các biện pháp nghiệp vụ của ngân hàng mà khách hàng vẫn không trả nợ thì chuẩn bị đủ hồ sơ pháp lý để khởi kiện ra toà, việc làm này sẽ có tác dụng đối với các khách hàng không có thiện chí trả nợ và mặt khác có tác dụng răn đe các khách hàng khác.
Do số lượng khách hàng nợ quá hạn tại Chi nhánh lớn mà số lượng cán bộ làm công tác xử lý nợ có hạn nên Chi nhánh nên tập trung xử lý nợ theo hướng các khoản nợ nào dễ Chi nhánh tập trung xử lý trước và đưa ra kế hoạch thực hiện trong từng tháng không nên giải quyết dàn trải kết quả đạt được sẽ không cao.
Đối với các khoản nợ Chi nhánh đang thực hiện bán tài sản qua cơ quan Thi hành án thì Chi nhánh cũng phải tích cực tìm kiếm người mua tài sản bằng cách: gửi thư cho tất cả các cán bộ để mỗi cán bộ Chi nhánh là một
tuyên truyền viên, ngoài ra có thể liên kết với ủy ban nhân dân phuờng xã để thực hiện truyền thông giúp bán nhanh tài sản để thu hồi nợ.